Giải tỏa nguồn vốn
Thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát là đúng nhưng cần liều lượng thế nào cho phù hợp để tránh phát sinh những hệ lụy như thất nghiệp, an sinh bất ổn.
Tăng dự trữ bắt buộc?
PGS-TS Trần Ngọc Thơ - Trưởng khoa Tài chính doanh nghiệp (ĐH Kinh tế TP.HCM), cho rằng các doanh nghiệp (DN) đang phải trả giá cho những yếu kém của nền kinh tế. Tuy nhiên Chính phủ (CP) lại không thể hỗ trợ DN trực tiếp hoặc chính sách tiền tệ cũng khó siết chặt thêm nữa nên cần phải kiên quyết thực hiện những giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát. Đặc biệt, việc cắt giảm đầu tư công càng phải thực thi quyết liệt hơn. Ngoài ra, việc thực hiện chính sách điều hành giá cả những mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện hiện nay cũng cần phải thận trọng vì tình hình khá nhạy cảm. CP phải đảm bảo bằng nhiều giải pháp để tạo niềm tin cho người dân về mức lạm phát kỳ vọng sẽ giảm xuống. Khi đó mới có thể kỳ vọng được mặt bằng lãi suất (LS) giảm theo.
DN cần được khơi thông nguồn vốn cho sản xuất
“Ít nhất CP phải cho DN thấy rõ kế hoạch sắp tới với hy vọng sáng sủa hơn thì mới lập ra được kế hoạch kinh doanh. Bởi tình hình như hiện nay DN vẫn phải theo kiểu ăn đong mỗi ngày vì không thể làm gì hơn”, PGS-TS Thơ nhấn mạnh.
Còn TS Hoàng Công Gia Khánh - Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng (ĐH Kinh tế Luật) thì cho rằng, nếu chính sách tiền tệ tiếp tục kéo dài thì nhiều DN sẽ đứng trên bờ vực phá sản. Trong khi đó, nguyên nhân sâu xa của lạm phát tại VN là bất ổn về cơ cấu kinh tế và không chỉ dựa duy nhất vào chính sách tiền tệ. Do vậy việc tái cấu trúc là cần thiết và trong đó phải cắt giảm đầu tư công mạnh mẽ. Trước mắt, theo TS Khánh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên bỏ quy định trần LS đầu vào của các NH. Thay vào đó, NHNN có thể áp dụng chính sách tăng dự trữ bắt buộc tiền đồng và sử dụng linh hoạt thị trường mở. Việc tăng dự trữ bắt buộc sẽ khiến cho NHNN có một khoản vốn khá lớn và có thể sử dụng làm công cụ bình ổn thị trường thông qua thị trường mở như bơm ngược lại cho những NH thiếu thanh khoản.
TS Khánh phân tích: Có thể phản ứng ban đầu sau việc tăng dự trữ bắt buộc là các NH tăng LS. Tuy nhiên, nếu NHNN đẩy mạnh cho vay trên thị trường mở thì LS qua đêm sẽ giảm xuống và dần dần các NH thương mại cũng bắt buộc phải giảm LS cho vay. Trong khi, nếu áp dụng biện pháp hành chính như quy định trần LS cho vay sẽ không thể kéo dài lâu. Hơn nữa khi dùng biện pháp hành chính các NH vẫn có thể lách như tăng thu các loại phí đối với DN và NHNN lại phải tăng cường công tác thanh tra giám sát.
Cơ cấu lại nguồn vốn
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, LS hiện nay quá cao và NHNN cần tính mức LS phù hợp tạo điều kiện để DN vượt khó trong giai đoạn này. “Làm sao điều chỉnh LS đầu vào ổn định đúng như tinh thần của CP, cộng với những chi phí đảm bảo trang trải hoạt động của NH thì chắc chắn không có lãi vay trên 20%. Với điều kiện quản lý mức đầu vào của huy động vốn và sắp xếp lại nguồn vốn, cơ cấu vốn như chỉ đạo trong Nghị quyết 11 và Thống đốc NHNN đã triển khai rồi. Phải cơ cấu nguồn vốn cho hợp lý, đảm bảo dành vốn cho sản xuất, có như vậy mới đáp ứng được vốn cho nhu cầu vay vốn của DN”, bà Hồng lý giải.
Theo bà Hồng, có hai vấn đề, một là nguồn vốn có đủ đáp ứng cho DN hay không, nếu nguồn vốn này đáp ứng đủ thì các NH không tranh giành nguồn với nhau thông qua việc tăng LS. Thứ hai là phải tăng kiểm tra kiểm soát, rà soát việc cơ cấu sắp xếp lại phần vốn vay, để dành vốn cho sản xuất. Khi có nguồn rồi sẽ không phải tăng áp lực huy động vốn vào, chắc chắn với LS huy động thấp NH có điều kiện cho vay với LS phù hợp hơn.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, kiềm chế tăng trưởng tín dụng là đúng nhưng lẽ ra nên áp dụng cho các DNNN. Còn những DN vừa và nhỏ, cần tạo điều kiện để họ tiếp cận vốn cho sản xuất, kinh doanh nhằm giải quyết việc làm, tạo giá trị cho xã hội. “Rõ ràng, không ai muốn thấy kinh tế đi xuống, các DN nhỏ đóng cửa hoặc sản xuất đình trệ cả. Trong khi, các DNNN vẫn chấp nhận vay mà không quan tâm đến LS cao như thế nào”, bà Lan phát biểu. Theo bà Lan, vai trò chủ đạo của DNNN chưa được khẳng định, trong khi lại sử dụng nguồn lực quá lớn và hiệu quả không cao. Nguồn vốn trong xã hội là hữu hạn, cho nên nếu đổ vào DNNN thì các DN nhỏ sẽ bị hụt. Vì thế, muốn hạ LS, trước hết tín dụng cho các DNNN phải được kiểm soát, không để cho những DN này “nhắm mắt” sử dụng tín dụng.
N.T.Tâm - M. Phương
THANH NIÊN
|