Chủ tịch SBS: Vụ môi giới Truyền thuộc trách nhiệm cá nhân
Nhiều thông tin cho rằng, cổ phiếu SBS của CTCP Chứng khoán Sacombank giảm sàn trong phiên cuối tuần trước, khi thị trường tăng điểm mạnh, là do sự cố nhân viên môi giới Lê Văn Truyền bị khởi tố liên quan đến vụ làm giá chứng khoán DHT. ĐTCK đã trao đổi với ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch HĐQT SBS về vụ việc này.
Sau khi một môi giới của SBS bị khởi tố thì hoạt động của Công ty có bị ảnh hưởng? Giá cổ phiếu SBS giảm sàn sau vụ việc này có phải lý do khiến các cán bộ lãnh đạo của SBS đồng loạt đăng ký mua vào cổ phiếu, thưa ông?
Hoạt động của SBS vẫn đang diễn ra bình thường sau vụ việc trên. Đây là vụ việc mang tính cá nhân chứ không liên quan đến Công ty. Còn việc cán bộ lãnh đạo đăng ký mua cổ phiếu của Công ty là do chúng tôi nhận thấy giá cổ phiếu đã nằm dưới giá trị thực so với cơ hội phát triển của doanh nghiệp trong tương lai và thể hiện sự đồng lòng của Ban lãnh đạo trong việc đưa Công ty vượt qua khó khăn.
Thưa ông, quan điểm của SBS về vụ việc môi giới Truyền bị khởi tố như thế nào?
Đây là vụ việc của cá nhân có liên quan đến làm giá chứng khoán, rất đáng tiếc. Có lẽ một phần là do sự chủ quan của nhân viên môi giới trong quá trình phục vụ khách hàng VIP, chứ SBS chưa phát hiện thấy có yếu tố vụ lợi cá nhân ở đây,mà cụ thể là việc nhận hoa hồng từ nhóm NĐT liên quan đến việc mua bán cổ phiếu DVD và DHT. SBS cũng không có chế độ trả hoa hồng cho môi giới đặt lệnh theo doanh thu.
Trong gần một năm qua, SBS luôn tích cực hợp tác với cơ quan điều tra và cung cấp đầy đủ tài liệu liên quan.
Có đúng là môi giới Truyền đã đặt lệnh ở các tài khoản do ông Lê Văn Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Dược Viễn Đông) yêu cầu, mà ông Dũng không được ủy quyền? Nếu như vậy, ít nhiều hệ thống kiểm soát nội bộ của Công ty cũng có liên quan?
Nhân viên môi giới Truyền đặt lệnh cho các tài khoản thuộc nhóm NĐT liên quan với ông Lê Văn Dũng thông qua hình thức nhận điện thoại từ ông Dũng và một số chủ tài khoản khác, sau đó nhân viên này tiến hành bổ sung sau các phiếu lệnh có xác nhận của chủ tài khoản. Trước đây, khi TTCK sôi động thì một nhân viên môi giới nhận lệnh của nhiều người ở nhiều tài khoản. Vì quy chế giao dịch không cho phép NĐT mở nhiều tài khoản, nên NĐT tìm cách mở nhiều tài khoản dưới nhiều tên.
Về phía CTCK, thời gian qua, căn cứ vào quy chế giao dịch hiện tại của hai sở GDCK, các công ty đã xây dựng quy trình kiểm tra, giám sát giao dịch dựa trên từng tài khoản độc lập, tập trung kiểm soát các lỗi mua - bán cùng phiên, mua - bán chứng khoán của những người có liên quan đến công ty, nghĩa vụ công bố thông tin… Sau này, khi có định nghĩa rõ hơn về thao túng chứng khoán, trong đó có nội dung nhóm NĐT liên quan sử dụng nhiều tài khoản mua - bán một loại cổ phiếu trong phiên, thì các CTCK xây dựng thêm quy trình giám sát cho các nhóm tài khoản có chung người được ủy quyền.
Theo ông, vụ việc này ảnh hưởng thế nào đến tâm lý nhân viên môi giới?
Tôi tin là sau việc này các nhân viên môi giới sẽ thận trọng hơn nhiều khi nhận lệnh của khách hàng. Các CTCK cũng phải xây dựng quy trình giám sát chặt chẽ hơn. Và giao dịch online sẽ phát triển để khách hàng tự chịu trách nhiệm về quyết định mua - bán của mình.
Thu Hương thực hiện
đầu tư chứng khoán
|