Thứ Bảy, 14/05/2011 10:28

“Hợp thức hóa” sự thờ ơ của cổ đông dưới góc nhìn pháp lý

Mùa ĐHCĐ năm nay, nhiều DN niêm yết đã trình ĐHCĐ sửa đổi điều lệ công ty để bổ sung nội dung "Các phiếu lấy ý kiến không gửi về công ty hoặc gửi về sau thời hạn đã định trong phiếu xin ý kiến được coi như đồng ý với nội dung xin ý kiến bằng văn bản".

Mục đích của việc bổ sung quy định này được giải thích là để giúp công ty có thể đạt được tỷ lệ đồng ý cần thiết khi gửi thư lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, tránh trường hợp cổ đông không thực hiện trách nhiệm của mình hoặc thư gửi không đến được cổ đông vì nhiều lý do.

Tuy nhiên, khoản 4, Điều 105 Luật Doanh nghiệp quy định về thể thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, đã nêu rõ: "Phiếu lấy ý kiến đã được trả lời phải có chữ ký của cổ đông là cá nhân, của người đại diện theo uỷ quyền hoặc người đại diện theo pháp luật của cổ đông là tổ chức. Phiếu lấy ý kiến gửi về công ty phải được đựng trong phong bì dán kín và không ai được quyền mở trước khi kiểm phiếu. Các phiếu lấy ý kiến gửi về công ty sau thời hạn đã xác định tại nội dung phiếu lấy ý kiến hoặc đã bị mở đều không hợp lệ". Điều 21 Điều lệ mẫu áp dụng cho các DN niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 15/2007/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng có quy định tương tự.

Như vậy, quy định "không phản hồi là đồng ý" mà nhiều công ty dự kiến đưa vào điều lệ không thể coi là hợp lệ. Ngoài lý do về mặt pháp lý, chúng tôi cũng đồng ý với một số quan điểm cho rằng, quy định như vậy lấy mất quyền biểu quyết của cổ đông. Vì nhiều lý do như sai địa chỉ, lỗi của dịch vụ chuyển phát thư, thậm chí cả lỗi chủ quan khác mà cổ đông có thể không nhận được thư để thực hiện quyền biểu quyết của mình.

Xem thêm quy định của Điều 104 Luật Doanh nghiệp, chúng ta thấy rằng, quy định lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua một nghị quyết về các vấn đề thuộc thẩm quyền của ĐHCĐ được quy định rất chặt chẽ.

Trước tiên, những vấn đề quan trọng đối với công ty như sửa đổi, bổ sung điều lệ, chào bán cổ phần… chỉ được lấy ý kiến bằng văn bản để thông qua nếu điều lệ có quy định cho phép lấy ý kiến bằng văn bản.

Thứ hai, khi lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản thì quyết định của ĐHCĐ chỉ được thông qua khi có số cổ đông đại diện ít nhất 75% tổng số phiếu có quyền biểu quyết chấp thuận (khoản 5 Điều 104 Luật Doanh nghiệp). So với quy định về tỷ lệ thông qua quyết định của ĐHCĐ tại cuộc họp, rõ ràng quy định này đòi hỏi tỷ lệ cổ đông đồng ý thông qua cao hơn rất nhiều.

Các vấn đề biểu quyết tại một cuộc họp ĐHCĐ trực tiếp chỉ cần 65% (hoặc 75% đối với một số vấn đề quan trọng) tổng số phiếu có quyền biểu quyết của cổ đông dự họp chấp thuận, mà tỷ lệ cổ phần dự họp tối thiểu là 65% vốn điều lệ mà thôi. Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp cũng quy định trình tự, thủ tục lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản rất chặt chẽ ở Điều 105 luật này.

Người viết cho rằng, mục đích ràng buộc của các quy định này chính là để bảo vệ quyền được cung cấp thông tin và biểu quyết của cổ đông. Cổ đông khi biểu quyết qua thư lấy ý kiến bằng văn bản không có cơ hội trao đổi trực tiếp tìm hiểu thêm thông tin và chất vấn công ty về vấn đề được đưa ra biểu quyết, ngoài những thông tin được cung cấp theo thư lấy ý kiến. Đó cũng là lý do Điều 97 Luật Doanh nghiệp và Điều 19 Điều lệ mẫu áp dụng cho các công ty niêm yết quy định, cuộc họp ĐHCĐ thường niên phải được họp trực tiếp, không được tổ chức dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản.

Tuy nhiên, CTCP cũng có lý do để lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản thay vì tổ chức họp trực tiếp. Lý do dễ thấy nhất là để tiết kiệm chi phí tổ chức cuộc họp. Tiết kiệm thời gian cũng là một lý do, nhưng đối với công ty niêm yết thì thời gian lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản không ngắn hơn thời gian cần thiết để tổ chức một cuộc họp ĐHCĐ. Công ty niêm yết cũng phải qua các bước chốt danh sách cổ đông dự họp, gửi thư lấy ý kiến và chờ cổ đông phản hồi.

Với quy định hiện hành của Luật Doanh nghiệp và mục tiêu bảo vệ quyền của cổ đông, người viết cho rằng, CTCP nên hạn chế lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, trong trường hợp phải thực hiện thì cần chủ động liên hệ với cổ đông để nhận phiếu biểu quyết. Ngoài ra, công ty cũng nên cân nhắc khả năng thành công trước khi quyết định lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản hoặc tổ chức đại hội trực tiếp.

Về lâu dài, cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét mở rộng khả năng cho công ty tự quyết các hình thức biểu quyết khác như biểu quyết qua trang web của công ty với chứng thực bằng chữ ký số… TTCK phát triển và mức độ đại chúng hoá của nhiều công ty niêm yết đã rất cao, trình độ và hiểu biết của nhà đầu tư cũng đã thay đổi nhiều, nên việc sửa đổi các quy định của Luật Doanh nghiệp liên quan đến tỷ lệ tối thiểu để tổ chức cuộc họp ĐHCĐ, thể thức lấy ý kiến bằng văn bản cần được điều chỉnh để CTCP không phải đối phó với "sự thời ơ" của cổ đông.

“Không nên quá lạm dụng việc họp bằng văn bản”

Luật sư Trần Vũ Hải, Trưởng văn phòng luật sư Trần Vũ Hải

Theo tôi, ngày cả khi DN có đưa nội dung "Các phiếu lấy ý kiến không gửi về công ty hoặc gửi về sau thời hạn đã định trong phiếu xin ý kiến được coi như đồng ý với nội dung xin ý kiến bằng văn bản" vào điều lệ công ty đi chăng nữa thì vẫn không thể coi là hợp lệ. Vì thực tế, phiếu lấy ý kiến không gửi về được xem là hành vi không bỏ phiếu, mà quyền không bỏ phiếu cũng là một trong những quyền của cổ đông. Do đó, trong trường hợp này, kết quả cuối cũng chỉ nên tính trên lượng phiếu biểu quyết nhận được. Thực tế, Luật Doanh nghiệp cũng đã hạn chế bớt tình trạng lạm dụng hình thức lấy ý kiến bằng văn bản khi quy định DN phải tổ chức trực tiếp ĐHCĐ thường niên hàng năm và họp qua lấy ý kiến bằng văn bản trong phạm vi nhất định (đối với một số nội dung), do đó DN không nên quá lạm dụng việc họp bằng hình thức này. Tôi nghĩ, đối với DN niêm yết, cơ quan quản lý, mà ở đây là UBCK cần bác ngay những bản điều lệ của DN có quy định nội dung trên.

“UBCK cần sớm lên tiếng về việc này”

Bà Ngô Thị Thu Hà, Đoàn luật sư Yên Bái

Điều 105 Luật Doanh nghiệp về thể thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản đã nêu rõ: "Phiếu lấy ý kiến đã được trả lời phải có chữ ký của cổ đông là cá nhân, của người đại diện theo uỷ quyền hoặc người đại diện theo pháp luật của cổ đông là tổ chức. Phiếu lấy ý kiến gửi về công ty phải được đựng trong phong bì dán kín và không ai được quyền mở trước khi kiểm phiếu. Các phiếu lấy ý kiến gửi về công ty sau thời hạn đã xác định tại nội dung phiếu lấy ý kiến hoặc đã bị mở đều không hợp lệ". Như vậy, không thể coi "Các phiếu lấy ý kiến không gửi về công ty hoặc gửi về sau thời hạn đã định trong phiếu xin ý kiến được coi như đồng ý với nội dung xin ý kiến bằng văn bản". Điều lệ công ty mà trái luật thì không có giá trị thực thi. Tôi từng thấy UBCK phủ quyết việc tăng vốn được thông qua tại một số DN vì việc xin ý kiến bằng văn bản chưa hợp lệ. Nay không biết nếu DN bổ sung nội dung kể trên vào điều lệ thì việc xin ý kiến như trên của DN có còn bị phủ quyết nữa hay không? UBCK cần sớm lên tiếng về việc này.

Triệu Kim

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   NDN: Chốt quyền dự ĐHĐCĐ thường niên 2011 (13/05/2011)

>   Quản trị công ty yếu, làm sao giữ chân dòng vốn FII? (13/05/2011)

>   VNG: 08/06 chốt quyền tham dự ĐHĐCĐ bất thường  (12/05/2011)

>   HPG không dễ chiếm cổ phần chi phối tại Thép Thạch Khê (08/05/2011)

>   BHT: Dấu hỏi về phương án phát hành (06/05/2011)

>   Nhiều doanh nghiệp bất động sản phải “cắt đuôi” Dầu khí (06/05/2011)

>   Doanh nghiệp “hợp thức hóa” sự thờ ơ của cổ đông (06/05/2011)

>   VNPT và SAM - Ai cần ai? (05/05/2011)

>   GDR: Kênh vốn mới (05/05/2011)

>   Doanh nghiệp chỉ làm PR là chưa đủ (26/05/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật