Thứ Sáu, 06/05/2011 17:51

BHT: Dấu hỏi về phương án phát hành

Từ đầu tháng 3, NTL liên tục công bố thông tin mua tới gần 20% vốn điều lệ của BHT

Phương án phát hành 20 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu chuyển đổi cho Agriseco (AGR) của BHT để tăng vốn điều lệ thêm 76,92% sau 1 năm đang tạo ra dấu hỏi cho nhiều người.

Từ mức đỉnh 37.900 đồng/CP, giá cổ phiếu BHT của CTCP Đầu tư xây dựng Bạch Đằng TMC đã liên tục giảm, đóng cửa ngày 6/5 còn 25.000 đồng/CP. Do trước đó có xu hướng tăng mạnh nên cổ phiếu BHT điều chỉnh giảm có vẻ hợp lý, nhất là khi Công ty lỗ 104 triệu đồng trong quý I. Tuy nhiên, một nguyên nhân khác có thể là do ngày 20/4, ĐHCĐ của BHT đã thông qua phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi, theo đó Công ty sẽ tăng tới 76,92% vốn điều lệ sau 1 năm.

Theo phương án phát hành, BHT sẽ thực hiện chào bán tối đa 20 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu chuyển đổi, với kỳ hạn tối thiểu 1 năm, lãi suất 12%/năm hoặc không cao hơn lãi suất huy động tối đa được niêm yết tại các NHTM Việt Nam. Đối tượng của đợt chào bán là CTCP Chứng khoán Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agriseco), với giá chuyển đổi là 10.000 đồng/CP.

Tại thời điểm phương án trên được thông qua, giá cổ phiếu BHT được giao dịch ở mức 33.000 đồng/CP, giá trị sổ sách mỗi cổ phiếu là 12.430 đồng. Với phương án phát hành trên, các cổ đông của BHT đã "nhường" cho đối tác chiến lược là Agriseco quyền mua 20 tỷ đồng mệnh giá cổ phiếu (trên vốn điều lệ hiện tại 26 tỷ đồng) trong 1 năm tới với mức giá 10.000 đồng/CP, tức được chiết khấu giá thị trường tới 69,7% giá hiện tại. Trong khi đó, điều kiện chỉ là Agriseco cho BHT "vay" 20 tỷ đồng trong 1 năm, với mức lãi suất 12%.

Năm tài chính 2010, BHT chi trả cổ tức tỷ lệ 10% vốn điều lệ. Năm 2011, Công ty dự kiến chi trả cổ tức tỷ lệ 18% vốn điều lệ. Với mức giá cổ phiếu hiện tại 25.000 đồng/CP thì lợi tức năm 2011 của NĐT là 7,2%, thấp hơn nhiều so với quyền lợi mà đối tác chiến lược Agriseco được hưởng (hưởng lãi suất 12%, quyền chuyển đổi thành cổ phiếu với giá 10.000 đồng/CP). Vậy tại sao BHT lại đưa ra phương án này và được các cổ đông thông qua?

Luật Doanh nghiệp quy định, việc chào bán cổ phần trước hết phải ưu tiên cho cổ đông hiện hữu, sau đó mới đến đối tác bên ngoài. Vậy nhưng, BHT lại chọn phương án khác, phát hành một công cụ lưỡng tính - trái phiếu chuyển đổi dành cho 1 đối tác tài chính. Phương án này được gần 80% cổ đông có mặt tại đại hội đồng ý thông qua, liệu có phải do cổ đông BHT đã không có thời gian suy nghĩ thấu đáo (BHT không đề cập đến thông tin về việc phát hành trái phiếu chuyển đổi khi gửi tài liệu nội dung họp cho cổ đông), hay bởi còn nguyên nhân nào khác?

Từ đầu tháng 3, cổ phiếu BHT xuất hiện các giao dịch thỏa thuận và khá trùng với tiến trình trở thành cổ đông lớn của NTL và ông Đinh Quang Chiến (người có liên quan với NTL, hiện là cổ đông lớn của BHT). Tại thời điểm chốt danh sách cổ đông hưởng quyền tham dự họp ĐHCĐ của BHT ngày 23/3, ông Đinh Quang Chiến sở hữu 142.600 cổ phiếu BHT, tương đương 5,48% vốn điều lệ. Hiện sở hữu của NTL đã lên tới gần 20% vốn điều lệ BHT và nếu việc đăng ký mua 149.000 cổ phiếu BHT trong tháng 5, 6 thành công, sở hữu của NTL tại BHT sẽ lên con số gần 25% vốn điều lệ.

Tại thời điểm nghị quyết ĐHCĐ của BHT được thông qua, cổ đông lớn NTL không được tham dự, vì không có tên trong danh sách cổ đông tại thời điểm chốt trước đó.

Có ý kiến cho rằng, đây là phương án mà Ban lãnh đạo DN đưa ra nhằm chống lại khả năng bị CTCP Phát triển Đô thị Từ Liêm (NTL) thâu tóm. Thực tế, từ đầu tháng 3, NTL liên tục công bố thông tin mua và đã sở hữu tới gần 20% vốn điều lệ của BHT, dự kiến tăng mức sở hữu lên gần 25% trong thời gian tới. Nếu BHT phát hành trái phiếu chuyển đổi cho đối tác chiến lược thành công thì có thể làm giảm đi khả năng thâu mua để đạt tỷ lệ sở hữu lớn tại Công ty của NTL.

Ngoài khả năng phát hành trái phiếu chuyển đổi để chống lại nguy cơ bị thâu tóm, theo Giám đốc phân tích của một CTCK, việc BHT lựa chọn thời điểm phát hành trong quý II có thể còn nhằm mục đích đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho đợt phát hành. Nếu phát hành được trong quý II, BHT sẽ không cần nộp hồ sơ lên cơ quan quản lý để xin phép, mà chỉ cần thực hiện thủ tục thông báo và trái phiếu chuyển đổi không bị hạn chế chuyển nhượng. Nhưng nếu để đến sau 1/7/2011, khi Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thì việc phát hành trái phiếu chuyển đổi sẽ khá phức tạp, không những thế trái phiếu chuyển đổi khi phát hành riêng lẻ còn bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.

Liên quan đến Agirseco, đối tác chính trong phương án phát hành của BHT, điều mà thị trường băn khoăn là Agriseco liệu có thể là cổ đông thực sự của BHT sau 1 năm hay không? Bởi lẽ, nếu Agirseco thực hiện mua trái phiếu đúng như dự kiến, trong khi BHT không đưa ra kế hoạch phát hành tăng vốn nào khác, thì sau khi chuyển đổi, tỷ lệ sở hữu của Agriseco tại BHT sẽ lên tới gần 43,48%. Tỷ lệ này là vượt quy định về giới hạn đầu tư của một CTCK.

Bùi Sưởng

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   Nhiều doanh nghiệp bất động sản phải “cắt đuôi” Dầu khí (06/05/2011)

>   Doanh nghiệp “hợp thức hóa” sự thờ ơ của cổ đông (06/05/2011)

>   VNPT và SAM - Ai cần ai? (05/05/2011)

>   GDR: Kênh vốn mới (05/05/2011)

>   Doanh nghiệp chỉ làm PR là chưa đủ (26/05/2010)

>   Quan hệ nhà đầu tư: Bí quyết tăng giá trị doanh nghiệp (14/06/2010)

>   VES bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 06/05 (04/05/2011)

>   Khai thác mỏ thép Thạch Khê: Hoà Phát, TKV đều muốn thêm quyền sở hữu (04/05/2011)

>   Thép Thạch Khê sắp có cổ đông mới (04/05/2011)

>   HAG: Fitch duy trì xếp hạng tín nhiệm dài hạn ở mức "B" với triển vọng ổn định (04/05/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật