Thứ Năm, 05/05/2011 11:17

GDR: Kênh vốn mới

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã huy động thành công 60 triệu USD qua GDR, mở ra hình thức huy động vốn mới cho doanh nghiệp Việt Nam.

Cuối tháng 3.2011, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) chính thức công bố việc niêm yết và giao dịch 24,3 triệu chứng chỉ lưu ký toàn cầu (GDR) tại Sở Giao dịch Chứng khoán London (LSE), thay vì chọn con đường niêm yết trực tiếp ở nước ngoài. Điều đáng nói là HAG đã huy động được 60 triệu USD qua đợt phát hành này và thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư quốc tế.

Thành công của HAG đã tạo động lực cho các doanh nghiệp khác trong việc tìm vốn ở nước ngoài qua hình thức này. Ngày 23.4 vừa qua, Đại hội cổ đông thường niên của Công ty Cổ phần Kinh Đô (HOSE: KDC) cũng đã thông qua kế hoạch phát hành chứng chỉ GDR và tiến tới niêm yết trên LSE. Nếu thành công, KDC sẽ là doanh nghiệp Việt Nam thứ 2 niêm yết GDR trên LSE sau HAG.

Khả thi với GDR

So với hình thức niêm yết trực tiếp nước ngoài, việc phát hành chứng chỉ GDR không đòi hỏi quá nhiều thủ tục và doanh nghiệp không buộc phải tuân thủ các quy định sau niêm yết như báo cáo kế toán, luật quản trị công ty. Vì thế, ông Hồ Quốc Tuấn, nghiên cứu sinh tiến sĩ, Đại học Manchester (Anh), nhận định, phát hành GDR là phương thức huy động vốn vừa sức với doanh nghiệp Việt Nam.

Hình thức huy động vốn qua GDR còn giúp khắc phục những khác biệt về hệ thống lưu ký, thanh toán, chuẩn mực kế toán, quy trình công bố thông tin, những đặc thù về cổ phiếu (như quy định mệnh giá) giữa các thị trường.

Muốn huy động vốn trên thị trường nước ngoài, doanh nghiệp chỉ cần liên hệ với một ngân hàng lưu ký để ký kết thỏa thuận lưu ký cổ phiếu. Chẳng hạn, HAG đã chào bán riêng lẻ 16,2 triệu cổ phiếu cho ngân hàng lưu ký là Deutsche Bank Trust Company Americas. Trên cơ sở số cổ phiếu này cộng với 8,1 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu (tỉ lệ 2:1, ngày 26.1.2011), Deutsche Bank Trust Company Americas đã phát hành 24,3 triệu chứng chỉ GDR của HAG. Số chứng chỉ lưu ký này được bán cho nhà đầu tư ở nước ngoài, sau đó được đem niêm yết, giao dịch trên thị trường thứ cấp. Trong trường hợp của HAG, GDR đã được niêm yết trên thị trường Professional Securities Market (PSM) của LSE.

Như vậy, phát hành GDR đã giúp doanh nghiệp linh hoạt trong huy động vốn. Đó cũng là lý do để HAG quyết định đi đường vòng trong việc gọi vốn quốc tế.

Tuy nhiên, là doanh nghiệp tiên phong, nên HAG phải mất gần 2 năm trong việc triển khai các thủ tục phát hành và niêm yết GDR cũng như chọn ngân hàng lưu ký, chọn công ty chứng khoán nước ngoài, nhà tư vấn luật, tư vấn cấu trúc doanh nghiệp, tìm kiếm nhà đầu tư.

“Cái gì mới, làm lần đầu cũng khó khăn. Nhưng đối với các doanh nghiệp tiếp theo sau HAG, quá trình chuẩn bị có thể được rút ngắn chỉ còn vài tháng, vì các bước thực hiện đã có sẵn và nhà đầu tư nước ngoài cũng đã hiểu về thị trường Việt Nam qua đợt phát hành GDR của HAG”, ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch Công ty Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (HOSE: SBS), đơn vị tư vấn phát hành GDR, cho biết.

Thêm một thuận lợi nữa cho doanh nghiệp muốn phát hành GDR là Luật Chứng khoán mới có hiệu lực từ 1.7.2011 và các văn bản hướng dẫn đã có những quy định về niêm yết cổ phiếu doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài. Tất cả hứa hẹn tạo hành lang pháp lý cho hoạt động gọi vốn quốc tế của doanh nghiệp.

Kén chọn doanh nghiệp

Các điều kiện và cơ hội cho việc phát hành GDR đã rõ ràng. Tuy nhiên, đây không phải là kênh gọi vốn dành cho mọi doanh nghiệp. Theo ông Ngô Quảng Phú, Phó Tổng Giám đốc SBS, người trực tiếp tham gia tư vấn phát hành GDR cho HAG, “muốn phát hành GDR, doanh nghiệp phải hoạt động hiệu quả, tiềm năng rõ ràng, bộ máy quản lý chuyên nghiệp và thông tin minh bạch”. Nói cách khác, doanh nghiệp muốn gọi vốn lớn cũng phải có quy mô vốn nhất định và có triển vọng kinh doanh tương xứng.

HAG huy động thành công được 60 triệu USD qua GDR trước hết là nhờ tập đoàn này đang đầu tư nhiều dự án lớn tiềm năng. Theo ông Võ Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc của HAG, nhà đầu tư nước ngoài ít quan tâm đến mảng bất động sản của HAG. Họ mua GDR của HAG chủ yếu vì nhìn thấy triển vọng dài hạn ở các dự án cao su, thủy điện, khai khoáng của Tập đoàn. Đây cũng là lý do để SBS đưa ra nhận định, phát hành GDR chỉ thích hợp với những doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực như nông nghiệp, thực phẩm, bán lẻ, tiêu dùng.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp muốn phát hành GDR là thông tin công bố trước nhà đầu tư phải được các định chế tài chính chuyên nghiệp thẩm định. Chỉ riêng việc thuyết phục các định chế lớn (gồm Deutsche Bank, Bank of New York Mellon, JP Morgan, Citibank) chịu đứng ra làm ngân hàng lưu ký GDR cũng đã là một thách thức. Vì thế, “công ty nào vượt qua được vòng thẩm định của các tổ chức này là rất đáng tự hào và có khả năng trở thành doanh nghiệp tầm cỡ, vươn ra khỏi lãnh thổ Việt Nam” ông Nam, SBS, nói.

Ngoài việc tìm kiếm ngân hàng lưu ký, doanh nghiệp còn phải nhờ đến dịch vụ tư vấn nghiệp vụ, tư vấn pháp lý của các công ty trong và ngoài nước. Đơn cử, HAG đã nhờ sự hỗ trợ của các đơn vị như Elara Capital (Ấn Độ), Mayer Brown International LLP (Mỹ). Do đó, dù không thể tiết lộ con số cụ thể nhưng SBS cho biết là khá tốn kém.

Hơn nữa, không phải phát hành, niêm yết xong GDR là hết việc. Ông Tuấn, Đại học Manchester (Anh), cho biết, sắp tới HAG sẽ phải tất bật hơn vì phải tuân thủ một số nghĩa vụ về báo cáo thông tin, báo cáo các vấn đề liên quan đến giao dịch, báo cáo thường niên trên cả 2 sàn TP.HCM và London. Chưa hết, có thêm cổ đông là nhà đầu tư quốc tế, HAG phải tính đến sự phức tạp trong quan hệ cổ đông.

Đặc biệt, để đảm bảo GDR của doanh nghiệp được giao dịch sôi động, không ảnh hưởng đến những đợt phát hành tiếp theo, HAG phải làm tốt công tác marketing, chú ý hình ảnh và hiệu quả kinh doanh sao cho các nhà đầu tư quốc tế luôn chú ý đến GDR của Công ty.

Thủy Diệu

nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp chỉ làm PR là chưa đủ (26/05/2010)

>   Quan hệ nhà đầu tư: Bí quyết tăng giá trị doanh nghiệp (14/06/2010)

>   VES bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 06/05 (04/05/2011)

>   Khai thác mỏ thép Thạch Khê: Hoà Phát, TKV đều muốn thêm quyền sở hữu (04/05/2011)

>   Thép Thạch Khê sắp có cổ đông mới (04/05/2011)

>   HAG: Fitch duy trì xếp hạng tín nhiệm dài hạn ở mức "B" với triển vọng ổn định (04/05/2011)

>   Hình thức với cổ đông (04/05/2011)

>   CTCK “vắt óc” tìm chiến lược (02/05/2011)

>   Kỳ 1: Muôn hình vạn trạng (02/05/2011)

>   “Săn” công ty quản lý quỹ (30/04/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật