Thứ Bảy, 30/04/2011 16:06

“Săn” công ty quản lý quỹ

“Đang cần mua gấp “licence” (giấy phép) của CTCK, công ty quản lý quỹ giá cao, ai có liên hệ gấp…”, “cần mua bán công ty quản lý quỹ vốn điều lệ 30 tỷ đồng”… là những lời rao đang xuất hiện nhiều trên mạng. Vì sao các công ty quản lý quỹ (QLQ) hiện không có nhiều lợi thế kinh doanh (không được ưu đãi thuế, bị kiểm soát chặt hoạt động kinh doanh bởi ngân hàng giám sát và UBCK…) lại được các NĐT tìm mua?

Sôi động

Tháng 3/2011, HĐQT CTCK Hòa Bình (HBS) đã thông qua phương án đầu tư, góp vốn vào Công ty QLQ  An Phú với tỷ lệ góp 51% vốn điều lệ công ty này. Nguồn vốn đầu tư vào An Phú lấy từ vốn chủ sở hữu của HBS và tổng giá trị đầu tư, góp vốn không vượt quá 20% tổng tài sản của HBS tại thời điểm báo cáo tài chính gần nhất. Công ty QLQ An Phú có vốn điều lệ 25 tỷ đồng, thành lập từ cuối năm 2006.

Một giao dịch khác đã hoàn thành đến 99% là Maritime Bank mua cổ phần của Công ty QLQ Tín Phát. Mọi thủ tục đang được hoàn tất và DN sẽ sớm được đổi tên trong thời gian tới. Quỹ Tín Phát được thành lập tháng 7/2008 với số vốn 26 tỷ đồng chủ yếu do các cá nhân góp vốn. Tuy nhiên, giá bán lại trong giao dịch trên thấp hơn nhiều so với vốn góp.

Theo số liệu của UBCK, đến nay đã có 47 công ty QLQ đang hoạt động với số vốn điều lệ 2.100 tỷ đồng, quản lý tổng tài sản trên 100.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó là 23 quỹ đầu tư chứng khoán, với vốn góp 13.300 tỷ đồng và 31 văn phòng đại diện đang hoạt động. Doanh thu ước tính năm 2010 của các công ty QLQ khoảng 600 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt trên 200 tỷ đồng.

Nguồn: UBCK

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Hoàng Minh Sơn, Tổng giám đốc CTCP OTC Việt Nam cho hay, gần đây Sanotc.com cũng ghi nhận một số nhu cầu tìm mua công ty QLQ với yêu cầu công ty có vốn điều lệ nhỏ (dưới 40 tỷ đồng), tình hình tài chính lành mạnh. Nếu đã đầu tư trên thị trường thì sẽ đàm phán chiết khấu các khoản đầu tư, bởi thị trường hiện đã giảm nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, giao dịch thành công cũng không nhiều do người bán và người mua không gặp nhau về giá.

Đầu tư cho dài hạn

Ông Phan Xuân Cần, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Việt Nam kể lại, năm 2008 có 3 công ty QLQ muốn bán cổ phần. Thời điểm đó, việc huy động vốn khó khăn, trong khi UBCK yêu cầu các công ty QLQ phải tăng vốn lên tối thiểu lên 25 tỷ đồng. Mặt khác, các cổ đông góp vốn không có nhiều kinh nghiệm trong huy động vốn và đầu tư mà chỉ có khả năng lo thủ tục thành lập, sau một thời gian hoạt động khó khăn nên muốn bán. Bối cảnh khủng hoảng tài chính năm 2008 khiến cả 3 DN chào bán đều không có người mua. Tuy nhiên, đến cuối năm 2010 và đầu năm 2011, số NĐT tìm mua công ty QLQ lại tăng lên do giấy phép thành lập loại hình DN này khó khăn, NĐT kỳ vọng thông qua quỹ có thể gọi được vốn. Những giao dịch thành công chủ yếu đến từ phía mua là các ngân hàng và bên bán là DN có vốn góp của các NĐT cá nhân.

Ông Nguyễn Huy Dương, Phó tổng giám đốc HBS cho rằng, hoạt động của công ty QLQ có nhiều mảng chuyên sâu và phát triển về lâu dài. Tới đây, khi Luật Chứng khoán sửa đổi có hiệu lực, công ty QLQ sẽ được bổ sung thêm các chức năng kinh doanh khác. Việc mua thâu tóm công ty QLQ vào thời điểm này của các CTCK hoặc NĐT tổ chức là nhắm đến dài hạn.

Giải thích về việc tìm mua loại hình công ty QLQ, ông Nguyễn Thế Minh, Tổng giám đốc CTCK Maritime Bank (MS1) cho biết, mỗi công ty hoạt động một ngành nghề chuyên biệt và phải tuân thủ theo quy định riêng của pháp luật. Do đó, một tập đoàn tài chính cần có nhiều lĩnh vực để khi thị trường hồi phục có đủ “công cụ” kinh doanh. Mặt khác, hiện cơ quan quản lý chưa nhận lại hồ sơ cấp phép thành lập công ty QLQ (cùng với CTCK), trong khi giá trị của Công ty QLQ đã giảm nhiều sau thời gian hoạt động khó khăn, nên việc mua lại công ty là giải pháp hiệu quả.

Theo Dự thảo Nghị định thi hành Luật Chứng khoán sửa đổi bổ sung, công ty QLQ sẽ được bổ sung thêm nhiều nghiệp vụ như thành lập công ty đầu tư chứng khoán, việc đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng của công ty đầu tư chứng khoán đại chúng do công ty QLQ thực hiện. Công ty QLQ sẽ được huy động và quản lý quỹ đầu tư bất động sản. Được triển khai sản phẩm mới có lẽ là động lực chính khiến các NĐT “săn tìm” công ty QLQ trong bối cảnh hiện nay.

Thanh Đoàn

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Sản xuất còng lưng “nuôi” ngân hàng (29/04/2011)

>   QCC vào diện cảnh báo kể từ ngày 29/04 (28/04/2011)

>   HNM rơi vào diện cảnh báo từ 25/04 do lỗ gần 22 tỷ đồng (28/04/2011)

>   ĐHĐCĐ: Trực tuyến chưa thể thay trực tiếp (27/04/2011)

>   Khi doanh nghiệp niêm yết “dỗi” (26/04/2011)

>   MHC: Giao dịch trở lại sau 20 ngày tạm ngừng (25/04/2011)

>   Hơn 40% doanh nghiệp chưa họp ĐHĐCĐ thường niên (25/04/2011)

>   5 thông tin được cổ đông quan tâm nhất (23/04/2011)

>   DN nên đầu tư nhiều hơn cho 'làm mới' báo cáo thường niên (22/04/2011)

>   Các “ông lớn” nỗ lực cải cách (21/04/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật