Công ty chứng khoán đang “chết” dần
Thông tin về việc Công ty chứng khoán (CTCK) Sài Gòn (SSI) bị lỗ trong quý 1/2011 làm cho thị trường CK rúng động. Bởi đây là lần đầu tiên công ty dẫn đầu về thị phần môi giới CK của Việt Nam cũng bị gục ngã trước sóng gió của thị trường.
Lỗ ăn vào vốn
Ngoài SSI, hiện có gần 10 CTCK bị lỗ liên tục trong 3 năm từ 2008 - 2010 khiến cho vốn chủ sở hữu còn lại khá thấp. Có thể kể đến như CTCK Miền Nam bị lỗ 3 năm liên tục từ 2008 - 2010 gần 22 tỉ đồng trong khi vốn điều lệ là 40 tỉ đồng; CTCK Vina lỗ 3 năm liên tiếp với lũy kế lên đến 126,4 tỉ đồng trong khi vốn điều lệ là 185 tỉ đồng; CTCK Navibank lỗ lũy kế 3 năm 21,2 tỉ đồng trong khi vốn điều lệ chỉ có 35,1 tỉ đồng;... Riêng CTCK Tầm Nhìn 4 năm liền từ 2007 - 2010 đều bị lỗ tổng cộng 36,2 tỉ đồng trong khi vốn điều lệ là 45 tỉ đồng; CTCK Nam Việt cũng bị lỗ liên tiếp 4 năm với tổng mức lỗ là 16,1 tỉ đồng trong khi vốn điều lệ là 46 tỉ đồng...
Sở Giao dịch CK Hà Nội đã đưa 4 CP của CTCK vào diện cảnh báo do bị thua lỗ năm 2010. Đó là CTCP CK Hải Phòng (HPC), CTCP CK Kim Long (KLS), CTCK CK Bảo Việt (BVS) và CTCP CK Sao Việt (SVS). Trong khi đó, những CTCK thua lỗ 3 năm liên tiếp ở trên lại chưa đưa CP lên sàn niêm yết nên không bị đưa vào diện cảnh báo hay kiểm soát. Tuy nhiên các công ty này cũng đang đối diện với nguy cơ bị đình chỉ hoạt động nếu không đảm bảo được tỷ lệ an toàn tài chính theo Quy định số 226/2010/TT-BTC có hiệu lực từ 1.4 vừa qua. |
Nếu như những CTCK lớn như SSI bị lỗ do phải trích lập dự phòng khá lớn cho CP đầu tư thì những CTCK có thị phần môi giới khiêm tốn lại bị lỗ do thu không đủ bù chi. Đơn cử như CTCK Tầm Nhìn doanh thu cả năm 2010 chỉ có 4,3 tỉ đồng trong khi chi phí hoạt động cả năm lên đến gần 17 tỉ đồng; CTCK Vina chỉ có doanh thu từ hoạt động kinh doanh CK năm 2010 là 12 tỉ đồng nhưng chi phí cho hoạt động này lên đến 40,7 tỉ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp là 26,3 tỉ đồng;...
Với thanh khoản của thị trường CK đang ở mức thấp như hiện nay thì ước tính chỉ có khoảng 20-30% số tài khoản của nhà đầu tư (NĐT) có thực hiện giao dịch. Như vậy doanh thu phí môi giới cũng chỉ nằm trong tay Top 10 CTCK đứng đầu là chủ yếu. Phần còn lại cho các CTCK nhỏ không đáng kể và sẽ tiếp tục lặp lại tình trạng thu không đủ bù chi trong năm 2011. Các NĐT gọi việc một số CTCK đã bị lỗ liên tục khiến cho vốn chủ sở hữu dần dần giảm xuống là những “cái chết” từ từ.
Nguy cơ phá sản
Lỗ nặng, lỗ liên tiếp nhưng còn duy trì hoạt động thì còn phải tốn chi phí để duy trì nhân sự; thuê đường truyền internet và thậm chí đóng phí hằng tháng cho Sở Giao dịch CK. Nếu thị trường vẫn tiếp tục lình xình kéo dài, cái chết được báo trước là điều khó tránh khỏi. Đây là lúc các CTCK này phải có giải pháp cho riêng mình nếu muốn tồn tại. Theo phân tích của ông Johan Nyvene - Tổng giám đốc CTCK TP.HCM, trường hợp bị lỗ do phải trích lập dự phòng cho CP tự doanh của các CTCK sẽ có lúc gỡ được nếu thị trường CK phát triển tốt. Riêng những CTCK lỗ liên tục do thu không đủ bù chi thì khá nguy hiểm và nguy cơ phá sản là có thể xảy ra.
Nhiều CTCK cũng đang tính đến con đường mua bán sáp nhập nhưng ở thời điểm này, không đơn giản. Những thương vụ thành công trong việc bán cổ phần cho các NĐT nước ngoài như CTCK FPT, CTCK Gia Quyền,... vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông Lê Minh Tâm - Tổng giám đốc CTCK Kim Eng Việt Nam nhận xét kỳ vọng bán lại cổ phần của CTCK cho các đối tác hiện nay rất khó thực hiện. Đặc biệt từ cuối năm 2011, các NĐT nước ngoài có thể được thành lập và sở hữu 100% vốn CTCK tại VN nên điều kiện lựa đối tác càng khắt khe hơn. Chỉ CTCK nào thật sự có hạ tầng công nghệ tốt, mạng lưới khách hàng rộng lớn cũng như đáp ứng được một số tiêu chuẩn của các đối tác nước ngoài mới có thể hợp tác được.
Đồng quan điểm trên, Th.S Lê Đạt Chí - Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính (ĐH Kinh tế TP.HCM), cho rằng nếu 2 CTCK nhỏ của VN cùng sáp nhập thì cũng không có lợi ích gì nhiều. Còn nếu để mua lại những CTCK nhỏ thì đó cũng không phải là lựa chọn của các CTCK lớn. Do đó theo ông Chí, các CTCK có vốn nhỏ nên thu hẹp bớt nghiệp vụ hoạt động để tiết kiệm chi phí. "Theo tôi, các CTCK nên mạnh dạn bỏ nghiệp vụ môi giới để bỏ được chi phí nuôi nhân viên môi giới, hệ thống đường truyền kết nối giao dịch... CTCK có thể tập trung giữ lại nghiệp vụ đầu tư hoặc chuyển thành công ty tư vấn đầu tư. Ngoài ra, CTCK có thể làm môi giới CK cho những CTCK lớn hơn (tương tự như làm đại lý môi giới - PV)" - Th.S Lê Đạt Chí nói.
Mai Phương
Thanh Niên
|