Thứ Năm, 07/04/2011 10:55

Chứng khoán sẽ hấp dẫn vào năm 2012

* NHNN có thể nâng dự trữ bắt buộc để kiềm chế lạm phát

(Vietstock) -  Với những khó khăn của nền kinh tế hiện tại và các chính sách thặt chặt tiền tệ mạnh mẽ của NHNN, thị trường chứng khoán rất ít cơ hội phục hồi. Tuy nhiên, năm 2012 thị trường có thể hấp dẫn nhờ sự phục hồi của nền kinh tế.

Đó là nhận định của TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương (CIEM) trong buổi trao đổi với nhà đầu tư về tình hình kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán tại Công ty Chứng khoán Rồng Việt (HNX: VDS).

Kinh tế thế giới đối diện nhiều nguy cơ

Tại hội thảo, TS. Thành nhận định kinh tế năm 2011 sẽ khó khăn hơn năm 2010 do chịu  nhiều tác động cùng một lúc.

Nhìn vào kinh tế Mỹ, tuy nước này đang đạt được sự phục hồi khá ấn tượng nhưng  những khó khăn của nền kinh tế thế giới vẫn còn. Vấn đề nợ công tại châu Âu tạm thời lắng dịu nhưng vẫn hết sức trầm trọng. Hiện tại, Bồ Đào Nha đã tiếp bước Hy Lạp và Ireland xin châu Âu hỗ trợ để tránh nguy cơ vỡ nợ.

Trong khi đó, tại Trung Đông và Bắc Phi, các cuộc biểu tình nỗi dậy chống chính quyền vẫn chưa hề lắng dịu. Sự kiện này có thể đẩy giá dầu thô tiếp tục tăng cao và rất khó giảm trong thời gian tới.

Còn tại châu Á, sóng thần ở Nhật Bản cướp đi sinh mạng hàng chục nghìn người, gây thiệt hại cho nền kinh tế nước này ước tính hơn 300 tỷ USD. Thêm vào đó, sự cố hạt nhân đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân và chưa thể lường được hết hậu quả.

Một nguy cơ trầm trọng khác của thế giới là lạm phát. Việc tung quá nhiều tiền để “giải cứu” kinh tế vượt qua khủng khoảng năm 2008 và 2009 sẽ dẫn đến nguy cơ lạm phát toàn cầu. Nhiều quốc gia châu Á, kể cả châu Âu đang thực hiện các chính sách thắt chặt tiền tệ. Do vậy, tăng trưởng kinh tế sẽ bị chững lại.

Với những diễn biến như trên, nhiều tổ chức và chuyên gia đều dự đoán năm 2011 có thể kinh tế kém khởi sắc hơn so với năm 2010.

Kinh tế trong nước khó khăn trùng trùng

Theo TS. Võ Trí Thành, kinh tế trong nước hiện tại là “nghiêm trọng”. Điều này được thể hiện qua một loạt các bất ổn ở những yếu tố vĩ mô cơ bản nhất.

Lạm phát tính đến tháng 3 đã tăng đến 13.89%. Theo ông, lạm phát trong một vài tháng tới tiếp tục tăng và có thể lên đến 15-16%. Ngoài ra, thâm hụt thương mại, thâm hụt cán cân tài khoản vãng lai cao trở thành căn bệnh kinh niên khó chữa. Lãi suất đang ở mức rất cao và gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Trong thời gian tới, NHNN có thể nâng dự trữ bắt buộc để kiềm chế lạm phát.

Dự trữ ngoại hối giảm xuống chỉ còn khoảng 10 tỷ USD, bằng 1.5 tháng nhập khẩu, thấp hơn 10% GDP và chỉ cao hơn chút ít so với nợ ngắn hạn của Việt Nam. Đây là một tỷ lệ rất thấp so với tiêu chuẩn an toàn được khuyến cáo. Còn tăng trưởng kinh tế quý 1/2011 chỉ đạt 5.43%, dự báo cả năm khoảng 6%, thấp hơn nhiều so với một số tổ chức vừa dự báo. 

Dù vậy, ông Thành cũng nhìn nhận những vấn đề trên tuy là đã xấu nhưng không phải là xấu nhất. Vấn đề xấu nhất hiện tại là niềm tin. Một điều dễ nhận thấy là việc người dân không còn tin nhiều vào các “quyết tâm” của Chính phủ vì nhiều lần đã “lỗi hẹn”. Thêm vào đó, nhà đầu tư nước ngoài thiếu niềm tin do Kinh tế Việt Nam được đánh giá là đứng thứ 2 trong những nước có nguy cơ bất ổn. Điều này được minh chứng qua CDS (hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng - Credit Default Swap) hay thực chất là chi phí bù đắp rủi ro nợ của Việt Nam đang ở mức rất cao.

Do đó, nếu không vực lại được niềm tin thì sự phục hồi và ổn định của nền kinh tế sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Kỳ vọng vào các biện pháp quyết liệt của Chính phủ

Trong bối cảnh khó khăn và thách thức, Nghị quyết 11 của Chính phủ vừa được ban hành là một bước đi cần thiết và đúng hướng để lấy lại sự ổn định cho nền kinh tế cũng như vực dậy lòng tin đối với người dân.

Ông Thành nhận định  bước tiến quan trọng của Nghị quyết 11 so với các Nghị quyết khác là đã đưa ra được những con số cụ thể và bớt đi được từ “tăng trưởng”. Do vậy, có thể thấy Chính phủ đã phát đi thông điệp mạnh mẽ là đặt ổn định kinh tế vĩ mô lên tiêu chí hàng đầu cho chính sách trong thời gian tới.

Theo Nghị quyết 11, tăng trưởng tín dụng năm 2011 sẽ được kiểm soát dưới 20%, cung tiền từ 15-16%. Đây là giải pháp nhằm sửa lỗi “hệ thống” vì trong suốt những năm qua,  chúng ta ném quá nhiều tiền vào nền kinh tế gây ra lạm phát cao, bong bóng tài sản và đầu tư kém hiệu quả.

Cũng theo Nghị quyết 11, điều hành giá xăng dầu, giá điện sẽ theo hướng thị trường. Cơ chế thị trường sẽ giúp nguồn lực trong nền kinh tế vận hành một cách tối ưu hơn.

Về Vấn đề liên quan đến việc kiểm soát thị trường vàng và ngoại tệ, TS. Thành cho rằng Nghị định sắp ban hành sẽ theo hướng tôn trọng các quyền mua bán, sở hữu của người dân đối với vàng và ngoại tệ theo quy định của Hiến pháp và Pháp luật. Đây là một điều khá tích cực vì trước đó, một số quan chức tuyên bố “cấm” đã gây hoang mang cho nhà đầu tư.

Ngoài các vấn đề trên, nội dung quan trọng khác trong Nghị quyết 11 là Chính phủ sẽ cắt giảm đầu tư công. Theo đó, thâm hụt ngân sách năm 2011 sẽ được giảm xuống dưới 5%, thấp hơn chỉ tiêu 5.3% của Quốc hội đề ra. Tuy vậy, ông Thành cũng bày tỏ sự băn khoăn đối với tính khả thi của chủ trương này. Bởi vì cắt giảm đầu tư công đồng nghĩa với việc đụng chạm đến quyền lợi của các nhóm lợi ích. Do vậy, để hiện thực hóa mục tiêu  phải có  “quyết tâm rất cao” từ phía lãnh đạo cao nhất.

Tổng hòa những giải pháp trên, chúng ta có thể kỳ vọng là nền kinh tế sẽ dần ổn định vào quý 3 và có thể bắt đầu lấy lại “phong độ” từ năm 2012.

Chứng khoán sẽ hấp dẫn vào năm 2012

Với việc NHNN “siết” dòng tín dụng vào thị trường chứng khoán và lãi suất “cực cao”, rất ít người có thể kỳ vọng chứng khoán sẽ thăng hoa trong năm nay. Tuy nhiên, triển vọng sẽ tươi sáng hơn vào năm 2012 nhờ sự kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng trưởng khoảng 7% và lạm phát được kiềm chế dưới 7%.

Dẫn lời ông Dominic Scriven - một nhà đầu tư kỳ cựu của nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam: "Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ hấp dẫn nhất trong khu vực vào năm 2012”.  Như vậy, niềm tin vào một sự khởi sắc mạnh của thị trường vào năm 2012 có vẻ được khá nhiều người đồng thuận.

Tuy nhiên, để niềm tin này thành hiện thực, ông Thành cũng không quên đặt điều kiện là vào lúc đó, tình hình kinh tế thế giới sẽ ổn định khởi sắc hơn; giá dầu thô không tăng mạnh; còn tình hình trong nước dần ổn định khi Chính phủ “thực sự quyết tâm” giải quyết triệt để các bất ổn của nền kinh tế.

Chung quy lại, theo Ông Thành trước mắt không nên quá kỳ vọng vào thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư có thể tham gia “để giữ phong độ”, còn thời điểm khởi sắc thực sự cần thêm nhiều thời gian.

Ông Thành khuyến nghị nếu đầu tư giá trị thì nhà đầu tư nên chọn những doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh ít chịu ảnh hưởng bởi biến động vĩ mô. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng chỉ nên chọn các doanh nghiệp có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu thấp.

Hoàng Nam

Các tin tức khác

>   Tăng thanh khoản: Thị trường chờ biện pháp của cơ quan quản lý (07/04/2011)

>   Vắng bóng cổ đông nhỏ ở các công ty lớn (07/04/2011)

>   "TTCK Việt Nam sẽ phục hồi vững chắc từ đầu quý III trở đi" (07/04/2011)

>   Báo động tài khoản “chết” tại CTCK (07/04/2011)

>   Doanh nghiệp hối hận vì… lên sàn! (07/04/2011)

>   Có thể giảm mức 5% thuế chia cổ tức (07/04/2011)

>   GIL dự định mua 1 triệu cổ phiếu quỹ (06/04/2011)

>   Tăng phí môi giới: Ai hưởng lợi? (06/04/2011)

>   Em trai ông Phạm Nhật Vượng muốn kinh doanh viễn thông (06/04/2011)

>   HNX: Thị phần môi giới quý 1 biến động mạnh (06/04/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật