Thứ Tư, 06/04/2011 18:56

Tăng phí môi giới: Ai hưởng lợi?

Kể từ ngày 1.5.2011, phí môi giới mua bán chứng khoán niêm yết tối thiểu là 0,15% giá trị giao dịch thay mức phổ biến 0,1% hiện nay. Sẽ tốt hơn cho thị trường nếu kết hợp với việc áp dụng quy trình thanh toán T+2. Đó là nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình dưới góc độ một chuyên gia tài chính độc lập.

Việc tăng phí môi giới sẽ giúp thị trường minh bạch hơn vì có thể tránh được tình trạng cạnh tranh thu hút khách bằng cách giảm phí của các công ty chứng khoán.

Theo ông, việc nâng phí môi giới tối thiểu sẽ tác động đến thị trường nói chung và các thành phần tham gia như thế nào?

Việc tăng phí này là hợp lý, vì mức 0,15%, khi so sánh với việc đầu tư lỗ hay lãi, là không đáng kể đối với nhà đầu tư nhỏ và trung bình. Chẳng hạn, giá trị giao dịch là 1 tỉ đồng thì mức phí 500.000 đồng không phải là quá lớn. Mức tăng thêm 0,05 điểm phần trăm chỉ tác động đến các nhà giao dịch lớn (VIP) thường xuyên lướt sóng. Song, hiện nay, dù nhà đầu tư lớn hay nhỏ thì giao dịch cũng tương đối thấp do thị trường trầm lắng. Vì thế, mức độ tác động là không nhiều.

Hơn nữa, các công ty chứng khoán có thể áp dụng các hình thức khuyến mãi cho khách VIP. Chẳng hạn, khách hàng giao dịch đến bao nhiêu triệu đồng thì có thể được miễn phí hay giảm phí. Đây chính là biện pháp gián tiếp giảm phí môi giới.

Dù sao, việc tăng phí giúp minh bạch thị trường hơn, vì có một mức sàn giúp tránh tình trạng cạnh tranh thu hút khách bằng cách giảm phí của các công ty chứng khoán, thay vào đó là nâng cao chất lượng dịch vụ để cạnh tranh. Nếu thu đúng mức phí, các nhà đầu tư lớn cũng phải chịu mức phí tăng khá cao so với trước đây. Do vậy, có thể hạn chế phần nào các giao dịch làm giá của các nhà đầu tư lớn. Nhờ đó, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng được lợi.

Xét về tính thời điểm, có vẻ việc nâng phí môi giới là không hợp lý vì thị trường đang ảm đạm?

Hiện tại, khối lượng giao dịch đang ở mức thấp. Vì thế, dù chủ trương nâng phí là đúng nhưng có thể nhà đầu tư cảm thấy khó lòng đón nhận. Nếu áp dụng nâng phí vào cuối năm 2009 thì sẽ hợp lý hơn. Bởi lẽ, khi đó, VN-Index tăng mạnh từ mức đáy 235 điểm (24.2.2009) và lợi nhuận của nhà đầu tư rất lớn. Chỉ tính từ tháng 3-6.2009, tài khoản của nhiều nhà đầu tư có thể tăng gấp 2-3 lần. Do đó, họ vẫn cảm thấy thoải mái nếu tăng phí. Các công ty chứng khoán cũng hoan nghênh.

Ông nói rằng, việc tăng phí sẽ giúp thị trường lành mạnh hơn. Liệu có đạt được hiệu quả này không vì trên thực tế, với lợi ích từ việc làm giá, mức phí tăng thêm 0,05 điểm phần trăm không phải là rào cản lớn?

Nếu nói biện pháp này tác động mạnh mẽ giúp thị trường tăng trưởng hay hoàn thiện hơn ở một cấp độ mới thì không thể. Nhưng đây là một tác động tích cực. Và nếu có nhiều tác động tích cực cùng lúc, ví dụ kết hợp với việc thực thi quy định thanh toán T+2 thì thị trường sẽ tốt hơn.

Nếu so sánh sẽ thấy lợi ích mang lại cho nhà đầu tư khi áp dụng T+2 đủ để bù đắp việc tăng phí môi giới thêm 0,05 điểm phần trăm. Bởi lẽ, trong bối cảnh thanh khoản thị trường yếu như hiện nay, dù nâng phí môi giới, nhà đầu tư vẫn có cơ hội cơ cấu lại danh mục đầu tư chỉ sau 2 ngày, thay vì 3 ngày (để chứng khoán về đến tài khoản). Hoặc khi chứng khoán giảm mạnh, nhà đầu tư cũng kịp thời bán ra cắt lỗ để hạn chế rủi ro.

Như ông phân tích, lúc này nên đẩy nhanh áp dụng quy định T+2 song song với việc nâng phí môi giới?

Nếu thực hiện 2 biện pháp này cùng lúc, chắc chắn các nhà đầu tư sẽ hưởng ứng. Nhà đầu tư sẽ giao dịch nhiều hơn, thúc đẩy thanh khoản của cả thị trường.

Ông có nói đến việc nhà đầu tư lớn sẽ chịu tác động do tăng phí, nhưng lại cho biết các công ty chứng khoán có thể lách quy định để giúp nhóm khách hàng này có được mức phí thấp?

Chắc chắn là bị tác động, vì trước kia họ mất một đồng phí thì giờ mất gấp rưỡi. Nhưng các công ty chứng khoán có thể dùng các hình thức khuyến mãi để giảm phí cho nhà đầu tư.

Nhà đầu tư giao dịch với số lượng lớn được các công ty chứng khoán rất xem trọng và sẵn sàng giảm phí cho nhóm khách VIP này. Ví dụ, ở mức phí môi giới là 0,1% giá trị giao dịch, một khách hàng giao dịch hết 100 triệu đồng tiền phí/tháng thì khi nâng phí lên 0,15%, khách hàng phải trả 150 triệu đồng. Nhưng công ty chứng khoán sẵn sàng giảm cho nhà đầu tư này 50 triệu đồng để giữ khách.

Việc giảm như thế có vi phạm pháp luật hay không?

Thực ra, không vi phạm pháp luật. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, chi phí quảng cáo có thể chiếm tối đa 10% tổng chi phí của doanh nghiệp. Công ty chứng khoán có thể tính vào chi phí này. Đối với một khách hàng mang lại lợi ích lớn, công ty chứng khoán có thể thưởng một số tiền như một khoản hoa hồng. Chẳng hạn, họ có thể tặng 10 triệu đồng hoặc tặng 2 tháng giao dịch miễn phí cho việc mở tài khoản mới.

Công ty chứng khoán cũng thường có một khoản phí cho những người cộng tác, nhân viên dẫn khách mở tài khoản và giao dịch mua bán, gọi là phí môi giới hay hoa hồng. Phí này thường là 30% phí giao dịch. Nhân viên môi giới có thể sẽ chia sẻ bớt phần hoa hồng này cho khách hàng để giảm chi phí môi giới giao dịch.

Quang Minh

NHỊP CẦU ĐẦU TƯ

Các tin tức khác

>   Em trai ông Phạm Nhật Vượng muốn kinh doanh viễn thông (06/04/2011)

>   HNX: Thị phần môi giới quý 1 biến động mạnh (06/04/2011)

>   Mạnh tay với sai phạm trên thị trường chứng khoán (06/04/2011)

>   Ẩn số dòng tiền vào chứng khoán (05/04/2011)

>   Thị trường ảm đạm, nhà đầu tư nước ngoài vẫn vào nhiều (05/04/2011)

>   Cổ đông tìm lại vai trò chủ doanh nghiệp (05/04/2011)

>   Thao túng giá HTV, một cá nhân bị phạt 250 triệu đồng (04/04/2011)

>   Quý I: Huy động vốn qua TTCK giảm 50% cùng kỳ  (04/04/2011)

>   Nhiều CTCK sắp… mất trắng vốn (04/04/2011)

>   Ý thức về quyền làm chủ của cổ đông (04/04/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật