Báo động tài khoản “chết” tại CTCK
Hiện số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán đã vượt con số 1 triệu, tuy nhiên số tài khoản hoạt động thường xuyên chỉ đạt 20 - 35%.
Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán đã vượt con số 1 triệu. Không thể phủ nhận tốc độ phát triển và tiềm năng của TTCK qua số lượng tài khoản tăng mạnh, song có một điều đáng báo động là số tài khoản hoạt động thường xuyên (tài khoản active) phổ biến tại các CTCK lớn cũng chỉ đạt 20 - 35%. Ngoài ra, số tài khoản "ảo", tài khoản “chết” chiếm một phần đáng kể. Thanh khoản trên TTCK ngày càng suy giảm.
Ông Hà Huy Toàn, Tổng giám đốc CTCK Ngân hàng Nông nghiệp - Agriseco (AGR) cho biết, hiện tại số lượng tài khoản tại AGR lên đến hơn 30.000 tài khoản, tuy nhiên tài khoản active chỉ chiếm hơn 30%. "Trong thời gian qua, trong khi các CTCK khác hạn chế các công cụ hỗ trợ nhà đầu tư, thì để tạo tính thanh khoản, AGR vẫn hỗ trợ cho nhà đầu tư vay vốn. Nhưng một thực tế là nhà đầu tư càng vay nhiều để đầu tư thì càng lỗ", ông Toàn nói và cho rằng, tình trạng nhiều tài khoản "án binh bất động" khi thị trường trầm lắng là điều khó tránh khỏi.
Đại diện CTCK Thăng Long (TLS) cho hay, từ đầu năm 2011 đến nay, số lượng tài khoản tại TLS tăng lên trên 2.000 tài khoản. Tuy vậy, số lượng tài khoản active chỉ đạt 35%. Thực tế, trong quá trình đi tư vấn cho các DN niêm yết, nhiều cổ đông là CBCNV của DN niêm yết chỉ mở tài khoản tại CTCK tư vấn, phục vụ cho mục đích lưu ký chứng khoán. Họ chỉ sử dụng tài khoản để bán chứng khoán, sau đó tài khoản này "nằm im". Thế nên, mặc dù tài khoản tại TLS tăng mạnh, nhưng số tài khoản thường xuyên giao dịch thì vẫn ở mức khiêm tốn.
Tại CTCK Công thương - VietinbankSC (CTS), với tổng số tài khoản khoảng 45.000, nằm trong Top 10 trên thị trường về số lượng, nhưng số tài khoản active chỉ dao động 30 - 35%. Về nguyên tắc, nhiệm vụ làm "thức dậy" các tài khoản "nằm im" là trách nhiệm của các môi giới. Tuy nhiên, điều này gây sức ép rất lớn cho các môi giới, bởi nếu khuyên khách hàng giao dịch trong bối cảnh thị trường sụt giảm có thể vi phạm đạo đức nghề nghiệp và gây thua lỗ cho khách hàng, nhưng nếu "ngồi yên" thì sẽ chịu áp lực về doanh số.
Đối mặt với tình trạng nhiều tài khoản "bất động", tài khoản "ảo", thế nhưng các phòng môi giới tại CTCK hàng ngày vẫn phải làm nhiệm vụ mở rộng, phát triển mạng lưới khách hàng, thậm chí "lôi kéo" khách hàng đến mở tài khoản. Trưởng phòng môi giới một CTCK cho biết, thời điểm này lại càng phải kêu gọi khách hàng mở sẵn tài khoản để chờ khi thị trường sôi động sẽ "thôi thúc" khách hàng giao dịch.
Hiện nay, mỗi NĐT không được phép mở quá 1 tài khoản. Tuy nhiên, việc mở nhiều tài khoản xuất phát từ nhu cầu chính đáng của NĐT, nhiều NĐT "lách luật" bằng cách mượn chứng minh nhân dân của người quen để mở tài khoản và quyền quyết định vẫn là của họ. Tình trạng này diễn ra phổ biến và khó kiểm soát. Sở dĩ NĐT muốn mở nhiều tài khoản là để được hưởng các "đặc ân" từ các CTCK, bởi CTCK này cho vay nhiều, tư vấn giỏi, trong khi CTCK khác lại hỗ trợ về phí giao dịch… nên cùng một lúc NĐT có thể sử dụng triệt để các dịch vụ sao cho có lợi nhất.
Tình trạng NĐT lách luật trong việc mở tài khoản nêu trên tiềm ẩn rủi ro phát sinh tranh chấp mà cơ quan quản lý khó có thể kiểm soát. Cơ quan quản lý khó có thể xác định chính xác số tài khoản thực tế hoạt động trên thị trường. Nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm cho phép NĐT được mở nhiều tài khoản giao dịch tại các CTCK khác nhau, đồng thời được mua bán cùng phiên giao dịch nhằm tăng tính thanh khoản, cũng như giúp NĐT có cơ hội chốt lời, cắt lỗ ngay trong phiên.
Hải Vân
đầu tư chứng khoán
|