Ba phương án tái cấu trúc thị trường chứng khoán Việt Nam
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa đưa ra ba phương án tái cấu trúc thị trường chứng khoán Việt Nam tại hội thảo về tái cấu trúc thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020, tổ chức sáng 21.4 tại Hà Nội.
Theo đó, phương án thứ nhất là thành lập một sở giao dịch chứng khoán (GDCK) duy nhất trên nền tảng hợp nhất 2 sở GDCK TP.HCM và Hà Nội, thống nhất về hệ thống công nghệ nền tảng, các tiêu chuẩn cho sở GDCK, như: chuẩn kết nối, tiêu chuẩn thành viên, quy chế…, và về bộ máy, nhân sự. Phương án này có ưu điểm là mô hình tổ chức gọn nhẹ, nhưng nhược điểm là gây xáo trộn trên thị trường và tạo ra sự độc quyền tuyệt đối.
Phương án thứ hai là thành lập công ty mẹ sở hữu 100% vốn của hai sở GDCK và trung tâm lưu ký chứng khoán, tập trung chức năng quản lý, quản trị doanh nghiệp trong khi chức năng hoạt động của từng công ty con trực thuộc vẫn độc lập. Hàng hóa giao dịch tại hai sở GDCK sẽ được tách biệt. Phương án này đảm bảo vẫn có sự cạnh tranh và việc đầu tư công nghệ cho các bên sẽ đồng bộ, việc phân chia hoạt động của hai sở GDCK rõ ràng cũng giảm bớt các chi phí cho thành viên thị trường, khắc phục một phần hạn chế độc quyền, phù hợp điều kiện của Việt Nam và không gây xáo trộn lớn trên thị trường.
Phương án thứ ba là tiếp tục duy trì sự độc lập trong hoạt động của hai sở như hiện nay, do vậy không gây xáo trộn cho thị trường. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của phương án này là dẫn đến sự cạnh tranh giữa hai sở GDCK để tồn tại, có thể gây tổn hại cho thị trường và xã hội, đồng thời các thị trường bộ phận như thị trường cổ phiếu, thị trường phái sinh tiếp tục bị chia cắt, làm ảnh hưởng tới hình ảnh thị trường trong việc thu hút các nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Ông Nguyễn Sơn, vụ trưởng vụ Phát triển thị trường (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), cho biết, ba phương án tái cấu trúc thị trường này sẽ được lấy ý kiến các chuyên gia, các thành viên thị trường.
Thảo Nguyễn
SÀI GÒN TIẾP THỊ
|