“Cửa” toà án vẫn đóng với nhà đầu tư nhỏ (bài 3)
Chờ “cách mạng” từ Luật Chứng khoán
"Những hạn chế của cơ chế giải quyết tranh chấp tại toà án hiện nay quá rõ và điều này có thể được khắc phục nếu có cuộc 'cách mạng' từ Luật Chứng khoán", TS. Nguyễn Thị Ánh Vân, Giám đốc Trung tâm Luật so sánh, Đại học Luật Hà Nội trao đổi với ĐTCK.
* Bài 1: Đường tới toà sao quá xa!
* Bài 2: Vì sao "cửa" toà vẫn đóng?
Bà có thể phân tích rõ hơn ý tưởng nếu có cuộc “cách mạng” từ Luật Chứng khoán (CK) sẽ giúp tháo gỡ những bế tắc hiện tại của cơ chế giải quyết tranh chấp tại toà án?
Trong giai đoạn phát triển sơ khởi của TTCK nhiều nước trên thế giới, ban đầu cơ chế giải quyết tranh chấp tại toà án thường có tình trạng “cát cứ” như Việt Nam hiện tại. Cụ thể, với nước ta, cơ chế giải quyết tranh chấp tại toà án hiện được quy định rải rác trong Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật CK, Luật Khiếu nại tố cáo, các văn bản hướng dẫn của Chính phủ… Do đó, khi NĐT muốn sử dụng con đường giải quyết tranh chấp tại toà án thì phải sử dụng rất nhiều công cụ, trong khi bản thân các công cụ này cũng chưa rõ ràng, thiếu nhất quán, nên hiệu quả giải quyết tranh chấp tại toà án không cao. Bởi vậy, cần tiến hành cuộc “cách mạng” từ Luật CK, để đưa ra các quy định mang tính tập trung, nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc, giúp NĐT dễ dàng nhận thức được quyền khởi kiện. Từ đó có thể bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của họ trước toà án khi quyền, lợi ích đó bị xâm hại.
Việc tập hợp các công cụ giải quyết tranh chấp tại toà án vào Luật CK sẽ giúp NĐT dễ dàng bảo vệ mình hơn, thưa bà?
Những nghiên cứu so sánh giữa quy định pháp luật có liên quan và kết quả áp dụng những quy định đó tại Nhật Bản và Mỹ đã đưa ra câu trả lời cho câu hỏi trên. Điều 58 Luật CK và TTCK 1946 của Nhật Bản không trực tiếp quy định cơ sở pháp lý để NĐT khởi kiện tại toà án, mà quy định này chỉ được tìm thấy trong Điều 709 Bộ luật Dân sự. Có lẽ vì vậy mà Điều 709 rất hiếm được sử dụng để khởi kiện khi tranh chấp xảy ra trên TTCK Nhật Bản. Trong khi đó, Điều 10(b) Luật Giao dịch CK 1934 và án lệ của Mỹ đều tạo nền tảng pháp lý để NĐT có thể khởi kiện tại toà án nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Vì lẽ đó, số lượng vụ khiếu kiện về những tranh chấp trên TTCK ở Mỹ được đưa ra xét xử ước tính khoảng 300 vụ/năm so với 3 vụ/năm được đưa ra xử tại toà án ở Nhật Bản từ khi Luật CK đầu tiên được ban hành đến gần cuối thế kỷ XX.
Theo nguyên tắc chung của pháp luật, Việt Nam luôn ưu tiên áp dụng các quy định của luật “con”, luật chuyên ngành trước khi áp dụng luật “mẹ”, luật chung. Vì lẽ đó, chỉ khi Luật CK quy định rõ ràng cơ chế giải quyết tranh chấp trên TTCK tại toà án thì mới có thể tạo điều kiện thuận lợi cho NĐT trong việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Đề xuất của bà mới chỉ giải toả ách tắc cho con đường thứ nhất tới toà của NĐT là khởi kiện dân sự ra toà án. Vậy cuộc “cách mạng” từ Luật CK có mang lại thay đổi nào cho con đường còn lại là khởi tố vụ việc hình sự trên TTCK tại toà án?
Tư duy xây dựng luật theo hướng các vi phạm hình sự thì nhất thiết phải được quy định trong Bộ luật Hình sự đang ngày càng tỏ ra bất hợp lý với yêu cầu đặc thù về xử lý nhanh, dứt khoát các vi phạm trên TTCK. Thực tiễn cho thấy, trong quá trình giải quyết tranh chấp, việc dẫn chiếu các quy định của Luật CK với Bộ luật Hình sự, sự phối hợp giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) với cơ quan Công an, Viện kiểm sát… không phải lúc nào cũng thuận lợi. Thực tế này ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trên TTCK.
Kinh nghiệm cũng như thông lệ xây dựng Luật CK của nhiều quốc gia cho thấy, ngoài những quy định chi tiết về quyền khởi kiện của NĐT ra toà án trong Luật CK, đạo luật này còn quy định chi tiết các tội danh hình sự trên TTCK và kèm theo đó là các chế tài xử lý cụ thể đối với từng hành vi vi phạm. Đây là kinh nghiệm tốt mà Việt Nam nên học hỏi trong lần sửa đổi Luật CK sắp tới. Kèm theo đó, cần tăng tính độc lập cho UBCK, đồng thời trao thẩm quyền điều tra cụ thể cho cơ quan này.
Trong lần sửa đổi Luật CK vừa qua (năm 2010), nhiều ý kiến cho rằng, với thẩm quyền hiện tại, UBCK có thể chủ động triển khai các hoạt động điều tra. Nhưng thực tiễn cho thấy không phải như vậy, vì thẩm quyền điều tra chưa được quy định rõ ràng, nên để tiến hành điều tra UBCK phải trầy trật vận dụng rất nhiều quy định pháp lý liên quan mà vẫn vướng mắc. Bởi vậy, để khắc phục tình trạng này, Luật CK cần tạo cơ sở pháp lý vững chắc và cụ thể để UBCK có thể thực hiện được thẩm quyền điều tra.
Bài 4: Bao giờ cơ quan quản lý khởi động?
Tân Văn thực hiện
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|