Vẫn còn con đường khác để kiềm chế lạm phát
Một lập luận chung mang tính giáo khoa kinh điển là lạm phát cao thì lãi suất của hệ thống ngân hàng phải cao do yêu cầu lãi suất thực phải dương (lãi suất thực = lãi suất danh nghĩa - lạm phát kỳ vọng).
Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, vấn đề này cần phải xem xét một cách đầy đủ nhằm có cái nhìn tổng quát trong mối quan hệ giữa kiềm chế lạm phát và tăng trưởng, để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có hướng điều hành chính sách tiền tệ một cách phù hợp.
Lạm phát sẽ là bao nhiêu?
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1-2011 tăng ở mức 1,74%, đây là con số không gây ngạc nhiên trong tương quan cùng kỳ các năm trước. CPI tháng 2 tăng 2,09%, do đó tổng CPI hai tháng đầu năm tăng 3,87%, cách chỉ tiêu do Quốc hội đề ra chỉ có 3% khi năm 2011 còn đến 10 tháng nữa.
Đứng trên góc độ của chính sách tiền tệ, trong tình hình hiện nay, trong một số phương án có thể xem xét nhằm hạn chế lạm phát là tăng lãi suất, nâng dự trữ bắt buộc hay áp đặt mức tăng trưởng tín dụng thấp thì có lẽ giải pháp cuối nên xem là tối ưu.
Những con số này làm dấy lên nỗi lo về chỉ số lạm phát cả năm 2011 không những vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (cả năm 7%) mà còn có thể lên đến hai chữ số.
Xét một khả năng xấu là CPI năm 2011 sẽ ở mức 12%, cao hơn mức của năm 2010, khi đó yêu cầu lãi suất thực dương đồng nghĩa với lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng phải cao hơn con số này, tuy vậy với mức huy động bình quân lên đến 17%/năm (đồng thuận 14%/năm nhưng thực tế hầu hết các ngân hàng huy động lãi suất cộng các khoản khuyến mãi), tức chênh lệch đến 5% và vẫn có xu hướng tăng như hiện nay không thể chỉ được giải thích bởi yêu cầu “lãi suất thực dương”.
Trong bối cảnh hiện nay, hệ thống ngân hàng vẫn là nơi trú ẩn được đánh giá an toàn và mang lại khả năng sinh lời chấp nhận được. Thực tế năm 2010 cho thấy khi hệ thống ngân hàng định hướng giảm lãi suất, có thời điểm lãi suất huy động xuống 11%/năm thì huy động của toàn hệ thống vẫn tăng dù lạm phát cả năm lên đến 11,75%. Lãi suất chỉ “bùng” lên vào cuối năm khi NHNN nâng lãi suất cơ bản từ 8%/năm lên 9%/năm và phát đi các tín hiệu thắt chặt tiền tệ khi GDP cả năm dự kiến chắc chắn sẽ vượt chỉ tiêu đề ra.
Điều đó cho thấy rằng, nỗi lo về việc nguồn vốn huy động của hệ thống ngân hàng sẽ giảm sút khi hạ lãi suất huy động thật ra không quá đáng ngại. Bản chất của việc đẩy lãi suất lên quá cao như hiện nay không xuất phát từ việc dịch chuyển nguồn vốn huy động từ hệ thống ngân hàng sang các kênh đầu tư khác (có chăng là sự dịch chuyển từ ngân hàng này sang ngân hàng khác do chênh lệch lãi suất sau khuyến mãi) mà do sự thiếu hụt vốn nghiêm trọng ở một số ngân hàng vì đã quá tay trong việc đầu tư vào các tài sản trung, dài hạn và có rủi ro cao.
Chống lạm phát, cần tìm con đường khác
Công cụ quan trọng và hữu hiệu của chính sách tiền tệ đầu tiên phải là lãi suất. Tuy vậy, mức lãi suất cho vay trên thị trường hiện nay đã ở mức quá cao, khi mà những khách hàng vay mua nhà ở đã phải trả lãi suất hơn 20%/năm, lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh cũng không thấp hơn 17-18%/năm.
Việc tăng lãi suất cho vay lên nữa (thông qua dỡ bỏ đồng thuận lãi suất huy động 14%/năm) sẽ vượt quá khả năng chịu đựng của nền kinh tế, có thể gây nên tình trạng đình đốn và suy giảm sản xuất. Trong điều kiện hiện nay, mục tiêu kiềm chế lạm phát không cần phải đi đôi với biện pháp tăng lãi suất, bởi với mục tiêu hãm lạm phát thì mức lãi suất hiện nay đã quá cao và quá đủ. Giải pháp nằm ở chỗ khác, nơi mà cả xã hội đã chỉ ra và không thể không thừa nhận.
Rất nhiều phân tích đã cho thấy rằng, tăng trưởng GDP của Việt Nam thời gian qua dựa chủ yếu vào vốn, thậm chí có ý kiến còn cho rằng yếu tố vốn góp đến 60% vào tăng trưởng trong giai đoạn 2001-2005 mà một phần rất lớn trong đó là do đầu tư công, phần này có thể lên đến 40% và đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có đầu tư công cao nhất thế giới.
Việc đầu tư không hiệu quả, kéo dài và thất thoát lớn do tham nhũng, lãng phí khiến chỉ số ICOR của khu vực quốc doanh lên đến hơn 8, diễn ra trong nhiều năm đã để lại những hậu quả nặng nề, trong đó đặc biệt là lạm phát. Bên cạnh đó, lạm phát cũng du nhập từ ngoài biên giới khi Việt Nam phải nhập khẩu từ những thiết bị máy móc công nghệ cao cho đến cái kim, sợi chỉ; nhập khẩu từ lít xăng cho đến cái chùi nồi, tăm xỉa răng và vô số những mặt hàng xa xỉ như những chiếc xe hơi từ vài tỉ đến vài chục tỉ đồng, cái túi xách hàng ngàn đô la.
Đứng trên góc độ của chính sách tiền tệ, trong tình hình hiện nay, trong một số phương án có thể xem xét nhằm hạn chế lạm phát là tăng lãi suất, nâng dự trữ bắt buộc hay áp đặt mức tăng trưởng tín dụng thấp thì có lẽ giải pháp cuối nên xem là tối ưu. Việc tăng lãi suất lên cao hơn nữa có thể khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất bị tước bỏ quyền tiếp cận tín dụng, hoạt động sẽ đình đốn và gây ra tác dụng ngược trong khi dòng vốn có thể tập trung vào các loại hình phi sản xuất hay nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ.
Mặt khác, áp dụng hạn mức tăng trưởng tín dụng thấp, đặc biệt là hạn chế tăng trưởng tín dụng ở các ngân hàng thương mại quốc doanh như Agribank, BIDV hay ở Vietcombank và Vietinbank sẽ có vai trò quyết định và hoàn toàn nằm trong tay NHNN; đối với từng ngành nghề thì đặc biệt hạn chế tín dụng phi sản xuất, tín dụng để nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng, các mặt hàng xa xỉ. Điều này sẽ giúp phân bổ nguồn vốn hợp lý hơn, nguồn vốn sẽ đến nơi cần đến, đó là những nơi sản xuất hiệu quả, quay vòng vốn nhanh, giải quyết bài toán cung cầu hàng hóa. Cuối cùng là việc nâng dự trữ bắt buộc, nếu có, thì đừng quá mạnh vì đây là cách rút tiền khỏi lưu thông và sẽ gián tiếp làm tăng lãi suất, tăng giá lên nữa.
Lãi suất cao chính vì thị trường ngân hàng hiện nay vẫn có “người ăn không hết, kẻ lần không ra”, mà đã thiếu vốn thì phải tìm mọi cách để lách đồng thuận lãi suất, hay phải nâng lãi suất ngoại tệ để hút tiền gửi rồi mang đi cầm cố để vay đồng Việt Nam (phải trả lãi hai lần, một lần trả lãi ngoại tệ cho khách hàng gửi tiền, một lần trả lãi vay tiền đồng Việt Nam) để khó lại càng khó.
Trong khi đó, lãnh đạo nhiều ngân hàng nhỏ chưa bao giờ dám nghĩ đến việc có thể giải quyết nhu cầu vốn của mình qua thị trường mở, nơi gần như là đặc quyền của các ngân hàng lớn bởi vay NHNN cũng phải có tài sản thế chấp hay cầm cố, mà giấy tờ có giá thì lấy đâu ra; còn thế chấp một loại tài sản không giống ai là hồ sơ tín dụng của khách hàng đang vay tại ngân hàng mình thì càng không dám, đặc biệt khi Thống đốc NHNN tuyên bố rằng “…lãi suất tái cấp vốn phải ở mức cao vì nếu ngân hàng kinh doanh bị mất khả năng thanh toán, vay ở ngoài không được phải chạy lên đây, đã lên đây thì phải cao chứ, thậm chí còn bị phạt nữa”.
Tình trạng này kéo dài, các ngân hàng lớn vẫn sống trên lưng các ngân hàng nhỏ thì lãi suất vẫn còn cao. Nếu nước về đúng chỗ, nơi khô hạn thay vì nơi đã tràn bờ, lãi suất chắc chắn phải giảm.
Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu xuyên suốt của năm 2011. Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã phát đi thông điệp rõ ràng về vấn đề này, đến nay yêu cầu càng đặt ra cấp bách hơn khi CPI dự kiến hai tháng đầu năm đã chiếm hơn 50% hạn mức cả năm. Việc lựa chọn giải pháp nào cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng, không chỉ nhìn vấn đề trước mắt mà cần phải tính đến sức chịu đựng của doanh nghiệp, người dân và hậu quả của nền kinh tế về lâu dài. Trong trường hợp bất khả kháng, vẫn có thể chấp nhận mức lạm phát dưới 10%, chỉ xin đừng điều hành thị trường theo kiểu giật cục, thắt đột ngột và quá liều thì khô hạn, đến khi xả thì ngập úng. Nắng lắm lại mưa dầm, chỉ có đất là khổ mà thôi.
Lê Duy Khánh
tbktsg
|