Bình ổn giá, ai được lợi?
|
Bà Phạm Chi Lan |
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp cho rằng, nên xem xét lại chương trình bình ổn giá vì chủ yếu doanh nghiệp hưởng lợi, ít người tiêu dùng được lợi.
Thưa bà, việc hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp như chương trình bình ổn hiện nay có làm méo mó quy luật cung cầu thị trường?
Méo mó là nhất định chứ. Những sản phẩm đó lẽ ra là bằng giá thị trường nhưng được trợ giá để thấp hơn thì như thế là méo mó. Méo mó giữa các DN với nhau. Anh này được hưởng quỹ bình ổn thì bán với giá này, DN không được hưởng thì bán với giá kia. Cái đó không phải là cái hay.
Theo bà, đối tượng nào hưởng lợi từ chương trình bình ổn giá?
Doanh nghiệp (tham gia bình ổn, được trợ cấp vốn) được hưởng, kênh bán hàng nào đó, ví dụ như siêu thị được hưởng. Còn người dân được hưởng là ai? Chỉ có một số người tiêu dùng đến siêu thị mua mặt hàng đó thôi, còn đông đảo người nghèo người ta đâu đến các siêu thị.
Tôi cho rằng, vẫn khuyến khích doanh nghiệp nếu dùng quỹ bình ổn đó cho việc mua hàng về bán ở vùng nông thôn, bán cho công nhân ở các khu công nghiệp. Còn với người có thu nhập trung bình khá trở lên, Nhà nước không cần bình ổn cho họ. Giảm giá vài chục nghìn đồng một bình dầu ăn thì có ý nghĩa gì khi mà họ xài xe ô tô giá cả triệu USD hoặc vài chục nghìn USD?
Một số địa phương xem Chương trình bình ổn là thành công và muốn tiếp tục nhân rộng. Bà đánh giá thế nào?
Tôi cho là không nên làm tiếp. Còn nếu làm thì phải thực sự đúng nghĩa là bình ổn cho người thu nhập thấp. Tôi tán thành với cách đề cập của Chính phủ là trong điều kiện giá cả tăng như hiện nay, phải đặc biệt quan tâm người thu nhập thấp và có những bù đắp cho người ta. Bù đắp như thế nào thì còn tính, nhưng các địa phương cũng nên hướng theo tinh thần đó.
Bà có nói quỹ bình ổn dành cho một số doanh nghiệp được hưởng lợi. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp tham gia bình ổn tại TPHCM than rằng đang lỗ. Bà thấy có hợp lý?
Tôi chỉ sợ cách than lỗ của họ, cũng như các ông doanh nghiệp nhà nước vậy, ngân hàng vậy, than lỗ để đẩy lãi suất tín dụng lên sau đó cuối năm lại báo cáo lãi và dùng để chia nhau. Nếu mà họ thấy lỗ thì đừng tham gia chương trình bình ổn nữa, xin rút ra đi.
Đại Dương (thực hiện)
tiền phong
|