Chấp nhận đường vòng trong chống lạm phát
Giảm tăng trưởng tín dụng và tăng dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại là giải pháp chuẩn. Nhưng việc thực hiện phải tùy vào thể trạng của mỗi quốc gia.
Việc ngân hàng tăng lãi suất huy động để thu hút tiền tiết kiệm sẽ tạo ra một hiệu ứng không mong muốn là lãi suất cho vay cũng sẽ bị đẩy lên. Vì vậy giải pháp tăng cung hay tăng cầu về tiền đều có độ trễ nhất định. Hai giải pháp này không có đường nào trực tiếp cả, bắt buộc chúng ta phải đi đường vòng.
Cần thời gian để cân bằng về tiền
Hiện nay xuất hiện hai quan điểm ngược nhau về chống lạm phát. Thứ nhất là tăng tổng cung thông qua giảm lãi suất. Giải pháp này doanh nghiệp rất ủng hộ. Trái lại, quan điểm thứ hai là giảm tổng cầu thông qua tăng lãi suất lại được các ngân hàng hoan nghênh.
Thế nhưng tăng tổng cung cần nhiều thời gian hơn để thực hiện, nghĩa là phải có thời gian gia tăng sản xuất thông qua tăng đầu tư để tác động đến sản phẩm đầu ra trong tương lai. Trong khi đó, việc giảm cầu thông qua giảm lãi suất thường có tác động nhanh hơn vì giảm tăng trưởng tín dụng và giảm lượng tiền trong lưu thông.
|
Thắt chặt cung tiền là một trong những biện pháp chống lạm phát. |
Chính phủ tăng cung tiền bằng hình thức nào cũng vậy. Bởi tăng cung tiền có mấy kênh chính: Kênh thứ nhất là Chính phủ tài trợ cho phát hành tín phiếu kho bạc. Bộ Tài chính sẽ giao cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) một khối lượng tín phiếu nhất định. Trên cơ sở đó, NHNN sẽ mua lượng tín phiếu này với một lượng tiền tương ứng rồi Chính phủ tài trợ cho chi tiêu công.
Kênh thứ hai là Chính phủ tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại. Theo kênh này, một khi tăng lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất liên ngân hàng… thì các ngân hàng rất khó tiếp cận nguồn vốn. Khi ấy ngân hàng thương mại vay tiền của NHNN ra kinh doanh không có lời nên họ sẽ hạn chế vay. Vì vậy, NHNN hạn chế được đầu cung vốn.
Chắt lọc đối tượng cho vay
Trên thế giới, biện pháp chung để chống lạm phát là thắt chặt chi tiêu công và thắt chặt cung tiền. Việc thắt chặt cung tiền được thực hiện bởi nâng lãi suất và giảm cung tiền. Ngoài ra cũng có thể thắt chặt bằng cách giảm tăng trưởng tín dụng và tăng dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại. Đây là mô hình chuẩn nhưng phải tùy vào thể trạng của mỗi quốc gia để thực hiện.
Thực tế đã chứng minh hậu quả của nền kinh tế hiện nay là do chúng ta dễ dãi trong tín dụng, dẫn đến các doanh nghiệp vay được tiền nhưng hiệu quả kinh doanh không cao. Do vậy cần phải cân nhắc đến việc hạn chế cho vay. Khi đó, các tổ chức tín dụng buộc phải chọn lựa đối tượng khách hàng truyền thống, uy tín, tiềm năng để cho vay.
Hiện nay kiểm soát của Chính phủ đang theo chính sách kinh tế hỗn hợp. Chính phủ đang dùng cả lý thuyết “bàn tay vô hình” và “bàn tay hữu hình” để điều hành. “Bàn tay vô hình” là những quy luật vốn có của nền kinh tế thị trường. Trong đó, quan hệ lớn nhất là quan hệ cung-cầu. Chính phủ vừa điều hành theo kiểu thị trường và vừa có can thiệp của Chính phủ thông qua kế hoạch, định hướng, những đạo luật. Theo tôi, Chính phủ đang đi đúng hướng. |
TS. Nguyễn Ngọc Ảnh
PHÁP LUẬT
|