Bộ trưởng Bộ Tài chính: “Năm nay không gay gắt bằng 2008”
Tại cuộc họp giao ban báo chí sáng 1/3 tại Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã thuyết trình về các vấn đề tài chính vĩ mô. Bên lề cuộc họp, ông Ninh đã trả lời báo giới liên quan đến Nghị quyết 11/NQ-CP và nhiệm vụ của Bộ.
Tín hiệu coi trọng ổn định vĩ mô
Vì sao trong Nghị quyết 11 vừa rồi không thấy nhắc lại các chỉ tiêu về tăng trưởng, lạm phát, trong khi chỉ tiêu về tín dụng và cung tiền lại được nhấn mạnh ngay từ đầu?
Các chỉ tiêu tăng trưởng và lạm phát vẫn phải theo nghị quyết trước, nhưng lần này không nhắc lại vì là bổ sung thôi. Ý là như thế.
Nhiều người cũng bình luận là Chính phủ đã coi trọng hơn ổn định vĩ mô, thì đó là tín hiệu không phải tăng trưởng với bất cứ giá nào, tóm lại là như thế.
Nói thế tức là Nghị quyết 11 ưu tiên cho tính linh động trong điều hành, hơn là chốt vào các con số cụ thể?
Nói về mục tiêu tổng thể của năm 2011, đến nay có một sự điều chỉnh nhất định.
Một trong những con số được quan tâm tại Nghị quyết 11 là tiết kiệm 10% chi tiêu thường xuyên. Chính sách này cũng giống như năm 2008 đã từng áp dụng. Vậy khoản này tương đương bao nhiêu tiền?
Bây giờ đang tính. Chính phủ đang giao Bộ Tài chính hướng dẫn các đơn vị tính toán. Năm 2008 thì khoảng 27-30 nghìn tỷ đồng gì đó.
Lần này nó hơi khác năm 2008 một chút. Tài sao nó khác? Bởi vì thế này, trong Chính phủ nhận định mỗi năm một vẻ, độ phức tạp mỗi năm một kiểu, không thể nói năm nay đơn giản hơn được. Thế nhưng về mức độ, thì đánh giá có thể năm nay không gay gắt bằng năm 2008.
Chính vì thế Chính phủ đưa ra các giải pháp thể hiện tín hiệu, dự báo của Chính phủ. Năm 2008 là cắt rất mạnh. Nhưng năm nay là cắt để đấy đã, chưa được tiêu. Tùy tình hình từ nay đến cuối năm, nếu tình hình tốt lên thì chúng ta duyệt phát sinh mới. Nếu mà nó không tốt lên thì là thu về.
Thế cho nên, trong Nghị quyết 11 có câu là để tại đơn vị, địa phương, nhưng chưa được tiêu đâu, sau đó mới có hướng dẫn.
Vì tình hình hiện nay biến động rất là nhanh, thế giới biến động rất nhanh, lạm phát kinh khủng như thế. Nếu tình hình ổn thì điều hành mình khác, tình hình gay gắt hơn thì mình siết lại. Nếu mình mình bảo cho ông tiêu ngay thì có khi trở tay không được. Nhưng nếu thu về thì tự nhiên có khi siết chặt thì ảnh hưởng đến tăng trưởng.
Nói thế chứ chúng ta không phải vì chạy theo tăng trưởng, nhưng phải ở mức độ nào đấy, vì nó còn giải quyết việc làm và rất nhiều vấn đề, đời sống không lên, thu nhập không lên được thì cũng gay.
Vừa rồi, nói tăng giá như thế nhưng trong nội bộ Chính phủ cũng có ý kiến mừng, vì một bộ phận nông dân cũng được nhờ. Ví dụ thóc gạo tăng nhanh, cà phê, hạt tiêu tăng nhanh, tất cả nhưng thứ ấy những người sản xuất được nhờ.
Nhiều kênh trong tầm tay
Một chuyên gia có nói, cần phải giảm tổng cầu khoảng 100 nghìn tỷ đồng mới kiểm soát tốt lạm phát. Ông nghĩ sao?
Thực ra chuyên gia nói như thế thì cũng có lý, tính toán các chỉ tiêu mình phải phấn đấu. Rất nhiều kênh, trực tiếp là tiền tệ và hai là chi tiêu công thì trong tầm tay. Theo Nghị quyết 11, tổng đầu tư toàn xã hội Chính phủ đặt ra là khoảng 39% đến dưới 39% GDP để giảm tổng cầu…
Cũng có ý kiến là nên mạnh tay giảm bội chi xuống 2-3% GDP thì tốt hơn cho việc tái lập ổn định vĩ mô. Ý kiến của ông?
Mình không thể nói như thế được. Giống như tôi đã nói là làm tài chính thì hạnh phúc nhất là không bội chi. Nhưng mình phải tính toán giữa sự phát triển và an toàn về mặt vĩ mô sao cho nó hài hòa. Một trong những bức xúc hiện nay của mình là hạ tầng và vì vậy môi trường đầu tư rất xấu.
Đứng trước sự lựa trọn đó, thì mình phải đi vay.
Nhưng cũng có lo ngại là bội chi như thế, phát hành trái phiếu ra thì các nguồn tài chính mấy năm vừa rồi dồn vào khu vực nhà nước hiệu quả thấp, thưa ông?
Hiện nay, trong ngân sách nhà nước không có chi một khoản nào trực tiếp cho doanh nghiệp hết, chỉ qua kênh tín dụng thôi. Tín dụng thì không phải tất cả doanh nghiệp nào cũng được hết. Doanh nghiệp nhà nước bây giờ cũng phải đi vay tín dụng chứ ngân sách có cấp đâu.
Đầu tư của ngân sách hiện nay chỉ cho các công trình không thu hồi vốn thôi, ví dụ giao thông không thu phí được, hai là thủy lợi, ba là y tế, bốn là tủy lợi. Thế còn những cái kể cả giao thông công trình nào thu hồi được vốn cũng chuyển sang thu phí rồi. Cái lành mạnh của ngân sách ở điểm này là tốt. Cơ cấu chuyển dịch như thế là rất tốt cho đầu tư.
Ví dụ đường cao tốc hiện nay ngân sách hoàn toàn không cấp đồng nào, doanh nghiệp phải huy động vốn hết.
Có ý kiến cho rằng tăng thu để giảm bội chị nhưng tăng quá cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế. Ông nghĩ sao?
Không, cái này phải theo chính sách. Nghị quyết Chính phủ có nói rằng chống thất thu và chống nợ đọng thuế. Thì tới đây, ngành tài chính sẽ giao cho các địa phương chỉ tiêu về nợ đọng thuế phải giảm xuống, tăng vào đâu mà không thể thu bừa được. Thậm chí những khoản phí, lệ phí đã miễn, đã giảm vẫn phải thực hiện. Một số nơi vẫn phải yêu cầu giảm cho dân.
Khó cũng phải làm
Đối với Bộ Tài chính, việc thực hiện Nghị quyết 11 có khó khăn gì không?
Có chứ. Những cân đối tài chính phải làm lại. Tất cả các ngành phải sắp xếp lại vì bây giờ mình phân cấp nhiều rồi. Khối địa phương cũng phải chỉ đạo quyết liệt.
Hướng dẫn của Bộ Tài chính phải báo cáo lên. Chính phủ cũng có kế hoạch sẽ lập các đoàn đi kiểm tra…
Trong nghị quyết đã đề cập, chính sách tiền tệ thì linh hoạt, thận trọng, nhưng chính sách tài khóa thì là thắt chặt. Ngay chữ ấy cũng phải bàn rồi, tức là rất quyết liệt. Nó khó ở chỗ là không phải ngành tài chính điều hành mà để cho tất cả các nơi làm.
Ví dụ như Chính phủ phân công, phân cấp rồi, bộ trưởng được quyết định đầu tư, chủ tịch UBND tỉnh được quyết định đầu tư, bây giờ các dự án ban đầu ấy đã bố trí vốn bây giờ phải cắt giảm. Đứng trước cái sự ấy thì cắt giảm cái nào cũng là một sự lựa chọn hết sức khó khăn chứ không phải là đơn giản. Nhưng mà phải làm thôi.
Những khoản đầu tư giãn, giảm, điều chuyển… có thể nhìn vào đâu để thay đổi được tình thế khó khăn như ông vừa nói?
Ví dụ những khoản như thế này thì trong tầm tay của Chính phủ: mọi năm mình có ứng vốn nhưng năm nay mình tuyên bố không ứng vốn, thì đó là một kênh; thứ hai là làm không hết mọi năm mình cho chuyển sang năm sau để tiêu nhưng năm nay không cho chuyển. 2010 không chuyển sang 2011, năm 2011 không chuyển sang 2012 thì đó là hai kênh nằm trong tay Chính phủ.
Thế còn phần ngân sách trung ương cũng nằm trong tay Chính phủ, mà ngân sách trung ương cũng to lắm, không phải bé. Phần ngân sách địa phương mình cũng chỉ đạo quyết liệt nữa thì chắc chắn làm được.
Cụ thể là có thể giảm được bao nhiêu từ các khoản vừa nói, thưa ông?
Bây giờ chưa thể nói được, còn đang yêu cầu làm, rồi mình mới đi kiểm tra, tổng hợp lại. Nhưng tinh thần là như thế.
Bản thân việc không cho ứng tức là mình đã cắt rồi, tự ông phải cân đối, sắp xếp, phải xem xét lại chứ không như cũ được nữa. Ví dụ như cũ thì anh có 10 dự án làm cả 10, thiếu tiền thì xin ứng. Nhưng bây giờ không cho ứng nữa, 10 dự án anh phải cân nhắc, tính toán lại. Nếu như trong số đó có dự án phải cắt, phải tạm dừng thì đó chính là cắt. Ý là như thế.
Cái nữa là như tôi đã nói còn tùy vào đánh giá tình hình, nếu mà gay gắt hơn thì giải pháp mạnh mẽ hơn. Bây giờ tình hình vẫn còn đang cập nhật.
Quản lý nợ không xa rời trần an toàn
Chỉ tiêu bội chi tại Nghị quyết 11 vẫn đặt ở mức dưới 5% GDP, tức là phải tiếp tục đi vay, trong khi các khoản nợ quốc gia, đặc biệt nợ thương mại nước ngoài dường như đang tăng nhanh. Theo ông tình hình này nên nhìn nhận như thế nào?
Xu hướng còn do quan hệ của mình với các nước, các tổ chức. Ví dụ, mình là nước thu nhập trung bình rồi thì thường là các đối tác họ cho rằng mình không phải nghèo nữa nên cho vay phải nâng lãi suất lên. Tại hội nghị các nhà tài trợ vừa rồi, tài trợ ưu đãi vẫn cao vì còn do quan hệ của mình nữa. Nếu họ tốt với mình thì cơ cấu giảm nợ lãi suất thấp từ từ. Ý là như thế, kể cả giảm về cơ cấu, giảm về lãi suất, giảm về thời gian… cái ấy rất là quan trọng.
Nhưng mà xu hướng cơ cấu vay ưu đãi sẽ giảm dần, còn xu hướng vay thương mại, vay theo lãi suất thị trường thì sẽ tăng lên. Lúc bấy giờ chúng ta phải dùng nhiều giải pháp để khống chế nó. Nhưng điều vô cùng quan trọng là vay về để làm gì, để có thể trả được nợ thì mới vay.
Hiện tại chúng ta đang theo hướng là tất cả các khoản vay thương mại hầu hết là không đầu tư vào hạ tầng không hoàn vồn mà chỉ đầu tư vào những dự án có hoàn vốn. Mình vay về cho vay lại, phải làm ra tiền và trả được nợ mới vay như thế.
Hiện nay, chúng ta đang theo hướng như thế và mình kiên trì theo hướng như thế. Đương nhiên là mình sẽ khống chế tỷ lệ này, không thể tăng quá cao đến một lúc nào đó có thể tạo nguy cơ.
Theo báo cáo nợ nước ngoài của Bộ Tài chính, phần lãi suất cao tăng rất mạnh so với trước đó. Theo ông đã đến lúc phải lo ngại về vấn đề này?
Vừa rồi có yếu tố là một số dự án lớn đang triển khai nên khả năng là từng thời điểm có tăng. Nhưng đến một lúc nào đấy nó có thể giảm.
Ví dụ sắp tới chúng ta triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận thì dự án này không thể hoàn toàn vay ưu đãi được. Chúng ta muốn lãi suất càng thấp càng tốt. Càng ưu đãi thì càng tốt cho đất nước, ý là như thế.
Ông có nói rằng nợ thì 10 năm tới mới đáng lo. Cụ thể như thế nào?
Vì cơ cấu nợ của ta nó dài, 30-40 năm mới phải trả. Bình quân lại cả thương mại và ưu đãi mấy chục năm nữa mới phải trả, bình quân 26-29 năm. Thứ hai là lãi suất nó nhẹ, bình quân lại như thế.
Với vay thương mại 10 năm tới sẽ như thế nào?
Đúng là bây giờ chúng ta đã phải tính rồi, tính cho 10 năm tới. Chứ nếu không nếu chúng ta vay bừa bãi thì 10 năm tới nõ lại tăng nữa.
Nếu vì lợi ích cá nhân thì có bao nhiêu tiêu bấy nhiêu cho sướng. Thế nhưng đứng trước sự lựa chọn phát triển hay không phát triển, mình lựa chọn bài toán khó, mình đi con đường khó hơn. Dễ nhất là tôi có bằng ấy tôi mời ông tiêu bằng ấy thôi. Khó là mình phải đi vay về cho mọi người tiêu, rồi lại phải lo đi trả nợ.
Nhưng vì sự phát triển mình phải vay, mình kiên trì quan điểm ấy.
Như ông nói thì các chỉ tiêu giám sát nợ công đều an toàn, nhưng liệu những chỉ tiêu nợ so với GDP, so với thu nhân sách, thu từ xuất khẩu… đến lúc nào đó sẽ điều chỉnh không, vì một số chỉ tiêu cũng gần đến ngưỡng cho phép?
Cái trần khống chế thì mình lựa chọn trần an toàn nhất. Ví dụ thông lệ của người ta như thế thì mình thấp hơn, trần là 1/4 kim ngạch xuất khẩu chẳng hạn thì mình chỉ lấy 20% thôi. Như vậy thì mình càng an toàn.
Tức là điều hành chính sách tài chính phải căn vào những chỉ tiêu này?
Có chứ, những cái ấy là cốt lõi của vấn đề chứ, không bao giờ xa rời được.
Anh Quân
TBKTVN
|