Thứ Năm, 03/03/2011 09:14

Chống lạm phát: Uống thuốc phải uống đủ liều!

4 năm nay, năm nào ta cũng chống lạm phát nhưng rồi lại bùng lên. Lần này, Chính phủ phải kiên quyết làm dài hơi chứ không nên vội chạy theo tăng trưởng. Đây cũng là cơ hội để tái cấu trúc lại nền kinh tế. Các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh tại bàn tròn với VEF.VN chiều 2/3.

"Hoàn cảnh chiến đấu" đã khác

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định rằng vài năm gần đây có thể thấy rõ là trong cùng điều kiện, các nước xung quanh tăng trưởng tốt hơn, lạm phát thấp hơn. Ngay cả hiện nay lạm phát toàn cầu thì họ chỉ lo 3-4% chứ ko phải 2 con số như ta.

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, cho rằng hoàn cảnh chiến đấu với lạm phát đã khác.

Điều kiện lạm phát năm nay khác với mọi năm vì sau 4 năm chống chọi với lạm phát, sức khỏe của nền kinh tế đã yếu hơn nhiều.

Sức chịu đựng của dân cũng giảm đi rất nhiều. Nếu tính lũy tiến thì CPI tổng cộng đã có thể lên tới 60%, kể cả cộng trực tiếp cũng phải đạt tới 50%.

Bối cảnh năm nay dự báo có nhiều điểm tác động, như hạn hán, thiếu điện ảnh hưởng tới nông nghiệp và công nghiệp. Dự báo về khủng hoảng lương thực cũng trầm trọng. CPI nước ta phụ thuộc giá lương thực rất nhiều. Thêm vào đó giá dầu đã lên mạnh và có xu hướng tăng.

Bên cạnh đó, chống lạm phát nhưng vẫn buộc phải cho phép tăng giá các mặt hàng cơ bản vì ta đã nén nhịn giá thị trường quá lâu. Giá đấy là đời sống DN, là khả năng hút các nguồn lực nước ngoài. Chẳng hạn giá điện thấp thì các nhà đầu tư nước ngoài dùng nhiều điện sẽ thích vào VN nhưng các nhà sản xuất điện lại không vào.

"Đến lúc nền kinh tế chấp nhận trả giá để lấy lại sự cân bằng." ông Thiên nhấn mạnh.

Một điểm khác biệt nữa là về điều kiện thực hiện. Tình thế năm nay rất khó nên quyết tâm chống lạm phát bừng bừng lên. Mà khi bị dồn vào chân tường thì những năng lực, tài trí phát huy. Thông điệp Chính phủ đưa ra chứng tỏ ta đã đảo được tư duy về mục tiêu. Năm ngoái cũng đưa ra ổn định hàng đầu, tăng trưởng hàng dưới nhưng cuối năm thay đổi và lạm phát vẫn lên.

Chính vì thế, dù Chính phủ hạ quyết tâm và "hứa" sau 6 đến 9 tháng sẽ thấy hiệu quả của các biện pháp chống lạm phát quyết liệt, nhưng các chuyên gia cho rằng, cần phải kiên trì trong cuộc chiến chống lạm phát, cũng như uống thuốc phải uống đủ liều và phải kết hợp nhiều bài thuốc khác nhau.

"4 năm qua, năm nào Việt Nam cũng chống lạm phát, nhưng năm nào cũng bùng lên. Những đợt chống lạm phát ngắn hạn dường như không chống được bất ổn dài hạn," ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Còn TS. Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Phát triển KT-XH Hà Nội, thì tin tưởng nểu đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát xuống dưới 12% một chút thì sau nửa năm đến 9 tháng nữa, hoàn toàn có thể làm được.

An sinh xã hội không ngoài lề tăng trưởng

Tuy nhiên, ông Phong nhấn mạnh rằng không chỉ một lời hứa là có thể thực hiện được mà cần có sự đồng bộ triển khai cũng như đồng thuận trong toàn xã hội.

Là một người nhiều năm làm việc với các DN, bà Phạm Chi Lan chia sẻ rằng DN sợ nhất là chính sách thiếu sự đồng bộ, khiến nhiều chính sách đẹp nhưng rất "cô đơn".

Trong thời gian qua, chúng ta dường như không đứng trên cùng một cơ sở, một lúc để tính toán sự tác động đối với toàn xã hội.

"Có nhất thiết phải điều chỉnh giá xăng, giá điện gần như cùng lúc với tỷ giá với mức rất cao như thế ko?" bà Lan đặt câu hỏi. "Nếu chính sách được thiết kế đứng trên lợi ích của toàn nền kinh tế và trong khoảng thời gian dài thì sẽ có sức thuyết phục hơn nhiều."

Đồng tình với lập luận đó, ông Thiên cho rằng đồng bộ chính sách là khó nhất trong điều hành bởi việc chung thì nhiều khi không được chú trọng. Chính vì thế, phải có sự phối hợp chính sách giữa các bộ ngành, giữa trung ương và địa phương, giữa Nhà nước và các tập đoàn kinh tế lớn.

"Xung đột chính sách là rất nguy hiểm cho nền kinh tế. Phải quán triệt cả tài khóa lẫn ngân hàng đều phải hy sinh cho nền kinh tế," ông Thiên nhấn mạnh.

Theo TS. Nguyễn Minh Phong thì chính sách an sinh xã hội phải trở thành một trong những mục tiêu để đảm bảo đồng thuận và ổn định xã hội.

Ông Phong cho rằng Nghị quyết 11 đã đặt vấn đề này nhưng có chừng mực. Chẳng hạn tăng giá điện có hỗ trợ người nghèo còn các chính sách khác vẫn đang chờ đợi.

Đặc biệt, năm nay hạn chế cho vay tiêu dùng và bị kết cùng với vay cho BĐS và chứng khoán. Nhu cầu vay tiền của người dân sẽ bị hạn chế hơn.

Bên cạnh đó, tăng giá một số mặt hàng lại bị coi là công cụ thu hút đầu tư trong khi nó ảnh hưởng trực tiếp tới an sinh xã hội. Mỗi năm ngành điện tăng từ 13-15% tổng cầu. Đây là ngành rất hấp dẫn các nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Minh Phong cũng lưu ý hai điểm trong chính sách an sinh xã hội thời gian tới là: địa phương và trung ương cần có kho dự trữ an ninh lương thực cho dân và tiếp tục cho vay để phát triển nhà cho người thu nhập thấp, đáp ứng hàng chục triệu hộ gia đình.

Bên cạnh chống lạm phát, ổn định vĩ mô, các nhóm giải pháp mà Chính phủ đề ra trong Nghị quyết 11 còn nhằm đảm bảo an sinh xã hội. Nhưng TS. Trần Đình Thiên cho rằng an sinh xã hội lâu nay thường bị quan niệm là "hậu tăng trưởng", tức là tác động tới nhóm người ngoài lề tăng trưởng.

"Bản thân câu chuyện phải được giải quyết ngay trong tăng trưởng," ông Thiên chia sẻ. "Trong hệ bền vững phát triển, nếu bài toán ASXH bị tách ra thì là bi kịch của phát triển."

Tránh "bẫy tái cấu trúc"

Các chuyên gia kinh tế tham gia bàn tròn trực tuyến đều đồng tình rằng sự thiếu hiệu quả của đầu tư công và hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước "đóng góp" một phần không nhỏ vào lạm phát.

Năm nay, thông điệp của Chính phủ về cắt giảm chi tiêu ngân sách và đầu tư công rất mạnh. Nhưng cần rút kinh nghiệm năm 2008 cũng đặt mục tiêu mạnh như vậy nhưng sau đó không nói cụ thể cắt được bao nhiêu.

Ông Trần Đình Thiên cho rằng không phải ngồi xem sổ sách mà cắt được bởi đây là số mệnh của những người lao động thực tế.

"Phải có lộ trình làm từ 1 đến 1,5 năm," ông Thiên nói. "Bản chất câu chuyện ko phải đến lúc khó thì lôi ra cắt. Phải đưa việc hiệu quả đầu tư công thành luật."

Bà Phạm Chi Lan nhận định nên coi thử thách này như  một cơ hội để cải cách DNNN một cách quyết liệt và rõ ràng hơn, đồng thời tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa DNNN và DN tư nhân.

Bà Lan cũng tin tưởng cải cách DNNN chính mà một cái chốt quan trọng trong tái cấu trúc nền kinh tế.

Ông Trần Đình Thiên cho rằng tái cơ cấu phải gắn với điều chỉnh thể chế, tạo ra kênh để dẫn nguồn lực tới đúng chỗ. Từ đó diện mạo của nền kinh tế thay đổi.

Đây thực chất vẫn là câu chuyện giữa Nhà nước với thị trường. Nhà nước phải tập trung ổn định vĩ mô, còn thị trường phân bổ nguồn lực.

Một nền kinh tế với nhiều thị trường mà không đồng bộ thì không thể hiệu quả. Tái cấu trúc cơ bản ở đây là tạo môi trường để các thị trường phát triển đồng đều. Những thị trường nguồn lực cơ bản lại không được quan, trong khi chỉ phát triển những thị trường chóp bu làm giàu cho vài ngàn người như chứng khoán thì nền kinh tế không thể phân bổ nguồn lực tốt.

Khi thực hiện chức năng đó thì các ngành, từ trung ương tới địa phương phải phối hợp cho đúng thì thị trường sẽ tự điều tiết.

Tái cấu trúc nền kinh tế, theo bà Phạm Chi Lan, là phải tổ chức, sắp xếp lại từng cá nhân, tổ chức.

Bà Lan nhấn mạnh 2015 là cột mốc quan trọng vì chúng ta hội nhập đầy đủ vào ASEAN, thuế các mặt hàng từ Trung Quốc và ASEAN đều xuống còn 0-5%. Sắp tới ta có thể ký một số hiệp định khác như TPP và FTA với EU. DN sẽ phải nhận thức được thách thức và cơ hội.

Nhưng ông Thiên cho rằng một trong những điểm yếu của DNVN là năng lực hội nhập rất kém. Đồ cung cấp cho thế giới chỉ nằm dưới đáy của chuối giá trị toàn cầu. Tự DN phải hiểu được để phát triển phải đặt trong chuỗi toàn cầu.

Ông Nguyễn Minh Phong cảnh báo các DN có thể rơi vào bẫy tái cấu trúc và những xung đột lạm phát mới phi truyền thống. Tái cấu trúc đòi hỏi khu vực DN tạm thời chấm dứt một số hoạt động kinh doanh cũ dẫn tới giảm thu nhập, đồng thời cần lượng vốn mới để đầu tư sản xuất và công nghệ.

Diễn đàn kinh tế Việt Nam

Các tin tức khác

>   “Mệnh lệnh” thị trường (03/03/2011)

>   Bình ổn giá, ai được lợi? (03/03/2011)

>   Cắt giảm đầu tư công, không “đầu voi đuôi chuột” (03/03/2011)

>   Vốn cho sản xuất kinh doanh vẫn được đảm bảo (03/03/2011)

>   Cơ hội cho các nhà đầu tư Mỹ vào Việt Nam (03/03/2011)

>   Đại sứ Anh: 'ODA cho Việt Nam sẽ giảm dần' (03/03/2011)

>   Chấp nhận đường vòng trong chống lạm phát (03/03/2011)

>   Ký kết thỏa thuận đầu tư tuyến metro số 2 với Ngân hàng KfW (03/03/2011)

>   Bình Dương thêm nhà máy lon nước giải khát 50 triệu USD (02/03/2011)

>   "Chưa tính chuyện điều chỉnh chỉ tiêu lạm phát năm nay" (02/03/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật