Thứ Năm, 03/03/2011 08:49

“Mệnh lệnh” thị trường

Đảm bảo nguyên tắc thị trường là một trong những mục tiêu xuyên suốt cả quá trình cải cách kinh tế của nước ta đã được khẳng định trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 5 năm, 10 năm tới. Trên chặng đường dài này, có những thời điểm vì nội tại của nền kinh tế chưa kịp chuyển đổi, vì quán tính điều hành mang tính mệnh lệnh hành chính, “vận tốc” thị trường bị chững lại, thậm chí “bánh xe” còn giật lùi. Song không ai có thể cưỡng lại được “mệnh lệnh” của thị trường.

Trong bối cảnh giá cả tăng mạnh vào những tháng đầu năm, các tập đoàn thường là những “ông lớn” nắm quyền chi phối gần như toàn bộ ngành mình trong nền kinh tế như, Tập đoàn Điện lực Việt Nam hay Tập đoàn Than-khoáng sản, muốn đưa ra mức giá bán sản phẩm của họ theo “giá thị trường”. Vì vậy gần đây Bộ Tài chính đang khẩn trương hoàn thiện Đề án Điều hành giá theo cơ chế thị trường. Lâu nay nhiều người thường cho rằng cứ có người bán và người mua tức là có một thị trường.

Thực ra đó chưa thể gọi là “cơ chế thị trường”, vì thị trường đích thực cần phải có yếu tố cạnh tranh. Chỉ có thông qua cạnh tranh sòng phẳng, cơ chế giá mới được thiết lập, như thế mới có ý nghĩa. Để có cạnh tranh thì trên thị trường đòi hỏi phải có cùng một lúc nhiều người mua và nhiều người bán, hoạt động độc lập với nhau. Nếu bên bán chỉ có một hoặc rất ít doanh nghiệp tham gia, tức là có hiện tượng độc quyền bán.

Nếu bên mua chỉ có một hoặc ít người mua, thì tồn tại hiện tượng độc quyền mua. Khi xuất hiện yếu tố độc quyền, việc giá cả vận hành theo “cơ chế thị trường” chẳng còn mấy ý nghĩa vì giá sẽ bị bên độc quyền thao túng. Nhiệm vụ ổn định vĩ mô mà Chính phủ đề ra cho các bộ có trách nhiệm thi hành bị “lung lay” với diễn biến giá cả leo thang sau Tết Nguyên đán khởi đầu là tỷ giá VND/USD, khiến cho các thị trường ngoại hối, vàng biến động liên tục, có thể dẫn đến sự bất ổn của thị trường bất động sản, chứng khoán.

Thực tế cho thấy, mỗi khi biến động giá cả, chính sách điều hành thường sử dụng “võ cổ truyền” là mệnh lệnh hành chính để đảm bảo “cắt cơn bệnh” trước mắt vì nhà quản lý có trong tay “vũ khí sở trường” là các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước với nhiệm vụ kinh doanh và công ích.

Dùng biện pháp hành chính để kiềm chế giá sẽ tạo ra tình trạng hai giá, rồi lại phải mất công sức để giải quyết những hậu quả tất yếu, nhưng chỉ là phần ngọn chứ không phải “gốc rễ”. Tại thời điểm giá cả ngày càng căng thẳng, có muốn dùng biện pháp hành chính thì cũng vô hiệu vì tác động làm “méo mó” thị trường đã quá lớn. Vả lại, khi có “tấm lá chắn” cơ chế thị trường và một lộ trình đã được hoạch định tương đối, cộng với sức mạnh được chính cơ chế nuôi dưỡng, không dễ ép các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vốn đang độc quyền cung cấp các hàng hóa thiết yếu phải kìm giá cả.

Chắc chắn thời điểm thích hợp để điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường của Bộ Tài chính không thể “kén chọn” hơn nữa. Vấn đề là sẽ thị trường hóa những hàng hóa cơ bản như thế nào, đâu là thứ tự ưu tiên. Theo ý kiến của giới chuyên gia cần có nghiên cứu đánh giá tác động mang tính định lượng hỗ trợ cho quá trình ra quyết định.

Cùng với quá trình này, không thể thiếu quá trình minh bạch hóa thông tin và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh để khống chế việc làm giá. Nếu không, “bánh xe” giá cả sẽ tăng tốc, khó có sự quản lý nào của Nhà nước có thể kìm hãm được. Mệnh lệnh hành chính không thể làm cho thị trường đi nhanh hay chậm, bởi nó chỉ tuân theo “mệnh lệnh” của thị trường như một quy luật tự nhiên không gì cưỡng lại được.

Đan Thanh

An Ninh Thủ Đô

Các tin tức khác

>   Bình ổn giá, ai được lợi? (03/03/2011)

>   Cắt giảm đầu tư công, không “đầu voi đuôi chuột” (03/03/2011)

>   Vốn cho sản xuất kinh doanh vẫn được đảm bảo (03/03/2011)

>   Cơ hội cho các nhà đầu tư Mỹ vào Việt Nam (03/03/2011)

>   Đại sứ Anh: 'ODA cho Việt Nam sẽ giảm dần' (03/03/2011)

>   Chấp nhận đường vòng trong chống lạm phát (03/03/2011)

>   Ký kết thỏa thuận đầu tư tuyến metro số 2 với Ngân hàng KfW (03/03/2011)

>   Bình Dương thêm nhà máy lon nước giải khát 50 triệu USD (02/03/2011)

>   "Chưa tính chuyện điều chỉnh chỉ tiêu lạm phát năm nay" (02/03/2011)

>   Chính phủ ưu tiên hàng đầu kiềm chế lạm phát (02/03/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật