Chính sách vĩ mô: Con dao hai lưỡi!
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu thông báo điều chỉnh giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay xuống không quá 20% so với gần 30% trong năm 2010. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng công bố sẽ giảm 10% ngân sách cho chi tiêu thường xuyên. Rút bớt tiền tệ ra khỏi lưu thông là giải pháp tốt để kiềm chế lạm phát. Nhưng với Việt Nam, lạm phát không chỉ tại Nhà nước đã bơm nhiều tiền vào thị trường, mà còn do tiền đó đã được chi quá nhiều vào những dự án, chương trình đầu tư kém hiệu quả.
Như chúng ta đã biết, vấn nạn lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là sử dụng vốn đầu tư ngày càng kém hiệu quả và để duy trì tốc độ tăng trưởng GDP ở mức cao, Việt Nam đã phải sử dụng ngày một nhiều vốn đầu tư hơn. Đây mới là nguyên nhân cơ bản mà Chính phủ cần phải giải quyết cho bằng được, thì mới có nhiều hy vọng cuộc chiến chống lạm phát đạt được kết quả như mong muốn.
Theo Ngân hàng Nhà nước, nếu giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng 3 điểm phần trăm là đồng nghĩa với giảm ít nhất 70.000 tỉ đồng. Nhưng mức giảm này chưa chắc đã làm cho lạm phát hạ nhiệt, nếu tiền vẫn tiếp tục chạy vào những dự án, chương trình đầu tư kém hiệu quả. Ngược lại, nếu đầu tư vào những nơi có khả năng sinh lợi cao nhất và giải quyết nhanh được những nút thắt đang chặn sức tăng trưởng của nền kinh tế, thì dù duy trì mức tăng tín dụng cao, vẫn có thể kiểm soát được lạm phát.
Cũng vậy, nếu chủ trương tiết kiệm 10% chi thường xuyên của Chính phủ nhắm vào những hạng mục vô bổ, không cần thiết hoặc không mang lại giá trị gì cho nền kinh tế, thì sẽ rất tốt. Nhưng nếu chỉ cắt giảm một cách máy móc theo kiểu bình quân, thì chưa chắc có tác động lên lạm phát như mong muốn, mà có khi còn tác dụng xấu đến đà tăng trưởng của nền kinh tế do sức mua của thị trường suy giảm.
Như vậy, để chống lạm phát hiệu quả, cần phải cải thiện hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Muốn vậy, cần phải giải quyết tận gốc những nguyên nhân của việc sử dụng vốn đầu tư kém hiệu quả. Đó là tình trạng tham nhũng, lãng phí và thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản; đầu tư theo phong trào, theo ý muốn chủ quan mà bất chấp hiệu quả; tình trạng đầu tư phân tán, kéo dài...
Chính sách tiền tệ Chính phủ đang áp dụng sẽ có tác dụng kìm hãm lạm phát, nhưng tác dụng phụ của nó cũng đang gây khốn khó cho cộng đồng doanh nghiệp. Với chính sách này, sắp tới đây nguồn tín dụng sẽ trở nên khan hiếm hơn và lãi suất vay có thể sẽ tăng.
Cho dù Chính phủ chủ trương ưu tiên nguồn vốn cho nông nghiệp, sản xuất và công nghiệp phụ trợ, nhưng với lãi vay trên 18%/năm như hiện nay, liệu có ngành sản xuất hay nông nghiệp nào có tỷ suất lợi nhuận đủ lớn để chịu đựng được mức lãi trên không? Chắc chắn trong danh sách đó không thể có công nghiệp nặng, công nghiệp phụ trợ... là những ngành có đặc điểm cần vốn đầu tư lớn, tỷ suất sinh lợi không cao, nhưng lại rất cần thiết cho nền kinh tế do tác động phát triển lan tỏa của nó.
Thắt chặt tín dụng, hạn chế lượng tiền lưu thông trên thị trường là giải pháp cơ bản để chống lạm phát. Tuy nhiên, nó cũng là con dao hai lưỡi. Nếu sử dụng không đúng, có thể sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm và người phải gánh chịu đầu tiên là các doanh nghiệp, nền tảng của cả nền kinh tế.
tbktsg
|