Technical View: USD sẽ mạnh trở lại trong thời gian tới?
(Vietstock) – Sức mạnh của đồng USD, được đo lường qua chỉ số USD-Index, không chỉ được giới đầu tư trên thị trường forex mà cả chứng khoán rất quan tâm.
USD-Index được tính toán bởi tỷ giá giữa đồng USD và rổ 6 loại tiền tệ: EUR, JPY, GBP, CHF, CAD và SEK. USD-Index là một điểm chuẩn hàng đầu trên thế giới và được công nhận rộng rãi để đo lường giá trị quốc tế của đồng đô-la Mỹ.
Từ đầu tháng 06/2010 cho đến nay, chỉ số USD-Index đã sụt giảm khá mạnh từ mức 80.854 xuống mức thấp 77.172. Hiện tại, chỉ số này đang duy trì ở mức 77.363.
Xu hướng giảm giá dài hạn đang đi vào giai đoạn cuối
Với 4 lần test quan trọng thành công và kéo dài trong suốt 3 năm qua, đường trendline chống đỡ dài hạn cho thấy sự vững chắc và hiệu quả trong việc báo hiệu sự kết thúc những đợt suy giảm dài hạn.
Chúng tôi nhận thấy vài điểm tương đồng về mặt kỹ thuật giữa giai đoạn hiện nay và tháng 12/2009. Sau một chu kỳ giảm điểm kéo dài, giá bắt đầu có hiện tượng tích lũy sau khi về gần đường trendline chống đỡ dài hạn.
Bên cạnh đó, nhóm chỉ báo trung hạn cũng bắt đầu có những dịch chuyển tích cực và hỗ trợ đáng kể cho giá trong giai đoạn tạo đáy.
Trong ngắn hạn có thể phục hồi nhẹ
Kể từ khi hai đường EMA 10 và EMA 20 cho tín hiệu bán thì giá rơi vào chu kỳ giảm ngắn hạn. Hiện nay giá đã hoàn thành xong mục tiêu của mẫu hình Triple Top. Trong thời gian tới, biến động của giá nhiều khả năng sẽ đi theo hướng giằng co và tích lũy thay vì suy giảm liên tục như vừa rồi.
Chỉ số Williams’ % R đã rơi xuống mức gần như thấp nhất (94.438), vì vậy khả năng tăng trưởng trở lại là khá cao. Mặt khác, theo Raff Regression Channel thì giá không còn cách đáy dự kiến quá xa (vùng 75.9 – 77.1).
Vì vậy, chúng tôi cho rằng khả năng phục hồi nhẹ trong ngắn hạn của USD-Index là không nhỏ.
Những kịch bản cho USD
Kịch bản đầu tiên là giá sẽ đi vào vùng 75.9 – 77.1 và tích luỹ tại đây trong một thời gian vài tuần trước khi bứt phá trở lại. Chúng tôi cho rằng đây là kịch bản có nhiều khả năng xảy ra nhất vì những lý do sau:
Thứ nhất, giá chỉ vừa mới phá vỡ EMA 10 và EMA 20 nên việc tăng trở lại là khá hiếm, như đã từng xảy ra trong quá khứ.
Thứ hai, việc tích luỹ tại vùng chống đỡ mạnh 75.9 – 77.1 trước khi thực sự tăng trở lại sẽ giúp cho đà phục hồi trung hạn của USD thêm bền vững và đáng tin cậy hơn.
Cuối cùng là mặc dù các chỉ số như William’% R, Relative Strength Index... đã xuống thấp nhưng các giai đoạn tạo đáy trung hạn của giá trong quá khứ thường kết thúc bằng một phân kỳ thay vì chỉ là một tín hiệu mua đơn thuần của các chỉ báo này.
Kịch bản thứ hai là giá sẽ phá vỡ luôn trendline chống đỡ dài hạn. Đây là kịch bản khá bi quan nhưng không phải là không có khả năng xảy ra, nhất là khi độ dốc của giá trong đợt giảm gần đây là khá cao.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tin tưởng vào sự vững chắc của các yếu tố chống đỡ bên dưới (longterm trendline, Fibonacci...) sẽ giúp giá không rơi vào kịch bản bi quan này.
Kịch bản có ít khả năng xảy ra nhất là giá sẽ quay đầu tăng điểm mà không test lại trendline dài hạn. Chúng tôi cho rằng điều này chỉ có thể xảy ra khi có những mẫu hình nến dạng như Engulfing Bull, Hammer... xuất hiện liên tiếp.
Nói tóm lại, khả năng tích lũy và tăng trưởng nhẹ trở lại của đồng USD đang lớn hơn là khả năng giảm giá.
Nguyễn Quang Minh, Phòng Nghiên cứu Vietstock
|