Thứ Năm, 03/03/2011 16:33

Hướng đến ổn định kinh tế vĩ mô

Những biện pháp thắt chặt tiền tệ và tài khóa được Chính phủ công bố vừa qua, đi kèm với quyết định nâng giá các loại nhu yếu phẩm như xăng dầu, điện nước... theo một lộ trình thích hợp nhằm chấm dứt hoàn toàn tình trạng bao cấp về giá sẽ không chỉ là những biện pháp tình thế nhằm đối phó với những bất ổn do bóng ma lạm phát gây ra trong thời điểm hiện nay. Nếu thành công, chúng có thể trở thành một bước đầu quan trọng và cần thiết của chương trình tái cấu trúc kinh tế rộng lớn hơn hướng tới mục tiêu thực hiện các cân đối vĩ mô thiết yếu, tạo nên động lực thúc đẩy nền kinh tế đất nước tăng trưởng ổn định trong lâu dài.

Trước hết, cần phải thấy rằng mục tiêu kiềm chế lạm phát không phải là đưa giá cả trở lại mặt bằng cũ, một nhiệm vụ bất khả thi khi tỷ giá tiền đồng Việt Nam đã được điều chỉnh theo yêu cầu thực tế, khi giá điện nước, giá xăng dầu được nâng lên phù hợp với cơ chế giá thị trường và khi giá dầu thô, giá lương thực, thực phẩm trên thị trường thế giới tiếp tục lên cao và diễn biến phức tạp trong điều kiện đồng đô la Mỹ vẫn đang trên đà giảm giá và nền kinh tế Mỹ còn lâu mới có dấu hiệu phục hồi.

Tình trạng giá cả tăng vọt hiện nay không chỉ là một vấn đề riêng của nền kinh tế Việt Nam mà còn là vấn đề chung của nền kinh tế thế giới. Loài người đang tranh nhau đốt cháy quá nhanh các nguồn năng lượng để thắp sáng nền văn minh của họ, nguồn năng lượng hóa thạch đang ngày càng khan hiếm, tài nguyên thiên nhiên đang được khai thác ngày càng nhiều và có nguy cơ sớm bị cạn kiệt, thêm vào đó thiên tai và biến đổi khí hậu cùng với sự tàn phá môi trường do con người gây ra đang làm cho nguồn lương thực thực phẩm không đủ cung ứng trở nên ngày càng đắt đỏ. Tiền giấy dễ in, tài nguyên khó kiếm, hàng hóa khó làm, thực tế này khiến cho vấn đề lạm phát trở nên thường trực khi tiền giấy sẽ và vẫn còn ngự trị trên toàn nền kinh tế thế giới.

Do đó, sống chung với lạm phát để tồn tại và phát triển là một sự chọn lựa khôn ngoan của một nước, một cộng đồng dân tộc trong nỗ lực làm giàu, tiến đến cường thịnh. Như vậy, kiềm chế lạm phát bao hàm ý nghĩa làm giảm tốc độ quá nhanh của lạm phát hiện nay và khiến cho nó chậm dần theo một tốc độ chấp nhận được, thí dụ 5%, bắt đầu từ năm tới và ổn định tốc độ của nó trong một thời gian lâu dài có thể, trong khi vẫn phải duy trì một sự tăng trưởng hợp lý sản xuất, kinh doanh, đầu tư cho doanh nghiệp và công ăn việc làm cho người lao động.

Cũng trong ý nghĩa đó, việc hạn chế tăng trưởng tín dụng ngân hàng ở mức 20% nên được hiểu theo một nội dung tích cực hơn. Đây sẽ không phải là một sự hạn chế tín dụng tổng quát mà là một sự tăng trưởng tín dụng có chọn lọc nhằm giúp nền kinh tế duy trì hoạt động thường nhật và nhịp độ tăng trưởng cần thiết của nó. Chúng ta muốn kềm hãm tốc độ lạm phát chứ không phải kềm hãm sản xuất kinh doanh trong nước và tạo nên thất nghiệp.

Điều này đã được Chính phủ giải thích rất rõ: "Tập trung ưu tiên vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Giảm tốc độ và tỷ trọng vay vốn tín dụng của khu vực phi sản xuất, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán...". Nhà nông, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, thương nhân và nhà xuất khẩu có quyền tin tưởng rằng các nhu cầu chính đáng về vốn hoạt động của mình sẽ được đáp ứng đầy đủ bởi các ngân hàng.

Tuy nhiên, nguồn vốn là một chuyện, lãi suất của đồng vốn là một chuyện đau đầu khác đối với người đi vay vốn. Ai cũng mong rằng, nếu chính sách tín dụng là có chọn lọc, mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước sẽ không cần phải ấn định quá cao, tỷ lệ dự trữ tối thiểu bắt buộc cũng không cần phải nâng lên, đồng thời sự hiện diện của nguồn cung ứng vốn ngắn hạn của Ngân hàng Nhà nước trên thị trường tiền tệ sẽ thường xuyên hơn nhằm đảm bảo tình hình thanh khoản ổn định của toàn hệ thống ngân hàng. Với các biện pháp hỗ trợ đó, mặt bằng lãi suất tín dụng ngân hàng sẽ dễ chịu hơn đối với doanh nghiệp, giúp họ duy trì và mở rộng đầu tư sản xuất và đó chính là một trong những yếu tố then chốt góp phần vào việc làm giảm áp lực lạm phát đối với nền kinh tế trong lâu dài.

Việc điều chỉnh giá xăng dầu, giá điện trong tình hình hiện nay có vẻ như "trống đánh xuôi kèn thổi ngược" vì chắc chắn sẽ tạo nên áp lực lạm phát nặng nề hơn, tuy nhiên đây là một nỗ lực cần thiết nhằm chấm dứt tình trạng bao cấp về giá và đưa nền kinh tế hội nhập hoàn toàn vào một cơ chế thị trường hoàn chỉnh. Suy cho cùng, bao cấp về giá là một hành động không công bằng, vì dùng nguồn thuế để bao cấp chẳng khác nào buộc những người không sử dụng sản phẩm phải bù giá cho những người sử dụng.

Nhưng việc chấm dứt bao cấp về giá cũng cần đi kèm với việc chấm dứt bao cấp về nguồn tài chính, chấm dứt việc bù lỗ từ nguồn ngân sách. Các công ty, các tập đoàn nhà nước từ nay phải hoạt động hiệu quả hơn trong cơ chế thị trường và chịu trách nhiệm hoàn toàn về các quyết định kinh doanh của mình. Như vậy, chương trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước cần được đẩy mạnh để giảm bớt, tiến đến chấm dứt sự phụ thuộc tài chính của họ vào ngân sách nhà nước.

Mặt khác, cơ chế độc quyền kinh doanh cũng cần được xóa bỏ theo một lộ trình thích hợp cùng với việc ngày càng giảm bớt các lĩnh vực kinh doanh độc quyền. Giá cả hàng hóa sẽ được quyết định bởi cung cầu thị trường, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ ngày càng hoạt động hiệu quả hơn trong một môi trường cạnh tranh lành mạnh, lợi ích của người tiêu dùng, của người đóng thuế Việt Nam được tôn trọng nhiều hơn, nền kinh tế sẽ vận hành hiệu quả hơn và do đó áp lực lạm phát sẽ giảm đáng kể.

Việc siết chặt chính sách tài khóa, giảm đầu tư công thể hiện quyết tâm và trách nhiệm cao của Chính phủ trong nỗ lực kiềm chế lạm phát, vì trên thực tế, chính sách tài khóa mở rộng trong nhiều năm qua chính là tác nhân chính gây ra sức ép lạm phát thường xuyên trên nền kinh tế. Những biện pháp quyết liệt được công bố như giảm bội chi ngân sách xuống dưới 5% GDP, tiết kiệm 10% chi thường xuyên từ ngân sách, loại bỏ các dự án đầu tư kém hiệu quả, đầu tư dàn trải, đầu tư ra nước ngoài, chưa khởi công các công trình, dự án mới sử dụng vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ... là những yếu tố quyết định hiệu quả tác dụng kiềm chế lạm phát trong năm 2011.

Cuối cùng, quyết tâm của Chính phủ nhằm ổn định tỷ giá đồng bạc Việt Nam sẽ là một tín hiệu tốt không những cho các nhà xuất nhập khẩu Việt Nam mà còn cho những nhà đầu tư nước ngoài. Tình trạng "té nước theo mưa" gây bất ổn nhẹ cho đồng bạc trên thị trường tự do cũng sẽ sớm chấm dứt với khẳng định của Thủ tướng Chính phủ huy động và sử dụng mạnh mẽ các nguồn lực để kiểm soát bằng được tỷ giá theo quy định, dứt khoát không thả nổi tỷ giá.

Quan trọng hơn, việc yêu cầu các tập đoàn, các tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại phải bán ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước đang mở ra một triển vọng mới cho việc tăng cường khối dự trữ ngoại tệ của quốc gia và cũng là tăng cường sự tín nhiệm lâu dài cho đồng bạc Việt Nam, đồng thời là một bước quan trọng trong lộ trình giải quyết tình trạng đô la hóa nền kinh tế. Nguồn lực ngoại tệ hiện có trong hệ thống ngân hàng không nhỏ, số liệu được công bố cho biết số dư tài khoản ngoại tệ của doanh nghiệp lên đến 21 tỉ USD.

Mặt khác, lượng đô la trôi nổi trong nền kinh tế, theo một ước tính không chính thức, chắc chắn không dưới con số 10 tỉ USD. Trong lâu dài, một chính sách tỷ giá phù hợp phải góp phần tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu đã được xác định là khuyến khích xuất khẩu, giảm bớt nhập siêu tiến đến thặng dư cán cân thương mại, tăng cường khối dự trữ ngoại tệ của quốc gia, tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đất nước.

Có thể nói, đây là lần đầu tiên trong nhiều năm, một sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đang được xây dựng và triển khai cùng với những biện pháp quyết liệt hướng tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô vì lợi ích chung của nền kinh tế đất nước. Mọi người chúng ta kỳ vọng rằng các biện pháp, chính sách công bố sẽ được thực hiện tốt đẹp, xây dựng nền móng vững chắc cho nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh và ổn định trong những năm tới.

Huỳnh Bửu Sơn

Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp tư nhân Mỹ muốn rót vốn vào Việt Nam (03/03/2011)

>   Tác động của tăng giá điện, xăng dầu (03/03/2011)

>   Vẫn còn con đường khác để kiềm chế lạm phát (03/03/2011)

>   Chính sách vĩ mô: Con dao hai lưỡi! (03/03/2011)

>   Dự án 250 tỷ USD ở Phú Yên: “Khả năng sẽ tạm dừng” (03/03/2011)

>   Chống lạm phát: Uống thuốc phải uống đủ liều! (03/03/2011)

>   “Mệnh lệnh” thị trường (03/03/2011)

>   Bình ổn giá, ai được lợi? (03/03/2011)

>   Cắt giảm đầu tư công, không “đầu voi đuôi chuột” (03/03/2011)

>   Vốn cho sản xuất kinh doanh vẫn được đảm bảo (03/03/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật