Chủ Nhật, 20/03/2011 08:32

Nhận diện kinh tế Việt Nam năm 2011:

Chứng khoán vẫn hấp dẫn?

Chiều 19-3, tại hội trường Thông tấn xã Việt Nam TP.HCM, Công ty cổ phần chứng khoán FPT đã tổ chức hội thảo "Nhận diện kinh tế Việt Nam và cơ hội đầu tư năm 2011" với sự tham gia của hàng trăm nhà đầu tư chứng khoán, chuyên gia phân tích, doanh nghiệp...

Kinh tế vĩ mô ổn định trong năm 2011

Tại hội thảo, tiến sĩ Trần Du Lịch - ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc Hội, phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM - cho biết tính bất ổn của kinh tế vĩ mô năm 2011 sẽ gay gắt hơn năm 2010.

"Gói giải pháp” của Chính phủ ban hành ngày 24-2 về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội được xem là “liều thuốc mạnh” tạo điều kiện để thực hiện các chính sách kinh tế - tài chính hướng đến một nền kinh tế vĩ mô ổn định cho những năm sau.

Trong 6 nhóm giải pháp đó, 2 nhóm giải pháp về tiền tệ và tài khóa đóng vai trò quyết định đối với mục tiêu kiềm chế lạm phát. Theo đó, kế hoạch kéo giảm tốc độ tăng tín dụng năm 2011 ở mức dưới 20% và tổng phương tiện thanh toán ở mức 15-16% ở mức độ “chặt chẽ, thận trọng”.

Chính sách tài khóa được đánh giá là có tính chất mạnh mẽ hơn với nhiều biện pháp cụ thể như cắt giảm chi thường xuyên 10%; không ứng vốn ngân sách, trái phiếu chính phủ năm 2012; không kéo dài thời gian thực hiện dự án; ngưng, đình hoãn, giãn tiến độ các công trình đầu tư năm 2011 chưa cấp bách; rà soát các dự án đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước... giảm bội chi ngân sách nhà nước dưới 5% GDP trong năm nay.

Với các biện pháp trên nhằm hướng đến mục tiêu xa hơn là giải quyết các cân đối vĩ mô như thu - chi ngân sách, cán cân vãng lai, tiết kiệm đầu tư, tích lũy - tiêu dùng.

Theo tiến sĩ Trần Du Lịch, vào khoảng giữa quý 2-2011, mức tăng CPI khoảng 3% và sẽ ổn định vào các tháng cuối năm, nếu không có tác động xấu từ yếu tố bên ngoài, nên có thể kiểm soát CPI năm 2011 ở một con số.

Đồng tình với quan điểm của tiến sĩ Trần Du Lịch, tiến sĩ Đinh Thế Hiển - giám đốc Viện Tin học và kinh tế ứng dụng - cho rằng các chỉ số kinh tế tính đến tháng 2-2011 đang có nhiều khả quan.

Sản lượng công nghiệp đầu quý 2-2011 sẽ có mức tăng tốt hơn so với cùng kỳ năm 2010. Bán lẻ và dịch vụ tháng 1 và tháng 2-2011 tăng mạnh tạo động lực cho nền kinh tế.

FDI tháng 1 và tháng 2-2011 tương đương với cùng kỳ năm 2010, cho thấy quy mô vẫn thấp, chưa đạt so với kỳ vọng. Đầu tư công tháng 1 và tháng 2-2011 có xu thế giảm nhưng vẫn ở mức cao so với cùng kỳ 2010...

Theo tiến sĩ Đinh Thế Hiển, tăng trưởng tín dụng 2010 tăng mạnh vào các tháng cuối năm là nguyên nhân quan trọng khiến lãi suất huy động tăng cao. Tính đến cuối tháng 2-2011, tăng trưởng tín dụng tăng 2,71% so với cuối năm 2010.

Những tháng đầu năm 2011, Chính phủ đang thực hiện mục tiêu kiềm chế CPI và ổn định kinh tế bằng các giải pháp thắt chặt tiền tệ và duy trì lãi suất ở mức cao. Do vậy, lãi suất huy động trong quý 1 và 2 khoảng 14%, theo đánh giá là khá hấp dẫn cho người gửi tiền.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, cho rằng với sự đồng thuận của xã hội, quyết tâm của Chính phủ thực hiện đồng bộ 6 nhóm giải pháp nêu trong nghị quyết 11. Vì thế, ông Trần Du Lịch cho biết năm 2011 kinh tế vĩ mô Việt Nam sẽ ổn định theo hướng kiềm chế lạm phát - ổn định tỉ giá và hạ lãi suất.

Theo chuyên gia kinh tế này, dự báo GDP năm 2011 của Việt Nam vẫn tăng trên 6%, CPI sẽ kiểm soát ở một con số và đồng Việt Nam sẽ ổn định ở mức tỉ giá từ 21.000 đồng.

Chứng khoán hấp dẫn hơn bất động sản, vàng, USD?

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển lạc quan: vào cuối quý 2-2011 khi lạm phát đã có dấu hiệu hạ nhiệt, lãi suất sẽ có nhiều khả năng giảm xuống mức 12%, đồng thời Chính phủ sẽ nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây là thời điểm tạo động lực cho kênh đầu tư chứng khoán.

Diễn biến quý 1-2011 cho thấy thị trường chứng khoán biến động khá mạnh. Tính đến ngày 16-3-2011, VN-Index đóng cửa ở mức 463 điểm, giảm 3,5% so với đầu năm 2011.

Tuy nhiên, hiện tại P/E (hệ số giữa giá giao dịch của một CP với lợi nhuận mà CP đó đem lại) Việt Nam đang ở mức hấp dẫn so với các nước khu vực, có thể thu hút mạnh nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, kênh bất động sản hiện vẫn rất khó khăn, cùng với hoạt động kinh doanh vàng và USD đang bị quản lý chặt, khó tăng giá mạnh sẽ là một lợi thế để thu hút nhà đầu tư tham gia mạnh vào thị trường chứng khoán.

Theo phân tích của tiến sĩ Đinh Thế Hiển, trong quý 1-2011 VN-Index vẫn tiếp tục dao động trong biên độ hẹp xung quanh ngưỡng 450 - 500 điểm và sẽ có sự đi lên vào giữa quý 2 và quý 3-2011 từ 500-550 điểm.

Tuy nhiên, có khả năng xuất hiện khó khăn về tài chính tiền tệ khiến VN-Index có thể quay lại 500 điểm trong quý 4-2011.

Hồng Nhựt

tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Sự kiện doanh nghiệp tuần 21-25/03 (19/03/2011)

>   Cơ sở nào để định giá cổ phiếu? (19/03/2011)

>   Triển vọng ngành dược năm 2011 (19/03/2011)

>   Dự báo “kịch bản” lợi nhuận kế hoạch trước mùa ĐHCĐ (19/03/2011)

>   "Doanh nghiệp tốt vẫn có cửa gọi vốn" (19/03/2011)

>   ĐHCĐ trực tuyến chờ “pháo hiệu” (19/03/2011)

>   Lịch chốt quyền dự ĐHĐCĐ thường niên 2011 (ngày 18/03) (18/03/2011)

>   Xử lý tin đồn (18/03/2011)

>   Doanh nghiệp niêm yết: Tìm ốc đảo trong sa mạc (18/03/2011)

>   Để tránh bong bóng vàng, ngoại tệ, chứng khoán, bất động sản (18/03/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật