Trước những thách thức kinh tế vĩ mô 2011
Doanh nghiệp niêm yết: Tìm ốc đảo trong sa mạc
Nhiều doanh nghiệp niêm yết chia sẻ những giải pháp mà họ sẽ thực hiện để vượt qua khó khăn trước những biến động kinh tế hiện nay.
Thị trường chứng khoán èo uột chính là bức tranh phản ánh những lo ngại của nhà đầu tư về các khó khăn của doanh nghiệp niêm yết hiện nay. Tại Hội thảo “Những thách thức kinh tế vĩ mô 2011” do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức mới đây, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, trước khó khăn chung, doanh nghiệp nên tự cứu mình bằng cách rà soát lại hoạt động kinh doanh để điều chỉnh chiến lược.
Những diễn biến phức tạp về chi phí nguyên liệu, xăng dầu, tỷ giá ngoại tệ, giá cả nguyên vật liệu… trong thời gian gần đây đã tác động rất lớn đến các doanh nghiệp kinh doanh trong các ngành khác nhau. Chi phí đầu vào, chi phí sản xuất, đời sống công nhân… trở thành những vấn đề nan giải mà doanh nghiệp phải đối mặt. Nhiều doanh nghiệp đã điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận xuống thấp hơn nhiều so với năm trước, thậm chí, một số doanh nghiệp đã chuyển mục tiêu từ có lãi sang giữ vững thị trường.
“Tìm ốc đảo trong sa mạc” là cách ví von của ông Lê Văn Trí, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp cao su miền Nam (Casumina, mã chứng khoán: CSM, sàn HOSE) về tình cảnh của các doanh nghiệp niêm yết nói chung và Casumina nói riêng trong bối cảnh hiện nay. Một trong những phương thức mà Casumina thực hiện để vượt khó khăn là thay đổi phương thức thanh toán, giao hàng - lấy tiền ngay để tránh hàng tồn kho khi khách bỏ hàng.
Theo ông Trí, với lãi suất 18%, sản xuất công nghiệp gặp khó khăn lớn, nên phải giảm vay và tìm cách quay vòng vốn nhanh. “Trước năm 2008, Metro và Casumina giao hàng và 30 ngày sau thì nhận tiền, nhưng sau giảm xuống còn 15 ngày và giữ quy định này từ đó đến nay”, ông Trí cho biết và khẳng định, điều này đang phát huy tác dụng.
Ngoài ra, Casumina cũng giảm lượng đơn hàng dài hạn để tránh rơi vào tình trạng khi giá nguyên liệu tăng thì doanh nghiệp phải chịu lỗ vì những đơn hàng này. Theo ông Trí, dù khó khăn, doanh nghiệp vẫn nên phát triển sản phẩm mới với chiến lược phù hợp, như giảm nguyên vật liệu trong sản phẩm nhưng tăng giá trị sử dụng (giảm độ cao của lốp xe, tăng mặt tiếp xúc của bánh xe giúp giảm nguyên liệu, nhưng bánh xe bám mặt đường hơn, giá trị sử dụng được gia tăng).
Trong khi đó, ông Trần Kim Thành, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kinh Đô (Mã KDC, sàn HOSE) cho biết, Kinh Đô đã tính đến việc phát triển các sản phẩm phù hợp với nhu cầu hiện tại. “Kinh tế khó khăn hơn thì người dân ăn bánh mì nhiều hơn, đó là cơ hội để đẩy mạnh sản xuất bánh mì”, ông Thành tiết lộ và cho biết, để có được những điều chỉnh phù hợp, các doanh nghiệp nên lường trước mức độ ảnh hưởng của mình trong chuỗi cung ứng sản phẩm, luôn chia sẻ với các nhà cung cấp để có sự hỗ trợ lẫn nhau, tránh tình trạng sản phẩm bị tăng giá liên tục.
Dưới góc độ một “đại gia” trong lĩnh vực dược phẩm, bà Phạm Thị Việt Nga, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (Mã DHG, sàn HOSE) cho biết, khó khăn của ngành dược hiện nay là giá cả tăng, nhưng không được tăng giá. Ngoài việc phải chịu giá điện tăng, các doanh nghiệp ngành dược hiện còn phải chịu sức ép từ việc phải nhập khẩu đến 90% dược liệu. Dược Hậu Giang đã tiếp nhận một số góp ý về việc cùng hợp lực với các nhà cung cấp, nhà phân phối để chia sẻ khó khăn, thảo luận các biện pháp cắt giảm chi phí phù hợp trong một chuỗi cung ứng.
Trong khi đó, một doanh nghiệp thuỷ sản cho biết, họ là sẽ bàn bạc với siêu thị để giảm bớt chi phí, cùng chia sẻ khó khăn. “Việc tăng giá bán là bắt buộc, nhưng không thể đẩy hết khó khăn về người tiêu dùng. Trong lúc này, cả người sản xuất lẫn người phân phối và người tiêu dùng nên chia sẻ khó khăn với nhau”, vị đại diện này cho biết
Chí Tín
đầu tư
|