Thứ Sáu, 18/03/2011 07:29

Để tránh bong bóng vàng, ngoại tệ, chứng khoán, bất động sản

Phần lớn các vụ vỡ bong bóng giá cả hàng hóa đều xuất phát từ việc giá cả một loại hàng hóa nào đó tăng vượt quá giá trị của nó. Bốn loại hàng hóa mà người Việt Nam hay dùng để tích trữ là chứng khoán, bất động sản, vàng và ngoại tệ cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Dưới đây là những góc nhìn riêng của tác giả về các loại "hàng hóa" mà người dân Việt Nam hay dùng để tích trữ, đầu tư và các chính sách liên quan.

Chứng khoán: quy định cần rõ ràng, minh bạch hơn

Có lẽ ít thị trường chứng khoán nào có sự tăng giảm điểm của thị trường mạnh như ở Việt Nam, có những cổ phiếu tăng trần liên tục tới 20 phiên, và tăng gấp hàng trăm phần trăm trong vòng vài tháng. Đối tượng tham gia thị trường rất nhiều người không phải là những người hiểu biết về tài chính và hiểu biết doanh nghiệp, do vậy việc mua bán theo tâm lý, trào lưu chi phối rất lớn hay còn gọi theo "đội lái". Giá cả của chứng khoán lúc này tách rời so với giá trị của công ty (khả năng mang lại lợi ích thực sự cho nhà đầu tư).

Như vậy, thị trường chứng khoán rất dễ trở thành một "sòng bạc" thay vì trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả cho những doanh nghiệp sản xuất tốt.

Do vậy, để nâng cao chất lượng thị trường thì phải nâng cao kiến thức và sự hiểu biết của những đối tượng tham gia thị trường, tại nước ngoài thì thông thường người dân hay thực hiện việc ủy thác qua các tổ chức chuyên nghiệp đầu tư chứng khoán mà người dân ít tham gia trực tiếp vào mua bán như Việt Nam.

Các quy định về thông tin cũng rõ ràng và minh bạch hơn, các quy định về trách nhiệm của những người quản trị điều hành và trách nhiệm công bố thông tin cũng rõ ràng hơn, để tránh sự bất đối xứng về thông tin trong đầu tư. Các sản phẩm tài chính trong thị trường chứng khoán cũng cần phải đa dạng và hợp lý hơn để đáp ứng các nhu cầu đầu tư đa dạng của người dân vào kênh này.

Vàng: Nên đưa vào sàn giao dịch

Vàng là một kênh đầu tư ưu thích của nhiều người không chỉ ở Việt Nam, mà còn trên thế giới. Tuy nhiên, vàng được dùng vào trong sản xuất công nghiệp chiếm tỷ lệ rất nhỏ và không phải là không có kim loại khác có khả năng thay thế. Nhưng vàng, với vai trò là một kênh trú ẩn của lạm phát, đã làm cho giá cả của nó tăng lên quá mức.

Nếu như chúng ta thử đặt vị trí kênh trú ẩn đó chính là bạc thì không thể có chuyện giá của bạc lại thấp hơn giá của vàng tới hàng chục lần như hiện nay. Bạc thậm chí còn được sử dụng trong công nghiệp nhiều hơn vàng. Vậy việc giá cả của vàng đã vượt quá giá trị sử dụng của nó nhiều chưa?

Tại Việt Nam, vàng cũng là một kênh đầu tư ưa chuộng của người dân, và số tiền tích cóp của người dân trú ẩn vào vàng vật chất khá nhiều. Số tiền này không phục vụ được cho hoạt động sản xuất kinh doanh mà nó chỉ phục vụ mục đích cất trữ trông chờ vào biến động tăng giá để kiếm lời. Tìm cách để đưa những nguồn vốn đọng tại vàng vào sản xuất kinh doanh là một chủ trương hợp lý, tuy nhiên các giải pháp quản lý đưa ra cần mang tính thị trường hơn là việc cấm đoán. Cụ thể, nên đưa vàng vào quản lý tại sàn giao dịch quốc gia và sử dụng chính sách thuế để điều tiết các giao dịch.

Bất động sản: khuyến khích đầu tư nơi đất rẻ

Tại Việt Nam có những khu vực bất động sản lên tới 500 triệu/m2. Nếu chỉ tính một khu vực diện tích khoảng 200m2 thì số tiền bỏ ra để đầu tư khu đất này là 100 tỷ, với lãi suất tiền gửi ngân hàng một tháng là 1% thì số tiền lãi gửi ngân hàng đã là 1 tỷ. Vậy, không hiểu với những khu đất như vậy có hoạt động kinh doanh nào có thể đạt được lợi nhuận 1 tỷ/tháng?.

Giá cả của bất động sản tại một số trung tâm nội đô của Việt Nam đã trở nên quá cao so với giá trị sử dụng (nhu cầu để ở và nhu cầu kinh doanh). Nhưng hiện tại, nhu cầu bất động sản phục vụ cho nhu cầu để ở của người dân tại đô thị rất cao, nên để cho giá cả thực sự xoay quanh được giá trị thì phải tạo thêm nhiều hàng hóa bằng cách mở rộng đô thị, tạo thêm nhiều nguồn hàng giá rẻ tại khu vực vùng ven.

Thị trường bất động sản cũng như thị trường chứng khoán, cũng có nơi đắt và nơi rẻ, cũng không nên sử dụng các công cụ hành chính hoặc tiền tệ đồng nhất với mọi đối tượng và mọi khu vực, cần phải biết phân loại, có những nơi cần khuyến khích phát triển bất động sản và có những nơi cần hạn chế.

Ví dụ như người dân mua nhà lần đầu để ở cần phải khuyến khích nhưng phải đánh thuế cao hơn và lũy tiến với những người sở hữu nhiều nhà ở. Hoặc cần khuyến khích các chủ đầu tư Bất động sản đầu tư và phát triển tại các khu vực vùng ven, nơi nhà nước có quy hoạch phát triển các khu đô thị vệ tinh để kéo giãn dân trong nội đô. Có như vậy mới giải quyết được tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản gây lãng phí nguồn vốn của xã hội mà chưa giải quyết được nhu cầu chính đang của người dân về Bất động sản.

Ngoại tệ: Cũng nên đưa lên sàn giao dịch?

Việt Nam có quan hệ mua bán và kinh doanh với nhiều nước khác nhau chứ không chỉ với Mỹ, do đó ngoại tệ chúng ta có thể dùng nhiều loại khác nhau chứ không nhất thiết chỉ duy nhất có USD. Giá trị sử dụng của USD chủ yếu nhằm mục đích cho thanh toán, đầu tư và chuyển tiền ra nước ngoài.

Tuy nhiên, vì yếu tố găm giữ chờ giá lên và không chịu bán ra của phần lớn đối tượng tham gia thị trường đã làm cho giá USD tăng cao tại Việt Nam, trong khi USD lại đang giảm so với các loại ngoại tệ khác trên thế giới.

Như vậy, để làm sao cho USD phục vụ mục đích chính đáng thì cần phải quản lý được thị trường ngoại tệ, nghiêm cấm thị trường chợ đen nhưng phải mở cửa thị trường chính thức để người dân và các doanh nghiệp có thể giao dịch với nhau một cách chính thức. Cũng có thể đưa ngoại tệ như một loại hàng hóa lên sàn giao dịch và nhà nước quản lý bằng chính sách thuế, mọi đối tượng có thể mua bán trên thị trường chính thức này, chứ không nên tạo độc quyền duy nhất cho một đối tượng duy nhất về mua bán ngoại tệ - như ngân hàng - cũng dễ gây ra hiện tượng đóng băng thị trường và bất bình đẳng giữa người mua và người bán ngoại tệ.

Nguyễn Hồng Hải (Canada)

Diễn đàn kinh tế Việt Nam

Các tin tức khác

>   Lịch chốt quyền họp ĐHĐCĐ thường niên 2011 (ngày 17/03) (17/03/2011)

>   Ai sẽ thổi còi nếu doanh nghiệp áp tỷ lệ 51% tại đại hội? (17/03/2011)

>   “Vén màn” môi giới (17/03/2011)

>   Sóng thần ở Nhật Bản, ngành nào chịu “dư chấn”? (17/03/2011)

>   Hội thảo Thị trường Chứng khoán London (17/03/2011)

>   Doanh nghiệp chốt quyền dự ĐHĐCĐ thường niên 2011 (ngày 16/03) (16/03/2011)

>   HOSE: Không điều chỉnh giá tham chiếu nếu thị giá thấp hơn giá phát hành (16/03/2011)

>   Ngày 10/4, MTP tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2011 (16/03/2011)

>   CAD: Cáo buộc cán bộ thanh tra chủ quan, vô trách nhiệm (16/03/2011)

>   Sàng lọc công ty chứng khoán (16/03/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật