Thứ Tư, 16/03/2011 06:27

Sàng lọc công ty chứng khoán

Việc tuyên bố từ bỏ hoàn toàn nghiệp vụ chứng khoán của Công ty chứng khoán (CTCK) Kim Long (KLS) trong đầu tháng 3 đã gây một cú sốc đối với nhà đầu tư (NĐT) trên thị trường chứng khoán (TTCK).

KLS giải thích việc chuyển đổi hoạt động không phải là thoái lui hoàn toàn khỏi TTCK. Sau khi chuyển đổi thành tập đoàn đầu tư, KLS sẽ thuận lợi hơn trong việc đầu tư lâu dài vào các công ty thay vì chỉ “lướt sóng” như tự doanh của một CTCK. Ngoài cổ phiếu, KLS sẽ tham gia đầu tư vào bất động sản, thương mại điện tử...

Quyết định chính thức chuyển đổi hoạt động của KLS vẫn đang chờ đại hội cổ đông thông qua nhưng điều đó đã khiến cổ phiếu KLS trên sàn liên tục giảm.

“Không có gì phải ầm ĩ”

Từ đầu năm 2012, NĐT ngoại sẽ được phép thành lập CTCK 100% vốn nước ngoài tại VN. Khi đó nhiều chuyên gia dự báo việc cạnh tranh trên thị trường này sẽ càng trở nên khốc liệt hơn. Nhưng điều đó cũng có thể là nhân tố kích thích TTCK phát triển mạnh hơn, tương tự như ngành tài chính ngân hàng khi có các ngân hàng nước ngoài tham gia.

Tuy nhiên, một số CTCK khác lại cho rằng chuyện của KLS không có gì phải ầm ĩ. Trên thực tế một số CTCK nhỏ đã thu hẹp hoạt động nhưng chỉ âm thầm mà không dám công bố.

Ông Lê Minh Tâm - TGĐ CTCK KimEng VN - cho rằng chuyện của KLS là bình thường khi hướng đến những hoạt động khác. “Bản thân tôi cũng sẽ không ngạc nhiên nếu như trong thời gian tới có những CTCK khác cũng tuyên bố rời bỏ thị trường hay tái cơ cấu lại hoạt động của mình. Thậm chí nếu TTCK ảm đạm như hiện nay kéo dài thì chính bản thân các cổ đông cũng phải xem xét lại hoạt động của CTCK”, ông Tâm phân tích. Việc nhiều CTCK có thể thua lỗ ngay từ quý 1/2011 này và trong thời gian tới là chuyện dễ dàng xảy ra khi TTCK đang ở thời kỳ khó khăn nhất.

Ông Nguyễn Hoàng Long -  TGĐ CTCK Âu Việt -  nhận xét TTCK đã khó khăn từ năm 2008 đến nay và một số CTCK vừa và nhỏ vẫn cố gắng cầm cự. KLS có thể xem là đơn vị đầu tiên mạnh dạn công bố rút khỏi hoạt động của một CTCK. Vì vậy có thể những công ty khác cũng sẽ mạnh dạn hơn để công bố thay đổi hoạt động của mình thay vì phải âm thầm gắng gượng như hiện nay.

Thị phần không đủ lớn

Với mức phí môi giới trung bình từ 0,2 - 0,25%/giao dịch thì tổng doanh thu phí toàn thị trường nằm trong khoảng 2.500 tỉ đồng - 3.000 tỉ đồng/năm (theo mức tổng giá trị giao dịch của cả hai sàn chứng khoán đạt khoảng 621.000 tỉ đồng trong cả năm 2010). Tuy nhiên, riêng top 10 CTCK tại 2 sàn đã chiếm khoảng 50% thị phần môi giới. Như vậy 95/105 CTCK còn lại chỉ có thể đạt được doanh thu môi giới bình quân gần 150 triệu đồng/năm, tương đương khoảng 12,5 triệu đồng/tháng. Với mức thu này, rõ ràng không một CTCK nào đủ chi phí trong hoạt động. Bên cạnh doanh thu môi giới, đa số các CTCK từ trước đến nay đều tập trung vào mảng tự doanh. Nhưng diễn biến của TTCK  thời gian vừa qua cho thấy việc tự doanh không dễ đạt hiệu quả. Không ít CTCK bị lỗ nặng trong năm 2008 và 2010 vừa qua khi phải trích lập dự phòng khá lớn cho danh mục tự doanh của mình. Ngoài hai nghiệp vụ trên, hoạt động tư vấn tài chính cho doanh nghiệp đang được các CTCK nỗ lực hướng tới. Tuy nhiên hầu hết những thương vụ này cũng đều rơi vào tay các CTCK có thương hiệu, có tiềm lực nổi trội hơn.

Mặc dù luôn đánh giá TTCK VN có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực, nhưng theo ông Lê Minh Tâm, tổng mức thu phí tiềm năng của thị trường cũng vẫn còn nhỏ hơn rất nhiều so với những thị trường khác. Vì vậy, số lượng 105 CTCK được xem là khá nhiều so với quy mô thị trường hiện tại có giá trị vốn hóa ở mức khoảng 36 tỉ USD. Nếu so sánh với TTCK Thái Lan có quy mô vốn hóa gấp khoảng 4 lần nhưng chỉ có 39 CTCK hoạt động thì rõ ràng miếng bánh thị phần cho các CTCK tại VN khá nhỏ. Tuy nhiên, ông Tâm nhấn mạnh, cơ quan quản lý nhà nước cần phải nỗ lực ban hành nhiều quy định mới để lấy lại niềm tin của NĐT, thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ của các NĐT ngoại để thị trường phát triển mạnh hơn. Khi đó miếng bánh thị trường sẽ ngày càng lớn và có thể đủ chỗ cho các CTCK chứ không phải theo kiểu “tự sinh tự diệt”.

Ngược lại, ông Nguyễn Hoàng Long nhận xét khi đã tham gia vào TTCK thì bản thân các CTCK phải dự phòng trước những thời điểm khó khăn nhất như hiện nay và phải chuẩn bị sẵn “lương khô” để cầm cự. Các công ty có thể xem xét và rút kinh nghiệm từ bài học của CTCK ra đời ngay từ khi TTCK VN mở cửa. Khi đó các CTCK gặp không ít khó khăn nhưng vẫn trụ được và phát triển mạnh khi thị trường tăng trưởng.

Mai Phương

Thanh Niên

Các tin tức khác

>   BVSC: Nên cân nhắc thoái vốn khỏi cổ phiếu ngành cao su tự nhiên (15/03/2011)

>   DTL giảm giá chuyển đổi trái phiếu sang cổ phiếu (15/03/2011)

>   VS-Market Cap: Xác định hướng đi của dòng tiền và hạn chế tín hiệu nhiễu của VN-Index (15/03/2011)

>   Doanh nghiệp chốt quyền dự ĐHĐCĐ thường niên 2011 (14/03) (14/03/2011)

>   KLS: Cần 1 phương thức chuyển đổi thấu đáo và đúng luật (14/03/2011)

>   Môi giới chứng khoán 'xuống giá' (14/03/2011)

>   CTCK năng động nhưng không được “xé rào” (14/03/2011)

>   Cổ phiếu chứng khoán: Đã đến lúc mua vào? (14/03/2011)

>   100 công ty niêm yết được quản trị ra sao? (14/03/2011)

>   Lịch họp ĐHĐCĐ thường niên 2011 (tuần 14-20/03) (13/03/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật