Thứ Hai, 14/03/2011 10:18

CTCK năng động nhưng không được “xé rào”

Câu chuyện Kim Long có thể mở đầu cho trào lưu chuyển đổi ngành nghề kinh doanh của các CTCK trong bối cảnh thị trường đang cạnh tranh rất khốc liệt.

ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xung quanh câu chuyện này.

Cạnh tranh quá khốc liệt, CTCK không thể sống bằng môi giới, tư vấn… Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Cạnh tranh là vấn đề tất yếu, không chỉ trong lĩnh vực chứng khoán, mà trong bất kỳ lĩnh vực nào. Trên thực tế, vẫn có nhiều CTCK có lãi trong năm 2010. Theo số liệu tổng hợp sơ bộ của UBCK, năm 2010 có khoảng 70 CTCK có lãi, tương tự với số CTCK có lãi năm 2009 khi TTCK khá khởi sắc. Tổng doanh thu hoạt động của các CTCK đạt trên 14.000 tỷ đồng, trong đó doanh thu hoạt động môi giới chiếm gần 20%. Tuy nhiên, với 105 CTCK hiện tại, đây là con số hơi nhiều so với quy mô của TTCK Việt Nam. Bản thân các công ty sẽ tìm hướng đi cho riêng mình để nâng cao chất lượng dịch vụ, cũng như nâng cao tính cạnh tranh. Về phía cơ quan quản lý, chúng tôi khuyến khích tái cơ cấu CTCK theo hướng hợp nhất, sáp nhập, Luật Chứng khoán quy định việc này thực hiện theo Luật Doanh nghiệp. Sắp tới, khi sửa đổi Quyết định 27/2007/QĐ-BTC về quy chế thành lập và hoạt động CTCK, chúng tôi sẽ có hướng dẫn cụ thể hơn về thủ tục, hồ sơ liên quan.

Lâu nay, nhiều CTCK nói rằng, sẽ hướng mô hình hoạt động thành ngân hàng đầu tư (investment banking). Tôi cho rằng, một CTCK nếu thực hiện đủ 4 nghiệp vụ là: môi giới, tư vấn, tự doanh, bảo lãnh phát hành thì đã có những hoạt động như một investment banking rồi. Vấn đề là, từng CTCK với chiến lược của mình sẽ tự tìm ra những thế mạnh riêng để tập trung phát triển hoạt động trên từng nghiệp vụ được cấp phép.

Nếu CTCK đóng cửa hoạt động, UBCK sẽ làm gì để bảo vệ quyền lợi của NĐT, đảm bảo tài sản của họ tại CTCK, nhất là khi sự tách bạch tài khoản NĐT vẫn chưa được thực hiện hoàn chỉnh?

CTCK nếu có đơn xin giải thể, rút khỏi lĩnh vực chứng khoán, thì yêu cầu đầu tiên là phải giải quyết hết các quan hệ tài chính vướng mắc trước khi cho phép giải thể. Còn việc yêu cầu tách bạch tài khoản NĐT, quy định hiện nay yêu cầu CTCK phải tách bạch chứng khoán và tiền của NĐT với tiền và chứng khoán của CTCK, công ty nào vi phạm quy định sẽ bị xử phạt nghiêm. Về tài khoản chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán đã có thể biết đến tài khoản của từng NĐT. Còn về tiền của NĐT, hiện nay các CTCK phải thực hiện tách bạch tiền của NĐT với tiền của công ty và công ty không được nhận tiền trực tiếp, mà phải qua ngân hàng. Tiền của khách hàng phục vụ cho việc thanh toán giao dịch chứng khoán của khách hàng, CTCK nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định.

Thông tư 226 về tỷ lệ an toàn tài chính các tổ chức kinh doanh chứng khoán, có hiệu lực từ 1/4 tới, đưa ra cách tính chặt chẽ với hoạt động đầu tư. Liệu có phải các CTCK đang sa đà vào hoạt động đầu tư thay vì cung cấp dịch vụ?

Cách tính tỷ lệ an toàn vốn khả dụng trong Thông tư 226 được chúng tôi nghiên cứu trên cơ sở tiêu chuẩn Basel II và trên thực tế đã nới hơn rất nhiều cho các CTCK có thể sớm thích nghi như kéo dài thời gian chuyển đổi của tài sản được tính vào vốn khả dụng (từ 30 ngày lên 90 ngày). Việc tính hệ số rủi ro cao đối với các khoản đầu tư, nhất là đầu tư dài hạn, các khoản đầu tư vào công ty liên doanh liên kết, đầu tư bất động sản… chính là để đảm bảo an toàn tài chính cho CTCK. CTCK là một định chế tài chính, do vậy sẽ phải chịu những quy định về hạn chế đầu tư để đảm bảo mức vốn khả dụng, đảm bảo an toàn tài chính cho hoạt động của công ty. Nếu chỉ đầu tư đơn thuần thì không cần là CTCK. Đã làm CTCK thì sứ mệnh cao nhất là phải cung cấp dịch vụ, kể cả việc tự doanh cũng là nhằm bảo vệ thanh khoản, ổn định thị trường.

Trong bối cảnh khó khăn như hiện tại, nhiều CTCK buộc phải tìm ra những cách đi mới, trong đó không loại trừ một số công ty mạo hiểm cung cấp những dịch vụ chưa được hướng dẫn, ban hành. Vậy CTCK được làm những gì cho phép hay được làm những gì mà luật không cấm, thưa ông?

CTCK là loại hình kinh doanh có điều kiện và luật quy định cơ quan quản lý sẽ hướng dẫn các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, một công cụ mới bao giờ cũng có tính hai mặt. Chính vì vậy, cơ quan quản lý trước khi ban hành phải cân nhắc rất kỹ khả năng phù hợp với điều kiện hiện tại, tác động của việc thực hiện sản phẩm mới đến thị trường, đặc biệt là tính an toàn của hệ thống. Thời gian qua, có CTCK cung cấp sản phẩm quyền chọn cho NĐT, điều này không chỉ rủi ro về mặt pháp lý, mà còn rủi cho an toàn tài chính của công ty, cũng như của NĐT tham gia dịch vụ đó. Vì vậy, chúng tôi đã yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ và xử phạt CTCK.

Cổ đông lớn đang thoái vốn khỏi CTCK Vincom, đồng thời công ty này đóng cửa Chi nhánh Hà Nội, Kim Long thì có kế hoạch ngừng hoạt động dịch vụ chứng khoán. UBCK sẽ xử lý những vấn đề này như thế nào?

Do chiến lược hoạt động, CTCK Vincom thực hiện đóng cửa Chi nhánh Hà Nội và chuyển toàn bộ hoạt động vào TP. HCM. Còn CTCK Kim Long chưa có đơn chính thức gửi UBCK về việc này. UBCK là cơ quan quản lý trực tiếp hoạt động của các CTCK, chúng tôi đang yêu cầu rà soát lại các quy định có liên quan để đưa ra hướng xử lý cụ thể khi các công ty có yêu cầu.

Bùi Sưởng - Anh Việt thực hiện

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Cổ phiếu chứng khoán: Đã đến lúc mua vào? (14/03/2011)

>   100 công ty niêm yết được quản trị ra sao? (14/03/2011)

>   Lịch họp ĐHĐCĐ thường niên 2011 (tuần 14-20/03) (13/03/2011)

>   Minh bạch để vượt khó (12/03/2011)

>   Nước cờ Kim Long (11/03/2011)

>   Don Lam và con đường trở thành nhà quản lý quỹ (11/03/2011)

>   Doanh nghiệp chốt quyền dự ĐHĐCĐ ngày 11/03 (11/03/2011)

>   22/03, PVC chốt quyền họp ĐHĐCĐ 2011 và lấy ý kiến văn bản (11/03/2011)

>   KLS: Không nhất quyết phải giải thể nếu chuyển đổi? (11/03/2011)

>   VNM: Giải trình về việc lãi quý 4/2011 tăng cao so với cùng kỳ (11/03/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật