Nước cờ Kim Long
Ngày 19-3-2011 tới đây Công ty Chứng khoán Kim Long (KLS-Hnx) sẽ trình đại hội đồng cổ đông kế hoạch chuyển đổi mô hình hoạt động sang tập đoàn Kim Long với những chức năng kinh doanh mới. Một số chức năng của công ty chứng khoán như môi giới, lưu ký sẽ được KLS từ bỏ.
Đây là một nước cờ mạo hiểm được đánh giá là mạnh dạn trong bối cảnh chứng khoán đang ảm đạm. Thị trường đã phản ứng với sự mạo hiểm này bằng một số phiên giảm hết biên độ và bị bán với số lượng lớn đối với cổ phiếu KLS.
Khởi đầu cho sự kết thúc của một trào lưu
KLS là một tên tuổi của “làng” chứng khoán. Ra đời năm 2006 với số vốn ban đầu 18 tỉ đồng, đến đầu năm ngoái vốn điều lệ của công ty đã tăng lên 2.025 tỉ đồng. Hoạt động mũi nhọn của KLS là tự doanh, nhưng hai năm qua công ty hầu như đứng ngoài thị trường, chỉ “lướt sóng” một - hai đợt với số vốn vài trăm tỉ đồng rồi lại bán ngay. Ngay cả trong những đợt giải ngân ít ỏi, KLS cũng không có lời do chứng khoán biến động quá nhanh, mạnh và tiếp tục trong quá trình đi xuống.
Khi thiết lập phương án chuyển thành mô hình tập đoàn với chức năng kinh doanh mới bao gồm cả bất động sản, buôn bán máy tính, nhà hàng... vấn đề của Kim Long là sử dụng sao cho hiệu quả số tiền mặt 1.800 tỉ đồng đang gửi ngân hàng. Mặt khác, nếu từ bỏ cái “mác chứng khoán”, KLS vẫn có thể thực hiện chức năng đầu tư mà không phải công khai danh mục đầu tư, đồng thời không bị hạn chế tỷ lệ bỏ vốn vào một công ty tư nhân hay niêm yết. Ngoài ra công ty còn tiết giảm được chi phí khi không còn chức năng môi giới, lưu ký chứng khoán. Không chỉ KLS, một số lớn các công ty chứng khoán không có lời từ hai nghiệp vụ trên.
Mặc dù lỗ gần 180 tỉ đồng năm ngoái, Kim Long không chịu nhiều sức ép trong kinh doanh. Công ty khá “trong sạch” khi không vay ngân hàng đồng nào, cũng không sử dụng vốn tự có hỗ trợ nhà đầu tư, không liên kết với ngân hàng cho nhà đầu tư vay. Với khoảng 10.000 tài khoản đã mở, trong đó có 5.000 tài khoản hoạt động, khách hàng của Kim Long chủ yếu thuộc loại vừa, nhỏ và giao dịch bằng tiền tự có. Không có đòn bẩy tài chính hỗ trợ, nhiều khách hàng lớn đã tạm ngưng giao dịch ở Kim Long từ lâu.
Cũng giống như trào lưu lập các ngân hàng, trào lưu lập công ty chứng khoán đang đi vào hồi kết. Sự thanh lọc khắc nghiệt mới chỉ bắt đầu và nó không loại trừ ngay cả những doanh nghiệp thâm niên.
Lý do nào đã khiến một công ty nghiêm túc chấp hành pháp luật, “giàu có” về tài chính như Kim Long có ý định rút lui khỏi đội ngũ “công ty chứng khoán” đông đảo tới 105 doanh nghiệp hiện nay? Đó có thể là sự chịu đựng mòn mỏi và một cái nhìn chưa thể lạc quan về triển vọng chứng khoán trong 1-2 năm tới. Ba năm qua, trừ một số thời điểm bùng phát rất nhanh rồi mau chóng lụi tàn, chứng khoán vẫn trong chuỗi ngày triền miên của thị trường con gấu. Các cải cách về pháp lý cho thị trường quá chậm dẫn đến thanh khoản thấp đã không tạo lực đẩy cho vòng quay của dòng vốn, đang làm chán nản đến cùng cực giới đầu tư. Thử hỏi có bao nhiêu tổ chức, cả nội và ngoại, huy động được thêm vốn trong vòng hai năm qua?
Ba năm, một giải pháp T+2 và mua bán một cổ phiếu trong phiên vẫn không thể được áp dụng, thì ba năm tới thị trường đi về đâu? Môi giới là nghiệp vụ chính của công ty chứng khoán, mà các công ty không thể sống bằng nghiệp vụ đó do thanh khoản giao dịch èo uột, thì sự “giã từ” cái tên chứng khoán của một doanh nghiệp có tiềm lực tài chính như Kim Long có thể là điều khởi đầu sự xuống dốc của một trào lưu trên thị trường tài chính vốn nảy mầm từ khi Việt Nam gia nhập WTO. Cũng giống như trào lưu lập các ngân hàng, trào lưu lập công ty chứng khoán đang đi vào hồi kết. Sự thanh lọc khắc nghiệt mới chỉ bắt đầu và nó không loại trừ ngay cả những doanh nghiệp thâm niên.
Đổi dạng hay trở lại “lốt” cũ?
Theo điều lệ công ty, để chuyển đổi mô hình hoạt động, phải có 75% cổ đông của Kim Long chấp thuận. Tính đại chúng của cổ phiếu KLS rộng bởi công ty có tới 28.000 cổ đông. Liệu đại hội cổ đông của Kim Long có đồng ý chuyển đổi? Câu trả lời vẫn đang bỏ ngỏ với khả năng 50%-50%.Trước mắt nhiều người sở hữu cổ phiếu KLS đang cố bán ra trước khi cổ phiếu ngày càng giảm (hôm 8-3 đã xuống dưới mệnh giá). Ngoài tiền mặt, Kim Long hiện nắm giữ 200 tỉ đồng cổ phiếu niêm yết, 250 tỉ đồng cổ phiếu OTC. Cổ phiếu OTC được hạch toán theo giá mua. Cứ cho là số cổ phiếu trên thanh lý bây giờ chỉ còn bằng một nửa giá trị, thì giá sổ sách của KLS ngang ngửa 10.000 đồng/cổ phiếu.
Giá giao dịch KLS so với mặt bằng giá chứng khoán rẻ hay đắt?
Cổ phiếu các công ty chứng khoán nói chung mang tính đầu cơ cao. Sở dĩ như vậy là do nhà đầu tư lâu nay luôn nghĩ rằng khi thị trường lên, các công ty chứng khoán lãi nhiều từ danh mục đầu tư (khi mua vào giá thấp hoặc được hoàn khoản trích lập dự phòng), từ doanh thu môi giới, từ dịch vụ hỗ trợ tài chính khách hàng. Còn khi thị trường xuống thì ngược lại.
Thế nhưng trong con mắt nhà đầu tư trung, dài hạn, cổ phiếu chứng khoán đang đắt so với cổ phiếu ngân hàng. Hầu hết cổ phiếu ngân hàng đang được giao dịch xung quanh giá trị sổ sách. Loại bỏ những tổ chức tín dụng mới thành lập hay chuyển từ nông thôn lên đô thị gần đây, các ngân hàng năm nào cũng có lãi, mà lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước. Họ có giá trị tài sản hữu hình lớn, có mạng lưới rộng, được kiểm soát chặt và được Ngân hàng Nhà nước “chống lưng” mỗi khi có vấn đề về thanh khoản, khả năng chi trả.
So với ngân hàng, giá trị của công ty chứng khoán nhỏ hơn nhiều cả về mạng lưới, kinh nghiệm, độ an toàn, tài sản và khả năng sinh lời. Thế thì không có lý gì mức chiết khấu của cổ phiếu chứng khoán lại thấp hơn mức chiết khấu của cổ phiếu ngân hàng.Vì thế cho dù Kim Long vẫn giữ “lốt” công ty chứng khoán, giá cổ phiếu KLS vẫn có khả năng bị điều chỉnh. Khi thị trường ở đáy 425 điểm vào tháng 11-2010 giá KLS đã chạm mức 11.000 đồng/cổ phiếu.
Trong trường hợp cổ đông Kim Long nhất trí chuyển đổi mô hình hoạt động, công ty phải đối mặt với trở ngại làm sao đầu tư hiệu quả số tiền mặt đang có trong tay. Đối với chứng khoán, nếu không lựa chọn đúng thời điểm giải ngân, khi thị trường tăng trở lại, Kim Long chịu sức ép còn lớn hơn khi nắm giữ tiền mặt. Còn với những ngành nghề kinh doanh mới, nhất là bất động sản, Kim Long là “tay mơ”. Chưa kể công ty phải mất thời gian đào tạo đội ngũ nhân viên có trình độ để thao tác trong môi trường kinh doanh mới. Thử thách này phải tính bằng năm.
Hải Lý
TBKTSG
|