Ông Trần Việt Anh, Phó giám đốc CTCK Ngân hàng Ngoại thương (VCBS):
"Doanh nghiệp tốt vẫn có cửa gọi vốn"
Nhìn lại 5 năm qua có thể thấy, các DN đã trải qua thời kỳ huy động vốn thuận lợi. Nhiều DN huy động được lượng vốn lớn chưa biết sử dụng vào đâu nên đã đầu tư thiếu thận trọng.
Có những dự án BĐS được dự toán với tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng, nhưng DN mới chỉ đủ khả năng đầu tư khoảng 200 tỷ đồng, đến nay đã bị treo lại. Những yếu tố vĩ mô xấu như hiện nay không thuận lợi cho các DN trong việc phát hành tăng vốn để triển khai các dự án dở dang cũng như dự án mới. Chúng tôi đã tư vấn cho các DN rà soát và thắt chặt các dự án đầu tư. Chỉ những dự án mang lại hiệu quả nhanh thì đầu tư. Những dự án là cơ hội trong trung và dài hạn hoặc đòi hỏi lượng vốn quá lớn thì để lại. Bên cạnh đó, các DN cần tiết giảm chi phí ở mức thấp nhất để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Nguồn vốn hiện nay không dồi dào, nhưng DN vẫn có thể huy động được. Với những dự án thực sự tiềm năng, DN nghiệp chủ động được 50 - 60% vốn, thì các ngân hàng sẵn sàng cho vay 40%. Với những DN có tên tuổi, hoạt động kinh doanh có dòng tiền ổn định, lĩnh vực hoạt động được thị trường ưa chuộng, thì có thể phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, phát hành trái phiếu sẽ là khó khăn với những DN mà uy tín còn hạn chế. Trong trường hợp này, phải có các ngân hàng đứng ra bảo lãnh thanh toán. Với mức lãi suất như hiện nay, lại có đơn vị bảo lãnh thanh toán, sẽ có nhiều quỹ đầu tư, ngân hàng, công ty bảo hiểm tham gia.
Có một cách tăng vốn nhưng không ảnh hưởng đến các cổ đông hiện hữu cũng như trả chi phí vốn quá cao là phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược. Tuy nhiên, các đối tác chiến lược chỉ "vào" khi thực sự hiểu DN, chứ không ào ào như trước đây.
Đông Hải thực hiện
Đầu tư chứng khoán
|