Sau tỷ giá, TTCK chờ giải pháp mạnh về lãi suất
Tỷ giá là bài toán đầu tiên của TTCK và nền kinh tế được hóa giải trong những ngày đầu năm. Thị trường đang chờ những phản ứng hóa giải tương tự với bài toán lãi suất và giá cả các mặt hàng thiết yếu để có thể vận động khả quan hơn.
Lời giải về tỷ giá
Lần đầu tiên, NHNN điều chỉnh dứt khoát tăng tỷ giá liên ngân hàng tới 9,3% và hạ biên độ từ 3% xuống 1%, đưa mức giá USD tối đa lên 20.900 đồng (tăng 7,2%), gần bằng tỷ giá giao dịch trên thị trường tự do. Quyết định giảm giá VND của NHNN có thể khiến nhiều người bất ngờ về mức độ mạnh tay do trong quá khứ chưa có lần nào NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá đến hơn 7% ngay trong một lần điều chỉnh. Các lần điều chỉnh trước đây chủ yếu theo từng bước nhỏ 2-3%. Giá USD tự do ngay sau đó đã tăng lên mức 21.600 VND/USD.
Tăng mạnh tỷ giá chính thức, thu hẹp khoảng cách với tỷ giá tự do có thể giúp khơi thông mạnh mẽ hơn dòng kiều hối, hướng dòng tiền này chảy vào kênh chính thức để tài trợ cho nhập khẩu, thay vì lưu thông trên thị trường chợ đen. Kiều hối trong năm 2010 của Việt Nam ở mức rất cao (8 tỷ USD) và đây là cơ hội để NHNN có biện pháp khuyến khích người dân bán số ngoại tệ này cho ngân hàng. Nếu không xóa bỏ được kỳ vọng đồng tiền tiếp tục mất giá, kiều hối sẽ chỉ ở dạng ngoại tệ tiền gửi, không được đưa vào lưu thông, dẫn đến khoản mục sai lệch rất lớn trên cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam (ước tính năm 2009 con số này là 8 tỷ USD, năm 2010 là 4 tỷ USD).
"Hiện tượng" ngày 11/2
* Ngày 11/2/2011, NNHN quyết định điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng lên mức 20.693 VND/USD, tăng 1.761 đồng (+9,3%) so với mức 18.932 đồng/USD, đồng thời thu hẹp biên độ giao dịch từ +/-3% xuống +/-1% áp dụng từ ngày 11/2/2011.
* Ngày 11/2/2010, NHNN đã từng bất ngờ điều chỉnh tỷ giá từ 17.941 VND/USD lên 18.544 VND/USD. Cả hai lần điều chỉnh tỷ giá đều rơi vào ngày 11/2, liệu đây có phải là một hiện tượng lặp lại theo chu kỳ?
Quang Sơn
|
Đánh giá ảnh hưởng của việc tăng tỷ giá đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Trần Văn Phúc, Chủ tịch HĐQT CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong cho biết, mức độ ảnh hưởng lớn song không đột biến. Nguyên liệu chủ yếu của ống nhựa là hạt nhựa, nhập khẩu hoàn toàn và chiếm tới 70% giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, từ vài tháng nay, Nhựa Tiền Phong đã phải mua USD tại các ngân hàng với giá cao hơn mức công bố. Tình trạng này phổ biến với các doanh nghiệp mua ngoại tệ (quanh mốc 21.000 VND/USD) để nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất.
Với các doanh nghiệp xuất khẩu, việc giá USD do các ngân hàng bán ra tăng 7,2% làm cho hàng hóa cạnh tranh hơn so với trước đây. CTCP Tập đoàn Minh Phú được hưởng lợi đáng kể từ hàng tồn kho và công nợ phải thu (hạch toán giá mỗi USD 19.500 đồng nay được thêm 1.400 đồng). Trước đây, Minh Phú bán USD cho ngân hàng theo tỷ giá quy định, bù lại được ưu đãi bằng lãi suất VND, phí thanh toán nhưng tính ra vẫn thấp hơn nhiều tỷ giá trên thị trường tự do. Tăng giá USD, biên độ lãi của doanh nghiệp xuất khẩu cao hơn, tạo điều kiện cho họ hạ giá sản phẩm thu hút khách hàng. Đầu vào, nguyên liệu được thu mua với giá cao hơn sẽ khuyến khích nông dân nuôi tôm nhiều hơn. Minh Phú cho hay, hiện lợi nhuận từ nuôi tôm rất cao, tới 100%.
Tác động nữa thể hiện ở việc các dòng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp bằng USD đang chờ giải ngân vào Việt Nam được kích hoạt. Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Phát triển đô thị Kinh Bắc cho biết, thời điểm cuối năm 2010, các hoạt động giải ngân của nhà đầu tư nước ngoài hầu hết tạm ngưng bởi với thông điệp của Chính phủ họ tin chắc rằng sau Tết sẽ có điều chỉnh tỷ giá. Giải ngân trước Tết, họ vô hình trung tự làm mất giá trị khoản đầu tư hơn 7%. Nay rủi ro tỷ giá được loại bỏ, có thể Việt Nam sẽ có cơ hội đón nhận những luồng vốn đầu tư giống như các thị trường mới nổi khác trong khu vực như Philipin, Indonesia, Ấn Độ…
Những bài toán khác
Dẫu vậy không thể phủ nhận mặt ảnh hưởng tiêu cực của việc tăng tỷ giá, nhất là với những mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, phân bón, sắt thép vốn đang căng như dây đàn. Mặt hàng xăng dầu là một ví dụ. Theo tính toán của các doanh nghiệp xăng dầu, chưa tăng tỷ giá họ đã lỗ mỗi lít xăng khoảng 2.300 đồng, nay tỷ giá tăng như vậy, khả năng cầm cự giá kéo dài được bao lâu? Tỷ giá tăng sẽ tác động trực tiếp đến giá hàng nhập khẩu bao gồm cả hàng hóa tiêu dùng, trong khi tỷ trọng tiêu dùng hàng nhập khẩu trong chi tiêu hàng ngày của người Việt Nam không nhỏ.
Bên cạnh đó, trong công điện mới nhất của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rất rõ, Bộ Công thương tính toán đệ trình phương án tăng giá điện để có thể thực hiện ngay từ đầu tháng 3. Nếu việc điều chỉnh tăng là bất khả kháng thì thời điểm áp dụng được hy vọng chỉ đến khi CPI có dấu hiệu hạ nhiệt thực sự.
Sau khi NHNN mạnh tay giải bài toán tỷ giá, giới doanh nghiệp đang kỳ vọng động thái tương tự với bài toán lãi suất. Nhìn vào cục diện hiện nay không phải là không có lời giải cho bài toán này và trách nhiệm được đặt ra với các ngân hàng lớn có vốn nhà nước. Lãnh đạo một doanh nghiệp nhà nước lớn cho hay, khối ngân hàng này vẫn được các tổng công ty nhà nước gửi tiền với giá rẻ bởi yếu tố an toàn và "khỏi ai có ý kiến". Trên thực tế, tài khoản vãng lai của các tổng công ty ở các ngân hàng này rất lớn, kéo giá vốn trung bình xuống thấp hơn các ngân hàng thương mại khác thường là 3%, đó là chưa xét đến tiền vay NHNN giá rẻ. Nguồn vốn rẻ này dùng cho vay hoặc mua trái phiếu/tín phiếu kho bạc. Vài đợt đấu giá trái phiếu kho bạc vừa qua cho thấy, hầu hết các ngân hàng quốc doanh và ngân hàng cổ phần mà nhà nước nắm phần vốn lớn là đối tượng mua trái phiếu, dù lãi suất trái phiếu thấp.
Cuối năm 2010, ngân hàng đa số khó tăng tín dụng cho vay vì nền kinh tế không tăng trưởng nhiều, đã xoay ra chiết khấu giấy tờ có giá với NHNN và bóp chẹt các ngân hàng nhỏ để thu lợi nhuận. Liệu NHNN không thấy sự việc đó chăng? Nhiều ý kiến cho rằng, hành động găm vốn để tạo khan hiếm giả tạo trên thị trường tiền tệ cần bị chỉ trích vì hệ thống ngân hàng trên thực tế ảnh hưởng rất lớn đến an ninh kinh tế. Nền tảng lợi nhuận của ngân hàng phải là từ việc chia sẻ lợi nhuận với các khách hàng vay (cá nhân, doanh nghiệp) thông qua lãi suất cho vay hợp lý và phí dịch vụ. Song hiện nay dễ thấy nhiều ngân hàng ngại đầu tư công nghệ, chất lượng dịch vụ, thay vào đó tìm lợi nhuận bằng cách ngắn nhất, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vay vốn được ví như "uống nước độc". Chấn chỉnh tình trạng này, mặt bằng lãi suất có thể hạ, sản xuất kinh doanh không bị đình đốn, góp phần kiềm chế lạm phát, đồng thời lành mạnh hóa hoạt động ngân hàng. Một mũi tên trúng nhiều đích, câu trả lời không nằm ngoài tay cơ quan quản lý.
Anh Việt
Đầu tư chứng khoán
|