Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân: Nỗ lực phát triển kinh tế chiều sâu
Sau sự kiện các tập đoàn Intel (Hoa Kỳ), Sanyo, Nidec (Nhật Bản)… đầu tư vào TPHCM phát triển những ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ tạo giá trị gia tăng cao với quy mô dự án hàng tỷ USD, bước sang năm 2011, First Solar, tập đoàn sản xuất công nghệ cao hàng đầu thế giới của Hoa Kỳ trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tái tạo từ năng lượng mặt trời chuyển thành điện năng, tiếp tục đầu tư vào TPHCM.
Đó là dự án sản xuất các mô-đun quang điện mặt trời công nghệ màng mỏng tổng trị giá hơn 1 tỷ USD. Từ sự kiện mang ý nghĩa quan trọng này, đầu xuân Tân Mão, phóng viên có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân về những vấn đề đặt ra trong việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP.
|
Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân (bìa trái). |
“Thông nghẽn” hành chính
- Vai trò trung tâm kinh tế lớn nhất nước đòi hỏi sản phẩm của nền kinh tế TP phải có hàm lượng chất xám cao để tạo ra giá trị gia tăng lớn. Đến thời điểm này, đồng chí nhận định như thế nào về kết quả thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP?
- Chủ tịch LÊ HOÀNG QUÂN: Việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực, từng bước chuyển biến về chất theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành có giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học, công nghệ cao. Cụ thể, ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng 54,5% với tốc độ tăng trưởng bình quân 12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung cả nước, nhất là các ngành dịch vụ cao cấp có lợi thế cạnh tranh, có chất lượng và giá trị gia tăng cao. Những năm gần đây, giá trị sản xuất công nghiệp liên tục tăng cao hơn mức bình quân cả nước. Sự tăng trưởng này diễn ra hầu hết ở các ngành, các thành phần kinh tế. Giai đoạn 2006 - 2010, giá trị sản xuất công nghiệp bằng 1,85 lần giai đoạn 2001 - 2005; trong đó 4 ngành công nghiệp trọng yếu gồm: cơ khí chế tạo, điện tử - công nghệ thông tin, hóa chất, chế biến tinh lương thực - thực phẩm chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong giá trị sản xuất công nghiệp.
Với hàng loạt dự án trong và ngoài nước đã và đang thực hiện của các tập đoàn lớn như: Nidec, Intel, First Solar, dự án sản xuất chip điện tử của Trường ĐH Quốc gia TPHCM hay những kết quả đạt được bước đầu hoạt động của Công viên phần mềm Quang Trung, Khu nông nghiệp kỹ thuật cao, ngành y tế kỹ thuật cao… cho thấy đủ cơ sở để có niềm tin ngành công nghiệp TP tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ ở những năm tiếp theo. Dự kiến đầu năm Tân Mão, Công ty CP Cao su Thống Nhất (thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn) - được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu cả nước về ngành công nghiệp phụ trợ sẽ khánh thành nhà máy sản xuất phụ tùng cao su kỹ thuật cao tại Củ Chi… Đặc biệt, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng đang chuyển dần sang các ngành thâm dụng vốn, khoa học công nghệ. Tuy nhiên, so với một số nước trong cộng đồng ASEAN, quy mô công nghiệp của TP chúng ta vẫn còn yếu kém, nhất là công nghiệp chế tạo cơ khí chính xác, công nghiệp phụ trợ… đòi hỏi TP phải huy động mọi nguồn lực, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư có trọng điểm, có mục tiêu để phát triển các ngành công nghiệp kỹ thuật cao trong những năm sắp tới.
- Việc thu hút đầu tư nước ngoài ở những lĩnh vực có hàm lượng chất xám cao có ý nghĩa rất quan trọng trong điều kiện trình độ khoa học kỹ thuật của chúng ta chưa cao, vì đây cũng là cơ hội tốt để chúng ta học tập, trao đổi kinh nghiệm. Theo đồng chí, yếu tố nào quan trọng nhất để “kéo chân” doanh nghiệp?
- Tôi cho rằng đó là môi trường đầu tư.
- Đồng chí có cho rằng môi trường đầu tư của TPHCM đã thật sự tốt?
- TPHCM liên tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và bước đầu đã được những thành công. Minh chứng cho điều này là ngày càng có nhiều tập đoàn kinh tế lớn chọn TPHCM làm điểm đến như: Nidec, Sanyo, Intel… Đặc biệt, trong điều kiện tình hình kinh tế và tài chính toàn cầu còn nhiều khó khăn nhưng Tập đoàn First Solar của Mỹ cũng đã đầu tư và đặt nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp Đông Nam (Củ Chi) với giá trị dự án lớn tiếp tục khẳng định môi trường đầu tư kinh doanh hiệu quả, lành mạnh của Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng. Tuy nhiên, nói như vậy không phải chúng ta đã bằng lòng mà phải tiếp tục cải thiện để ngày càng tốt hơn. TP sẽ tiếp tục hoàn chỉnh cơ chế, chính sách để tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, trong đó tiếp tục “thông nghẽn” trong cải cách thủ tục hành chính vì hiện nay còn nhiều nơi, nhiều chỗ thực hiện vấn đề này chưa phải là tốt. Như đối với dự án sản xuất các mô-đun quang điện mặt trời công nghệ màng mỏng của First Solar các thủ tục đầu tư các sở ngành thực hiện chỉ trong 4 tháng, tạo được ấn tượng tốt ngay từ ban đầu với nhà đầu tư nước ngoài. Vấn đề ở đây là các sở ngành chức năng và chính quyền địa phương phải cùng xắn tay vào giải quyết. Việc tạo môi trường đầu tư tốt cũng đồng nghĩa với việc chúng ta biết nắm bắt cơ hội kịp thời, vì đã nói là cơ hội thì đôi khi không đến lần thứ 2.
Nâng cao nguồn nhân lực
- Trở lại tình hình hoạt động của các doanh nghiệp ở lĩnh vực công nghiệp trong nước. Thời điểm trước Tết Tân Mão, đồng chí có chuyến khảo sát thực tế nhằm tổng rà soát hoạt động của các tổng công ty, các doanh nghiệp chủ lực của TP. Đồng chí có nhận xét gì về hoạt động của những doanh nghiệp này?
- Doanh nghiệp TP đang từng bước nỗ lực phát triển để hội nhập. Riêng năm 2010, tổng giá trị sản lượng của 4 ngành công nghiệp trọng yếu của TP đạt 124.414 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ. 4 ngành công nghiệp trọng yếu không chỉ mở rộng về quy mô mà còn tăng nhanh về tỷ trọng, đến nay đã vượt tỷ trọng dự kiến. Tuy nhiên, để thật sự tạo bước phát triển đột phá thì bản thân các đơn vị phải tái cấu trúc ngành nghề, phải lựa chọn sản phẩm có khả năng cạnh tranh để đầu tư; đổi mới năng lực quản lý phù hợp với thời kỳ hội nhập, cạnh tranh… Trong đó, việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là yếu tố quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải xem nguồn nhân lực là tài sản quý báu của đơn vị mình.
- Để sản phẩm cạnh tranh được đòi hỏi trang thiết bị máy móc phải hiện đại nhưng đa phần máy móc của chúng ta khá lạc hậu, trong khi doanh nghiệp “kêu” khó khăn về vốn. TP sẽ có sự hỗ trợ như thế nào giúp các doanh nghiệp đổi mới trang thiết bị?
- Năm qua, nguồn vốn kích cầu của TP đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp đầu tư trang bị máy móc hiện đại, nhờ vậy kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của những doanh nghiệp này đã đạt được những con số khá ấn tượng. Sang năm 2011, TPHCM sẽ tiếp tục thực hiện chương trình hỗ trợ lãi vay từ nguồn vốn kích cầu. Tuy nhiên, cần xác định rõ đây chỉ là “vốn mồi” của TP, còn bản thân doanh nghiệp phải tự nỗ lực nhiều hơn nữa để thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên.
- Xin cảm ơn đồng chí!
Vân Anh thực hiện
SÀI GÒN GIẢI PHÓNG
|