Sao không mời Trung Quốc sản xuất tại Việt Nam?
Với những loại hàng hóa nhập của Trung Quốc nhưng có thể sản xuất trong nước, có thể mời chính các DN Trung Quốc sang Việt Nam sản xuất mặt hàng đó. Nếu kéo được họ vào đây, sản xuất đúng với nhu cầu của ta, thì sẽ giảm được việc nhập khẩu từ chính nước họ. - Ông Bùi Hồng Phúc, nguyên đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc chia sẻ.
|
Ông Bùi Hồng Phúc - Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc |
Ông Bùi Hồng Phúc đã có 5 năm là Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc (1997-2003), hiện là Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Trung, cố vấn Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam- Trung Quốc. Nhân dịp đầu xuân Tân Mão 2011, ông đã chia sẻ với Diễn đàn Kinh tế Việt Nam những suy ngẫm của mình xung quanh câu chuyện Việt Nam làm gì để phát triển, phồn vinh cùng Trung Quốc.
Chọn mặt gửi vàng khi bắt tay với doanh nghiệp Trung Quốc
PV: Thưa ông, trong sân chơi chung quốc tế, do nhu cầu phát triển, Việt Nam đã không cưỡng được lại dòng chảy nhập khẩu ồ ạt từ Trung Quốc. Nhưng nhiều sự cố hỏng hóc ở các nhà máy nhiệt điện do Trung Quốc làm tổng thầu, nhiều hàng thực phẩm Trung Quốc bị phát hiện độc hại đã khiến cho người dân mất niềm tin vào hàng hóa nước này. Ông có đánh giá gì?
- Nói thật ra, hàng Trung Quốc có rất nhiều chủng loại, và họ cũng có hàng hóa đẳng cấp, có các công ty lớn sản xuất hàng chất lượng cao, chứ không phải tất cả đều kém, đều là hàng nhái. Nhưng tại sao, cứ đến Việt Nam lại xảy ra chuyện như thế?
Vấn đề là do ta chọn không trúng mà thành ra vậy. Do chính trình độ chủ đầu tư của ta kiểm tra không chặt chẽ, cơ chế trao đổi làm việc không chặt chẽ nên mới lọt vào những chuyện đó.
Với một đất nước rộng lớn, nhiều chủng loại hàng hóa, nhiều phẩm cấp như thế thì khi làm ăn với doanh nghiệp Trung Quốc, chúng ta phải biết đối tác ấy là như thế nào? Tôi không dám nói tất cả, nhưng tôi thấy, nhiều anh em phía Việt Nam chưa hiểu đối tác của mình đâu. Có khi họ đưa ra những điều kiện rất thuận lợi cho mình thì mình gật đầu ngay mà không hiểu rằng đối tác ấy thực lực thế nào, sức cạnh tranh và uy tín của họ ra sao. Nếu chỉ dựa vào sự giới thiệu đơn phương của họ thì không thể xác định họ là tốt.
Chúng ta phải dựa vào tai mắt của chúng ta chứ. Đó là hệ thống các cơ quan sứ quán, thương vụ Việt Nam ở Bắc Kinh, Quảng Châu, Nam Ninh, Côn Minh, Hồng Kông. Tôi muốn khuyến nghị các doanh nghiệp khi làm ăn với Trung Quốc, ký hợp đồng, làm dự án nào với Trung Quốc thì nên tham khảo ý kiến hệ thống “tai mắt” ấy. Các cơ quan đó sẽ xác minh giúp chúng ta anh doanh nghiệp Trung Quốc đó là như thế nào, mặt hàng này có phải chính hiệu không, để quyết định có nên mua, nên quan hệ hay không?
Hãy kéo nhà sản xuất Trung Quốc sang Việt Nam
PV: Thưa ông, nhiều ý kiến đề lo ngại việc Việt Nam bị hút sâu vào nền kinh tế Trung Quốc khi nước này quá lớn mạnh. Bằng chứng là ta ngày càng nhập siêu lớn từ láng giềng, bất chấp việc chúng ta nỗ lực điều chỉnh cơ cấu nhập khẩu, tăng cường mua vật tư thiết bị trong nước. Ông có kế sách gì để chúng ta xoay chuyển tình hình?
- Có một hướng khác mà cá nhân tôi mong muốn đề xuất, các đơn vị có thể nghiên cứu xem có áp dụng được không? Hãy xem ta cần những loại hàng hóa gì mà ta đang nhập của Trung Quốc nhưng có thể sản xuất ở Việt Nam, sau đó, mời chính các doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam đầu tư, sản xuất mặt hàng đó.
Nếu chúng ta kéo được họ vào đây, làm ra những thứ hàng đúng với nhu cầu của ta, thì ta sẽ giảm được việc nhập khẩu từ chính nước họ. Có thể thấy, đó là linh kiện, thiết bị, phân bón…
Nếu chúng ta mời được các nhà sản xuất Trung Quốc vào đây, làm cả những mặt hàng mà chính nước họ cần thì ta sẽ tăng giá trị xuất khẩu sang nước bạn. Chính các doanh nghiệp Trung Quốc biết thị trường họ cần hàng gì, mẫu mã gì, chất lượng gì mà ta chỉ có khả năng cung ứng nguyên nhiên liệu. Tôi chỉ ví dụ như ngành cao su chẳng hạn, chúng ta toàn xuất thô sang cho họ, tại sao ta không đặt vấn đề mời họ vào Việt Nam, sản xuất sản phẩm từ cao su ở Việt Nam rồi mới xuất khẩu. Đồ gỗ cũng thế, Trung Quốc rất thích đồ gỗ thành phẩm, mà ta chỉ toàn xuất thô.
Trong nhiều chuyến công tác với bên Trung Quốc, tôi đã tham khảo ý kiến họ rồi, phía Trung Quốc sẵn sàng làm như vậy. Giải pháp tôi nói là rất hiện thực, chứ không phải là không hiện thực đâu. Vấn đề là cơ chế hợp tác thế nào để bảo đảm lợi ích cho họ.
Một giải pháp khác mà Bộ và các doanh nghiệp cần tính tới mạnh mẽ hơn, đó là việc đa dạng hóa thị trường nhập khẩu cho mặt hàng mà ta đang nhập quá nhiều ở Trung Quốc. Chúng ta hãy nỗ lực hơn, tìm đến những thị trường khác ngoài Trung Quốc, tất nhiên, còn phải giải bài toán giá thành.
PV: Như ông nói, nếu hut hút FDI Trung Quốc vào Việt Nam sẽ góp phần lớn cho câu chuyện cân bằng cán cân thương mại, nhưng lâu nay, FDI nước này vào Việt Nam còn rất ít?
- Tại vì, họ chưa thấy thị trường Việt Nam hấp dẫn. Trong khi môi trường đầu tư của Việt Nam so với môi trường Trung Quốc không hấp dẫn bằng. Bản thân ở Trung Quốc, môi trường, chính sác đã có lợi cho họ rồi, còn ta thì thủ tục phiền phức. Việc này, chính phủ, bộ ngành phải nghiên cứu để làm sao, mời gọi nhà đầu tư Trung Quốc, thì bảo đảm lợi ích cho họ.
Một Trung Quốc bằng tới 31 thị trường
PV: Ngược lại, theo ông, Việt Nam có thể tận dụng được gì để phồn vinh cùng sự phát triển cũng Trung Quốc?
- Trung Quốc là một thị trường rất lớn, ta ở bên cạnh, sẽ có nhiều thuận lợi cho việc ta xuất hàng hóa sang đó.
Trung Quốc có có 31 tỉnh, thành phố là 31 thị trường khác nhau. Nó cũng cạnh tranh với nhau, không phải là thống nhất. Vì lẽ đó, muốn xuất hàng sang nước này, chúng ta phải hiểu đặc điểm thị trường từng tỉnh, từng thành phố mà khai thác. Ví dụ như hiện nay các tỉnh phía đông Trung Quốc, dọc bờ biển Trung Quốc là những tỉnh thành phát triển tương đối cao, mạnh, trong khi phía tây thì phát triển thấp. Chênh lệch phát triển vùng miền ở nước Trung Quốc rất cao. Ta phải tận dụng sự chênh lệch này để đưa vào những cái mà họ cần. Ví dụ phía Tây, chúng ta đã đi Trùng Khánh, Tứ Xuyên, Vân Nam là những khu vực đang cần có sự hợp tác, đầu tư của Việt Nam.
Chúng ta nên hiểu thị trường Trung Quốc một cách cặn kẽ hơn. Theo tôi, chúng ta có thể làm việc trực tiếp với các tỉnh, thành phố mà không nhất thiết phải hợp tác ở cấp Trung ương.
Tôi vừa đi công tác ở tỉnh An Huy, trao đổi với ông Phó tỉnh trưởng, bí thư ở đó rồi, họ rất ủng hộ, hoan nghênh các doanh nghiệp Việt Nam sang.
PV: Thưa ông, việc kêu gọi lòng yêu nước, yêu hàng Việt có thể quyết định lớn trong câu chuyện “đẩy lùi” hàng nhập khẩu Trung Quốc hay không?
- Cách đây 20 năm, người dân Trung Quốc toàn mua hàng của Nhật, từ tủ lạnh, máy giặt, điều hòa, tivi, nhưng 10 năm sau đó, chính người tiêu dùng Trung Quốc lại đi tìm mua hàng của nước họ. Kể cả các cửa hàng đặt đồ Nhật và đồ Trung Quốc cạnh nhau thì người dân Trung Quốc vẫn đổ xô mua hàng Trung Quốc.
Bởi lẽ, họ giải quyết được 3 vấn đề: chất lượng không kém, giá rẻ hơn, bảo hành sau bán tốt hơn. Nếu chúng ta làm được như thế thì đến lúc đó, không phải kêu gọi nhiều ở lòng yêu nước thì tự người tiêu dùng cũng hướng tới hàng Việt.
Phải hiểu tâm lý người tiêu dùng, khi chất lượng, giá cả là xấp xỉ, ngang nhau thì tất nhiên họ sẵn sàng mua hàng của Việt Nam. Ví dụ như bánh kẹo, đồ uống Việt Nam giờ đã có sức cạnh tranh tốt hơn, trước kia, ta mua của nước ngoài nhiều.
Lúc này ta kêu gọi ủng hộ hàng Việt là điều nên làm. Nhưng mà lâu dài thì chúng ta phải nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, của nền kinh tế lên. Đó là giải pháp căn cơ, lâu dài nhất. Khi mà hàng Việt đáp ứng được thì mình còn cần gì nhập khẩu nhiều đến thế.
Phạm Huyền thực hiện
Diễn đàn kinh tế Việt Nam
|