Để Việt Nam sánh bước cùng chuyển động thế giới
Việt Nam với thế và lực mới đang hướng đến một giai đoạn phát triển mới, không còn phải "mải miết chạy theo" mà có thể nghĩ đến việc cạnh tranh để đua tranh, sánh bước cùng xu thế của thế giới. Đầu Xuân Tân Mão, ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã trao đổi về vấn đề này.
Ông Trần Đình Thiên cho rằng:
Sau 25 năm đổi mới, thành công lớn nhất của chúng ta đã tạo ra được sự thay đổi về chất cho nền kinh tế từ kinh tế tập trung bao cấp, nông ngiệp lạc hậu sang kinh tế thị trường theo hướng mở cửa và xu hướng hiện đại. Đó là một thay đổi mang tầm vóc lịch sử, không có gì so sánh được. Xét về mặt lượng, thành tích chúng ta đạt được cũng không phải là thấp nhưng một mặt chúng ta tạo ra được sự bùng nổ trong tăng trưởng thì mặt khác việc chúng ta phát triển theo chiều rộng và kém hiệu quả cũng đang để lại nhiều thách thức.
Hàn Quốc sau 30 năm phát triển thì đến năm 2000 quy mô kinh tế đã tăng lên 100 lần. Việt Nam đi sau 25 năm, có những điều kiện tốt hơn và có nhiều mô hình và kinh nghiệm để học tập nhưng chỉ tăng 10 lần. Điều này cho thấy, tiềm năng tăng trưởng của chúng ta còn rất nhiều nhưng chưa được phát huy chưa hết, nếu cải thiện mô hình tăng trưởng thì chắc chắn sự phát triển sẽ còn vượt bậc hơn nữa.
Chúng ta hội nhập ngày càng sâu rộng và thế giới cũng đang có những thay đổi rất mạnh. Chúng ta nhập cuộc vào thế giới trong những biến chuyển rất lớn, nếu rút được kinh nghiệm và nhập cuộc tốt vào bước chuyển của thời đại thì cơ hội cho Việt Nam càng tăng lên. Thời điểm chuyển biến sẽ đặt ra những cơ hội và thách thức to lớn. Kinh nghiệm của các năm trước cho thấy, việc tận dụng cơ hội này là không dễ dàng một tý nào. Tuy nhiên, nếu có một cách thức tốt để tiếp cận thì sẽ tạo ra bùng nổ mạnh mẽ.
Đại hội Đảng lần thứ 11 đã đặt ra yêu cầu thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu. Cơ hội của thời đại đang mở ra rất lớn, thay đổi mô hình tăng trưởng hay tái cơ cấu phải vì mục tiêu vươn đến một tầm cao phát triển mới, đi cùng xu hướng của thời đại để giải quyết nhiều vấn đề chứ không phải chỉ vì những bí bách trong nước, hạn chế của mô hình cũ... điều đó sẽ làm cho động lực mạnh lên rất nhiều. Đó là nguyên tắc tiếp cận thể hiện tầm nhìn cho giai đoạn phát triển mới từ thập niên thứ 2 thế kỷ 21.
Vậy theo ông, đâu là một mô hình tăng trưởng phù hợp cho Việt Nam? Có một mô hình nào cho chúng ta học tập?
|
Ông Trần Đình Thiên: "Có một logic đã là người đi sau mà chúng ta cứ đều đều và tuần tự thì không thể theo kịp mà nguy cơ bị loại ra khỏi cuộc đua rất cao." |
- Không thiếu những mô hình thành công để học tập khi chuyển đổi nền kinh tế lên một tầm cao mới nhưng có một logic đã là người đi sau mà chúng ta cứ đều đều và tuần tự thì không thể theo kịp mà nguy cơ bị loại ra khỏi cuộc đua rất cao. Chỉ có cách nhập vào ngay mô hình hiện đại giống như kiểu Hàn Quốc đã từng thành công, khiến cho người ta thấy, như bỏ công nghiệp hóa để bước vào kinh tế công nghệ cao, hay như Trung Quốc, tuy có nhiều vùng lạc hậu nhưng có nhiều nơi đã đi thẳng vào công nghệ cao hàng đầu thế giới... Việt Nam hoàn toàn có khả năng như thế.
Về mặt nguyên tắc, nước đi sau cần tận dùng lợi thế để nhảy lên một mô hình hiện đại mang tính chất đột phá. Thế giới đã nói đến rất nhiều mô hình nhưng tổng thế chung vẫn cần phải đáp ứng các yếu tố: Phát triển cân bằng, phát triển công bằng, phát triển bền vững, phát triển thông minh và phát triển chia sẻ lợi ích cho mọi người.
Nhảy vọt sẽ rất khó nhưng chỉ khó lúc đầu để chuyển dịch còn hơn cứ để mãi chạy theo thì còn khó khăn cả một chặng dài lịch sử. Với kinh nghiệm của những năm đổi mới, của hội nhập WTO chúng ta phải thấy được việc gì phải làm, làm như thế nào để cho bước chuyển nó triệt để đó.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đặt ra là Việt Nam có làm được không và làm bằng cơ sở nào? Thế giới đã có những tấm gương, về mặt lý thuyết cũng như thực tiễn cho thấy: người đi sau có nhiều lợi thế thì phải khôn ngoan hơn, thông minh hơn. Muốn thế chúng ta phải tư duy và thiết kế một mô hình cụ thể, chi tiết nhưng nguyên tắc đó phải là mô hình tiếp cận được xu thế và đỉnh cao của thời đại. Việc đó không dễ, bây giờ và có thể 5 năm tới chưa thể hoàn thiện nhưng phải làm sao để sau 5 năm có thể đủ điều kiện để bước vào xu hướng công nghệ cao cùng với thời đại... đấy là tư duy tiếp cận mô hình phát triển mới.
Thế giới đã có rất nhiều mẫu hình, tất nhiên không thể copy nguyên xi vào được vào mình được nhưng mà chắc chắn mình không phải sáng tác từ đầu. Theo tôi, đó phải là mô hình tăng trưởng dựa vào công nghệ, hướng tới công nghệ có thể 5, 10 năm tới chúng ta chưa hoàn toàn đạt mục tiêu là công nghệ cao như mong muốn nhưng điều quan trọng là phải hướng đến và tập trung cho điều đó.
Để có bước chuyển triệt để đó, cần tập trung vào điểm nào thưa ông?
- Điều quan trọng nhất là cần tập trung cho nguồn nhân lực. Trong 10 năm tới phải đặt mục tiêu phát triển nguồn nhân lực. Ngay từ bây giờ cần phải định hình một chiến lược để đào tạo nguồn nhân lực theo hướng như thế nào, trình độ như thế nào và theo hệ thống nào.
Bây giờ, các điều kiện về vốn, công nghệ. thị trường nói chung là tự do hóa. Có cái khó vì phải cạnh tranh để tranh giành và thu hút nhưng nó dễ vì đã sẵn trên thị trường toàn cầu. Nếu điều kiện tốt, nguồn lực sẽ chảy về. Phần còn lại của chúng ta là nguồn nhân lực. Tuy nhiên, cần lưu ý, nhân lực mà ta hay nghĩ đến công nhân là chưa đủ thậm chí là không đủ phải là cái quan trọng nhất mà phải là nguồn nhân lực quản trị doanh nghiệp, thứ hai là quản trị quốc gia đó là hai nguồn nhân lực có tính chất dẫn dắt và cần khuyến khích. Trong giai đoạn đầu phải tập trung vào hai nguồn nhân lực đó để có nguồn cho doanh nghiệp và quản trị nhà nước.
Trong 10 năm tới phải đặt mục tiêu phát triển nguồn nhân lực. Ngay từ bây giờ cần phải định hình một chiến lược để đào tạo nguồn nhân lực theo hướng như thế nào, trình độ như thế nào và theo hệ thống nào. |
Bên cạnh đó, ta có mấy nút thắt nếu không qua được thì không thế nói chuyện "cất cách" được vì thế cần đột phá vào giao thông, cung cấp năng lượng, hạ tầng đô thị. Đây là cái chốt cần đột phá nhưng đột phá thế nào thì phải có cả một chiến lược. Việc giải quyết các nút thắt này cần có một bài toán tổng thế. Đây là nhóm vấn đề không thể không làm nhưng mà bây giờ phải giải quyết những nút thắt ấy một cách khôn ngoan, rất tổng thể và có tầm nhìn, nếu không sẽ vừa tốn kém lại không hiệu quả, kéo lùi sự phát triển.
Một hạn chế của chúng ta là chưa giải phóng được các nguồn lực hay nói đúng hơn là việc tiếp cận các nguồn lực còn khó khăn nhất là đối với kinh tế ngoài quốc doanh. Vậy, theo ông nên giải quyết vấn đề này như thế nào để tập trung nguồn lực cho một bước chuyển mới?
- Tái cơ cấu về bản chất là để phân bổ nguồn lực sao cho đúng. Khi nói tái cơ cấu, người ta bảo ngành này hay ngành kia nhưng thực ra bản chất sâu xa của nó là phân bổ nguồn lực cho chỗ nào để tạo ra sự phát triển hiệu quả và bền vững nhất... Ta thấy, những ngành khai thác tài nguyên, những dự án mà sử dụng lao động rẻ tiền nhưng kỹ năng thấp, không thể dịch chuyển lên mức cao hơn. Vì thế, tái cơ cấu là làm sao làm cho nguồn lực dịch chuyển theo hướng nâng lên trong cái chuỗi cơ giá trị toàn cầu.
Việc phân bổ nguồn lực hợp lý chính là bài toán tái cơ cấu, cơ chế phân bổ nguồn lực thế nào để không gây ra những hiệu quả thấp như trước đây, chắc chắn nó phải nghiêng về thị trường, phải công bằng. Sau đó là có yếu tố mang tính định hướng khuyến khích, định hướng khuyến khích, ưu đãi cho NN cho những dự án phù hợp với mục tiêu quốc gia là ưu tiên công nghệ cao. Có thể ưu đãi bằng những công trình hạ tầng để không vi phạm cam kết, ưu đãi về nhân lực là như vậy, ưu đãi về thuế má... cho những dự án mà nhằm mục tiêu ưu tiên chiến lược. Bản chất câu chuyện ở đây, kết hợp cạnh tranh sòng phẳng, bình đẳng với ưu đãi của mục tiêu quốc gia.
Nhưng dường như đứng trước những yêu cầu cho một bước chuyển mình Việt Nam còn lúng túng trọng việc định vị và lựa chọn cho mình những bước đi cụ thể?
- Tôi cho rằng chúng ta cũng đừng vội tạo cho mình ngay một "chân dung" theo kiểu là phải giống như Đài Loan sản xuất máy tính xách tay, con chi hàng đầu thế giới. Mục tiêu chúng ta có thể sẽ là như vậy nhưng không có ngay đâu mà trước hết cần có thời gian để khẳng định năng lực của mình, có thời gian để tiếp cận... Điều quan trọng là chúng ta phải định hướng cho phát triển năng lực của chính mình theo mục tiêu đó.
Cơ hội của phát triển công nghệ cao càng ngày càng mở ra và qua quá trình đó ta xâu chuỗi và định hướng cho rõ nhưng tôi cho rằng chọn 1 tuyến công nghệ cao và mô hình là tăng trưởng, phát triển xanh - bền vững là những cái phù hợp. Không có cách lựa chọn nào khác.
Tất nhiên là cần thời gian nhưng liệu như thế có trở nên quá muộn khiến chúng ta bị "lỡ tàu"?
- Dù muộn thì ta vẫn phải làm chứ không phải là không làm được. Nói muộn thì chả lúc nào muộn. Ví dụ, biển Việt Nam rất đẹp, tiềm năng biển rất lớn nhưng chúng ta có thu hút được thế giới đến không? Tôi tin là được. Biển đẹp như thế, cả đất nước đẹp như thế... thì thu hút 4,5 triệu khách ăn thua gì, mà phải 10 triệu khách và hơn nữa chứ... Muốn như thế phải có cách nhìn linh hoạt và rộng lớn chứ không phải công nghệ cao là nhà máy, là các con chip mà du lịch dịch vụ cũng là công nghệ cao, đẳng cấp cao.. . Cách nhìn phải mềm mại và mục đích là phải kéo thế giới đến và họ phải bỏ tiền và mang hàng Việt Nam đi.
Trước bước chuyển biến mạnh mẽ đó, các DN và doanh nhân cần chuẩn bị gì cho một cuộc chơi lớn?
- Nếu mà nói chuẩn bị thì cần nhiều thứ nhưng mà các DN phải tư duy về mình trong một cuộc chơi toàn cầu. Bây giờ mà DN kêu thiếu vốn thì chứng tỏ chúng ta kém vì nguồn vốn và thị trường toàn cầu đã tự do hóa. Một khi đối tác nước ngoài đến mà DN không sẵn sàng thì chứng tỏ mình kém. Ví như người ta đến làm công nghiệp hỗ trợ chả kiếm được ai chứng tỏ mình quá kém.
Nói như thế để thấy chúng ta cần chuẩn bị tầm nhìn và năng lực tiếp cận cơ hội đang đến. Điều đó bắt đầu từ những việc cụ thể như chuẩn bị nguồn nhân lực, về quản trị hay nhưng điều kiện để phát triển. Chúng ta có định hướng tốt, có điều kiện tốt..., tạo ra một môi trường hấp dẫn thì mới chắc thắng được.
Tư nhân lớn lên rất nhanh nhưng không trên nền tảng cạnh tranh, cơ hội nhiều và cơ hội vẫn còn nên đã làm giảm đi sự cạnh tranh. Nhưng tới đây, sự cạnh tranh giữa các DN sẽ ác liệt hơn và DNNN cũng phải xử sự công bằng hơn. |
DN là lực lượng chủ đạo để phát triển, doanh nhân phải là người dẫn dắt trong kinh tế thị trường. Trong kinh tế thị trường, doanh nhân là lực lượng dẫn dắt phát triển. Nên cần phải tạo cơ hội cho doanh nhân phát huy được năng lực của mình, DN phát huy được cái thế của mình, như thế thì mới phát triển được.
Chúng ta nói đến doanh nhân như là một lực lượng xã hội thì phải tôn trọng họ, nâng đỡ họ. Chúng ta cần lưu ý đến giai đoạn khởi nghiệp, bởi đây là giai đoạn hình thành và bước vào quỹ đạo cạnh tranh rất khó khó khăn. DN Việt Nam còn non nên những DN mới thậm chí cả những DN có thâm niên cũng cần phải học và đào tạo lại để tăng cường sức mạnh. Tôi cho rằng Chính phủ phải đặc biệt lưu ý, quan tâm đến lực lượng này.
Trong quá trình đổi mới và phát triển, chúng ta cũng rất kỳ vọng vào khối DN tư nhân. Tuy nhiên, đến này vẫn còn quá ít điểm sáng để hy vọng sánh bước cùng thế giới?
- Để tư nhân lớn mạnh lên là phải qua thử thách. Thời gian vừa rồi cơ hội đến với họ rất nhiều mà chưa phải cạnh tranh nhiều lắm. Tư nhân lớn lên rất nhanh nhưng không trên nền tảng cạnh tranh, cơ hội nhiều và cơ hội vẫn còn nên đã làm giảm đi sự cạnh tranh. Nhưng tới đây, sự cạnh tranh giữa các DN sẽ ác liệt hơn và DNNN cũng phải xử sự công bằng hơn. Đó là chuyện không thể tránh khỏi. Hơn nữa, quá trình mở cửa và hội nhập cũng sẽ tạo nên sức ép canh tranh.
Hai yếu tố đó chính là môi trường hay có thể nói là cơ hội cho DN Việt Nam lớn lên. Trong quá trình đó, nhà nước phải tạo ra môi trường lành mạnh, công bằng thì tính cạnh tranh tăng lên; rồi mở cửa để hội nhập... đừng ngại, càng thách thức thì DN càng lớn mạnh. Tất nhiên cần có một số định hướng theo những lĩnh vực ưu tiên để phát triển cho chiến lược dài hạn. Chỉ cần thay đổi mô hình, cạnh tranh tăng lên, ưu tiên bình đẳng hơn, mở cửa tự do hóa tư nhân sẽ trỗi lên một cách đích thực.
Trân trọng cảm ơn ông!
Lê Khắc
DIỄN ĐÀN KINH TẾT VIỆT NAM
|