Thứ Ba, 01/02/2011 09:27

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Tôi suy nghĩ vào mỗi ban mai

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc

Dậy rất sớm để hít thở không khí trong lành mỗi ban mai và suy nghĩ về công việc trong ngày là thói quen giúp Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc có được năng lượng làm việc bền bỉ, phong thái tự tin, lạc quan dù phải đối mặt với khối lượng công việc bộn bề, áp lực.

Trong tiết Xuân Tân Mão 2011, ông chia sẻ với Báo Đầu tư những dấu ấn, suy tư về chặng đường gần một thập kỷ ở vị trí “tư lệnh” lĩnh vực kế hoạch - đầu tư nhiều sóng gió và không ít tự hào.

Dấu ấn thập kỷ đổi mới thứ hai

Thật vui, gặp Bộ trưởng Võ Hồng Phúc dịp năm mới, tôi nhận thấy ở ông vẹn nguyên một phong thái tự tin, lạc quan vốn có của một người am hiểu, hết mình và dường như luôn làm chủ được công việc mà các thành viên Chính phủ, đại biểu Quốc hội, đối tác trong và ngoài nước thường thấy ở ông.

Tôi chúc mừng ông với kết quả được ví như “trái ngọt” của một năm đầy nỗ lực trong toàn hệ thống chính trị, trong đó mang hơi thở của ngành kế hoạch và đầu tư, đó là mức tăng trưởng kinh tế năm 2010 đạt 6,78%, vượt mức 6,5% mà Quốc hội đề ra. Ông tỏ ra rất vui và nhấn mạnh rằng, kết quả đó càng trở nên ý nghĩa trong bối cảnh đất nước ta vừa tiếp tục thực hiện các cam kết hội nhập, vừa ứng phó với những tác động khó lường của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vốn đã làm cho nhiều quốc gia lao đao, đồng thời lại phải oằn lưng chống đỡ những đợt “lũ chồng lên lũ” hoành hành dữ dội khắp dải đất miền Trung.

Nhưng có lẽ, đó mới chỉ là một trong những kết quả mà Bộ trưởng Võ Hồng Phúc có thể tự hào, bởi kể từ khi ông nhậm chức Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư (tháng 9/2002), có thể thấy, ông đã đồng hành và ghi những dấu son đáng nhớ đối với ngành kế hoạch - đầu tư và nền kinh tế trong suốt thập kỷ đổi mới thứ hai của đất nước, hoàn thành Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, 2001-2010.

Dấu ấn lớn nhất của 10 năm qua, theo ông, chính là chúng ta đã vượt qua khó khăn của từng giai đoạn, đạt mức tăng trưởng khá đều và ổn định, dù những lợi thế ban đầu đã khai thác cơ bản, nền kinh tế đất nước đã hội nhập sâu, rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu ngày càng phức tạp. Dư luận trong và ngoài nước, giới đầu tư, các nhà tài trợ đều rất ấn tượng, tin tưởng vào nỗ lực và kết quả đó.

Các chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận, ông có vai trò quan trọng trong việc bước đầu “buộc” khối doanh nghiệp nhà nước chấp nhận một “sân chơi” chung với khu vực tư nhân - trong một Luật Doanh nghiệp chung cho các thành phần kinh tế. Ông cũng thúc đẩy sự ra đời của Luật Đầu tư thống nhất, có hiệu lực từ đầu tháng 7/2006. Đó được xem là tiền đề cho một cuộc chơi bình đẳng hơn giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Thực ra, những người trong cuộc đều biết, thời điểm đó, ông đã chịu những sức ép không nhỏ, bởi có rất nhiều góp ý về việc này, mà không phải đều là đồng tình, bởi cái “thế” của doanh nghiệp nhà nước thì ai cũng đã biết; trong khi cách ứng xử với nhà đầu tư nước ngoài thế nào, cân đối thế nào với nhà đầu tư “nội” khi ấy cũng là vấn đề còn mới mẻ.

Nhưng ông bảo, có mới, có phức tạp, thì mới cần vai trò của người tham mưu. Và thực tế là, cái mới đã vượt qua được khó khăn để khẳng định sự đúng đắn. Luật Đầu tư, cũng như Luật Doanh nghiệp đã và đang phát huy được hiệu quả trong nền kinh tế.

Dấu ấn 10 năm đó, như ông nói, có ý nghĩa lan toả, tạo sức bật và động lực phát triển cho thập kỷ đổi mới tiếp theo, hướng đến mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.

Vui với những thành công, hiệu quả mà các quyết sách lớn đem lại, nhưng Bộ trưởng Võ Hồng Phúc không khỏi băn khoăn, bởi dù nỗ lực của các bộ, ngành, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được dư luận xã hội ghi nhận, nhưng thực tế, nền kinh tế vẫn còn nhiều điểm yếu cố hữu chưa được giải tỏa, như cơ cấu kinh tế còn bất hợp lý, cản trở sự phát triển; hay hiệu quả đầu tư công chưa cao như mong muốn.

“Không riêng tôi, nhiều bộ trưởng, nhiều đại biểu Quốc hội khác cũng trăn trở, mong muốn nâng hiệu quả đầu tư công, nhưng chưa làm được, vì có những điểm chưa nhìn nhận đúng về đầu tư công và hệ thống pháp luật về đầu tư công. Tôi cho rằng, cần có một bộ luật về đầu tư công, xây dựng được các khung khổ pháp lý nhằm đảm bảo kiểm soát đầu tư hiệu quả, chặt chẽ, công khai và minh bạch hơn mới nâng cao được hiệu quả đầu tư công”, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nói như tâm tình.

Bộ trưởng không "ngại" chất vấn

Trong hành trình một thập kỷ vừa qua, ở cương vị điều hành một bộ mang tính “đầu não”, tham mưu tổng hợp cho Chính phủ những quyết sách lớn có ý nghĩa quan trọng đối với đất nước, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc không ít lần phải xử lý những vấn đề gai góc, ở những thời điểm khó khăn của nền kinh tế. Nhưng đối với ông, đó là những kỷ niệm thú vị mà qua đó, bản lĩnh và kinh nghiệm lãnh đạo, điều hành càng được trui rèn.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc vẫn còn nhớ, với vai trò là người đứng đầu phía Việt Nam trực tiếp đàm phán các hiệp định vay vốn ODA từ phía các nhà tài trợ, ông được một đại sứ quan tâm nêu câu hỏi liên quan đến nạn chạy chức, chạy quyền trong các cơ quan hành chính nhà nước.

Cuối năm 2009, trong buổi gặp với một số đại sứ và đại diện các nhà tài trợ quốc tế, ông đã nói về công tác quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ trong hệ thống nhà nước, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Chỉ sang một Thứ trưởng và một Vụ trưởng bên cạnh mình, ông nói: “Có mặt những nhân viên của tôi đây, các ngài có thể hỏi họ xem tôi có nhận tiền của họ để đề bạt họ không? Không bao giờ có chuyện đó. Đạo đức không cho phép tôi làm chuyện đó, vì nếu nhận tiền rồi bổ nhiệm cán bộ, tôi sẽ không thể điều hành họ và yêu cầu họ làm việc thật sự công tâm được”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, ở phạm vi rộng hơn, thì nạn chạy chức chạy quyền là có, nhưng Chính phủ Việt Nam đang kiên quyết loại trừ bằng những quy chế cán bộ đặc biệt, quy hoạch cán bộ nguồn và quy trình đề bạt cẩn trọng. Cách trả lời thẳng thắn và ngắn gọn của ông dường như đã thuyết phục được các đại sứ và nhiều nhà tài trợ quốc tế, họ lắng nghe chăm chú và không hỏi thêm về vấn đề đó nữa.

Có lẽ, chính sự sâu sát và luôn nắm chắc vấn đề như vậy đã giúp Bộ trưởng Võ Hồng Phúc có được phong thái tự tin, thẳng thắn và cởi mở. Chính ông là người từng “xung phong trả lời chất vấn” tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XI, tháng 11/2005. Không phải chỉ ở thời điểm đó, mà có lẽ, cả đến bây giờ, việc các bộ trưởng đăng đàn trả lời chất vấn đại biểu quốc hội là công việc khó khăn, đòi hỏi các bộ trưởng phải nắm thật vững từng vấn đề, đồng thời phải có khả năng diễn đạt tốt bởi thời gian chất vấn trực tiếp tại hội trường không nhiều.

Nhắc lại việc này, ông tâm sự, đó là việc cần thiết để trao đổi giữa bên hành pháp và lập pháp, từ đó xác định một hành động đúng, để những vấn đề mà người dân băn khoăn được giải đáp một cách đầy đủ hơn. Quả thực, việc không ngại “đối mặt” với những chất vấn của đại biểu đã mang lại một không khí mới mẻ cho hoạt động của quốc hội, dân chủ và hiệu quả hơn.

Còn nhớ, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XI (tháng 11/2004), các vị đại biểu Quốc hội tham dự tại kỳ họp ở Hội trường Ba Đình đã rất xúc động khi Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nói về vấn đề hiệu quả đầu tư. Khẳng định thành công trong nỗ lực xoá đói, giảm nghèo, đầu tư nhiều chương trình, nhiều vốn cho vùng nghèo, nhưng vị “tư lệnh” của lĩnh vực đầu tư cũng nêu những điều mắt thấy tai nghe đã “ám ảnh” ông trong lần đi thăm bà con nghèo, cho thấy cần nâng cao hiệu quả đầu tư hơn nữa.

“Thủ tướng cử tôi đi Hà Giang kiểm tra, nắm bắt tình hình vùng nghèo, tôi đến một gia đình thuộc diện đã thoát nghèo, nhà có hai vợ chồng, một đứa con, ngôi nhà chương trình 134 làm có một bể nước, một cái giường 1,2 m, có một con ngựa nhỏ như con dê, một con lợn chỉ bằng con mèo; tài sản giá trị nhất chỉ có cái ‘héc vái’ (tiếng Tày, dùng chỉ cái chảo trâu, có nghĩa là chảo to), vừa dùng nấu cơm, vừa đồ ngô, vừa nấu cám lợn”, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nói và bày tỏ mong muốn Quốc hội “ra tay chấn chỉnh đầu tư” và “Bộ Kế hoạch và Đầu tư nguyện là cơ quan của Chính phủ, cũng là cơ quan của Quốc hội làm tròn nhiệm vụ chấn chỉnh, đưa công tác đầu tư vào kỷ cương, hiệu quả hơn, góp phần xóa đói, giảm nghèo”.

“Cảm ơn sự hợp tác của Ngài Bộ trưởng”

Nếu lần làm “đặc phái viên” của Thủ tướng đi nắm tình hình vùng đồng bào nghèo ở Hà Giang làm ông xúc động bởi thực tế đời sống còn nhiều khó khăn của đồng bào, thì chuyến công tác Nhật Bản với tư cách đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ đầu năm 2009 để lại cho ông nhiều cảm xúc đặc biệt, bởi kết quả chuyến đi liên quan trực tiếp đến sự phát triển của quốc gia.

Khi ấy, Nhật Bản đang tạm ngừng cung cấp các khoản vay ODA cho Việt Nam vì một số lý do. Liệu Chính phủ Nhật có nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam hay không là một trong những thông tin được nhiều người chờ đợi từ chuyến công tác của ông.

Sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Hirofumi Nakasone tại Thủ đô Tokyo, ông thông báo về Việt Nam, Nhật Bản đã chính thức nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam từ 17 giờ 30 ngày 23/2 (giờ địa phương), đồng thời cam kết sẽ cung cấp các khoản viện trợ mới, với tổng trị giá lên tới 83,2 tỷ yên (tương đương 900 triệu USD), để giúp Việt Nam phát triển hạ tầng.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nhớ lại:

“Qua thảo luận, tôi và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Hirofumi Nakasone cùng khẳng định Việt Nam đã và đang sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam nói chung và của Nhật Bản dành cho Việt Nam nói riêng. Tôi cũng nêu rõ, Chính phủ Việt Nam kiên quyết chống và có các biện pháp thiết thực phòng ngừa tham nhũng trong lĩnh vực ODA. Kết quả chuyến đi cho thấy niềm tin phía Nhật Bản, cũng như các đối tác nước ngoài dành cho Việt Nam. Đó là một chuyến công tác để lại cho tôi nhiều ấn tượng đặc biệt”.

Thực tế là, nhiều người đã hình dung và tin tưởng vào kết quả tốt đẹp đó khi Bộ trưởng Võ Hồng Phúc thăm và làm việc tại Nhật Bản với tư cách Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ, bởi nhiều người biết ông rất am hiểu đối tác Nhật Bản, phía Nhật Bản rất tin tưởng Việt Nam, cũng như dành những cảm tình cho cá nhân ông.

Như cuối năm 2010 vừa qua, tại cuộc họp báo sau phiên họp cấp cao Ủy ban Đánh giá và Xúc tiến Sáng kiến chung Việt - Nhật, tân Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yasuaki Tanizaki đã ghi nhận rằng, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc là người đóng vai trò nổi bật trong nỗ lực hoàn thiện môi trường đầu tư của Chính phủ Việt Nam, thông qua Sáng kiến chung Việt - Nhật được hai Thủ tướng của hai nước đưa ra và chỉ đạo triển khai cách đây hơn 6 năm.

Vị đại sứ cũng chân thành bày tỏ: “Cảm ơn Ngài Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, người có sự hợp tác và đóng góp vô cùng lớn lao đối với Sáng kiến chung Việt - Nhật”.

Không nhắc lại lời bày tỏ của vị đại sứ, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc chậm rãi tâm tình: “Qua công việc, các đối tác nước ngoài ghi nhận và đánh giá Bộ Kế hoạch và Đầu tư xứng tầm là cơ quan tham mưu của Chính phủ Việt Nam, giúp họ nắm bắt, khai thác được nhiều nội dung hợp tác với Việt Nam. Họ cũng tâm sự rất thật với chúng ta về những điểm chưa được, những khó khăn, vướng mắc trong chính sách để chúng ta điều chỉnh, hoàn thiện hơn thể chế kinh tế. Còn với tôi, có lẽ, ấn tượng đối với họ là một Bộ trưởng Việt Nam luôn rất cởi mở và chân thành”.

Sự am hiểu về đối tác là điều vô cùng quan trọng, đặc biệt là với đối tác châu Á. Khi họ thấy chúng ta hiểu biết về họ, chia sẻ được với họ, thì họ rất tin tưởng mình, thậm chí cảm phục mình. Đó là nền tảng cơ bản để hợp tác thành công.

Suy nghĩ vào mỗi ban mai

Nhiều người thấy lạ, bởi gắn với núi công việc ngồn ngộn và đầy áp lực ấy, nhưng Bộ trưởng Võ Hồng Phúc vẫn nắm bắt vấn đề cặn kẽ, giữ được phong thái tự tin và lạc quan. Những người làm việc, tiếp xúc với ông nhiều thì hiểu được phần nào bí quyết để ông có được năng lượng sống tươi trẻ như vậy.

Đến giờ, ông vẫn giữ thói quen dậy rất sớm, từ khoảng hơn 5 giờ sáng, dù điều kiện thời tiết ra sao, công việc hôm trước kết thúc vào giờ nào. Từ đó cho đến trước 7 giờ sáng - khi có mặt ở phòng làm việc, là khoảng thời gian ông vận động nhẹ và suy nghĩ về công việc trong ngày. Thú vị là, ngay cả những chuyến công tác trong và ngoài nước, ông cũng ít khi thay đổi thói quen đó.

Ông bảo, đó là khoảng thời gian ông làm việc rất hiệu quả, bởi cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh, thoải mái và đầu óc minh mẫn. Thời điểm càng khó khăn, cần đưa ra những quyết định mang tính chất bước ngoặt, tháo gỡ nút thắt, thì càng phải có lịch làm việc khoa học, giữ gìn một cơ thể khỏe mạnh, một trí óc tráng kiện.

Nhân chuyện tháo gỡ “nút thắt”, tôi nhắc lại dịp năm 2009, khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất với Chính phủ và Quốc hội thực hiện gói kích cầu hỗ trợ lãi suất giá trị 1 tỷ USD, chắc hẳn ông đã phải suy nghĩ, trăn trở rất nhiều, bởi đó là gói hỗ trợ với nội dung rất đặc thù, chỉ có ở Việt Nam. Thậm chí, một số đại biểu Quốc hội có ý nêu rằng, như vậy Chính phủ có vượt quyền Quốc hội khi “độc quyền” sáng tạo gói kích cầu này không, vì sao không trình ra Quốc hội để bàn bạc?

Được Thủ tướng giao nhiệm vụ trả lời, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc đã chuẩn bị rất chi tiết và thuyết phục được các đại biểu.

Ông đã trình bày trước các đại biểu rằng, tình huống đang khẩn cấp thì giải pháp cũng phải nhanh chóng. Nhanh nhưng vẫn rất có cơ sở, bởi chủ trương của Chính phủ đều qua các bước huy động trí tuệ tập thể như tiếp thu ý kiến Thường vụ Quốc hội, trình Bộ Chính trị…

Hơn nữa, Quốc hội họp 2 kỳ mỗi năm, chứ không họp thường xuyên. Một chủ trương đòi hỏi phải nhanh nhạy, kịp thời như chủ trương về giải pháp kích cầu, ở thời điểm nước sôi lửa bỏng ấy mà chờ đến kỳ họp Quốc hội mới trình, mới bàn thì doanh nghiệp và nền kinh tế sẽ chịu thiệt. Thực tế cho thấy, gói kích cầu đã phát huy hiệu quả, như bốc thuốc đúng bệnh, được dư luận thế giới ghi nhận và đánh giá cao.

“Tôi nghĩ, khi ra các quyết định hệ trọng, ảnh hưởng tới sự phát triển của cả nền kinh tế, ai ở cương vị người đứng đầu các bộ, ngành cũng căng thẳng vì phải xem xét cho hết ngõ ngách tác động của các yếu tố. Nhưng bài học quan trọng của những tình huống như vậy là phải biết lắng nghe và tập hợp ý kiến. Vấn đề càng có nhiều ý kiến thì càng phải lắng nghe mới nắm bắt được hết các góc cạnh, từ đó đưa ra quyết định chính xác nhất. Khi đã nắm bắt đúng vấn đề, lựa chọn được phương án tối ưu từ trí tuệ tập thể rồi thì phải quyết đoán, chính sách mới kịp thời”.

Thấy chuyện công việc đã quá “lấn sân”, tôi tìm cách tách ông ra khỏi núi công việc ngồn ngộn bằng vài câu chuyện đời thường, về mấy món ăn, cảnh đẹp và truyền thống khoa bảng ở vùng quê Tùng Ảnh, Đức Thọ (Hà Tĩnh) của ông. Nhân mấy phút ít ỏi câu chuyện đi ra khỏi… công việc, tôi hỏi vui, nếu có một ngày đủ 24 giờ đồng hồ được tạm tách ra khỏi việc điều hành, Bộ trưởng sẽ ưu tiên cho những việc gì? Bộ trưởng Võ Hồng Phúc tỏ ra thích thú, nhưng ông cũng bảo, tôi hơi hào phóng khi tặng ông cả một ngày tuyệt vời như vậy vào thời điểm này.

“Được như vậy, tôi sẽ làm ít việc thôi, đó là dành thời gian cho gia đình và niềm đam mê riêng của tôi. Trước kia tôi chơi tennis, giờ thì chơi golf, nhất là các giải đấu từ thiện và ngoại giao. Đam mê cần có không gian và đất sống riêng, nó giúp mỗi người tự cân bằng cuộc sống, làm mới mình khi trở lại với công việc”, ông vui vẻ chia sẻ.

Huy Hào - Bá Thư

ĐẦU TƯ

Các tin tức khác

>   Chấn chỉnh việc cấp GCN đầu tư dự án thép ở địa phương (01/02/2011)

>   Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở TPHCM - Tiến triển lạc quan (01/02/2011)

>   Năm mới, vận hội mới (31/01/2011)

>   Góc nhìn 2011: Trật tự cũ, trật tự mới (31/01/2011)

>   Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Chính sách tài khóa sẽ chủ động, chặt chẽ hơn (31/01/2011)

>   Thử 'Gia Cát Dự' giá cả năm 2011 (31/01/2011)

>   TS. Võ Trí Thành: Ổn định kinh tế là số 1 (31/01/2011)

>   Trước 15/2, phân bổ vốn trái phiếu CP cho từng công trình, dự án (30/01/2011)

>   Nền tảng của sự phát triển (30/01/2011)

>   Việt Nam hội nhập toàn diện nhưng cần biết cách “chơi” (30/01/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật