Chủ Nhật, 30/01/2011 09:13

Việt Nam hội nhập toàn diện nhưng cần biết cách “chơi”

Ông Vũ Khoan: "Hội nhập chỉ là một phương tiện để mình phát triển, chứ không phải tất cả, cũng đừng kỳ vọng nó sẽ làm thay đổi tất cả."

Bảo rằng, quan nhất thời, dân vạn đại, ông không muốn người ta gọi là “nguyên Phó thủ tướng” nữa. Vậy nên, trong một buổi chiều đông giá rét Hà Nội, chúng tôi đã trao đổi với ông - VŨ KHOAN - như một người may mắn được chứng kiến trọn vẹn sự đổi thay của đất nước sau 1/4 thế kỷ thực hiện công cuộc Đổi mới.

Ba nấc thang hội nhập

- Thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 đã qua đi rất nhanh. Để đánh giá về những thành tựu cơ bản nhất của Việt Nam trong 10 năm qua, có thể nói như thế nào, thưa ông?

Nguyên PTT Vũ Khoan: Đặc điểm của thập kỷ vừa qua là đầu thập kỷ nước ta tiếp tục chịu ảnh hưởng của khủng hoảng khu vực năm 1997, kết thúc thập kỷ lại chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu, bắt đầu tại Mỹ vào năm 2008. Hai đặc điểm đó cho thấy, thập kỷ qua, kinh tế thế giới đầy biến động, mà Việt Nam là một phần trong đó. Nhưng ngay trong sự biến động đó, Việt Nam đã phải bươn trải vất vả để vượt qua và trụ vững.

Cũng trong những thách thức đó, chúng ta đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình. Đó là một trong những thành tựu nổi bật, rất đáng tự hào của Việt Nam trong thập kỷ qua.

- Còn câu chuyện hội nhập, thưa ông? Nhiều người cũng đã nhắc đến việc thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã mở cửa một cách đồng bộ, toàn diện về kinh tế...?

Có 3 nấc thang trong hội nhập cùa Việt Nam cần được nhắc tới. Nấc thang đầu tiên thuộc về thập kỷ trước. Đó là năm 1995, khi chúng ta gia nhập ASEAN và cùng với đó là tham gia vào Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), chính thức hội nhập với khu vực.

Nấc thang thứ hai là vào năm 2000, chúng ta ký Hiệp định Thương mại song phương với Hoa Kỳ (BTA) theo chuẩn mực của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với nền kinh tế lớn nhất toàn cầu.

Còn nấc thang thứ ba, đó là năm 2006, Việt Nam kết thúc đàm phán và năm 2007, chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO và cũng là chính thức hội nhập với toàn cầu. Đó là 3 nấc thang quan trọng mà Việt Nam đã đi qua trong thập kỷ vừa rồi: từ hội nhập khu vực, đến hợp tác song phương với nước lớn và cuối cùng là với toàn cầu.

- 15 năm với ba nấc thang quan trọng, nhưng dường như, chúng ta vẫn chưa thực sự hội nhập một cách sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, thưa ông?

Không phải là như vậy. Nếu nói về mức độ hội nhập, thì Việt Nam đã hội nhập hoàn toàn về kinh tế. Còn nếu nói về những thành công nhờ hội nhập, cứ nhìn vào kim ngạch xuất khẩu từ hơn 14,3 tỷ USD năm 2000, nay tăng lên 71,6 tỷ USD vào năm 2010 là thấy rõ. Xuất khẩu hàng dệt may, nông sản... tăng đột biến, ví dụ xuất khẩu gạo tăng từ hơn 3 triệu tấn/năm, nay đã lên tới 6,8 triệu tấn...

Hay như đầu tư trực tiếp nước ngoài, cũng tăng rất đáng kể trong 10 năm qua, trong đó chỉ riêng năm 2008, vốn cam kết đã lên tới trên 72 tỷ USD. ODA cũng tương tự, năm sau cao hơn năm trước và cho tới nay, đã có trên 70 tỷ USD vốn ODA cam kết dành cho Việt Nam.

Như vậy, kinh tế đối ngoại, trên cả 3 mặt đều có sự tăng tiến đột biến. Đây là điểm sáng của kinh tế đối ngoại thập kỷ vừa rồi.

Tôi cho là, hội nhập chỉ là một phương tiện để mình phát triển, chứ không phải tất cả, cũng đừng kỳ vọng nó sẽ làm thay đổi tất cả. Nếu không hội nhập, thì làm sao người ta đầu tư vào mình nhiều như thế, thị trường sao lại rộng được như thế, làm sao người ta viện trợ cho mình nhiều đến vậy... Hội nhập đã "làm đủ" trách nhiệm, phần còn lại là do mình.

Không thể tự nhảy qua đầu mình

- Nghĩa là theo ý ông, chúng ta chưa biết cách để sử dụng hết "quyền năng" của công cụ hội nhập...?

Đúng là vậy. Tôi lấy ví dụ, năm 2000, sau khi ký BTA, xuất khẩu hàng dệt may sang Hoa Kỳ chỉ phải chịu thuế suất 4% so với mức 40-50% trước đây. Sau đó, khi Hoa Kỳ dành cho mình quy chế thương mại bình thường thường xuyên, thì không còn hạn ngạch nữa. Đó chính là cơ hội. Nhưng mình có tận dụng được cơ hội đó không? Đúng là kim ngạch xuất khẩu dệt may sang Hoa Kỳ ngày càng tăng, nhưng cho đến giờ, vẫn chỉ là gia công thôi, chưa tự thiết kế, sản xuất được, nên giá trị gia tăng thấp. Đó là lỗi của mình, chứ không phải là của hội nhập.

Lỗi của mình, hay nói đúng hơn là điểm yếu nhất của Việt Nam chính là cơ cấu kinh tế lạc hậu, mô hình tăng trưởng thiên về chiều rộng hơn là chiều sâu. Nông nghiệp của mình chỉ tăng trưởng về lượng thôi, còn giá trị rất thấp. Cũng là gạo đấy, nhưng gạo Thái Lan giá trị hơn nhiều. Cà phê cũng xuất khẩu ngang ngửa với Colombia và các nước Mỹ La tinh, nhưng không chế biến được, chỉ là bán cà phê thô.

Trong khi đó, công nghiệp cũng chỉ dựa vào khai khoáng là chính, lại chỉ chăm chăm tận dụng nhân công giá rẻ, chứ hàm lượng chế biến thấp, chế tạo càng thấp. Ngành công nghiệp điện tử chẳng hạn, cứ bảo nó phát triển, nhưng đâu đã có đồ điện tử Việt Nam thuần khiết đâu.

Hội nhập là doanh nghiệp phải tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, vào phân công lao động quốc tế. Boeing chẳng hạn, họ sản xuất nguyên phụ liệu cho máy bay ở trên 40 quốc gia, nếu mình tham gia được vào chuỗi sản xuất của họ, thì cơ hội là rất lớn, nhưng tới nay vẫn chưa làm được.

Ngay như Vinashin, đang được tái cơ cấu với một trong những nhiệm vụ là phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành đóng tàu, nhưng nếu nó chỉ phát triển công nghiệp hỗ trợ cho bản thân nó với khối lượng không lớn thì giá thành sẽ rất cao, hiệu quả thấp. Phải làm sao len chân vào được phân công lao động thế giới, làm linh kiện đóng tàu cho toàn thế giới, thì mới giảm giá thành, mở rộng được thị phần. Vấn đề là ở đấy, phải làm sao giành được miếng bánh có dung lượng lớn đó thì mới có lợi và lớn lên được.

- Thưa ông, điều này có liên quan đến năng lực của doanh nghiệp Việt Nam hay không? Có phải vì cả nước thì đã ra biển lớn, trong khi họ vẫn chỉ muốn thu mình trong cái "ao làng"? Lẽ ra, trong một thế giới toàn cầu hóa, thì doanh nghiệp cũng phải có tư duy toàn cầu hóa...

Hiểu thế giới đâu phải là chuyện dễ, không thể trong ngày một, ngày hai được. Không chỉ doanh nghiệp, mà ngay cả các nhà quản lý cũng đâu đã hiểu hết thế giới. Hạn chế của mình là vừa mới thoát khỏi tư duy tự cung tự cấp, tiếp cận với tư duy sản xuất hàng hóa chỉ mấy chục năm nay, trong khi người ta đã tiếp cận hàng vài thế kỷ.

Hơn thế nữa, bây giờ lại tiếp cận sản xuất toàn cầu, thì càng khó khăn. Nhà nước phải làm sao khuyến khích các doanh nghiệp nhảy vào các "trường đua" lớn hơn, buộc các doanh nghiệp phải tự tìm hiểu, phải ứng phó thì mới mở mày, mở mặt và lớn mạnh lên được. Chúng ta đã hội nhập rồi, mở cửa với thế giới rồi, nếu không tiếp cận thế giới, thì anh mãi chỉ ở trong cái ao làng của mình với hiểu biết rất hẹp, vẫn sản xuất theo kiểu tự cung, tự cấp và không thể vươn lên được.

- Vậy theo ông, thực sự cần bao nhiêu thời gian nữa để doanh nghiệp đủ lớn và có thể bơi ra biển lớn? Mọi thứ dường như đang đi rất chậm...?

Thế hệ trẻ các bạn bây giờ sốt ruột là đúng thôi. Chỉ có thế hệ như chúng tôi, đã trải qua thời kỳ trước Đổi mới thì mới biết bây giờ đã thay đổi nhiều như thế nào so với trước đây. Trước đây, nếu chỉ nói về kinh tế, thì chúng ta chủ yếu chỉ đi xin viện trợ, chứ có hợp tác gì đâu. Còn bây giờ, ta đang "chơi" ngang ngửa trên toàn cầu bằng các luật chơi của AFTA, WTO, rồi TTP... Đúng là, nếu so với người, thì rất khó, nhưng so với mình trước đây đã là "một trời, một vực".

Tất nhiên, nếu chỉ so sánh theo chiều dọc, ta với ta, mà không so sánh theo chiều ngang, ta với người, rồi tự hài lòng với cái mình có, thì rất nguy hiểm. Song nếu chỉ so sánh với người ta, rồi ngồi than vãn, bi quan, thì lại không đúng. Bất cứ ai, bất cứ quốc gia nào cũng cần có thời gian để phát triển, chứ không thể tự nhảy qua đầu mình ngay được.

Thế hệ chúng tôi biết rất rõ, mình đã rút ngắn, đi tắt được rất nhiều rồi. Người ta phải mất hàng trăm năm, còn Việt Nam chỉ mất hơn 20 năm bươn trải, mà giờ đã xây dựng được vị thế lớn trên trường quốc tế. Vì thế, đừng tự mãn quá mức, nhưng cũng đừng bi quan một cách cực đoan. Mình cần phải có thời gian nhiều hơn nữa. Cuộc sống sẽ dạy chúng ta cách thích nghi. Mình có nhảy xuống ao, thì mới biết bơi, tất nhiên, ra biển lớn, thì còn gặp nhiều khó khăn. Điều quan trọng là, ít nhất mình cũng đã biết bơi rồi. Nếu mình không biết bơi, thì làm sao mình đạt được tăng trưởng như vậy trong thập kỷ vừa qua?

- Có thể là thế hệ trẻ chúng tôi hơi nóng vội, nhưng nếu cứ đi chậm thế này...

Phải nghĩ xã hội mình là xã hội nông nghiệp, chứ không phải là xã hội công nghiệp. Và tương ứng với xã hội đó là những người nông dân mới bước lên từ ruộng đồng, nên cần phải có thời gian để thay đỏi và thích nghi.

Biết lựa chọn cách "chơi"

- Vâng, vậy thì, chúng ta sẽ chờ đợi. Nhưng một thập kỷ mới đã bắt đầu, nhiều mục tiêu đã được đặt ra, đó là cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, là hội nhập một cách toàn diện... Thành tựu của 25 năm Đổi mới là nền tảng cơ bản để Việt Nam tiếp tục tiến bước. Nhưng thách thức, khó khăn phía trước cũng còn rất lớn. Vậy theo ông, chúng ta nên bắt đầu từ đâu?

Phải bắt đầu từ tư duy đổi mới, chuyển từ lượng sang chất trên các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, y tế... Mô hình tăng trưởng cũng cần được đổi mới, từ chiều rộng sang chiều sâu và phải giải quyết rất nhiều mâu thuẫn trong cách mục tiêu của mình.

Ai cũng biết, nền kinh tế của mình còn kém hiệu quả và lạc hậu so với các nước xung quanh, do vậy, tồn tại hai yêu cầu là phải tiến nhanh để thu hẹp khoảng cách giữa mình với họ, đồng thời phải làm sao cho nền kinh tế có hiệu quả. Nhanh và tốt luôn luôn mâu thuẫn với nhau, nhanh quá thì khó tốt, để làm tốt thì không thể vội.

Mục tiêu phát triển nhanh và bền vững cũng vậy. Nhanh và bền vững là hai mục tiêu rất mâu thuẫn. Do đó, phải có sự lựa chọn giữa nhanh và bền vững, thậm chí có khi phải trả giá, chấp nhận hy sinh mục tiêu tăng trưởng vì mục tiêu bền vững, ổn định và lâu dài.

Sự lựa chọn là không dễ dàng. Và điều này, phụ thuộc rất lớn vào những người đứng đầu.

- Vậy còn vấn đề hội nhập, thưa ông? Trong một thế giới đầy biến chuyển, liệu chúng ta có cần thay đổi chiến lược hội nhập?

Cũng cần từ lượng chuyển sang chất. Chúng ta bán được nhiều gạo, nhưng phải là gạo có chất lượng hơn. Cũng là đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, nhưng phải tập trung thu hút vào những khâu cốt tử của mình. Cũng là du lịch nhưng để làm sao, người ta đến Việt Nam để tiêu nhiều tiền, chứ không phải du lịch ba lô nữa...

Chúng ta hội nhập toàn diện, nhưng cũng phải biết chọn cách "chơi", lựa chọn đối tác cho mình. Việt Nam đang hướng tới công nghiệp hóa - hiện đại hóa, thì hãy tìm cách "chơi" với các đối tác có khả năng giúp ích cho công cuộc này của Việt Nam. Mở rộng quan hệ quốc tế tất nhiên là tốt, nhưng cần quan tâm là sẽ mang lại hiệu quả gì? Ngay cả yếu tố hiệu quả ở đây cũng phải mang tính chất lượng, chứ không phải là hiệu quả theo số lượng.

Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định. Nhưng hội nhập không chỉ là tổ chức tiệc linh đình, tay bắt mặt mừng..., quan trọng là mình đóng góp được gì cho tổ chức đó, vai trò của mình đến đâu, thu được mối lợi gì thiết thực và liệu Việt Nam có sáng kiến gì để thay đổi thế giới, thay đổi khu vực... hay không. Đấy, hội nhập trong thập kỷ tới đây là phải như thế, chứ không chỉ là xem đã mở rộng hợp tác hay ký kết hiệp định với bao nhiêu quốc gia, tổ chức được bao nhiêu sự kiện hoành tráng...

- Hội nhập luôn gắn liền với tư duy toàn cầu hóa. Tạm chấp nhận một xã hội nông nghiệp như ông nói, thì có lẽ, cũng đã đến lúc tất cả người dân Việt Nam, bao gồm cả những người nông dân, cũng phải quen với tư duy toàn cầu hóa, đúng không, thưa ông?

Toàn cầu hóa là một khái niệm rất rộng, khó mà biết hết được. Vì thế, từng người dân cho đến các nhà quản lý, lãnh đạo, ít nhất phải có được sự hiểu biết trong lĩnh vực của mình.

Đầu tiên, phải biết là người ta cần gì. Nông dân cũng phải hiểu ở mỗi nơi người ta thích ăn gạo gì. Ví dụ, người Nhật thích ăn gạo tẻ dính.

Thứ hai là phải biết làm thế nào để đáp ứng nhu cầu đó của người ta, làm sao trồng được gạo dính cho người Nhật với các yêu cầu rất cao, từ khâu chăm sóc, thu hoạch cho tới chế biến xuất khẩu.

Phải biết được những điều đó thì mới có được tư duy toàn cầu. Và tư duy toàn cầu phải đi vào từng con người cụ thể, từng lĩnh vực cụ thể. Người công nhân phải hiểu biết kỹ thuật hiện đại, nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng toàn cầu. Mỗi người cần phải nắm bắt và học hỏi những cái có liên quan đến lĩnh vực của mình và phải phấn đấu vươn lên, không được phép hài lòng với cái đã có. Trong sản xuất hàng hóa, cầu là yếu tố quyết định, mà cầu ở đây là cầu của toàn cầu, của cả thế giới và chúng ta phải biết điều đó.

- Thế còn tư duy toàn cầu hóa của các nhà lãnh đạo?

Tư duy của nhà lãnh đạo phải khách và ở tầm vĩ mô. Phải biết xu hướng phát triển kinh tế của thế giới thế nào, cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch theo hướng nào và mình tham gia vào quá trình đó ra sao?

Ví dụ, thế giới sau khủng hoảng đang chuyển sang công nghiệp sạch và tiết kiệm năng lượng, thì mình cũng cần phải có chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực này, tăng đầu tư vào điện gió, điện mặt trời... Diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ thế giới thay đổi theo hướng nào? Tại sao lại xảy ra chiến tranh tiền tệ? Nó sẽ phát triển ra sao? Vì sao có khủng hoảng nợ ở châu Âu?... Nhà lãnh đạo phải biết rất rõ những cái đó và phải biết điều chỉnh chính sách để thích nghi.

Trong tư duy toàn cầu hóa, thì người nông dân và nhà lãnh đạo chỉ khác nhau về các vấn đề cụ thể và tầm cỡ mà thôi. Có được tầm nhìn này, lo gì Việt Nam không tiếp tục tiến bước?

Hà Nguyễn

ĐẦU TƯ

Các tin tức khác

>   Kinh nghiệm phát triển của VN là tâm điểm tại WEF (29/01/2011)

>   Trung Quốc không bỏ tiền xây đường sắt ở VN (29/01/2011)

>   Thưởng, quà Tết: Đừng "tham bát bỏ mâm" (29/01/2011)

>   Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ đến năm 2020 (28/01/2011)

>   Thủ tướng yêu cầu phải ưu tiên kiềm chế lạm phát (28/01/2011)

>   Bao giờ Việt Nam mới hóa rồng? (28/01/2011)

>   505 tỷ đồng đầu tư vào khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải (28/01/2011)

>   Gia hạn Dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây (28/01/2011)

>   CPI: Không lẽ cứ Tết là tăng? (28/01/2011)

>   Anh sẽ nâng mức đầu tư lên 3 tỉ USD vào năm 2013 (27/01/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật