Thưởng, quà Tết: Đừng "tham bát bỏ mâm"
Đã không ít DN nếm trái đắng khi đã cố tình "quên" hoặc đánh giá không đúng tầm quan trọng của việc thưởng Tết, đó là lý do chính đẩy các doanh nghiệp vào tình trạng ra Giêng "khát" lao động. Các DN lại mất tiền môi giới và chi phí đào tạo lại nguồn nhân lực.
Trong thời kỳ cạnh tranh nhân lực, thưởng Tết không chỉ là chi phí mà còn là một khoản đầu tư lớn. Hơn thế, qua đó thể hiện cả những cam kết và sự gắn bó giữa doanh nghiệp và người lao động. Thưởng, quà Tết cho công nhân là một thông lệ đã gần như thành truyền thống của DN Việt Nam. Về phía người lao động, đây là một khoản thu nhập luôn được mong chờ để thêm tiền sắm Tết. Đối với doanh nghiệp, đây là khoản chi phí khá nặng vào cuối năm.
Tăng thưởng, thêm quà
Ngành dệt may sử dụng một lượng lao động lớn và đa số là lao động nữ, xa nhà và có hoàn cảnh khó khăn. Vì thế, thưởng Tết càng được công nhân mong chờ. Năm 2010 được xem là năm bội thu về xuất khẩu của ngành dệt may nên công nhân càng mong thưởng Tết lớn.
Như hiểu được suy nghĩ đó, giám đốc một công ty may tâm sự, năm 2010, không phải doanh nghiệp nào xuất khẩu nhiều là nhiều tiền, có không ít DN bị ảnh hưởng bởi giá nguyên liệu và tỷ giá... nhưng dù sao các DN đều có xu hướng tăng thưởng cho nhân viên.
Ông Đỗ Văn Minh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Dệt 19/5 (Hà Nội), nói rằng, "dù vẫn còn khó khăn, nhưng DN vẫn sẽ thưởng cao hơn năm ngoái, khoảng 5-6 triệu/người. Ông Minh chia sẻ, "công nhân làm việc vất vả cả năm, chỉ trông chờ vào khoản tiền thưởng cuối năm, nên DN cũng phải nỗ lực".
Trong khi đó, ông Phạm Xuân Hồng, Tổng giám đốc Công ty May Sài Gòn 3, năm nay, kim ngạch xuất khẩu của công ty tăng hơn 15% so với năm trước, công ty có thể tăng thêm mức thưởng cho công nhân từ 1 đến 1,5 triệu đồng/người so với năm ngoái, khoảng 6-8 triệu đồng/người. Tuy nhiên, ông cũng tâm tư, mức thưởng có tăng nhưng chịu ảnh hưởng của giá nguyên liệu cao, chênh lệch tỷ giá...). Song ông Minh cũng thừa nhận, dù thưởng có tăng lên thì người lao động vẫn rất khó khăn vì giá cả tăng mạnh.
Còn ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và xây dựng Đông Dương (Chân Cầm, Hoàn Kiếm, Hà Nội) năm nay, kim ngạch xuất khẩu tăng so với năm trước. Vì thế, công ty dành gần như toàn bộ phần tăng thêm để tăng thêm thu nhập cho anh em, trong đó sẽ thưởng lớn vào lương tháng 13 và Tết. Thưởng lớn, nhân viên vui vẻ và cũng tin tưởng hơn vào sự phát triển của DN, từ đó, họ sẽ gắn bó hơn.
Không chỉ cố tăng thưởng, nhiều DN còn có thêm những hình thức khác vừa để thêm thu nhập cho công nhân vừa thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo với người lao động. Cách thiết thực mà nhiều DN áp dụng là tăng quà cho gia đình, hỗ trợ xe đi về...
Từ mấy năm nay, Công ty TNHH Một thành viên Dệt 19/5 luôn bố trí những chuyến xe miễn phí để đưa công nhân ở xa về ăn Tết. Tết là dịp nghỉ ngơi nhưng đối với người ở xa thì lại đối mặt với nỗi lo tàu xe đi lại. Được công ty cho xe miễn phí về quê, công nhân không chỉ tiết kiệm được một khoản tiền mà còn bớt đi một nỗi khổ ải và yên tâm hơn dù có tăng ca trong những ngày sát Tết.
Được biết, ngoài việc hỗ trợ xe, công đoàn công ty sẽ hỗ trợ cho mỗi công nhân một số tiền nhất định. Đối với những công nhân có hoàn cảnh khó khăn sẽ được công ty trợ cấp, trị giá mỗi suất quà là 200.000 đồng.
Công ty Công ty TNHH Nam Hồng, Lĩnh Nam, Hà Nội nhiều năm nay vẫn duy trì việc tặng quà Tết cho gia đình các công nhân. Món quà đó đối với nhiều người có thể bình thường nhưng đối với chị Nguyễn Thị Liên, công nhân có quê ở vùng lũ Hà Tĩnh thì rất có ý nghĩa. Năm nay, chị không về ăn Tết mà ở lại trực kiếm thêm, món quà sẽ được gửi về quê để động viên bố mẹ để yên tâm về nơi làm việc của con cũng tử tế.
Ban Quản lý Các KCN và chế xuất Hà Nội cùng các DN gom khoảng 2,5 tỷ đồng để thuê xe đưa công nhân về Tết. Qua đăng ký đã có khoảng 5.000 công nhân ở các tỉnh xa sẽ đi xe của DN chuẩn bị để về Tết. Trong các ngày cận Tết, từ 26-28 tháng Chạp, sẽ có khoảng gần 1.000 chuyến xe miễn phí đưa công nhân về ăn Tết.
Ngoài ra, các DN và Ban quản lý sẽ tặng các công nhân một phần quà tượng trưng để chúc tết.
Ông Nguyễn Xuân Chính - Trưởng Ban Quản lý Các KCN và chế xuất Hà Nội cho biết, lo cho công nhân về ăn Tết an toàn, sum họp bên gia đình thì các DN cũng yên tâm hơn.
Trong khi đó, Liên đoàn Lao động thành phố đã chuẩn bị 1.500 phần quà với giá trị mỗi phần 300.000 đồng gồm bánh mứt, lịch, gạo... dự kiến sẽ được gửi đến tận tay người lao động từ ngày 23 tháng chạp trở đi. Trong dịp tết nguyên đán, Liên đoàn sẽ trực tiếp đi thăm và tặng 400 suất quà tết mỗi suất trị giá 500 ngàn đồng cho các tặng công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Ngoài ra, các liên đoàn lao động các cấp cũng sẽ trích từ quỹ xã hội của đơn vị mình và vận động các nhà hảo tâm ủng hộ vật chất để chăm lo cho người lao động. nhất là công nhân có hoàn cảnh khó khăn tại các khu, cụm công nghiệp tập trung ăn tết ấm cúng hơn.
Chi phí cho niềm tin
Theo quan điểm thông thường, thưởng Tết là một loại chi phí và vì thế nó được dựa trên kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm của doanh nghiệp và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Trường hợp doanh nghiệp làm ăn thua lỗ hoặc năng suất lao động của người lao động không cao, doanh nghiệp có quyền không thưởng.
Thậm chí, có DN vẫn cố tình "nợ", bớt thưởng và "trốn" thưởng của người lao động mà hoàn toàn không sợ bị xử lý vì "không vi phạm pháp luật".
Tuy nhiên, xét theo lẽ thông thường cũng như truyền thống thì thưởng Tết là điều hết sức cần thiết. Đó vừa tạo sự hưng phấn cho người lao động trong lao động sản xuất, vừa tạo ra mối quan hệ lao động hài hòa, bền vững trong doanh nghiệp.
Chính vì thế, các chuyên gia về lao động nhấn mạnh, ở thời điểm cuối năm, doanh nghiệp nên nhìn nhận lại những đóng góp của người lao động trong suốt cả năm thông qua hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. DN hoạt động có hiệu quả, việc san sẻ lợi nhuận với người lao động một cách công khai là điều cần thiết và nên làm. Doanh nghiệp không nên "tham bát bỏ mâm" trong việc quan tâm tới người lao động trong thời điểm Tết.
Làm được điều đó, DN sẽ là người hưởng lợi từ sự cố gắng trong năm sau của người lao động. Ngoài ra, DN cũng nên coi người lao động là nguồn vốn của chính mình thì mới có thể có cách hành xử đúng đắn, hợp lý trong chuyện trả lương và thưởng Tết.
Thực tế, trong những năm gần đây, các DN luôn phải đối mặt với tình trạng biến động và mất lao động. Từ các DN sản xuất thì mất lao động trực tiếp như dệt may, da giày... đến các ngành dịch vụ cao cấp thì mất các chuyên viên giỏi... mà nguyên nhân lớn nhất là chuyện lương thưởng và cách quan tâm của DN và lãnh đạo đối với đóng góp của người lao động.
Đã không ít DM nếm trái đắng khi đã cố tình "quên" hoặc đánh giá không đúng tầm quan trọng của việc thưởng Tết và đó là lý do chính đẩy các doanh nghiệp vào tình trạng "khát" lao động sau dịp Tết. Hậu quả là, tiết kiệm được tiền thưởng Tết nhưng ra Giêng, các DN lại phải bỏ ra khoản tiền môi giới và chi phí đào tạo lại nguồn nhân lực.
Lương và thưởng là một trong những công cụ quan trọng trong sử dụng nhân sự mà không doanh nghiệp nào có thể bỏ qua. Nhưng hơn thế, trả lương và có thưởng đúng mức còn thể hiện sự quan tâm, trân trọng của DN và lãnh đạo đối với người lao động. Đó như một sự cam kết của người quản lý với công nhân của mình về hiệu quả và chỉa sẻ lợi ích.
Tất nhiên, họ sẽ nhận được những cam kết tương ứng từ phía người lao động. Vì thế, không những là một khoản chi phí, một khoản đầu tư mà đó là niềm tin vào sự trân trọng và cam kết lẫn nhau trong DN.
Lê Khắc
DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM
|