Thứ Sáu, 28/01/2011 17:48

Bao giờ Việt Nam mới hóa rồng?

Vào những năm đầu của thập niên 1990, khi những nhà kinh tế của Đại học Harvard Mỹ cùng nhau phác thảo một con đường phát triển cho nền kinh tế Việt Nam mà họ đặt tên là "Theo Hướng Rồng Bay", thế giới đã tin tưởng rằng giấc mơ hóa rồng của Việt Nam sẽ sớm trở thành hiện thực.

Trong vòng hai thập niên, Việt Nam sẽ đứng vào hàng ngũ những nền kinh tế mới công nghiệp hóa (newly industrialized countries-NICs), những con hổ của Đông Á. Kỳ vọng đó không có gì quá xa vời, lúc đó Việt Nam vừa ra khỏi chiến tranh, đang hừng hực khí thế Đổi mới và Mở cửa, có một lực lượng lao động trẻ, giỏi và siêng năng, có nguồn tài nguyên dồi dào và các nhà lãnh đạo đầy quyết tâm đưa đất nước vượt ngọn thác vũ môn để tiến đến cường thịnh.

Hai mươi năm không phải là một thời gian dài, nhưng hai mươi năm là một thời gian đủ để một nền kinh tế cất cánh. Nhật Bản trong thập niên 1960, 1970, Hàn Quốc, Đài Loan trong thập niên 1970, 1980, Singapore, Hồng Kông trong thập niên 1980, 1990 và gần đây là Trung Quốc trong hai mươi năm kể từ thập niên 1990 là những ví dụ điển hình về khả năng hiện thực của tăng tốc và cất cánh.

Nhưng sau hai mươi năm, đối với người dân Việt niềm mơ ước hóa rồng vẫn còn là niềm mơ ước. Không thể không thừa nhận rằng Đổi mới và Mở cửa đã mang đến cho đất nước những bước tiến dài, những thành tựu kinh tế xã hội đáng kinh ngạc so với thời kỳ bao cấp trước đó. Mở cửa đã đưa nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, ngày nay tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nước ta đã vượt xa tổng giá trị sản lượng nội địa (GDP), trong đó riêng xuất khẩu năm 2010 đạt mức kỷ lục 70 tỉ USD, bằng 60% GDP, đầu tư nước ngoài mỗi năm lên đến hàng chục tỉ USD, và kết quả là thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 5 lần, từ 250 USD (1990) lên đến 1.200 USD (2010).

Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia thành công nhất trong việc thực hiện các chương trình xóa đói giảm nghèo. Chúng ta đã có được những thành tích ngoạn mục về kinh tế, nhưng điều kỳ diệu kinh tế chưa xảy ra. Tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm bình quân 6 - 7% vẫn chưa đủ nhanh để vượt dòng thác lũ đầy thách thức của vũ môn.

Sau hai mươi năm, con cá chép dù đã lớn lên nhiều với những chiếc vảy vàng óng ánh, nó vẫn chỉ là một con cá đang còn bơi qua lại dưới dòng thác vũ môn và có dấu hiệu thấm mệt. Nhưng đáng lo hơn là dường như mơ ước thành rồng đã không còn cuồng nhiệt nữa. Tăng tốc kinh tế để bắt kịp không còn là ưu tiên số một. Con cá chép đã mất đi ý chí bơi nhanh hơn, mạnh hơn để hóa rồng, nền kinh tế dường như không còn quyết tâm và động lực tăng tốc để cất cánh.

Nhiều nhà phân tích kinh tế còn e ngại rằng nền kinh tế của chúng ta có nguy cơ vướng vào bẫy thu nhập trung bình, khi năng suất lao động, hiệu quả đầu tư và năng lực cạnh tranh đều sụt giảm. Vướng vào bẫy thu nhập trung bình có nghĩa là cơ hội hóa rồng đang trở thành xa vời.

Nhưng xa vời không hẳn là tuyệt vọng. Mọi thứ đều có thể bắt đầu lại từ sự bắt đầu. Và sự khởi đầu quan trọng nhất chính là sự khởi động ý chí thành rồng. Con cá chép không bao giờ trở thành rồng nếu nó không muốn hóa rồng, nếu nó thích nhởn nhơ trong dòng suối êm ả hơn là gồng mình gian khổ trong một cuộc chạy đua khắc nghiệt đầy thách thức với dòng thác cuồn cuộn sóng của vũ môn. Con cá chép vượt vũ môn để hóa rồng, giống như nền kinh tế vượt qua bẫy thu nhập trung bình để tiến đến giàu có cường thịnh, không phải bằng cách rong chơi và mong chờ phép lạ xảy ra. Phép lạ không hề từ trên trời rơi xuống, nó chỉ có được từ những nỗ lực bền bỉ phi thường của một đất nước, một cộng đồng dân tộc nhằm thực hiện mong ước tột bực của mình.

Khi ý chí hóa rồng được khởi động, con cá chép sẽ có được sự toàn tâm toàn ý vượt thác, giống như nền kinh tế có được sự đồng thuận của toàn xã hội để tăng trưởng nhanh hơn. Nhưng làm sao để tăng trưởng nhanh hơn? Kinh nghiệm thực tế cho thấy không phải chúng ta cứ bỏ tiền ra đầu tư nhiều hơn là sẽ tăng trưởng nhanh hơn. Khi bắt đầu thời kỳ Đổi mới Mở cửa, cứ 2 đồng rưỡi tiền đầu tư bỏ ra, chúng ta tăng GDP được 1 đồng.

Ngày nay, điều đáng đau xót là chúng ta phải bỏ ra 8 đồng mới có được 1 đồng tăng thêm cho GDP. Một số nhà phân tích kinh tế có lý của họ khi cho rằng cần phải quan tâm đến chất lượng tăng trưởng kinh tế. Đầu tư nhiều hơn và không đúng chỗ không thể tạo nên tăng trưởng nhanh hơn, nhưng chắc chắn sẽ tạo ra lạm phát nhanh hơn và nhất là tạo ra gánh nặng nợ nần lớn hơn, những gánh nợ sẽ làm oằn vai thế hệ con cháu chúng ta trong tương lai.

Như vậy, vấn đề không phải là đầu tư nhiều hơn mà chính là đầu tư hiệu quả hơn. Hiệu quả là điều mà ai cũng muốn, nhưng không phải là điều mà ai cũng làm được. Nói đến hiệu quả là nói đến mối tương quan phí tổn - lợi ích, và để có được lợi ích cao nhất với mức chi phí thấp nhất phải biết cách tiết kiệm chi phí, có nghĩa là tiết kiệm các nguồn lực. Tiết kiệm các nguồn lực và sử dụng hiệu quả chúng là cả một chiến lược phát triển đồng bộ, toàn diện và lâu dài của một nền kinh tế muốn cất cánh.

Chẳng hạn, ưu thế lớn nhất của chúng ta là nhân lực, nhưng trong hai mươi năm qua, chúng ta chưa xây dựng được một nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Đó là một sự lãng phí cả con người lẫn thời gian. Đội ngũ có kiến thức, có tay nghề chuyên môn ngày càng hiếm, trong khi lao động không chuyên môn hoặc có bằng cấp nhưng không có kiến thức lại quá đông và không tìm được công ăn việc làm.

Trong vài năm tới, chúng ta buộc phải nhập khẩu lao động chuyên môn dù điều đó có làm cho chi phí tăng trưởng đắt hơn. Tài nguyên thiên nhiên và nguồn năng lượng được khai thác và xuất khẩu trong nhiều năm dưới dạng thô với giá rẻ vì các ngành công nghiệp chế biến chưa phát triển kịp trong khi nhập khẩu năng lượng và nguyên vật liệu, thiết bị máy móc đang ngày càng đắt đỏ. Đất đai trở nên hiếm hoi khiến cho chi phí thuê đất trở nên quá cao, một trở ngại không nhỏ cho những dự án đầu tư mới. Các nguồn lực tài chính ngày càng thiếu, bị phân tán và đang có xu hướng bất động hóa khi các cơ hội đầu tư sinh lời giảm dần và nền kinh tế mất đi tính cạnh tranh. Chúng ta phải vay nợ nhiều hơn từ bên ngoài, các nguồn lực trong nước trở nên khan hiếm và đắt đỏ hơn, môi trường bị ô nhiễm nhiều hơn và nền kinh tế chịu áp lực lạm phát thường xuyên hơn.

Việt Nam đang có nguy cơ trở thành một nền kinh tế có chi phí cao trước khi trở thành một nước công nghiệp hóa. Điều đó làm cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa khó khăn hơn và tốn kém hơn.

Là năm đầu của thập niên, 2011 nên được chọn là năm khởi động lại tiến trình hóa rồng. Chúng ta cần có một chiến lược phát triển kinh tế hướng đến mục tiêu cất cánh trong vòng hai mươi năm tới được đặt trên nền tảng vững chắc của quốc sách sung dụng hiệu quả và tiết kiệm các nguồn lực và một sự đồng thuận của toàn thể cộng đồng dân tộc hướng đến mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam cường thịnh. Đồng vốn, công nghệ, kỹ năng, tài nguyên... cần được đặt vào đúng chỗ, dành cho đúng những người biết chắt chiu, biết sử dụng chúng thật sự hiệu quả vì quyền lợi của chính họ, vì lợi ích của toàn nền kinh tế và sự thịnh vượng của quốc gia dân tộc. Vượt qua ngọn thác vũ môn là một nỗ lực đầy gian khổ và thách thức, nhưng nếu thế hệ Việt Nam hôm nay có đủ ý chí và quyết tâm để làm điều đó, con cháu họ ngày mai mới thực sự trở thành Rồng.

Huỳnh Bửu Sơn

Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Các tin tức khác

>   505 tỷ đồng đầu tư vào khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải (28/01/2011)

>   Gia hạn Dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây (28/01/2011)

>   CPI: Không lẽ cứ Tết là tăng? (28/01/2011)

>   Anh sẽ nâng mức đầu tư lên 3 tỉ USD vào năm 2013 (27/01/2011)

>   Có thêm hơn 113 triệu USD đầu tư vào Cần Thơ (27/01/2011)

>   Siêu dự án thép 4,5 tỷ USD: Nhà đầu tư nên ứng trước tiền (27/01/2011)

>   Khủng hoảng nợ công châu Âu có lan sang châu Á? (27/01/2011)

>   Lobby ở Việt Nam: Không thể chỉ là đồng tiền qua lại (27/01/2011)

>   CPI tháng 1: Không thể chủ quan (26/01/2011)

>   Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng CNH, HĐH (26/01/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật