Thứ Tư, 26/01/2011 16:12

CPI tháng 1: Không thể chủ quan

Số liệu thống kê 19 năm qua cho thấy, 2011 là 1 trong 5 năm có tốc độ tăng CPI trong tháng 1 thấp hơn của tháng 12 năm trước.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng CPI tháng 1/2011 là 1,74 %. Như vậy, tốc độ tăng CPI của tháng 1 năm nay đã thấp hơn tốc độ tăng 1,98% của tháng 12 năm trước. Một số nhóm hàng quan trọng cũng tăng thấp hơn tốc độ tăng của tháng 12 năm trước (như giá lương thực tăng 2,28% so với 4,67%, giá thực phẩm tăng 2,74% so với 3,28%, giá nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,33% so với tăng 2,53%).

TỐC ĐỘ TĂNG CPI THÁNG 12 NĂM TRƯỚC VÀ THÁNG 1 NĂM NAY QUA CÁC NĂM (%)

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Lòng tin được nâng lên

Số liệu thống kê lịch sử trong 19 năm qua (tính từ năm 1993 đến năm 2011 này) cũng cho thấy, chỉ có 5 năm có tốc độ tăng CPI của tháng 1 thấp hơn của tháng 12 năm trước và năm nay nằm trong 5 năm đó. Tốc độ tăng CPI của tháng 1 năm nay cũng thấp hơn tốc độ tăng CPI 2,02% của tháng 1 trong 21 năm qua.

Đó có thể được coi là một sự “hiếm hoi” và cũng làm dịu đi nỗi lo lạm phát cao xảy ra vào trước Tết Cổ truyền của dân tộc, cũng như không hoang mang trước một vài dự báo CPI (tăng xoay quanh mức 10%, cao hơn nhiều so với mục tiêu cả năm theo Nghị quyết của Quốc hội).

Kết quả trên đạt được do nhiều nguyên nhân. Lòng tin đối với quyết tâm nhất quán ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát của Chính phủ trong năm 2011, đặc biệt vào tháng 1, tháng 2 là những tháng có Tết cổ truyền của dân tộc cũng là những tháng khởi đầu của cả năm, đã được nâng lên.

Có nguyên nhân do chính sách tiền tệ được thắt chặt từ cuối năm trước, với lãi suất cơ bản được tăng từ 8%/năm được duy trì trong hơn một năm trước đó lên 9%/năm; với mặt bằng lãi suất khá cao, bao gồm cả lãi suất cho vay để hãm tiền ra, cả mặt bằng lãi suất huy động để hút tiền vào và sẽ có cơ hội để hạ xuống theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

Chi ngân sách cũng được thắt chặt từ cuối năm trước để đưa mức bội chi ngân sách so với GDP giảm xuống còn khoảng 5,8% so với ước tính gần 6% trước đó vài tháng.

Việc điều chỉnh tỷ giá và việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hoá, dịch vụ quan trọng cũng được dừng lại; bức bách như giá xăng dầu cũng được giảm thuế suất và trích từ quỹ bình ổn giá xăng dầu để giữ giá bán ra.

Các địa phương đã trích ngân sách xây dựng và triển khai chương trình dự trữ hàng hoá phục vụ Tết Nguyên đán, phát triển các điểm bán hàng bình ổn giá.

Có nguyên nhân do lúa đông xuân ở các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long có triển vọng được mùa khá và đang bước vào thu hoạch.

Khi giá cả cuối năm trước tăng cao, trong một bộ phận quan trọng người tiêu dùng đã xuất hiện tâm lý tiết kiệm chi tiêu, cũng góp phần giảm sức ép đối với giá tiêu dùng.

Chưa thể chủ quan, lơ là

Tuy nhiên, chưa thể chủ quan, lơ là với lạm phát, bởi chu kỳ tính toán giá tháng 1 được tính từ 15/12/2010 đến 15/1/2011- tức là trước Tết Nguyên đán nửa tháng. CPI tháng 2 sẽ được tính từ 15/1 đến 15/2 và Tết Nguyên đán sẽ nằm trọn trong tháng này.

Số liệu thống kê lịch sử trong 19 năm trước đó cho thấy, chỉ có 1 năm và cách đây đã khá lâu (1995) có CPI tháng 2 tăng thấp hơn tháng 1, còn 18 năm có CPI tháng 2 tăng cao hơn tháng 1.

Sở dĩ như vậy là vì tháng 2 là tháng có Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng cao ở mức đỉnh điểm, trong đó có khu vực nông thôn-  nơi có 70% dân số của cả nước- lại có thêm hàng chục triệu con, em công tác, học tập ở khu vực thành thị trở về ăn Tết với gia đình.

Các cơn sốt giá cục bộ (ở hàng hoá, dịch vụ này hay ở hàng hoá, dịch vụ khác, ở địa bàn này ở địa bàn khác) sẽ được “bàn tay vô hình” của kinh tế thị trường nhanh chóng điều tiết; nhưng đối với những mặt hàng thiết yếu, đối với một bộ phận dân cư thuộc diện nghèo, những người có công với cách mạng, những địa bàn vùng sâu, vùng xa, hoặc gặp khó khăn lớn do thiên tai, dịch bệnh,…, thì đòi hỏi “bàn tay hữu hình” của Nhà nước hỗ trợ, có được cái Tết an vui tươm tất, tránh bị tác động xấu của các cơn sốt giá, dù là sốt cục bộ.

Hiện Chính phủ đã chỉ đạo và các Bộ ngành, địa phương  nghiêm túc thực hiện việc tăng cường các biện pháp bảo đảm cung- cầu hàng hoá, dịch vụ, bình ổn giá thị trường trước và sau Tết. Phát triển mạnh các điểm bán hàng bình ổn giá, nhất là những mặt hàng trọng yếu; quản lý, kiểm tra và điều tiết hàng hoá trên thị trường. Tổ chức tốt hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”; chăm lo các đối tượng, gia đình chính sách, gia đình có công với nước, đồng bào những vùng bị lũ lụt, đồng bào dân tộc ít người ở vùng sâu, vùng xa, những hộ gia đình nghèo. Bảo đảm cho mọi người dân trên cả nước đón Tết vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm và an toàn.

Minh Ngọc

Chính phủ

Các tin tức khác

>   Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng CNH, HĐH (26/01/2011)

>   Tháng đầu tiên 2011, vốn FDI giảm mạnh (26/01/2011)

>   2011: Lạm phát là thách thức lớn nhất (25/01/2011)

>   Việt Nam không lo “hụt hẫng” vì bị cắt viện trợ (25/01/2011)

>   Giá tăng: Đừng hốt hoảng hô "Lạm phát! Lạm phát!" (25/01/2011)

>   Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 bất ngờ giảm tốc (24/01/2011)

>   TPHCM: Vốn FDI tăng mạnh trong tháng 1 (24/01/2011)

>   Thu nhập và giá nhà đất (24/01/2011)

>   Vay khoảng 700 triệu USD xây dựng 3 dự án trọng điểm (22/01/2011)

>   Điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2025 (21/01/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật