Thứ Ba, 25/01/2011 07:28

Việt Nam không lo “hụt hẫng” vì bị cắt viện trợ

EU sẽ tiếp tục viện trợ ngay cả khi Việt Nam đã gia nhập nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình. Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Sean Doyle và Đại sứ Hungary Vizi László đã khẳng định như vậy tại buổi trực tuyến với Diễn đàn Kinh tế Việt Nam chiều 24/1.

"Thò một chân" vào nhóm thu nhập trung bình

Với tổng số vốn ODA cam kết trong giai đoạn 1996 - 2009 là 10 tỷ USD, Liên minh châu Âu (EU) hiện là nhà tài trợ song phương lớn thứ hai về viện trợ phát triển chính thức ODA cho Việt Nam.

Tuy nhiên, cơ chế tài trợ hiện thời của EU với Việt Nam sẽ kết thúc vào cuối năm 2013. Hiện Việt Nam đã bước vào nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình. Trong năm 2011, EU sẽ nghiên cứu một cơ chế tài trợ phù hợp hơn với Việt Nam.

Ông Hồ Quang Minh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã từng phát biểu rằng kinh nghiệm nhiều nước rơi vào bẫy thu nhập trung bình đi trước cho thấy một trong những nguyên nhân là việc cắt hoặc giảm nhanh hỗ trợ ODA của các nhà tài trợ.

Tuy nhiên, ông Sean Doyle cho rằng Việt Nam không nên quá lo lắng về chuyện cắt giảm ODA vì thực tế cho thấy, có nhiều nước thu nhập trung bình vẫn được viện trợ. Hiện Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình nhưng vẫn còn nhiều người nghèo, nhất là ở các vùng sâu vùng xa và các khu vực chậm phát triển này vẫn có nhu cầu lớn về các nguồn viện trợ.

"EU sẽ tiếp tục là nhà tài trợ ODA cho Việt Nam. Tôi nghĩ Việt Nam đang sử dụng nguồn vốn ODA rất tốt," ông Sean Doyle khẳng định.

Nhưng chính khi đã "thò được một chân" vào nhóm quốc gia có thu nhập trung bình, cũng là lúc Việt Nam có nguy cơ bị mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình. Đây là một khái niệm chỉ tình trạng một quốc gia thoát nghèo, gia nhập vào nhóm nước có thu nhập trung bình nhưng mất nhiều thập kỷ vẫn không trở thành quốc gia phát triển.

Thực tế trên thế giới có rất ít quốc gia thoát khỏi cái bẫy này. Ngay ở châu Á có thể thấy những tấm gương điển hình như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Phillipines quanh quẩn hàng chục năm trong nhóm quốc gia có thu nhập trung bình mà không cất cánh được.

"Những lợi thế đã giúp Việt Nam phát triển nhanh thời gian qua và giúp các bạn vượt qua ngưỡng thu nhập trung bình sẽ không còn nữa. Khi thu nhập của người dân tăng lên, thì lương của nhân công cũng tăng lên. Nhân công rẻ không còn là lợi thế của Việt Nam." Đại sứ Hungary Vizi László phân tích.

Ông cho rằng Việt Nam cần thay đổi mô hình kinh tế của mình để không còn phụ thuộc vào lợi thế nhân công rẻ và xuất khẩu hàng có giá trị thấp của mình.

Còn đại sứ Sean Doyle thì tin rằng cái bấy thu nhập trung bình chính là tham nhũng.

"Nó nguy hiểm ở chỗ, nguồn vốn, nguồn lực của xã hội không dành cho phát triển đất nước mà chảy vào túi tiền của một số người có chức vị," ông phân tích.

Mở cửa dần dần nền kinh tế

Một cái bẫy khác mà Việt Nam đang trực diện là bẫy thương mại tự do. Nghĩa là  khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào kinh tế thế giới, các hàng rào thuế quan và phi thuế quan sẽ dần bị gỡ bỏ, hàng hóa các nước phát triển hơn sẽ tràn vào khiến cho Việt Nam gặp bất lợi khi muốn chuyển dịch cơ cấu công nghiệp lên cao hơn.

Nhưng theo ông Sean Doyle đó cũng là một nguy cơ song nó cũng không phải vấn đề quá nguy hiểm bởi vì nó sẽ không xảy ra một cách đột ngột mà sẽ trải qua một quá trình thương thảo lâu dài.

"Các nước sẽ có thời gian để đàm phán và mở cửa thị trường một cách dần dần cho các hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài. Các nước đang phát triển sẽ được phép đề ra những lĩnh vực hoặc sản phẩm hàng hóa mà họ chưa phải mở cửa cho thị trường nước ngoài ngay lập tức. Khi đó sẽ có thời gian để điều chỉnh nền kinh tế," ông phân tích.

Những năm qua, nhiều mặt hàng có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam như nông sản hay giày da, may mặc đã gặp nhiều khó khăn khi tìm đường vào thị trường châu Âu, đặc biệt là thường xuyên phải đối mặt với thuế chống bán phá giá.

Việc Việt Nam và EU vừa thống nhất ở cấp cao về việc khởi động các vòng đàm phán về Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) đã thắp lên hy vọng mở toang cánh cửa cho doanh nghiệp Việt Nam tấn công vào thị trường khó tính này.

Nhưng theo vị trưởng phái đoàn EU ở Việt Nam thì vấn đề đối với các mặt hàng của Việt Nam hiện nay vẫn là chất lượng và mức độ an toàn.

"Điều này thì chúng tôi không có cách nào giúp được nếu như bản thân các sản phẩm này không đạt được chất lượng và an toàn. Bởi vì có những quy tắc, tiêu chuẩn đề ra mà bất cứ ai cũng phải tuân theo," ông Doyle nói.

Giải thích về việc áp đặt thuế chống bán phá giá với một số mặt hàng của Việt Nam, ông cho rằng đó là do sự thiếu minh bạch trong thông tin và các nguồn lực sản xuất dẫn tới sự mập mờ về giá thành.

Bài học từ khủng hoảng nợ công châu Âu

Một số nhà phân tích nhận định cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu vừa qua có thể gián đoạn thương mại toàn cầu và ảnh hưởng tới nhu cầu hàng hóa xuất khẩu của châu Á và đưa dòng tiền nóng vào châu lục này. Nhưng cả hai đại sứ đều khẳng định đến lúc này, nguy cơ lây lan dây chuyền nợ công từ châu Âu sang châu Á hay không còn đáng kể nữa. Bằng chứng là xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu vẫn tăng tới 16%.

Đại sứ Vizi László cho rằng cuộc khủng hoảng chính là một trong các động lực khiến một số nước châu Á thay đổi đáng kể về mô hình phát triển.

"Một số nước trước đây phụ thuộc vào việc xuất khẩu để phát triển thì nay đã tập trung hơn vào tiêu dùng nội địa của nước mình, cũng như một số nước từ trước tới nay có một mức độ tiết kiệm trong dân lớn thì hiện nay họ cũng đã chuyển dịch sang nền kinh tế mang tính tiêu dùng nhiều hơn," ông László nhấn mạnh.

Còn đại sứ EU Sean Doyle cho rằng bài học lớn nhất cho Việt Nam là nên xem xét việc chi tiêu và việc tiết kiệm hơn.

Bên cạnh đó, bài học từ cuộc khủng hoảng của Hy Lạp đã trải qua chính là các con số, các chỉ tiêu phản ánh nền kinh tế không được công khai và không được công bố một cách minh bạch và chính xác. Đến khi các con số thực sự được đưa ra thì đã khiến cho nền kinh tế bị sốc và gặp phải những hậu quả rất lớn. Vì vậy việc các con số phản ánh nền kinh tế cần phải được công khai, cần phải được minh bạch, càn phải được công bố một cách đúng lúc với mức độ chính xác cần thiết.

 Lan Hương

Diễn đàn kinh tế Việt Nam

Các tin tức khác

>   Giá tăng: Đừng hốt hoảng hô "Lạm phát! Lạm phát!" (25/01/2011)

>   Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 bất ngờ giảm tốc (24/01/2011)

>   TPHCM: Vốn FDI tăng mạnh trong tháng 1 (24/01/2011)

>   Thu nhập và giá nhà đất (24/01/2011)

>   Vay khoảng 700 triệu USD xây dựng 3 dự án trọng điểm (22/01/2011)

>   Điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2025 (21/01/2011)

>   Hơn 7.500 tỷ đồng cho dự án phân bón hóa chất (20/01/2011)

>   Tập đoàn Shell đặt trọng tâm kinh doanh vào VN (20/01/2011)

>   Kiểm toán PwC: FDI 2011 của Việt Nam sẽ đạt 20 tỷ USD (20/01/2011)

>   TPHCM: CPI tháng đầu năm tăng 1,01% (20/01/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật