Thứ Ba, 25/01/2011 07:19

Giá tăng: Đừng hốt hoảng hô "Lạm phát! Lạm phát!"

“Khi chưa tìm hiểu và xác định các nhân tố đẩy giá tiêu dùng lên mà đã vội hốt hoảng “lạm phát! lạm phát!”, điểm mặt chính sách tiền tệ là thủ phạm và quyết định khóa van tiền tệ, tăng lãi suất là không hợp lý”, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhận định.

Diễn đàn kinh tế Việt Nam VEF xin trích lược ý kiến của ông Bùi Kiến Thành tại Hội thảo "Thông điệp tài chính 2011 - rủi ro và cơ hội".

Không nhìn vào giá để quy định lãi suất

Thời gian qua, mỗi khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI - Consumer Price Index) tăng, các nhà hoạch định chính sách thường cho là "lạm phát". Phản ứng sau đó là thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Nhưng chỉ số CPI tăng có đồng nghĩa với "lạm phát" hay không? Và "phản xạ" bấm nút thắt chặt chính sách tiền tệ mỗi khi thấy chỉ số CPI tăng có hợp lý không?

Chỉ số CPI bao gồm một "rổ" các mặt hàng tiêu dùng, trong đó các loại hàng thực phẩm, chiếm khoảng 39%. Mỗi tháng, Tổng cục Thống kê theo dõi tình hình thay đổi giá cả trên thị trường của "rổ" mặt hàng này và tính ra một chỉ số bình quân làm thước đo cho "lạm phát".

Trên thực tế, giá tiêu dùng tăng hay giảm còn tùy thuộc rất nhiều nhân tố khác ngoài chính sách tiền tệ, ví dụ như chính sách tỷ giá, chính sách tài khóa, đầu tư công vào những công trình thiếu hiệu quả kinh tế, đầu tư dàn trải từ các tập đoàn và doanh nghiệp Nhà nước, quyết định của Ban vật giá Chính phủ tăng giá điện, giá than, giá nước, giá xăng dầu v.v...

Ngoài ra còn có ảnh hưởng của đầu cơ, tích trữ, chi phí quan hệ, tiền lót tay, tham nhũng, rò rỉ đầu tư công v.v... làm tăng giá thành công trình và tung ra trên thị trường những số tiền lớn tạo áp lực cho giá cả tăng.

Vì vậy, trong khi chưa tìm hiểu và xác định các nhân tố đẩy giá tiêu dùng lên mà đã vội hốt hoảng hô "lạm phát! lạm phát!" điểm mặt chính sách tiền tệ là thủ phạm và quyết định khóa van tiền tệ, tăng lãi suất là không hợp lý.

Ngoài ra, khi thật sự có vấn đề lạm phát do quá nhiều phương tiện thanh toán, quá nhiều tín dụng được tung ra trên thị trường tài chính, quyết định đưa lãi suất cho vay lên 18, 19, 20% hay cao hơn nữa để làm hạ giá tiêu dùng, hạ chỉ số CPI, cũng cần phải suy nghĩ lại.

Trong các nền kinh tế, với thị trường tài chính phát triển, trong khối tín dụng phần lớn là tín dụng tiêu dùng. Ví dụ ở Mỹ, tín dụng tiêu dùng chiếm khoảng 70%. Mỗi người Mỹ có trong ví 5-10, có khi 20 thẻ tín dụng, mua bất kỳ thứ gì cũng dùng thẻ tín dụng; mua TV, tủ lạnh, cho đến quần áo đều dùng tín dụng.

Khi nền kinh tế hoạt động "quá nóng", doanh nghiệp đầu tư tăng công suất quá cao khiến nhiên liệu và lao động trở nên khan hiếm, giá cả tăng, nhà nước áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ và tăng lãi suất để hạn chế đầu tư và giảm tiêu dùng. Việc áp dụng một lãi suất cao có ảnh hưởng trực tiếp đến tín dụng tiêu dùng và làm hạ nhiệt giá cả rất nhanh chóng.

Còn ở Việt Nam, tín dụng tiêu dùng chưa phát triển, hiện nay chưa đến 10% tổng số tín dụng, vì vậy lãi suất cao không ảnh hưởng nhiều đến tiêu dùng và giá cả, mà chủ yếu là đánh vào doanh nghiệp.

Câu hỏi cần đặt ra là nền kinh tế Việt Nam hiện nay có hoạt động "quá nóng" hay không? Nhiên liệu và lao động đã trở nên khan hiếm hay chưa? mà cần phải "phanh"  lại bằng một chính sách tiền tệ thắt chặt và lãi suất cao?

Theo các thông số thống kê chính thức, lực lượng lao động Việt Nam quá dư thừa. Theo các nghị quyết của Quốc hội, chỉ tiêu tăng trưởng GDP mỗi năm là khoảng 7% đến 8%, và chỉ số CPI cần được khống chế ở mức 7%, như vậy nền kinh tế Việt Nam vẫn cần phát triển nhanh và ổn định, và chỉ số CPI cần được hạn chế ở mức thấp nhất có thể.

Như vậy áp dụng một chính sách tiền tệ thắt chặt tín dụng để hạn chế phát triển có phản tác dụng hay không?  Khóa van tiền tệ, và đẩy lãi suất lên cao, mặc cho doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn, để kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng đã có tác dụng như thế nào?

Trên thực tế của nền kinh tế Việt Nam, với lượng tín dụng tiêu dùng còn thấp, lãi suất cao không có tác dụng giảm tiêu dùng, mà trái lại còn đẩy chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm lên cao, và cuối cùng là làm tăng chỉ số CPI thay vì làm hạ nhiệt.

Vai trò của Ngân hàng Nhà nước

Một chính sách tiền tệ đúng đắn là đảm bảo một lưu lượng tiền tệ đầy đủ, không thừa mà cũng không thiếu, để nền kinh tế phát triển ổn định bền vững, với một mặt bằng lãi suất hợp lý.

Nền kinh tế Việt Nam chuyển mình từ cơ chế bao cấp, kế hoạch tập trung qua nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, tiết kiệm nhàn rỗi trong nhân dân có hạn, không đủ để bảo đảm lượng tín dụng cần thiết cho phát triển.  Dù lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng có cao đến mấy cũng không thể tạo thêm nguồn tiết kiệm và tín dụng.

Vai trò ngân hàng trung ương của Ngân hàng Nhà nước là theo dõi, đo lường khối tiền tệ lưu hành và cung ứng đầy đủ phương tiện cho nền kinh tế phát triển bền vững. Không để xảy ra dư thừa, tạo nên nguy cơ lạm phát. Cũng không để xảy ra thiếu hụt, tạo nên nguy cơ thiểu phát.

"Phải bằng công cụ lãi suất kéo giá cả xuống, chứ không nhìn vào giá cả để quy định lãi suất", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh khi phát biểu kết thúc hội nghị Chính phủ họp với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011 trong ngày 30-31/12.

Như vậy là trách nhiệm về lãi suất đã trao về cho hệ thống ngân hàng - đây là một thách thức mà cũng là cơ hội cho cộng đồng ngân hàng đóng góp vào việc hoặch định và thực thi chính sách.

Để thực hiện nhiệm vụ này, NHTW được luật pháp cho phép phát hành tín dụng (nôm na gọi là "in tiền") mà không phải huy động vốn trong nhân dân. Chi phí huy động vốn là bằng không, ngoại trừ chi phí quản lý và vận hành. Do đó NHTW có thể chiết khấu, tái cấp vốn, hoặc cho NHTM vay với lãi suất bằng 0,00% đến 0,20% như FED của Mỹ, hay 0,10% như bên Nhật, 0,50% như châu Âu. Nhiệm vụ của NHTW là điều tiết lưu lượng tiền tệ, không phải để kinh doanh lấy lãi.

Vấn đề đối với Việt Nam là định lượng mức tín dụng cần thiết, áp dụng một mặt bằng lãi suất "hợp lý".

Nhưng sau khi đã tìm rõ được nguyên nhân của lạm phát, và áp dụng một chính sách tiền tệ đúng đắn chưa hẳn đã bảo đảm đạt được hiệu quả mong đợi nếu cơ chế, tổ chức, nhân sự không đủ điều kiện và năng lực thực hiện.

Theo báo cáo của NHNN thì trong tổng số tín dụng lưu hành, phần lớn là phân bổ cho các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, một phần khác không nhỏ được cấp cho lĩnh vực bất động sản (năm 2010 là hơn 280.000 tỷ VND) và thị trường chứng khoán cùng các lĩnh vực đầu tư khác. Như vậy phần rót vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, phát triển dịch vụ là rất hạn chế. Riêng về lĩnh vực nông thôn lại còn khô cằn hơn nữa. Kết quả là các lĩnh vực động lực cho phát triển không tiếp cận được nguồn vốn.

Trong thời gian tới, việc phân bổ nguồn tín dụng cần được đặt lên hàng đầu. Kế đến là kiểm tra giám sát thực thi chính sách. Kiểm tra việc sử dụng các khoản vay của doanh nghiệp đúng mục đích, không rò rỉ qua những lĩnh vực đầu cơ tài chính hay các lĩnh vực khác.

Trần Đông

Diễn đàn kinh tế Việt Nam

Các tin tức khác

>   Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 bất ngờ giảm tốc (24/01/2011)

>   TPHCM: Vốn FDI tăng mạnh trong tháng 1 (24/01/2011)

>   Thu nhập và giá nhà đất (24/01/2011)

>   Vay khoảng 700 triệu USD xây dựng 3 dự án trọng điểm (22/01/2011)

>   Điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2025 (21/01/2011)

>   Hơn 7.500 tỷ đồng cho dự án phân bón hóa chất (20/01/2011)

>   Tập đoàn Shell đặt trọng tâm kinh doanh vào VN (20/01/2011)

>   Kiểm toán PwC: FDI 2011 của Việt Nam sẽ đạt 20 tỷ USD (20/01/2011)

>   TPHCM: CPI tháng đầu năm tăng 1,01% (20/01/2011)

>   CPI tháng 1 có khả năng vẫn tăng cao (20/01/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật