Thứ Năm, 27/01/2011 07:37

Khủng hoảng nợ công châu Âu có lan sang châu Á?

Nguy cơ khủng hoảng nợ công dây chuyền từ Âu sang Á đã nổi lên từ 2 năm trước, nhưng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường châu Âu vẫn tăng tới 16%. Tại cuộc trực tuyến với VEF chiều 24/1, đại sứ EU và đại sứ Hungary đều khẳng định nguy cơ này không còn đáng kể nữa.

LTS: Ở phần 1 của cuộc trực tuyến, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu EU Sean Doyle và Đại sứ Hungary  Vizi László đã phân tích những thách thức và cơ hội khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình. Ở phần tiếp theo, hai ngài đại sứ sẽ trao đổi về những cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường châu Âu và bài học cho Việt Nam từ cuộc khủng hoảng nợ công của châu Âu.

Sẽ có hiệp định "mở đường" cho hàng Việt vào châu Âu

Nhà báo Lan Hương: Một cái bẫy khác mà Việt Nam đang trực diện là bẫy thương mại tự do. Hiện nay VN đang hội nhập ngày càng sâu vào kinh tế thế giới, các hàng rào thuế quan và phi thuế quan sẽ dần bị gỡ bỏ, hàng hóa các nước phát triển hơn sẽ tràn vào khiến cho Việt Nam gặp bất lợi khi muốn chuyển dịch cơ cấu công nghiệp lên cao hơn. Vậy theo ông, Việt Nam phải làm gì để thoát khỏi cái bẫy này?

Trưởng phản đoàn EU Sean Doyle: Đó cũng là một nguy cơ, song nó không xảy ra đột ngột mà trải qua một quá trình đàm phán. Thông thường, các nước đang phát triển sẽ được thêm thời gian mở cửa thị trường dần dần cho hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài. Còn các nước giàu sẽ phải mở cửa thị trường nhanh hơn.

Trong quá trình đàm phán, các nước đang phát triển cũng được phép đề ra những lĩnh vực hoặc sản phẩm hàng hóa nhạy cảm mà họ chưa muốn phải mở cửa thị trường cho nhập khẩu, ví dụ những ngành đang có nhiều lao động làm việc hoặc các doanh nghiệp trong nước còn yếu và cần thêm thời gian.

Điểm cuối cùng tôi muốn nói đến, đó là một số dự án ODA mà EU đang cung cấp cho Việt Nam trong việc đào tạo tăng cường kỹ năng đàm phán cho các cán bộ Việt Nam. Các dự án này sẽ giúp họ có năng lực cao hơn trong các cuộc đàm phán, đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ có thêm lợi thế trong các cuộc đàm phán.

Đại sứ Hungary Vizi László: Tôi nghĩ cũng rất thú vị nếu so sánh giữa kinh nghiệm của EU và ASEAN trong việc thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên. Ở cả hai khu vực, xuất phát điểm của các nền kinh tế thành viên đều khác nhau. Ví dụ như Hungary. Khi gia nhập EU năm 2004, thu nhập bình quân đầu người của Hungary chỉ bằng 15% mức trung bình của các thành viên cũ. EU cung cấp Công cụ hỗ trợ tiền gia nhập (Instrument for Pre-Accession Assistance - IPA) nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các thành viên cũ, các nước phát triển, và các thành viên mới.

Tuy vậy, sau 6-7 năm tham gia tổ chức này, Hungary vẫn là một nước hưởng lợi từ EU nhiều hơn, tức là chúng tôi vẫn nhận sự giúp đỡ của các thành viên nhiều hơn mức chúng tôi đóng góp vào ngân sách chung của khối.

Ở ASEAN thì chưa có một cơ chế cụ thể nào nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên, đến nay mới chỉ là các sáng kiến. Tuy số tiền ASEAN cung cấp cho Sáng kiến hội nhập của ASEAN không thể so được với số vốn EU đã bỏ ra, nhưng mục đích và mục tiêu đề ra là rất tương đồng.

Nhưng khi trao đổi với các chuyên gia ASEAN, tôi cảm nhận rõ quyết tâm của các nước Đông Nam Á, đặc biệt thể hiện qua năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam, tăng cường sự liên kết trong khu vực. ASEAN đang chú ý nhiều hơn đến cơ sở hạ tầng, trong đó có các dự án xây dựng các tuyến đường nối các nước thành viên. Các nước kém phát triển hơn trong khu vực sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ sự đầu tư cho cơ sở hạ tầng này.

Trưởng phản đoàn EU Sean Doyle: Thông thường, các nước đang phát triển sẽ được thêm thời gian mở cửa thị trường dần dần cho hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài. Còn các nước giàu sẽ phải mở cửa thị trường nhanh hơn. Ảnh: Phạm Hải

Nhà báo Lan Hương: Hiệp định Đối tác và Hợp tác EU-Việt Nam (PCA) được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu ký tắt vào tháng 10/2010 sẽ được chính thức thông qua vào năm 2011. Bên cạnh đó, Việt Nam và EU vào năm 2010 đã thống nhất ở cấp cao về việc khởi động các vòng đàm phán về Hiệp định Thương mại Tự do (FTA). Tuy nhiên, những năm qua, một số mặt hàng của Việt Nam vẫn gặp khó khăn khi tìm đường vào thị trường khó tính này. Liệu những hiệp định mới này có thực sự mở toang cánh cửa vào thị trường châu Âu và mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp cả hai nước? Doanh nghiệp Việt Nam phải làm gì để chủ động trước những thách thức cửa thị trường châu Âu?

Trưởng phái đoàn EU Sean Doyle: Hiệp định Thương mại tự do là mong muốn và hy vọng của hai bên, có khả năng sẽ đạt được trong năm nay. Khó khăn của các sản phẩm thuỷ sản hay hàng hoá của VN khi vào thị trường EU phần lớn là chất lượng và độ an toàn. Điều này thì không có cách khắc phục nào khác ngoài việc tuân theo những quy tắc, tiêu chuẩn.

Với các sản phẩm giày da, may mặc..., vấn đề lớn nhất của VN là cấu thành giá cả của các mặt hàng này chưa được minh bạch. Sự cạnh tranh lành mạnh có thể bị vi phạm nếu các doanh nghiệp này được ưu đãi cấp đất, cho vay vốn..., hoặc là các doanh nghiệp quốc doanh, không ai biết được nhà nước bao cấp bao nhiêu. Các yếu tố này dẫn đến các tranh luận về bán phá giá đối với các mặt hàng của Việt Nam gần đây.

Hiệp định FTA đang đàm phán sẽ giúp đơn giản hoá các vấn đề này bằng cách đề cập đến chúng một các toàn diện. Hiệp định này là bước tiến cao hơn của WTO khi không chỉ đề cập đến sản phẩm, hàng hóa như ôtô, may mặc, thuỷ sản... mà còn nhấn mạnh đến các dịch vụ như bảo hiểm, ngân hàng, du lịch, giao thông vận tải..., những lĩnh vực rất cần cho nền kinh tế Việt Nam.

Hiệp định này cũng sẽ đề cập đến những vấn đề như sự minh bạch - không có bao cấp, cạnh tranh lành mạnh... cũng như các vấn đề như đầu thầu, đấu giá - các hợp đồng lớn được đàm phán một cách công khai, không phải trong vòng bí mật. Các quy chế, quy tắc, quy định cũng cần phải được tăng cường.

Phát triển kinh tế dựa trên xuất khẩu không bền vững

Nhà báo Lan Hương: Năm 2010, châu Âu đã trải qua cuộc khủng hoảng nợ công tồi tệ. Hiện nay EU đã, đang và sẽ có những biện pháp gì để giúp các nền kinh tế bị khủng hoảng?

Đại sứ Hungary Vizi László: Với vai trò Chủ tịch luân phiên của EU, Hungary phải tập hợp và liên kết tất cả các thành viên trong việc định hình lại chương trình hành động của khối. Nhiệm vụ trước mắt hiện này là đối phó với những hậu quả của cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu, đồng thời tăng cường các thể chế, cơ chế nhằm tránh lặp lại một cuộc khủng hoảng tương tự.

Đầu tiên là đưa Quỹ khủng hoảng tạm thời của châu Âu trở thành một quỹ thường xuyên. Quỹ này do các thành viên EU và IMF góp vốn. Việc này đã được quyết định tại cuộc họp của Hội đồng châu Âu tháng 12 năm ngoái.

Quỹ này sẽ được đổi tên thành Cơ chế phát triển bền vững của Liên minh châu Âu, sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ 2013, nghĩa là còn 2 năm chuẩn bị. Các thành viên cũng đã thống nhất mỗi nước phải có sự thay đổi nhất định trong năm nay để tạo điều kiện cho cơ chế này hoạt động.

Để cuộc khủng hoảng không tái diễn, cần có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ và mạnh mẽ hơn giữa các nước thành viên về vấn đề kinh tế. Vì thế, lần đầu tiên trong lịch sử của khối, các nước thành viên đã đề nghị thiết lập ra một cơ chế gọi là "European semester". Theo đó, các nước thành viên sẽ tính đến các yếu tố liên kết khu vực trong chính sách tài khóa của nước mình trước khi Quốc hội các nước thông qua. Đây là một cơ chế giám sát mạnh mẽ để kiểm soát kinh tế vĩ mô, ngân sách, thâm hụt tài chính. Điều này có nghĩa là các nước thành viên có sự liên kết và phối hợp với nhau chặt chẽ hơn trong chính sách kinh tế.

Nếu các quốc gia quá sai lầm trong những tính toán về tài chính, họ sẽ phải đối mặt với những biện pháp trừng phạt. Ngược lại, các quốc gia tỏ ra đúng đắn và hiệu quả trong chính sách tài khóa của mình sẽ nhận được các hình thức khích lệ. Có lẽ đây là cách có thể tránh cho châu Âu một cuộc khủng hoảng tương tự lặp lại.

Nhà báo Lan Hương: Một số nhà phân tích nhận định cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu có thể gián đoạn thương mại toàn cầu và ảnh hưởng tới nhu cầu hàng hóa xuất khẩu của châu Á và đưa dòng tiền nóng vào châu lục này. Theo ông, liệu có nguy cơ lây lan dây chuyền nợ công từ châu Âu sang châu Á hay không?

Trưởng phái đoàn EU Sean Doyle: Nguy cơ này đã nổi lên từ 2 năm trước, nhưng rõ ràng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường châu Âu vẫn tăng tới 16%, ra thị trường toàn cầu vẫn tăng 13%. Thế nên theo tôi nguy cơ này đến nay không còn đáng kể nữa.

Đại sứ Hungary Vizi László: Qua một bản đánh giá kinh tế toàn cầu gần đây của Ngân hàng Thế giới mà tôi có dịp tham khảo, tổ chức này cũng chia sẻ quan điểm tương tự. Nhất là khi kinh tế châu Âu đang tăng trưởng trở lại với tỉ lệ khoảng 1,8%. Tôi không dám nói mạnh là châu Âu đã thoát khỏi khủng hoảng, nhưng rõ ràng châu Âu đang phục hồi. Bởi vậy, tôi cũng đồng ý với ông Sean Doyle là nguy cơ này đến nay không còn nữa.

Cuộc khủng hoảng này cũng góp phần thay đổi đáng kể mô hình tăng trưởng của một số nước Đông Á - hay còn gọi là cân bằng lại cán cân tăng trưởng. Những nước trước đây phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, nay cần tập trung hơn vào tiêu dùng nội địa. Những nước từ trước tới nay có một mức tiết kiệm trong dân lớn, nay cần khuyến khích tiêu dùng nhiều hơn. Tôi nghĩ rằng mô hình phát triển kinh tế dựa vào xuất khẩu sẽ không còn là mô hình bền vững nữa.

Nhà báo Lan Hương: Tình trạng của Việt Nam cũng giống Hy Lạp ở một số yếu tố như: thâm hụt tài chính kéo dài, yếu kém trong quan lý chi tiêu công...  Đâu là những bài học đối với VN thông qua cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu vừa qua?

Trưởng phái đoàn EU Sean Doyle: Bài học lớn nhất có thể rút ra được là: nếu chúng ta đang chi tiêu "vung tay quá trán", hãy tính đến việc tiết kiệm nhiều hơn. Với Việt Nam, các bạn cần nhớ rằng với mức tăng trưởng 7%, các bạn cũng cần nhập khẩu nhiều hơn về nguyên vật liệu, máy móc..., thế nên việc nâng tốc độ tăng trưởng lên cao hơn nữa sẽ không còn đơn giản.

Vấn đề tệ nhất của Hy Lạp chính là thiếu sự minh bạch, các số liệu đều không trung thực, và khi các con số thực sự được đưa, nền kinh tế đã bị sốc và gặp phải những hậu quả nghiêm trọng. Đây là nguy cơ nhãn tiền khi các số liệu không được công khai, hoặc không được công khai một cách chi tiết và đúng lúc.

Nhà báo Lan Hương: Các ông đều nhấn mạnh đến yêu cầu phải chi tiêu một cách thận trọng hơn. Nhưng Việt Nam lại đang cần tăng trưởng nhanh. Các ông có lời khuyên cho Việt Nam trước sự lựa chọn tăng trưởng nóng hay tăng trưởng bền vững?

Trưởng phái đoàn EU Sean Doyle: Câu hỏi đặt ra không phải là lựa chọn cái gì, mà là sự tăng trưởng có tạo ra lợi nhuận không, có đi vào những ngành phức tạp và có hàm lượng giá trị gia tăng cao hơn không, có tạo ra nhiều việc làm không. Bên cạnh đó còn là sự hoàn thiện hơn về hệ thống tổ chức, điều hành, hệ thống pháp luật, giáo dục đào tạo, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị...

Việt Nam cần tất cả những điều đó. Và tôi đang thấy những biến chuyển này diễn ra rồi.

Nhà báo Lan Hương: Chúng ta đã có một cuộc trò chuyện rất hữu ích với hai ngài đại sứ với các vấn đề đặt ra như quan hệ EU - VN, câu chuyện kinh doanh, các bài học từ kinh tế châu Âu... Qua cuộc trò chuyện này, chúng tôi tin tưởng EU sẽ tiếp tục hỗ trợ VN trên con đường phát triển kinh tế. Kính chúc hai vị đại sứ một nhiệm kỳ thành công ở VN. Cám ơn hai ông đã tham gia cuộc bàn tròn trực tuyến này.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam

Các tin tức khác

>   Lobby ở Việt Nam: Không thể chỉ là đồng tiền qua lại (27/01/2011)

>   CPI tháng 1: Không thể chủ quan (26/01/2011)

>   Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng CNH, HĐH (26/01/2011)

>   Tháng đầu tiên 2011, vốn FDI giảm mạnh (26/01/2011)

>   2011: Lạm phát là thách thức lớn nhất (25/01/2011)

>   Việt Nam không lo “hụt hẫng” vì bị cắt viện trợ (25/01/2011)

>   Giá tăng: Đừng hốt hoảng hô "Lạm phát! Lạm phát!" (25/01/2011)

>   Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 bất ngờ giảm tốc (24/01/2011)

>   TPHCM: Vốn FDI tăng mạnh trong tháng 1 (24/01/2011)

>   Thu nhập và giá nhà đất (24/01/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật