Thứ Hai, 31/01/2011 14:42

Góc nhìn 2011: Trật tự cũ, trật tự mới

Một nghiên cứu sinh chuyên ngành kinh tế – chính trị quốc tế, đại học Bonn, Đức “thiên hạ luận” từ bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới gợi suy nghĩ về những vấn đề mấu chốt của Việt Nam như phá giá hay không phá giá tiền Việt, hay mặt sau của tấm huy chương xuất khẩu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki Moon tại lễ khai mạc hội nghị cao cấp G20 hôm 12.11.2010. Ảnh: TTXVN

Từ giữa năm 2008 đến năm 2009, một liên minh toàn cầu được hình thành: liên minh chống lại suy thoái kinh tế. Đại khủng hoảng những năm 1930 là kinh nghiệm mà thế giới không muốn lặp lại. Cả thế giới đồng lòng: từ Hoa Kỳ, châu Âu đến Trung Quốc, các gói kích cầu đồng bộ diễn ra ở tầm quốc gia, và phối hợp chính sách trên quy mô quốc tế. Năm 2010, liên minh này chuyển hướng. Nước Mỹ, “người tiêu thụ” cuối cùng, không muốn tiếp tục phát triển bằng tiêu thụ dựa trên nhập khẩu. EU đưa “thắt lưng buộc bụng” cùng nhiều chương trình giảm chi thành quốc sách. Trung Quốc tiếp tục nhấn ga tăng trưởng, đảm bảo 20 triệu việc làm mới mỗi năm và một xã hội ổn định. Sau khủng hoảng, khi tất cả các nước đều đưa xuất khẩu thành cứu cánh, thì chính sách đồng nội tệ yếu trở thành phương tiện. Lợi ích ở nhà bay lên bàn đàm phán quốc tế: đồng tiền nào bị định giá thấp, dẫn đến thiệt hại lợi thế cạnh tranh trong thương mại?

Cuộc tranh luận về “chiến tranh ngoại hối” bùng nổ cuối năm 2010, nhưng không phải lần đầu tiên. Tại hội nghị Berlin năm 2004, sự giảm giá nhanh chóng của đồng đôla từng nằm ở tâm điểm. Rồi tại Cape Town 2007, tiền tệ cũng trở thành đề tài. Hai ông lớn bị đưa ra mổ xẻ là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Năm nay tại G20 Seoul, dù đạt được một thoả hiệp, nhưng diễn biến thật dường như nằm ngoài bàn đàm phán: trong khi cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tung ra kế hoạch “nới lỏng định lượng” đợt hai (QE2) bơm thêm 600 tỉ USD vào thị trường với hậu quả trực tiếp là đồng USD tuột giá, thì ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBC) lại cố gắng giảm lượng tiền trong lưu thông qua chính sách tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc của tiền gửi ngân hàng. Mục tiêu của PBC rất rõ ràng: đóng băng các “nguồn cung tiền bị động” gây ra bởi sự gia tăng ngoại hối toàn cầu mà trên hết từ chính sách tiền tệ Mỹ.

Khó có thể suy đoán được “cuộc chiến” diễn biến tiếp như thế nào. Nhưng chắc chắn, nó chỉ mới bắt đầu, và chưa có dấu hiệu kết thúc. Từ đây đến đó, mỗi lần xảy ra căng thẳng, giới quan sát lại có dịp nhấn mạnh đến ảnh hưởng dây chuyền, mà hệ quả không gói gọn trong biên giới mỗi quốc gia. Vậy các nước nhỏ như Việt Nam đứng trước những lựa chọn nào?

Ở đây cần phân biệt giữa cái lợi ngắn hạn và giải pháp dài hạn. Nếu xuất phát từ lập trường ngắn hạn, thì với việc từ lâu chúng ta theo bước mô thức xuất khẩu “Đông Á” với các ngành nghề tập trung cho phát triển hướng ngoại và một chính sách tỷ giá neo giá theo USD hỗ trợ xuất khẩu, khi một cuộc chiến “mậu dịch” hay “ngoại hối” xảy ra, định giá đồng nội tệ thấp có lẽ là một chiến lược đơn giản và dễ thực hiện nhất. Chiến lược này, tự bản thân nó, mang lại nhiều rủi ro. Thứ nhất, các động thái “điều chỉnh đồng nội tệ” luôn gây những phản ứng phụ, trên hết là từ các nước xung quanh cùng mô thức phát triển. Lần phá giá đầu tháng 2 năm nay chẳng hạn đã gây quan ngại cho nước láng giềng Thái Lan trước việc các mặt hàng của Việt Nam sẽ rẻ và cạnh tranh gắt gao hơn với các doanh nghiệp Thái. Hệ quả trực tiếp là lời kêu gọi từ một số doanh nghiệp xuất khẩu Thái Lan yêu cầu ngân hàng trung ương nước này thực hiện chính sách tương tự, phá giá đồng baht để giúp cho hàng Thái tăng mức cạnh tranh. Thứ hai, xét trong tình hình Việt Nam, giảm giá thêm tiền đồng chỉ mang tính sách lược chứ không ở tầm chiến lược. Thiếu hẳn các ngành công nghiệp phụ trợ, sản phẩm xuất khẩu Việt Nam dù có được hỗ trợ qua tỷ giá đồng tiền, cũng phải chịu thêm chi phí khác do nhập khẩu các phụ liệu từ bên ngoài vào, chủ yếu thanh toán bằng USD. Tiền Việt Nam giảm cũng đồng nghĩa với giá trị hàng có hàm lượng nhập khẩu nhiều sẽ đắt đỏ hơn. Phá giá đồng tiền vì thế chỉ giúp hỗ trợ được các ngành mang tính xuất khẩu thô, ít qua các giai đoạn chế biến.

Hơn nữa, nhìn từ bức tranh rộng hơn, chính sách “giữ giá đồng tệ” được cho rằng cần thiết để tạo sức cạnh tranh cho thị trường xuất khẩu. Thế nhưng, ngoài những bất lợi mà chính sách này mang lại, liệu chúng ta có thể phát triển dựa trên một lợi thế khác? Nước Đức trong liên minh thặng dư ngoại thương cho thấy, lợi thế cạnh tranh xuất khẩu không nhất thiết bắt nguồn từ giá rẻ của mặt hàng. Máy móc “made in Germany” đắt, nhưng được ưa chuộng và trở thành thương hiệu. Điều quan trọng là vai trò của nó trong công đoạn sản xuất toàn cầu. Những sản phẩm nào có giá trị không thể thay thế, hoặc thay thế có giới hạn thì luôn cần thiết. Sự phân biệt nằm ở độ chênh về khoa học kỹ thuật, hay “hàm lượng chất xám”. Đằng sau đó là một câu chuyện dài hơn: đó là vai trò của “kiến thức”, về cách quản lý và điều hành sản xuất.

Cuối cùng, một lựa chọn được xem là mặt sau của tấm huy chương “xuất khẩu”. Trong khi mô thức này là yếu tố quan trọng trong việc tạo ra tăng trưởng trong thời gian qua, nó cũng góp phần vào việc tạo ra sự chênh lệch về thu nhập. Tình trạng mất cân đối này nảy sinh từ chính sách tăng trưởng ưu tiên vào những ngành hướng ngoại, dẫn đến đầu tư tiêu dùng nội địa thấp, từ chính sách tỷ giá neo theo đồng USD (đồng nghĩa với việc nhà nước kiểm soát ngoại tệ để giữ khả năng điều chỉnh chính sách tiền tệ) đến sử dụng lao động giá rẻ làm lợi thế. Tầm nhìn dài hạn, tăng trưởng cần được định nghĩa theo một tiêu chí bền vững hơn. Tập trung vào thị trường nội địa – lẽ đó – không nên xem là một giải pháp thay thế hay dự phòng, mà chính nó phản ánh giai đoạn tiếp theo của phát triển, trong đó thúc đẩy yếu tố tiêu dùng của nhân dân, thu hẹp tương đối khoảng cách giữa các giai tầng xã hội đóng vai trò nền tảng.

Năm 2010 khép lại với bức tranh hỗn hợp giữa những hình dung về một cục diện thế giới hậu khủng hoảng. Thượng đỉnh G20 tại Seoul, thế giới không còn chứng kiến một nhóm thống nhất chống suy thoái, cũng không còn là sự phân biệt giữa các nước công nghiệp mới đang phát triển (hay thế giới thứ ba), mà các quốc gia có xu hướng tập hợp lại xung quanh lợi ích giữa hai thái cực: thặng dư và thâm hụt, nhập siêu và xuất siêu. Giả định về một trật tự đang thành hình bắt đầu bởi làn ranh phân biệt giữa các liên minh lợi ích. Trật tự này một mặt đòi hỏi cơ chế quản trị hiệu quả hơn ở tầm mức toàn cầu, mặt khác thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách quốc gia suy tư lại về một chiến lược tiếp cận mới.

Năm 2008, ở tâm điểm khủng hoảng, Việt Nam nhìn lại mình như một cơ hội cải cách. Năm 2010, giữa tham vọng, khả năng và thực tế tuy vẫn còn khoảng cách, nhưng chúng ta có quyền hy vọng: một thay đổi lớn – muốn bắt đầu – luôn tạo hình từ những bước đi nhỏ! nguyễn chính tâm bước đi nhỏ!

Nguyễn Chính Tâm

SÀI GÒN TIẾP THỊ

Các tin tức khác

>   Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Chính sách tài khóa sẽ chủ động, chặt chẽ hơn (31/01/2011)

>   Thử 'Gia Cát Dự' giá cả năm 2011 (31/01/2011)

>   TS. Võ Trí Thành: Ổn định kinh tế là số 1 (31/01/2011)

>   Trước 15/2, phân bổ vốn trái phiếu CP cho từng công trình, dự án (30/01/2011)

>   Nền tảng của sự phát triển (30/01/2011)

>   Việt Nam hội nhập toàn diện nhưng cần biết cách “chơi” (30/01/2011)

>   Kinh nghiệm phát triển của VN là tâm điểm tại WEF (29/01/2011)

>   Trung Quốc không bỏ tiền xây đường sắt ở VN (29/01/2011)

>   Thưởng, quà Tết: Đừng "tham bát bỏ mâm" (29/01/2011)

>   Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ đến năm 2020 (28/01/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật