Thứ Hai, 31/01/2011 08:30

TS. Võ Trí Thành: Ổn định kinh tế là số 1

TS. Võ Trí Thành

Kinh tế Việt Nam năm 2011 sẽ được đánh giá như thế nào? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

- Kinh tế Việt Nam năm 2010 đã phục hồi nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, Tiến sĩ có thể phân tích rõ hơn những nguyên nhân?

- Mặc dù cuối năm 2009, chúng ta đã thấy những bất ổn kinh tế vĩ mô gia tăng và đề ra mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô nhưng cách thực thi thể hiện qua thông điệp với thị trường, điều chỉnh chính sách chưa hợp lý.

Thêm vào đó, thời điểm giữa năm 2010, tình hình đã bớt nghiêm trọng hơn xét về rủi ro vĩ mô nhưng chúng ta không kiên trì, nhẫn nại trong việc ổn định kinh tế vĩ mô mà lại quan tâm hơn đến tăng trưởng đồng thời nới lỏng chính sách. Cộng với các cú sốc tác động từ bên ngoài vào tháng 11 đã làm những bất ổn kinh tế vĩ mô gia tăng.

- Nhiều năm qua, đầu tư công tại Việt Nam còn tồn tại nhiều vấn đề cần bàn?

- Có một vài vấn đề mà tôi muốn nói về đầu tư công tại Việt Nam: Từ việc lựa chọn mục tiêu cho đến lựa chọn từng dự án, việc thực thi, giám sát đều gặp rất nhiều vấn đề. Người ta đang nói nợ công Việt Nam gia tăng rất mạnh mặc dù ngưỡng của nó trong khoảng 56-57% GDP. Tổng nợ nước ngoài của Việt Nam hiện nay vào khoảng 41-42 tỷ USD, trong đó nợ của tư nhân là khoảng 8-9 tỷ USD, còn lại là nợ của Chính phủ. Rủi ro đầu tiên là một phần không nhỏ nợ công của Việt Nam hiện nay là bằng đồng Yên, khoảng trên dưới 30%.

Chúng ta biết tỷ giá đồng Yên rất dao động, nếu đồng Yên cứ lên giá như bây giờ thì rất bất lợi cho chúng ta dù lãi suất thấp. Rủi ro thứ hai liên quan đến việc bảo lãnh vay không chỉ cho các tập đoàn nhà nước mà cho cả tư nhân nhưng khi đổ vỡ lớn xảy ra thì Chính phủ cũng phải can thiệp, vì vậy nợ công cũng phải nhìn trong tổng nợ quốc gia.

Rủi ro thứ ba là mặc dù nợ ngắn hạn so với tổng nợ chúng ta thấp, chỉ vào khoảng 6-7 tỷ USD nhưng tỷ lệ nợ ngắn hạn trên dự trữ ngoại tệ đang tăng lên. Trong năm 2011, chúng ta vẫn phải đầu tư công để phát triển cơ sở hạ tầng.

- Còn thu hút vốn FDI trong những năm gần đây, thưa ông?

TS. Võ Trí Thành là chuyên gia của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương từ năm 1989. Năm 1997, ông bảo vệ luận án TS Kinh tế học tại Đại học Quốc gia Australia. Ông là tác giả và đồng tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về kinh tế Việt Nam.

- Tôi có nói vui là chúng ta cần có giải thưởng cho các doanh nghiệp đầu tư từ vốn nước ngoài. Con số đóng góp cho GDP chiếm 20%, tạo công ăn việc làm cho 3-4 triệu người, công ăn việc làm gián tiếp còn hơn số lượng ấy. Như vậy là họ có vai trò rất lớn trong sự phát triển kinh tế Việt Nam và chúng ta vẫn cần rất nhiều nguồn vốn nước ngoài.

Thêm vào đó, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài còn có tác động lan tỏa như kỹ năng, công nghệ, cách thức quản lý. Tất cả những lan tỏa ấy là lợi ích lớn nhất mà nền kinh tế chúng ta thụ hưởng.

Bên cạnh đó ta cũng học được nhiều bài học. Làm thế nào để đầu tư từ nước ngoài đem lại hai hiệu quả: Phát triển bền vững, không chỉ là tăng trưởng kinh tế mà còn những vấn đề khác như môi trường, xã hội. Thứ hai là đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, họ vào đây bỏ 1 đồng thì trong dài hạn họ cũng phải lấy ra hơn 1 đồng. Để những đầu tư từ nước ngoài có tác động tốt trong một cuộc chơi sòng phẳng, anh không thể nói tôi cần anh A chứ không cần anh B. Bởi vậy công tác xúc tiến đầu tư từ nước ngoài là cực kỳ quan trọng.

- Thị trường tiền tệ năm 2010 đầy biến động. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là gì, thưa ông?

- Tôi muốn nói là đằng sau những biến động ấy với một nền kinh tế mở cửa hội nhập tương đối sâu rộng sau khi gia nhập WTO có yếu tố bên ngoài. Nhưng chúng ta phải thấy những khiếm khuyết, thậm chí là sai lầm trong định hướng mục tiêu chính sách và trong điều hành chính sách, đặc biệt là liên quan đến các chính sách kinh tế vĩ mô như tiền tệ, tài khóa, tỷ giá. Chính điều sâu xa ấy làm cho những rủi ro bất ổn tăng lên và chúng ta buộc phải thay đổi chính sách. Nếu chúng ta còn để bất ổn kéo dài thì dòng tiền sẽ vào hai chỗ: Tìm nơi trú ẩn an toàn về giá trị tài sản: vàng, bất động sản, USD. Thứ hai là người dân không dùng tiền vào sản xuất kinh doanh mà đầu cơ. Đầu cơ, trú ẩn không xấu nhưng nếu kéo dài thì rõ ràng cực kỳ không tốt, vì không đem lại hiệu quả cho kinh doanh, không tạo ra giá trị của cải hàng hóa và dịch vụ.

Vì vậy, chúng ta phải luôn lấy ổn định kinh tế vĩ mô làm trọng, coi đó là một nhiệm vụ thường trực, thường xuyên trong suốt quá trình tăng trưởng kinh tế.

- Cơ hội và thách thức của kinh tế Việt Nam năm 2011?

- Có thể nói kinh tế năm 2011 sẽ còn nhiều khó khăn. Theo dự báo của các tổ chức kinh tế thế giới tháng 11 và 12, tăng trưởng kinh tế một số nước trong khu vực giảm đáng kể. Thứ hai là áp dụng biện pháp hành chính một số mặt hàng như điện, nước… khiến năm 2011 sẽ là năm khó khăn trong việc điều chỉnh giá một số mặt hàng mà Nhà nước đang kiểm soát. Nếu không tăng giá 2 mặt hàng này áp lực cũng lớn, mà tăng sẽ kéo theo giá các mặt hàng khác tăng theo. Thứ ba là doanh nghiệp hiện nay đang rất khó khăn. Trong khi đó, chúng ta lại phải tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, thắt chặt tiền tệ, tài khóa, các doanh nghiệp sẽ còn khó khăn hơn. Từ đấy, một số vấn đề cần bàn tính kỹ: Mục tiêu tăng trưởng và lạm phát. Theo dự báo của các tổ chức kinh tế, để Việt Nam đạt mức tăng trưởng trên 7% thì phải giữ lạm phát dưới 7% là cực kỳ khó khăn.

- Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!

Khánh Huyền (Thực hiện)

AN NINH THỦ ĐÔ

Các tin tức khác

>   Trước 15/2, phân bổ vốn trái phiếu CP cho từng công trình, dự án (30/01/2011)

>   Nền tảng của sự phát triển (30/01/2011)

>   Việt Nam hội nhập toàn diện nhưng cần biết cách “chơi” (30/01/2011)

>   Kinh nghiệm phát triển của VN là tâm điểm tại WEF (29/01/2011)

>   Trung Quốc không bỏ tiền xây đường sắt ở VN (29/01/2011)

>   Thưởng, quà Tết: Đừng "tham bát bỏ mâm" (29/01/2011)

>   Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ đến năm 2020 (28/01/2011)

>   Thủ tướng yêu cầu phải ưu tiên kiềm chế lạm phát (28/01/2011)

>   Bao giờ Việt Nam mới hóa rồng? (28/01/2011)

>   505 tỷ đồng đầu tư vào khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải (28/01/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật