Năm mới, vận hội mới
Việt Nam từ năm 2008 đã có mức thu nhập bình quân vượt hơn 1.000 USD/người và năm 2009 được Ngân hàng Thế giới (WB) đưa vào nhóm nước có mức thu nhập trung bình.
Vận hội và thách thức
Việt Nam từ năm 2008 đã có mức thu nhập bình quân vượt hơn 1.000 USD/người và năm 2009 được Ngân hàng Thế giới (WB) đưa vào nhóm nước có mức thu nhập trung bình. Từ đó, đã có một loạt cảnh báo từ các nhà kinh tế về cái bẫy của nước thu nhập trung bình mà Việt Nam có thể mắc phải. Đánh giá tổng quan về kinh tế Việt Nam năm 2010, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, năm nay, Việt Nam đã thực hiện thành công quá trình chuyển đổi chính thức từ một nước có thu nhập thấp thành một nước có thu nhập trung bình.
Cụ thể, Việt Nam đã đạt được điều đó qua việc thúc đẩy các lợi thế kinh tế chính, trong đó có chi phí nhân công tương đối thấp, nguồn tài nguyên thiên nhiên, ưu đãi về địa lý, sự ổn định về chính trị và sự hấp dẫn về một thị trường mới rộng lớn chưa được khai thác. Cùng với đó, Việt Nam đã nhận được các khoản vốn vay ưu đãi ODA lớn từ các nguồn song phương và đa phương.
Thách thức cho việc thực thi những chiến lược bắt kịp và vượt bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước công nghiệp phát triển đối với Việt Nam là rất gay gắt. Việt Nam mới thoát khỏi danh sách các nước nghèo, nhưng chưa thật bền vững. Kết cấu hạ tầng của nền kinh tế, của đô thị và nông thôn chưa phát triển, trình độ chuyên môn hoá và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, nguồn nhân lực chất lượng cao còn quá mỏng...
Thật tình mà nói, Việt Nam chưa có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, vì hiện vẫn là một quốc gia sản xuất hàng hoá thương phẩm và có giá trị khá thấp, năng lực cạnh tranh chưa cao trên toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ nằm trong “khu vực nguy hiểm” sau khoảng một thập kỷ nữa, nên ngay từ bây giờ, phải suy nghĩ về hướng thoát bẫy thu nhập trung bình.
Chính sách tăng trưởng từng giúp Việt Nam thành công khi thu nhập thấp, lại chính là cái bẫy cản Việt Nam khi đã đạt thu nhập trung bình, do không thực thi được giáo dục tiên tiến, phát triển đô thị hiệu quả, quản lý bất bình đẳng, rủi ro và pháp quyền yếu kém.
Việt Nam không thể mong chờ các lợi thế cạnh tranh trên kéo dài mãi. Vì thế, chìa khoá để đạt được sự phát triển kinh tế bền vững lâu dài là chuyển dịch xuất khẩu từ các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp sang xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và phức tạp hơn, đặc biệt là ngành công nghệ cao có tính sáng tạo.
Một thực trạng đáng báo động được đưa ra là, hơn 65% lực lượng lao động của Việt Nam không có kỹ năng chuyên môn, 78% lao động từ 20 đến 24 tuổi không có hoặc thiếu kỹ năng chuyên môn. Vì vậy, cải thiện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam, để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước đang thay đổi một cách nhanh chóng.
Thiếu tầm nhìn và cơ chế hoạch định chính sách kém, chủ yếu là do yếu kém về cơ cấu trong quá trình hoạch định chính sách, chỉ nhấn mạnh hai vấn đề về quy trình và tổ chức có liên quan chặt chẽ với nhau và đây là nguyên nhân chính dẫn đến chủ nghĩa hình thức, thiếu sáng tạo và phản hồi nhanh trong quá trình hoạch định chính sách ở Việt Nam. Cụ thể, quy trình hoạch định chính sách thiếu sự tham gia của cộng đồng kinh doanh và thiếu sự phối hợp liên bộ, khiến chính sách được thông qua kém hiệu quả, thậm chí không thể triển khai được.
Cách làm việc kém hiệu quả trên đã dẫn tới hàng loạt hiện tượng chảy máu chất xám, xuống cấp đạo đức trong giới công chức và bế tắc trong giải quyết những vấn đề cấp thiết trong xã hội, như lạm phát, ùn tắc giao thông...
Hiệu quả của những nỗ lực cải cách giáo dục và đào tạo đang tiến hành vẫn rất thấp. Kỹ năng làm việc, thích ứng với yêu cầu công việc, nhất là với cái mới của đa số sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học là rất yếu.
Những vận hội và thách thức này đan xen nhau, trong vận hội có thách thức, trong thách thức có vận hội. Trong vận hội có thách thức ở chỗ, dù có vận hội to lớn, nhưng nếu ta không có khả năng nhận biết nó, có gan giành lấy nó, có sức nắm bắt, khai thác nó, thì nó sẽ trôi đi hoặc người khác sẽ giành lấy mất.
Trong thách thức có vận hội ở chỗ, dù thách thức có nặng nề, nhưng nếu ta có khả năng nhận biết nó, có ý chí đương đầu với nó, có năng lực khắc phục, đẩy lùi nó thì vẫn có thể vượt qua thách thức, chuyển hoá tình thế, tạo đà mới để đi lên.
Khát vọng hóa rồng
Các học giả Harvard đã khẳng định, hóa rồng không phải là một quy luật phổ biến. Nhưng điều đó không ngăn cản khát vọng hóa rồng của bất kỳ nước nào, đặc biệt là Việt Nam. Nói cách khác, điều kiện và cơ hội để Việt Nam bứt phá khỏi bẫy thu nhập trung bình vươn tới một quốc gia thịnh vượng, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là cái đang có. Vấn đề chỉ còn là ở chỗ, Việt Nam có lựa chọn hay không. Lựa chọn ở đây là, con người là trung tâm, là động lực làm nên sự phát triển kinh tế - xã hội. Không nhất thiết phải có nguồn lực tự nhiên giàu có, trong xã hội hiện đại, con người của mỗi quốc gia là của cải đích thực, là nguồn lực quan trọng và quyết định phát triển của quốc gia đó.
Việt Nam cần có năng lực bao quát, xây dựng một tầm nhìn phát triển một cách phù hợp và triển khai hiệu quả các biện pháp nhằm thực hiện tầm nhìn ấy. Theo đó, cần nhìn nhận một cách toàn diện bản chất của mô hình tăng trưởng, đặc biệt chú trọng tới chất lượng tăng trưởng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong giai đoạn vừa qua để có đối sách kịp thời. Trong đó, đổi mới phương pháp hoạch định chính sách là yếu tố quan trọng hàng đầu để vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”.
Do đó, vượt qua bẫy thu nhập trung bình cần phải có chính sách công nghiệp chủ động để tháo gỡ. Chính sách công nghiệp Việt Nam cần xây dựng giá trị nội tại để tiếp tục tăng trưởng. Mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa mà Việt Nam hướng đến vào năm 2020 cần được hỗ trợ bởi các chiến lược phát triển công nghiệp khả thi và các kế hoạch hành động cụ thể - những thứ mà Việt Nam đang thiếu.
Chính phủ cần tái cấu trúc lại bộ máy công quyền với tiêu chí thực tài, thực tâm và thực ý dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. Chỉ người hội tụ đủ ba yếu tố này mới đủ khả năng gánh vác trọng trách của nhân dân, đất nước giao phó. Họ sẽ lấy lợi ích của nhân dân làm tối thượng và trung thành với Tổ quốc Việt Nam. Họ sẽ có trách nhiệm hiến kế, tham mưu về đường lối, chính sách ngắn hạn và dài hạn giúp Đảng, Chính phủ ban hành ngay những quyết sách về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng phù hợp với chủ trương của Đảng và hợp với lòng dân.
Việt Nam đang ở vị trí mà từ đây để tiến lên mức thu nhập cao hơn, Việt Nam phải tăng cường tạo ra giá trị nội tại. Điều này đòi hỏi hành động phù hợp từ phía Chính phủ theo chính sách thị trường tự do nhằm định hướng, hỗ trợ sự năng động của khu vực tư nhân và tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Để tăng chất lượng chính sách, Việt Nam cần thay đổi quá trình hoạch định chính sách của mình bằng cách cải cách căn bản trong hệ thống hành chính công. Một mô hình lãnh đạo mới, một đội ngũ tham mưu trực tiếp được đào tạo bài bản làm tư vấn cho lãnh đạo cấp cao và một liên minh chiến lược với các đối tác quốc tế là những điểm chính cần phải đổi mới trong quá trình hoạch định chính sách công nghiệp của Việt Nam.
Để chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng mục tiêu thoát bẫy thu nhập trung bình, cần có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt
1. Đổi mới, bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, thu hút nhiều lao động.
2. Kiên quyết rà soát lại việc phân bổ các nguồn vốn đầu tư, khắc phục tình trạng dàn trải, triệt phá những cơ chế “ngầm”, vì mục đích tư lợi, trục lợi, bất chấp sự yếu kém của nền kinh tế nói chung và của nguồn nhân lực nói riêng.
3. Xây dựng đề án dạy nghề và tạo việc làm cho thanh niên, tăng ít nhất 150.000 chỗ làm việc mới hàng năm thông qua chính sách ưu đãi đối với các cơ sở sản xuất - kinh doanh, hộ gia đình.
4. Mở rộng và phát triển thị trường lao động ra nước ngoài, tăng số lượng và nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu.
5. Đặt các cơ quan quyền lực, quản lý nhà nước đối với phát triển nguồn nhân lực vào các ràng buộc pháp lý minh bạch, rõ ràng, thuận lợi để giải quyết, khắc phục những vấn đề bức xúc: với 53 triệu lao động hiện có, mới chỉ có xấp xỉ 30% qua đào tạo nghề; hằng năm có 1,52-1,6 triệu người có nhu cầu được giải quyết việc làm…
6. Nâng cao năng lực của các trung tâm giới thiệu việc làm, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thị trường lao động.
7. Tăng đầu tư phát triển dạy nghề hướng vào mục tiêu nâng cao chất lượng, kỹ năng làm việc, thích ứng với công việc, với công nghệ mới; bảo đảm đồng bộ giữa các yếu tố lao động - vốn - công nghệ.
8. Hoàn thiện thể chế thị trường lao động, tạo hành lang pháp lý phù hợp, bảo đảm đối xử công bằng giữa các thành phần kinh tế, người lao động và người sử dụng lao động.
9. Tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực, với các kế hoạch bảo đảm tính hiệu quả, có mục tiêu rõ ràng, thiết thực, có đối tác phù hợp, lộ trình hợp lý… |
Diệp Văn Sơn
ĐẦU TƯ
|