Tư duy thực tế để tiến xa
|
Thứ trưởng Bộ Công thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế Trần Quốc Khánh. |
Thứ trưởng Bộ Công thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế Trần Quốc Khánh cho rằng, đàm phán các thỏa thuận mở cửa thị trường, trong đó có các khu vực mậu dịch tự do (FTA) là nhu cầu tất yếu của quá trình phát triển.
Với tư duy thực tế, Việt Nam đã và sẽ xác lập được vị thế mới trên trường quốc tế qua những tính toán gia nhập thị trường.
“Không hội nhập vị hội nhập”
Trong 10 năm qua, số lượng các hiệp định thương mại mà chúng ta tham gia đàm phán là khá lớn. Theo ông, có những lý do nào giải thích cho việc đó? Hay đây chỉ là sự “khao khát hội nhập” trong bối cảnh toàn cầu hóa?
Nói “khao khát” có lẽ không chuẩn xác, bởi chúng ta không “hội nhập vị hội nhập”. Quyết định đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại, trong đó có các FTA, là quyết định được đưa ra trên cơ sở cân nhắc và tính toán rất kỹ nhiều yếu tố.
Đàm phán và ký kết hiệp định thương mại với nước ngoài trước hết bắt nguồn từ nhu cầu mở thêm thị trường cho hàng xuất khẩu. Hiệp định thương mại song phương mà ta ký với Hoa Kỳ năm 2000 có thể coi là ví dụ điển hình. Sau khi Hiệp định có hiệu lực, thuế nhập khẩu vào Hoa Kỳ được hạ thấp, xuất khẩu của ta đã tăng rất nhanh.
Thứ hai, thông qua các hiệp định thương mại, chế độ quản lý của chúng ta sẽ từng bước được hoàn thiện, gần hơn với chuẩn mực của khu vực và thế giới, từ đó tạo môi trường kinh doanh ngày càng minh bạch, thuận lợi, có sức hấp dẫn đối với cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài. Thỏa thuận gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và sau đó, là sự thay đổi luật pháp trong nước phù hợp với quy định của WTO, là ví dụ điển hình.
Thứ ba, chủ trương của ta là đa phương hóa quan hệ kinh tế đối ngoại, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực thị trường nhất định. Sau khi có FTA với ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, thương mại Việt Nam đã nghiêng khá mạnh về Đông Á, với tỷ trọng của Đông Á trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu là tương đối lớn. Do đó, cần cân nhắc việc đàm phán FTA với một số đối tác khác để bảo đảm sự hài hòa giữa các khu vực thị trường.
Cuối cùng, khi đối thủ cạnh tranh của chúng ta có được thỏa thuận ưu đãi về thuế với một thị trường đích nào đó, ta cũng phải cân nhắc đàm phán một thỏa thuận tương tự để hàng xuất khẩu của ta không bị thua thiệt. Nhìn chung, các nước không muốn đàm phán trong thế “bị động” như vậy, nhưng đây là bài toán do thực tiễn đặt ra, nên dù muốn hay không cũng vẫn phải xử lý.
Doanh nghiệp là trung tâm
Theo ông, các doanh nghiệp trong nước đã tận dụng được lợi ích mà các hiệp định thương mại mang lại hay chưa?
Họ đã tận dụng rất tốt các cơ hội do hiệp định thương mại với Hoa Kỳ đem lại. Với ASEAN và Trung Quốc, những thị trường mà ta đã có thỏa thuận thương mại tự do từ rất lâu, sự tận dụng chưa được tốt như vậy. Tuy nhiên, trong 1-2 năm gần đây, tình hình đã có chuyển biến tích cực. Trong năm 2009, gần 12% xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN đã được hưởng ưu đãi thuế, tăng mạnh so với mức 6% của năm 2005. Với Trung Quốc, tỷ lệ này là 22%, cao nhất trong các nước ASEAN. Đặc biệt, gần 80% xuất khẩu của ta sang Hàn Quốc đã được hưởng ưu đãi thuế. Với Nhật Bản, dù mới triển khai FTA, nhưng 28% xuất khẩu của ta đã được hưởng ưu đãi thuế khi đi vào thị trường này.
Liệu có cách nào tăng hơn nữa tỷ lệ “tận dụng lợi ích”?
Một trong những lý do khiến tỷ lệ “tận dụng lợi ích” không cao là hàng rào kỹ thuật. Qua đàm phán, thuế nhập khẩu vào thị trường đích có thể giảm nhưng nếu hàng hóa của ta không vượt qua được các tiêu chuẩn kỹ thuật, nhất là những tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, thì cũng không tận dụng được việc giảm thuế đó.
Thứ hai, thuế vào thị trường A có thể giảm, thậm chí giảm mạnh nhưng nếu doanh nghiệp vẫn đang tiêu thụ ổn định, với khối lượng lớn và giá không tồi hơn tại thị trường B thì cũng khó có sự chuyển hướng sang thị trường A. Điều này đặc biệt đúng với những mặt hàng mà khả năng cung cấp của ta là có hạn, thí dụ như hạt điều.
Thứ ba, cái này dư luận cũng đã nói nhiều, có thể công tác tuyên truyền của ta chưa được tốt, nên nhiều doanh nghiệp chưa biết đến các cơ hội do các hiệp định thương mại tạo ra.
Liệu có phải vì thế mà cơ quan quản lý đang tỏ ra tích cực hơn trong việc lấy ý kiến các doanh nghiệp trước khi đàm phán các thỏa thuận thương mại, điều hiếm thấy trước đây?
Đúng vậy. Chúng tôi cho rằng, nếu được thông tin ngay từ đầu, doanh nghiệp sẽ có điều kiện nắm bắt tốt hơn các cơ hội do một thỏa thuận thương mại đem lại. Bên cạnh đó, một quan chức nhà nước, dù cố gắng đến mấy cũng không thể tường tận thị trường ngoài bằng doanh nghiệp. Với các cuộc đàm phán hiện nay, ta mở cho đối tác, nhưng cũng yêu cầu đối tác mở cửa thị trường cho Việt Nam. Người biết rõ nhất các rào cản của đối tác là doanh nghiệp. Vì vậy, chỉ có tham vấn chặt chẽ với doanh nghiệp mới giúp đoàn đàm phán đặt đúng yêu cầu cho đối tác nước ngoài.
Tư duy “cùng thắng”
Các doanh nghiệp thường kỳ vọng rất lớn vào việc mở thêm thị trường mới. Khi đi đàm phán, các thành viên đoàn đàm phán có cảm nhận được sức ép này?
Có! Mở thêm thị trường cho hàng xuất khẩu là một trong những mục tiêu chính của đàm phán thương mại, nên sức ép là rất lớn. Phải đàm thế nào để thuế giảm càng nhiều càng tốt, xóa được càng nhiều rào cản càng tốt! Thế nhưng, đó chưa phải là sức ép lớn nhất. Đàm phán là có đi có lại, ta muốn họ mở cửa thị trường cho ta, thì ta cũng phải mở thị trường cho họ. Sức ép của bài toán cân bằng lợi ích mới là sức ép lớn nhất.
Có khi nào, vì thời gian để xử lý rất ngắn, áp lực tâm lý lại lớn, nên các quyết định được đưa ra trên bàn đàm phán là không chuẩn xác?
Thời gian ít, áp lực tâm lý lớn, nên trước khi bước vào đàm phán, mọi đoàn đàm phán đều phải đặt ra các tình huống, hay kịch bản, khác nhau trong phạm vi phương án đã chuẩn bị từ nhà. Ta cũng vậy, mà đối tác cũng vậy. Vì thế, khi có nhà đàm phán nào đó nói rằng “tôi đã quyết định chuyện đó trong vài giây”, đừng vội tin. Để có “vài giây” đó là hàng chục, hàng trăm ngày chuẩn bị sẵn từ nhà rồi!
Nhưng “đấu trí” thì chắc là có?
Tôi không rõ đàm phán trong các lĩnh vực khác thì thế nào, nhưng với đàm phán thương mại, có lẽ không nên tiếp cận theo kiểu “đấu trí” bởi nếu xác định là “đấu”, sẽ có kẻ “thắng”, người “thua” trong khi thứ mà tất cả phải hướng tới là “hai bên cùng thắng”. Cá nhân tôi rất ít khi xem người đối diện là đối tượng để “đấu trí”. Để nhanh chóng có được kết quả tích cực, chấp nhận được cho cả hai bên, tôi và các thành viên trong đoàn thường tiếp cận theo hướng coi họ là bạn, xây dựng lòng tin, tỏ rõ thiện chí, thuyết phục là chính, chứ không dùng mánh khóe.
Đi đến thỏa thuận cuối cùng là cả một chặng đường dài. Anh “đấu trí” và “thắng” người ta được một điều khoản, đến điều khoản sau, người ta nâng cao cảnh giác với anh, anh có nói gì người ta cũng không tin nữa. Đàm phán trong thế không tin nhau như thế, làm sao thành công?
Vị thế dân tộc là nền đỡ
Ông có nghĩ rằng, các đoàn đàm phán đã tạo được một tư thế mới cho dân tộc Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay?
Kết quả đàm phán, nếu được tận dụng đúng, có thể góp phần tạo ra vị thế mới nhưng ngay cả khi đó, “công lao” của đoàn đàm phán cũng nhỏ thôi. Với tư cách là một dân tộc, chúng ta có một lịch sử hào hùng, có những chiến công được cả thế giới biết đến và khâm phục. Lịch sử đó mới tạo ra tư thế cho dân tộc Việt Nam. Trong những năm qua, bằng việc đổi mới chính mình, ta đã vượt qua nhiều khó khăn gay gắt để đưa đất nước đi lên và hội nhập với bên ngoài, nên vị thế của Việt Nam càng khác. Đoàn đàm phán có nhiệm vụ thể hiện cho được vị thế đó.
Câu hỏi cuối cùng, ông có nghĩ FTA là nguyên nhân gây nhập siêu lớn trong 2 năm qua?
Tôi chưa nghĩ như vậy. Bởi vì, tại các nước ASEAN, tỷ lệ hàng hóa sử dụng chứng nhận xuất xứ mẫu D (cần cho việc hưởng thuế nhập khẩu 0% theo FTA - PV) để xuất vào ta là tương đối thấp. Với Trung Quốc, nếu lấy biểu thuế FTA ra so sánh, sẽ thấy thuế nhập khẩu cho hàng Trung Quốc chưa giảm nhiều so với thuế thông thường, bởi ta có lộ trình giảm thuế tương đối dài. Với Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand, do FTA mới có hiệu lực, nên thuế nhập khẩu cũng chưa giảm đến mức đủ để kích thích nhập khẩu tăng mạnh.
Khi nói FTA là nguyên nhân gây nhập siêu, cần phải có bằng chứng. Thuế đã giảm cho mặt hàng nào, giảm bao nhiêu, nhập khẩu mặt hàng đó có tăng lên không, tăng bao nhiêu? Quan trọng nhất, có tồn tại mối quan hệ nhân - quả giữa 2 việc đó hay không? Rất tiếc, cho tới nay, chưa có ai ngồi làm cái việc đơn giản như vậy cả. Cũng chưa có ai tự hỏi mình: tại sao năm 1996 ta chưa có FTA với bất cứ nước nào ngoài ASEAN mà nhập siêu năm đó, tính theo tỷ lệ so với xuất khẩu, cũng ở mức cao không kém?
Khi những câu hỏi này còn chưa được trả lời thỏa đáng, tôi không dám nói FTA là nguyên nhân gây nhập siêu.
Duy Đông
ĐẦU TƯ
|