Thứ Bảy, 05/02/2011 20:22

Đầu tư khai thác dầu khí: Bỏ “trứng” vào nhiều giỏ

Liên tiếp trong năm 2010, rất nhiều đoàn doanh nghiệp nước ngoài đã đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác, triển khai các dự án trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí tại Việt Nam và bản thân ngành dầu khí Việt Nam cũng xúc tiến mạnh mẽ hoạt động đầu tư vào lĩnh vực dầu khí tại nước ngoài.

Cùng với đà tăng mạnh của giá dầu năm 2008 lên tới gần 150 USD/thùng, vấn đề an ninh năng lượng đã trở nên vô cùng cấp bách đối với nhiều quốc gia. Bởi vậy, sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dầu khí đặc biệt sôi động trong thời gian qua. Và điều này cũng hoàn toàn phù hợp với chiến lược phát triển của ngành dầu khí Việt Nam, với chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực tìm kiếm thăm dò dầu khí ở các khu vực còn mở.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục tìm kiếm cơ hội tốt để đầu tư ở nước ngoài, trong đó tập trung chủ yếu vào các khu vực Liên bang Nga, châu Phi, châu Mỹ, các nước SNG cũ và khu vực Đông Nam Á.

Dầu khí hấp dẫn các nhà đầu tư

Đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác chiến lược và truyền thống giữa Việt Nam và Liên bang Nga, ngày 27/12/2010, đại diện của Chính phủ hai nước Việt Nam – Liên bang Nga đã ký kết Hiệp định tiếp tục hợp tác thăm dò địa chất và khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam trong khuôn khổ Liên doanh Việt–Nga  (Vietsovpetro) sau năm 2010.

Năm 2010, dự kiến Vietsovpetro khai thác 6,4 triệu tấn dầu, vượt kế hoạch 200 nghìn tấn. Kế hoạch doanh thu bán dầu năm 2010 cũng hoàn thành từ ngày 18/10/2010, dự kiến cả năm đạt 3,93 tỷ USD, nộp ngân sách Nhà nước 2,25 tỷ USD (bằng 134,7% kế hoạch).

Trước đó, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, ông Sheikh Ahmad Al-Abdulla Al-Ahmad Al-Sabah, Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ Kuwait cho biết, hiện đầu tư của Kuwait tại Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí có cả ở khâu thượng nguồn (tìm kiếm thăm dò dầu khí) và khâu hạ nguồn (chế biến lọc hóa dầu).

Trong khâu thượng nguồn, Kufpec là công ty thành viên của Tổng công ty Dầu khí Kuwait (KPC) đã tham gia vào 3 hợp đồng phần chia sản phẩm tại Việt Nam ở các lô 19, 20 và 51, cụ thể Kufpec tham gia 40% ở lô 19, 40% ở lô 20 và 35% ở lô 51.

Đại diện của Kufpec cho biết, doanh nghiệp này đang rất quan tâm đến lô 13/03 thềm lục địa Việt Nam. Và phía Việt Nam đã thỏa thuận xong với một đối tác nước ngoài (Santos – Công ty sản xuất dầu khí lớn thứ hai của Australia) hiện tại để Kufpec có thể tham gia tới 20% trong phần của Santos.

Đặc biệt, cũng trong năm 2010, Công ty KPI – một thành viên khác của Tổng công ty Dầu khí Kuwait đang cùng phía Nhật Bản tham gia dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) đã cam kết cung cấp dầu thô cho cả đời Nhà máy. Các bên đã thành lập công ty liên doanh Lọc hoá dầu Nghi Sơn với tỷ lệ tham gia của Petro Vietnam 25,1%, KPI 35,1%, Idemitsu Kosan Corp (IKC) 35,1%, Mitsui Chemical Inc. (MCI) 4,7%.

Ông Đinh La Thăng, Chủ tịch Hội đồng thành viên của Petro vietnam khẳng định hai bên sẽ tập trung vào việc thúc đẩy dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn theo đúng tiến độ. Hiện Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn đang triển khai công tác đấu thầu lựa chọn Tư vấn quản lý Dự án và và đấu thầu lựa chọn Nhà thầu Thiết kế – Mua sắm – Xây dựng (EPC). Theo tiến độ, công tác đấu thầu và thu xếp tài chính cho dự án này sẽ hoàn thành vào đầu năm 2011, phấn đấu khởi công EPC vào đầu năm 2011 và vận hành thương mại vào năm 2014.

Cũng trong năm qua, nhiều đoàn doanh nghiệp của Ba Lan, Ả rập Xê út, Trung Quốc... đã tới Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác liên doanh thực hiện các dự án thăm dò, khai thác dầu khí tại thềm lục địa của Việt Nam.

Đầu tư ra nước ngoài liên tiếp lập kỷ lục

Ngày 30/9/2010, tại Liên bang Nga, Công ty Liên doanh Rusvietpetro do Petro Vietnam tham gia 49% cùng với đối tác Zarubezhneft của Nga đã đưa dòng dầu công nghiệp đầu tiên vào khai thác ở vùng cực bắc khu tự trị Nhenhexky sau chưa đầy 2 năm ký hợp đồng triển khai. Cả phía Việt Nam và Liên bang Nga đều công nhận đây là một kỷ lục.

Dự án cho sản lượng khai thác hiện tại là 21 – 22 nghìn thùng/ngày mang lại doanh thu 1,5 triệu USD. Sang năm 2011, hai bên sẽ nâng sản lượng khai thác tại dự án lên 15 triệu tấn dầu/năm, Tổng giám đốc Petro Vietnam Phùng Đình Thực cho biết.

Trước đó, ngày 22/6/2010 dòng dầu khí đầu tiên được khai thác tại Mỏ D30 thuộc Dự án SK305 ngoài khơi Malaysia (được triển khai trong khuôn khổ chương trình hợp tác 3 bên theo Thỏa thuận hợp tác chung về thăm dò khai thác dầu khí tại 3 quốc gia Việt Nam, Malaysia và Indonesia) đã đi vào hệ thống tiếp nhận và xử lý, chính thức đóng góp vào sản lượng khai thác dầu khí của Petro Vietnam. Hiện sản lượng trung bình của mỏ D30 đạt khoảng 4.730 thùng dầu và 7,83 triệu bộ khối khí/ngày.

Với tổng thực hiện đầu tư các dự án trong 6 tháng đầu năm 2010 của Tổng công ty thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP) – doanh nghiệp chủ lực của ngành dầu khí Việt Nam trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí tại nước ngoài – ước đạt 491 triệu USD, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng giám đốc PVEP cho biết, bên cạnh việc tham gia quản lý, điều hành trên 20 dự án dầu khí ở nước ngoài, PVEP đang tích cực triển khai nghiên cứu đánh giá các cơ hội tại các lô dầu khí ở nước ngoài, nhất là khu vực Nam Mỹ và các nước SNG...

Từ đầu năm 2010 đến nay, PVEP đã ký kết được hàng chục dự án mới, như lô Kossor – Uzbekistan, lô 51 Malay – Thổ Chu, lô 46/07 Malay – Thổ Chu... Đặc biệt, ngày 29/6/2010, PVEP đã ký kết Hợp đồng thành lập Công ty Liên doanh PetroMacareo quản lý Lô Junin 2 thuộc vành đai dầu Orinoco, Cộng hòa Boliva Venezuela – đây chính là hợp đồng có giá trị đầu tư lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại do PVEP triển khai kể cả trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, ông Sơn tiết lộ, hợp đồng “khủng” nhất của PVEP tính đến thời điểm hiện tại là Hợp đồng khai thác và cung cấp dầu siêu nặng tại lô Junin 2 – Venezuela với trữ lượng tại chỗ khoảng 36 tỷ thùng dầu thông qua Công ty Liên doanh PetroMacareo (PVEP 40% và CVP – thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Venezuela) – chiếm 60%).

PVEP đang cố gắng để có dòng dầu đầu tiên từ lô Junin 2 vào quý IV/2012 và phấn đấu khai thác sớm vào năm 2014 với sản lượng 50 ngàn thùng/ngày, khai thác đỉnh vào năm 2016 với sản lượng 200 ngàn thùng/ngày. Tổng đầu tư của toàn bộ dự án được dự kiến là 12 tỷ USD, trong đó, phần góp vốn của PVEP là 40%, tương đương 4,8 tỷ USD.

Điểm nhấn đáng chú ý trong năm qua, một số dự án do phía Việt Nam phối hợp với các đối tác nước ngoài cùng triển khai tại một nước thứ ba cũng được đẩy mạnh. Đơn cử như Tổ hợp bao gồm PVEP (Việt Nam) giữ 15%, Kufpec (Kuwait) giữ 25%, Petronas (Malaysia) giữ 30% và Petrofac (Anh) giữ 30% đang tham gia vào dự án Lô PM-304 tại Malaysia có sản lượng khai thác 14.000 thùng dầu/ngày.

Hiện Petro vietnam và một số doanh nghiệp thành viên cũng đang triển khai một loạt các dự án hợp tác về năng lượng, dầu khí cũng như khai mỏ tại Lào, Campuchia... với mục tiêu tăng thêm nguồn năng lượng dầu khí mang về nước. Bởi trong quá trình đổi mới và hội nhập, nền kinh tế Việt Nam phát triển rất nhanh, nhu cầu năng lượng phục vụ cho phát triển kinh tế của đất nước là rất lớn, nếu nền kinh tế phát triển 1 thì nhu cầu năng lượng ít nhất là 1,5 – 1,7, trong khi dầu khí là nguồn tài nguyên không tái tạo.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngành dầu khí, đầu tư ra nước ngoài tìm kiếm thăm dò dầu khí nói chung là đầu tư rủi ro, nhưng nếu thành công sẽ gặt hái lợi nhuận lớn. Để giảm thiểu rủi ro trong lĩnh vực đầu tư đầy mạo hiểm này, các nhà đầu tư phải bỏ “trứng” vào nhiều giỏ, đa dạng hóa cơ cấu đầu tư gồm cả các dự án thăm dò, dự án phát triển khai thác và dự án mua mỏ.

Điểm khác biệt giữa 2 mảng đầu tư này là đầu tư dự án thăm dò rủi ro cao nhưng có thể mang lại thành công lớn, còn đầu tư mua mỏ lợi nhuận không cao nhưng an toàn. “Nếu chỉ thăm dò thì có thể bị thua lỗ không bù được, nếu chỉ đầu tư một cách chắc chắn bằng việc mua mỏ thì sẽ không có sự đột phá để phát triển”, ông Trần Đức Chính, Chủ tịch Hội đồng thành viên của PVEP nhấn mạnh.

Hồng Thoan

tbktvn

Các tin tức khác

>   Kinh tế Việt Nam 10 năm tới: Phồn vinh sẽ phụ thuộc quyết sách (04/02/2011)

>   Để Việt Nam sánh bước cùng chuyển động thế giới (04/02/2011)

>   3 thách thức lớn của kinh tế Việt Nam trong năm 2011 (02/02/2011)

>   Lời giải cho tăng trưởng, lạm phát và tỷ giá (02/02/2011)

>   Kinh tế Việt Nam - Cải cách để nâng tầm vị thế quốc gia (02/02/2011)

>   Dấu ấn đột phá trong thu hút FDI (01/02/2011)

>   Tư duy thực tế để tiến xa (01/02/2011)

>   Về một “ông nghị” không ngại làm thiểu số (01/02/2011)

>   Khi Quốc hội không chỉ “thông qua” (01/02/2011)

>   Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Tôi suy nghĩ vào mỗi ban mai (01/02/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật