Kinh tế Việt Nam 10 năm tới: Phồn vinh sẽ phụ thuộc quyết sách
Vượt qua ngưỡng của một nước có thu nhập thấp, kinh tế Việt Nam trong tầm nhìn 10 năm tới như thế nào? Bước vào năm “khởi động” 2011, nhiều chuyên gia cho rằng thế và lực Việt Nam sẽ có bước tiến vượt bậc nếu chúng ta thay đổi phương pháp điều hành, có quyết sách nhằm tái cơ cấu để Việt Nam vượt những ngưỡng giới hạn hiện tại, phát triển nhanh trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.
|
Trung tâm TP.HCM nhìn từ Thủ Thiêm |
TS Nguyễn Đình Cung, viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương:
Phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng
|
TS Nguyễn Đình Cung |
Chính phủ đã chính thức thông qua đề án tái cơ cấu nền kinh tế và Thủ tướng đã có yêu cầu gắn đề án với Chiến lược phát triển kinh tế xã hội năm năm 2011-2015. Chiến lược có đoạn nói khá rõ mục tiêu theo đúng như mục tiêu của đề án tái cơ cấu nền kinh tế. Như vậy, có thể khẳng định việc tái cơ cấu đã được khởi động về mặt chủ trương.
Trong đề án tái cơ cấu nền kinh tế, chúng tôi đặt yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Mặc dù không đưa ra quá cụ thể phải tái cơ cấu những gì, việc cụ thể thế nào, nhưng đặt ra ba mục tiêu rất rõ: phải nâng cao cho được năng suất lao động, hiệu quả đầu tư, tăng được năng lực cạnh tranh.
Đồng thời phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Mô hình trong 20 năm qua chúng ta đã dựa vào vốn đầu tư, lao động giá rẻ, tài nguyên. Năng suất của chúng ta nếu cứ giữ mô hình hiện nay sẽ không vượt quá năng suất của mấy ngành chế tạo dùng nhiều lao động. Nghĩa là nó có trần thấp. Ta hiện cứ phải bỏ vốn vào mới tăng trưởng.
Còn cái con người tự tạo ra giá trị tăng trưởng không nhiều. Hai năm gần đây rất rõ, ta đặt mục tiêu tăng trưởng, không cách gì khác phải bỏ vốn. Cái nhanh nhất là nới lỏng chính sách tiền tệ, thu hút đầu tư mà không chú ý chất lượng, hệ quả là lạm phát. Cái giá phải trả cho một đơn vị tăng trưởng nho nhỏ là bất ổn vĩ mô, là hủy hoại tăng trưởng dài hạn. Không cách nào khác, Việt Nam muốn phát triển bền vững cần tăng trưởng dựa vào hiệu quả. Giống một con tàu, khi anh bẻ lái có thể sẽ bị giảm tốc trong năm năm, nên trong năm năm này không nên đặt nặng mục tiêu tăng trưởng.
Trong số rất nhiều việc phải làm, như tái cơ cấu thành phần kinh tế, cơ cấu vùng, ngành, theo tôi, cần tập trung vào cái có thể dễ làm nhất, rẻ tiền nhất: tăng hiệu quả đầu tư nhà nước, hiệu quả hoạt động, minh bạch thông tin của doanh nghiệp nhà nước. Nếu triển khai chính sách tái cơ cấu khu vực nhà nước đúng sẽ lôi kéo các khu vực khác, cả nền kinh tế theo hướng hiệu quả, chất lượng.
Sau khi bẻ lái thành công, viễn cảnh tăng trưởng của Việt Nam sẽ khác, chúng ta sẽ không phải chịu cảnh khó khăn do đồng tiền mất giá, lạm phát cao, đầu tư thấp nhưng hiệu quả cao, thu nhập của người dân sẽ tăng trên thực tế, chứ thu nhập đầu người Việt Nam hiện nay có những yếu tố từ đầu tư nước ngoài, tức chủ yếu tăng thu nhập người nước ngoài chứ không phải Việt Nam… Tái cơ cấu là quá trình dài, nhưng năm 2011 phải khởi động ngay.
Ông Phùng Hoàng Cơ, phó chủ tịch HĐQT Công ty VietNam Report:
Khu vực tư đang lớn nhanh
Qua xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2010 của Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (VietNam Report) và báo điện tử VietNamNet với sự cố vấn của GS John Quelch, phó hiệu trưởng Harvard Business School, điều đáng mừng là khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam đã “lớn” với tốc độ thấy rõ qua từng năm. 10 năm tới, tiềm lực của các doanh nghiệp này có thể sẽ khác xa hiện nay.
Mặc dù trong top 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam hầu hết là các tập đoàn, tổng công ty lớn, nhưng nếu tính riêng các doanh nghiệp tư nhân, top 10 doanh nghiệp lớn nhất cũng đã có những tên tuổi lớn, được biết đến nhiều không kém các tập đoàn nhà nước, như Công ty Vinamilk, FPT, Ngân hàng Á Châu…
Không chỉ khẳng định được vị thế của mình trong nền kinh tế, tỉ lệ doanh nghiệp khối tư nhân có mặt trong bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500) đã lần lượt tăng đều qua các năm. Nếu như trong bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất năm 2008, số doanh nghiệp của khu vực tư nhân có tên trong danh sách chiếm 24% thì đến năm 2009 là 30% và năm 2010 tăng lên tới 31,2%.
Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi khu vực kinh tế nhà nước, với nhiều tập đoàn, tổng công ty có những ưu đãi nhất định và đã hình thành từ lâu, chỉ chiếm khoảng 46% và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ khoảng 23,8%.
Tháng 10-2010, VietNam Report công bố báo cáo nghiên cứu hành vi sử dụng Internet tại Việt Nam nhằm khảo sát mức độ truy cập Internet cũng như đánh giá của người đọc về chất lượng các trang điện tử tại Việt Nam. Theo đó, trong số các báo điện tử hiện nay, Tuổi Trẻ Online (TTO) dẫn đầu về chất lượng với tỉ lệ bình chọn “rất tốt” của người đọc là 54,5%, tiếp đến là VietNamNet 50,2%, VNExpress 39,8%... Kết quả này cũng chỉ ra rằng TTO và VietNamNet sẽ là kênh truyền thông hiệu quả cho những thương hiệu vì đối tượng đọc là những người có khả năng kiếm tiền tốt.
Tuy nhiên, có một điều cần lưu ý để doanh nghiệp tư nhân cần tìm hướng giải quyết để “lớn” thật sự, đó là hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa cao. Theo phân tích của chúng tôi, các doanh nghiệp FDI trong bảng xếp hạng năm 2010 có hiệu quả kinh doanh tốt nhất với tỉ lệ lợi nhuận trên vốn khoảng 13%, cao hơn gấp đôi so với khu vực nhà nước (5,2%) và lớn hơn rất nhiều so với khu vực tư nhân (chỉ 2,5%).
Điều này cho thấy thực trạng hiệu quả kinh doanh và đầu tư của khối doanh nghiệp trong nước, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, vẫn ở mức thấp trong nhiều năm qua.
Tính tổng quát, điều đáng mừng nữa là các doanh nghiệp trong VNR500 năm 2010 ngày càng chứng tỏ được sức mạnh của mình với top 20 doanh nghiệp đầu tiên trong bảng xếp hạng đủ điều kiện gia nhập câu lạc bộ doanh thu 1 tỉ USD.
Thực tế, mức doanh thu trung bình của nhóm 20 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam đã đạt tới 2,7 tỉ USD/năm. Như vậy, các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam đang ngày càng thu hẹp khoảng cách với các doanh nghiệp trên toàn cầu. Vì nếu xếp theo đúng các tiêu chí thì top 50 doanh nghiệp đầu tiên trong VNR500 năm 2010 có đủ tiêu chí về doanh thu để có thể đứng trong bảng xếp hạng Forbes về top 2.000 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu.
Ông Vũ Văn Trường vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính:
Chính sách thuế sẽ hỗ trợ sản xuất
Trong điều kiện Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, chính sách thuế đã điều chỉnh theo hướng nhịp nhàng, linh hoạt hơn. Theo tôi, quan điểm thuế Việt Nam hỗ trợ sản xuất rất rõ. Như tại các nước, nhiều khi dầu diesel giá cao hơn cả giá xăng, nhưng với các công cụ can thiệp về thuế, tài chính, giá diesel của Việt Nam luôn được giữ ở mức hỗ trợ cao nhất cho sản xuất vì đây là đầu vào quan trọng.
Ngoài ra, các chính sách thuế về xuất nhập khẩu nông sản, nguyên liệu… đã và sẽ luôn được quyết định dựa trên nhu cầu thực tế nền sản xuất, do cơ sở báo lên. Chính sách thuế sẽ dần hạn chế việc xuất khẩu sản phẩm thô, khoáng sản nhưng luôn hỗ trợ nông dân bán được hàng hóa. Như da cá sấu, đó là mặt hàng nguyên liệu, đúng ra không khuyến khích, đã từng được đề nghị mức thuế suất 5% nhưng sau khi xem lại, thấy khả năng chế biến trong nước thấp nên thuế đã được hạ xuống cơ bản bằng 0.
Hay như vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội nêu là Việt Nam sản xuất nông sản hàng đầu mà vẫn nhập khẩu rất nhiều ngô về làm thức ăn chăn nuôi. Chúng tôi đã thống nhất được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tăng sản lượng ngô trong nước, hướng tới 1 triệu ha trồng ngô. Việc nhập khẩu ngô vì thế cũng sẽ được tính toán tăng thuế để khuyến khích sản xuất, giảm phụ thuộc nước ngoài. Các chính sách thuế sẽ bám chặt với nhu cầu thực tiễn từ cơ sở để thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế.
GS.TS Nguyễn Mại chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài:
Từ bỏ hành động theo cách nước nghèo
Nhiều nước nhìn Việt Nam đến năm 2020 rất “ghê gớm”. Tuy nhiên, trong nhà ta lại thấy Việt Nam còn nhiều cái bất cập cần thay đổi để có thể thật sự mạnh vào năm 2020.
Theo tôi, điều Việt Nam cần đặc biệt quan tâm là mô hình tăng trưởng. 10 năm qua, Việt Nam tăng trưởng theo mô hình cổ điển, thâm dụng vốn và lao động. Chỉ số ICOR cao (đồng nghĩa với hiệu suất kinh tế thấp) có thể đã thuộc bậc nhất thế giới chỉ là hệ quả. 10 năm tới, vấn đề lớn nhất của Việt Nam phải là đổi mô hình tăng trưởng dựa trên thay đổi thể chế kinh tế. Thể chế này phải phù hợp, năng động, đặc biệt phải thích ứng tình hình sau khủng hoảng.
Các nước đều đang điều chỉnh chiến lược, chính sách sau khủng hoảng và chúng đều sẽ có ảnh hưởng đến Việt Nam. Cần thay đổi cách tiếp cận, giải quyết các vấn đề nảy sinh của nền kinh tế. Như tư duy đối sách năm 2009, chúng ta ưa dùng giải pháp cục bộ, tạm thời, nhiều khi rất kịch tính để đối phó lạm phát, khủng hoảng. Chính sách dài hơi, tổng thể, đem lại hiệu quả bền vững, lâu dài cần được tính đến và ưu tiên thay vì giải pháp nhất thời.
Vấn đề thứ hai là Việt Nam cần có nền công nghệ, nền hành chính bài bản hơn. Từ năm 2010 ta đã thấy cách làm có khác hơn. Chúng ta đã cải cách thủ tục hành chính từ những năm 2000, nhưng “chém” các thủ tục này giống như chém mãng xà, chém đầu này nó sẽ mọc đầu khác. Thực tế, vẫn với cơ chế như nhau nhưng có nơi làm rất tốt, thủ tục hành chính rất ít, dân khen. Ta nên lấy mô hình tốt áp đặt cho các cơ quan khác, buộc thực hiện trong sáu tháng đến một năm phải làm được chứ không nên chỉ dừng lại ở việc yêu cầu đơn giản hóa 30%, vì có thể đơn giản hóa chỗ này nó lại được ghép vào chỗ khác.
Để điều hành hiệu quả, đề cao trách nhiệm cá nhân là đúng nhưng phải làm rõ nó như thế nào, như yêu cầu một chức danh trong một thời gian nhất định phải giải quyết được những vấn đề gì. Trong chiến lược, không nên chỉ báo cáo trước Quốc hội đến năm 2020 sẽ làm 5.000km đường cao tốc hay cái gì đó. Đến năm 2020 tất cả những người đọc báo cáo đã về hưu. Phải báo cáo năm 2011 làm bao nhiêu đường cao tốc. Nếu không thực hiện được phải xử lý ngay để tiếp bước đà phát triển, không bị giậm chân tại chỗ.
Tóm lại, Việt Nam sẽ thay đổi, nhưng nhanh hay chậm, tốt hay sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phụ thuộc vào chính cách làm, phương pháp làm. Dù làm thế nào, điều cần nhận ra là Việt Nam cần phải dứt khoát chuyển sang giai đoạn mới vì ta đã thoát khỏi nước có thu nhập thấp. Cách làm của người thu nhập trung bình, trung lưu cần rất khác cách làm của người nghèo.
TS Phan Đăng Tuất, viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp Bộ Công thương:
Tạo hệ thống “vườn ươm”doanh nghiệp
Trong giai đoạn 2000-2010, đã có những bước chuyển dịch quan trọng trong công nghiệp của Việt Nam. Công nghiệp khai thác từ chỗ giữ tỉ trọng tới 15% năm 2000 đã giảm còn 8,5% năm 2008. Công nghiệp chế biến có tỉ trọng từ 78,6% năm 2000 đã tăng lên 86,3% năm 2008. Nếu nói công nghiệp là ngành xương sống tạo ra mũi nhọn đột phá thì Việt Nam vẫn còn nhiều việc chưa làm và sẽ phải làm.
Trong những năm qua, tốc độ gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp của Việt Nam liên tục tăng nhưng tốc độ tăng giá trị tăng thêm từ chính sản xuất công nghiệp lại không tăng nhanh tương ứng. Điều đó chứng tỏ công nghiệp của chúng ta vẫn phát triển chủ yếu theo bề rộng, lắp ráp, gia công là chính, chưa có đột phá về công nghệ. Đặc biệt, chỉ số ICOR trong công nghiệp cũng tăng, năm 2000 mới ở mức 2,29%, năm 2006 lên 3,1% và năm 2007 lên 3,56% cho thấy hiệu quả đầu tư có giảm.
Trong 10 năm tới, muốn có thay đổi mạnh mẽ để công nghiệp hóa, hiện đại hóa, theo tôi, đã đến lúc cần định hướng về quy mô cho nền sản xuất công nghiệp của Việt Nam, theo hướng khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành này. Hiện công nghiệp quốc doanh có xu hướng giảm, công nghiệp dân doanh có xu hướng tăng nhanh, vì vậy cần định hướng tránh việc khép kín trong sản xuất công nghiệp tại các tập đoàn, nghĩa là để họ tự làm từ A đến Z. Điều này sẽ đi ngược lại phân công chuyên môn hóa, tối ưu hóa trong sản xuất. Để tái cơ cấu ngành công nghiệp, không thể chỉ kêu gọi mà cần thực hiện đồng bộ chính sách từ đầu tư tài chính, thu hút đầu tư đến tiền lương… khuyến khích xây dựng ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.
Muốn khuyến khích công nghệ cao, theo tôi, cần ban hành danh mục ngành công nghiệp bị kiểm soát và hạn chế đầu tư, thẳng thắn trong việc đưa ra danh mục ngành tạm thời không cấp phép đầu tư. Chúng ta đã nói nhiều đến phát triển công nghiệp hỗ trợ, đây là bài học thành công của nhiều nước. Nên cần thành lập cơ quan điều phối đủ mạnh để đưa ra kế hoạch, chính sách phát triển ngành này một cách nhất quán và có hiệu lực.
Không có nền sản xuất công nghiệp mạnh, Việt Nam khó có nền tảng vững chắc để phát triển. Muốn phát triển công nghiệp, chính sách nhà nước cần chú trọng tạo cả một hệ thống “vườn ươm” doanh nghiệp với các cơ chế rõ ràng khuyến khích phát triển, nâng đỡ phát triển các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp. Cần xác định những đối tác chiến lược cho công nghiệp Việt Nam để định hướng phát triển. Đặc biệt, việc tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp công nghiệp quốc doanh cần được tiến hành mạnh mẽ, làm động lực cho các tái cơ cấu khác.
Cầm Văn Kình thực hiện
TUỔI TRẺ
|