Thứ Bảy, 05/02/2011 20:26

Thu hút FDI theo hướng chọn lọc

Năm 2011, mục tiêu thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đưa ra là khoảng 20 tỷ USD và vốn FDI thực hiện đạt 11 - 11,5 tỷ USD.

Ðây là mục tiêu khá khiêm tốn so với số vốn FDI đăng ký (18,59 tỷ USD) và số vốn FDI thực hiện (11 tỷ USD) đã đạt được trong năm 2010. Bởi theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, năm 2011, hoạt động đầu tư nước ngoài sẽ không chạy theo số lượng mà tập trung nâng cao chất lượng các dự án FDI.

Kết thúc năm 2010, vốn FDI thực hiện đạt 11 tỷ USD, tăng 11% so với năm trước, trong đó vốn thực hiện của các nhà đầu tư nước ngoài đạt khoảng 8 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2009 và vượt mức dự kiến cho năm 2010. Tiếp tục đà giải ngân này, tháng đầu tiên của năm nay, vốn FDI thực hiện tiếp tục đạt cao, ở mức 420 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2010. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN FDI cũng tiếp tục có dấu hiệu khả quan khi kim ngạch xuất khẩu của các DN này trong tháng 1-2011 dự kiến đạt 3,17 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ và chiếm 53% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nếu không tính dầu thô, khu vực FDI dự kiến xuất khẩu đạt 2,7 tỷ USD, chiếm 45% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và tăng tới 13,6% so với cùng kỳ năm 2010. Thứ trưởng Ðặng Huy Ðông khẳng định: 'Chúng tôi không bao giờ chỉ chú trọng thuần túy vốn FDI đăng ký. Con số FDI đăng ký chỉ là 'hàn thử biểu' của môi trường đầu tư, nhiều khi cũng không chính xác hoàn toàn. Ngược lại, chúng tôi rất quan tâm đến con số FDI thực hiện, luôn hỗ trợ các DN FDI đẩy mạnh giải ngân. Thông thường, giữa vốn đăng ký và vốn thực hiện thường có khoảng cách bởi vốn thực hiện có độ trễ nhất định'.

Với  187,6 triệu USD, vốn FDI đăng ký trong tháng 1 tuy chỉ bằng 15,7% so với cùng kỳ năm 2010 nhưng lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tiếp tục là lĩnh vực dẫn đầu về thu hút FDI, với 15 dự án đầu tư với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 70 triệu USD, chiếm 37,3% tổng vốn đầu tư đăng ký trong tháng 1. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Ðặng Huy Ðông cho rằng, dấu hiệu này cho thấy xu hướng dòng vốn đầu tư vào các lĩnh vực chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì ở mức cao trong năm 2011. Ðây là lĩnh vực có thể tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, có giá trị gia tăng cao và đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách Nhà nước. Ðứng thứ hai về thu hút FDI trong tháng 1 là lĩnh vực xây dựng với chín dự án đầu tư, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 63,6 triệu USD, chiếm 33,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Như vậy, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng vẫn tiếp tục chiếm tỷ trọng cao trong tổng số vốn FDI đăng ký, tạo nền tảng giải ngân vốn FDI một cách bền vững.

Theo Thứ trưởng Ðặng Huy Ðông, trong năm 2011, việc thu hút FDI sẽ thực hiện theo hướng chọn lọc hơn và trọng tâm là thu hút các dự án cơ sở hạ tầng; sử dụng công nghệ cao; công nghệ sạch và có khả năng tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh; các dự án sản xuất hàng xuất khẩu; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu... Năm 2010, đã xuất hiện tình trạng dòng vốn FDI dựa vào lực lượng lao động giá rẻ của Việt Nam đã giảm, chuyển dần sang các nước khác. Trước xu hướng chuyển dịch này, cần tập trung thu hút FDI vào những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, hàm lượng chất xám cao. Hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả của một loạt các tập đoàn đa quốc gia như Intel, Samsung... tại Việt Nam sẽ là cơ hội để kéo theo nhiều doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ đầu tư vào nước ta.

Ðể thu hút dòng vốn FDI đúng mục tiêu và định hướng, trong năm 2011, công tác xúc tiến đầu tư cần tiếp tục được đổi mới theo hướng bố trí các nguồn lực để xúc tiến đầu tư theo chuyên đề, theo ngành, lĩnh vực và theo vùng, miền. Không xúc tiến đầu tư theo địa giới hành chính để bảo đảm tính liên kết vùng, miền, tận dụng tối đa các tiềm năng thế mạnh của vùng, miền và giảm đầu tư theo phong trào, theo thành tích.

Năm qua, công tác thanh tra, kiểm tra các dự án FDI được đẩy mạnh, nhất là các dự án trong các lĩnh vực bất động sản, trồng rừng, khoáng sản... và đã kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc để tháo gỡ, khắc phục. Năm 2011, công tác thẩm tra, cấp giấy chứng nhận đầu tư cũng như công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động đầu tư nước ngoài cũng cần được tăng cường hơn nữa. Thứ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Ðặng Huy Ðông cho biết thêm, đối với những dự án đầu tư quy mô lớn, đặc biệt là các dự án có sử dụng đất lớn, có khả năng gây ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiều tài nguyên khoáng sản nếu không có chế biến sâu, các dự án tiêu tốn nhiều năng lượng... sẽ được xem xét kỹ càng hơn, chặt chẽ, bảo đảm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong nước cũng như phát triển bền vững. Những dự án đầu tư chậm được triển khai sẽ được phân loại để có biện pháp xử lý phù hợp, trong đó có việc xem xét rút giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật để tạo cơ hội cho các nhà đầu tư khác thật sự có tiềm năng và năng lực triển khai tham gia đầu tư.

Thu Hà

Nhân Dân

Các tin tức khác

>   Đầu tư khai thác dầu khí: Bỏ “trứng” vào nhiều giỏ (05/02/2011)

>   Kinh tế Việt Nam 10 năm tới: Phồn vinh sẽ phụ thuộc quyết sách (04/02/2011)

>   Để Việt Nam sánh bước cùng chuyển động thế giới (04/02/2011)

>   3 thách thức lớn của kinh tế Việt Nam trong năm 2011 (02/02/2011)

>   Lời giải cho tăng trưởng, lạm phát và tỷ giá (02/02/2011)

>   Kinh tế Việt Nam - Cải cách để nâng tầm vị thế quốc gia (02/02/2011)

>   Dấu ấn đột phá trong thu hút FDI (01/02/2011)

>   Tư duy thực tế để tiến xa (01/02/2011)

>   Về một “ông nghị” không ngại làm thiểu số (01/02/2011)

>   Khi Quốc hội không chỉ “thông qua” (01/02/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật