Thứ Năm, 13/01/2011 10:49

TTCK, nhìn lại để bước tiếp

Đứng từ góc độ chu kỳ của chính sách tiền tệ, chúng tôi lạc quan hơn về khả năng tăng trưởng của VN-Index trong năm 2011 so với năm 2010, mặc dù các cơ hội có thể chưa xuất hiện ngay những tháng đầu năm.

2010 nhìn chung là một năm đi lùi của TTCK Việt Nam. Nguyên nhân chính là do kinh tế vĩ mô không thuận lợi, dù tăng trưởng GDP vượt chỉ tiêu đề ra. Trong khi đó, kỳ vọng của NĐT vào kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính năm 2010 quá cao, như kỳ vọng về khả năng kiềm chế lạm phát, về tỷ giá ổn định, về tăng trưởng tín dụng và dòng tiền nóng, về các công cụ đầu tư mới cho TTCK…

Sự cộng hưởng của các kỳ vọng không được hiện thực hóa và các sự kiện không mong muốn xảy ra (như nợ công châu Âu, Vinashin) đã khiến TTCK sụt giảm và giao dịch trầm lắng. Chúng tôi đánh giá nguyên nhân này tác động tới tâm lý NĐT lớn hơn cả các vấn đề kinh tế vĩ mô và việc thị trường đi lùi không phải là rủi ro lớn nhất, mà dòng tiền suy giảm mới thực sự đáng quan tâm.

Dòng tiền trên TTCK suy giảm mạnh mang tới những rủi ro đáng chú ý sau:

- Dòng tiền suy yếu đi liền với tâm lý NĐT không ổn định, kém lạc quan, tạo nên rủi ro thanh khoản.

- Khi lãi suất tăng cao, giá vàng và ngoại tệ đều "leo thang", TTCK với thanh khoản thấp sẽ càng trở nên kém hấp dẫn. Khi dòng tiền bị rút khỏi thị trường thì cơ hội tăng trưởng càng giảm đi ngay cả khi các yếu tố vĩ mô có sự cải thiện. TTCK sẽ cần cú hích mạnh hơn để thay đổi xu hướng.

- TTCK kém hấp dẫn đối với NĐT nước ngoài.

Kỳ vọng vĩ mô 2011 hợp lý tạo cơ hội tăng trưởng cho TTCK

Trước những khó khăn về kinh tế vĩ mô hiện nay, kỳ vọng của NĐT cuối năm 2010 về tương lai 2011 khá thận trọng, nhìn chung có thể tóm tắt ở các điểm sau:

- Chính sách tiền tệ: Tiếp tục thắt chặt cho tới ít nhất giữa năm 2011.

- Tăng trưởng tín dụng: Thấp hơn năm 2010 do áp lực lạm phát.

- Tăng trưởng GDP: Cao hơn năm 2010, nhưng không có đột phá (7 - 7,5% so với 6,8% năm 2010).

- Mặt bằng lãi suất: Khó có khả năng cải thiện ngay trong ngắn hạn.

- Lạm phát: Không dễ xử lý ngay trong ngắn hạn và sẽ tiếp tục là rủi ro lớn nhất của kinh tế vĩ mô Việt Nam.

- Tỷ giá: Mở rộng khả năng tiếp tục nới lỏng biên độ tỷ giá chính thức thêm khoảng 3 - 5%.

- TTCK: Tăng trưởng, nhưng không có đột phá. Chẳng hạn, SSI nhận định VN-Index sẽ kết thúc năm 2011 ở mốc 500 - 520 điểm.

Như vậy, so với kỳ vọng của NĐT cuối năm 2009 về năm 2010, kỳ vọng của NĐT cuối năm 2010 về 2011 khá cẩn trọng. Chúng tôi nhận định, đây chính là cơ hội lớn cho TTCK Việt Nam năm 2011 nếu triển vọng kinh tế vĩ mô sáng sủa hơn và chính sách tiền tệ có thể ổn định và có khả năng nới lỏng sớm hơn.

TTCK sẽ có cơ hội tăng trưởng cao hơn kỳ vọng nếu được hỗ trợ bởi các yếu tố sau:

- Lạm phát nhanh chóng được kiểm soát ngay sau Tết Nguyên đán (từ tháng 3/2011 trở đi).

- Tỷ giá trên thị trường tự do giảm dần và ổn định hơn, dao động trong khoảng 20.500 - 21.000 VND/USD.

- Giá vàng ổn định dài hạn ở mốc 1.400 USD/ounce, giảm áp lực dòng tiền chảy từ TTCK sang kênh đầu tư khác.

- Mặt bằng lãi suất giảm dần về mức đáy của năm 2010 (lãi suất cho vay khoảng 12 - 14%) trong quý II/2011.

Chính sách tiền tệ hướng tới trung và dài hạn sẽ phát huy tác dụng năm 2011

Từ giữa tháng 11/2010, NHNN mạnh tay áp dụng hàng loạt biện pháp thắt chặt tiền tệ trực tiếp hay gián tiếp để kiểm soát lạm phát và sức mạnh đồng nội tệ. Ngay sau các biện pháp này, lạm phát và lãi suất nhanh chóng đạt mức cao nhất trong nhiều tháng trở lại đây và cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2009. Chúng tôi nhận định, đây là những điều chỉnh tất yếu và sẽ hoàn thành cơ bản trong tháng 1/2011. Do Tết Nguyên đán rơi vào tháng 2 nên thị trường có khả năng sẽ ổn định trở lại bắt đầu từ tháng 3; có nghĩa là chính sách tiền tệ hiện nay có lợi cho trung và dài hạn. Nếu diễn biến thị trường thế giới tích cực, đặc biệt là giá vàng ổn định thì "đáy" của chính sách tiền tệ sẽ đi lên từ cuối năm 2010 và có thể đạt "đỉnh" trong năm 2011, tức là TTCK sẽ được hưởng lợi. Nhiều khả năng chu kỳ tăng điểm chính của TTCK năm 2011 sẽ rơi vào 6 tháng cuối năm. Kịch bản lạc quan có thể xảy ra ngay trong quý II nếu NĐT đón đầu trước triển vọng kinh tế vĩ mô.

Những yếu tố tác động tới dòng tiền vào TTCK 2011

Chúng tôi giữ nguyên nhận định từ năm 2010, đó là thị trường hiện nay không thiếu vốn, vấn đề chính là dòng tiền đi về đâu. Dòng tiền vào TTCK năm 2011 tăng hay giảm so với năm 2010 sẽ phụ thuộc vào:

- Sự hấp dẫn của các kênh đầu tư khác, cụ thể là 3 lựa chọn chủ chốt gồm vàng, ngoại tệ và bất động sản (BĐS). Vàng và ngoại tệ có lẽ là 2 thị trường khó dự đoán nhất, do phụ thuộc vào kinh tế thế giới. Nếu vàng và ngoại tệ ổn định, dòng tiền sẽ ưu tiên TTCK và BĐS, trong đó 2 thị trường này có sự liên thông với nhau rất lớn.

- Khả năng thu hút dòng tiền nóng của Việt Nam sau thất bại năm 2010. Nhiều quỹ đầu tư lớn như Dragon Capital, VinaCapital, Mekong Capital… đều khẳng định kế hoạch có thêm quỹ mới năm 2011. Nếu được hiện thực hóa, dòng tiền từ khối ngoại có khả năng sẽ tác động tích cực tới thị trường.

- Niềm tin của NĐT vào chính sách vĩ mô, đặc biệt từ NHNN và UBCK, với các chính sách ổn định và lộ trình cụ thể hơn.

Về các quỹ đầu tư nước ngoài, chúng tôi lạc quan nhưng vẫn thận trọng về khả năng các quỹ này sẽ giải ngân mạnh vào TTCK Việt Nam năm 2011, đặc biệt là 6 tháng đầu năm. Sau một năm 2010 mờ nhạt, vai trò của NĐT nước ngoài chỉ có cơ hội được cải thiện nếu: 1) cam kết mở thêm các quỹ mới của các tên tuổi lớn như đã đề cập ở trên được hiện thực hóa; thị trường có thêm ít nhất 500 triệu USD mới dành cho cổ phiếu; 2) các quỹ đầu tư khu vực để ý và giải ngân nhiều hơn vào Việt Nam. Trong tháng 12/2010, Goldman Sachs đã có 2 khoản đầu tư khá lớn vào TTCK và đây là những tín hiệu tích cực; 3) các mã blue-chip sẽ lấy lại "phong độ" dẫn dắt thị trường.

Tác động từ thị trường thế giới

Trong điều kiện bình thường, mối quan hệ giữa Dow Jones và VN-Index khá lỏng lẻo. Tuy nhiên, NĐT chắc hẳn vẫn chưa quên ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu tháng 4 - 5/2010 tới TTCK trong nước. Trong khoảng gần 10 tuần, VN-Index gần như là bản sao của các chỉ số chứng khoán thế giới.

Thời gian gần đây, chưa có những cảnh báo lớn về thị trường tài chính thế giới có khả năng ảnh hưởng dây chuyền tới Việt Nam, nhưng chúng tôi nhận định, một số sự kiện đáng lưu ý sau có khả năng tác động đến TTCK trong nước trong năm 2011:

- Trung Quốc nâng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát và giảm tăng trưởng nóng. Quyết định này có thể làm giảm đà tăng trưởng của kinh tế thế giới và ảnh hưởng trực tiếp đến một số ngành trọng điểm của Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu.

- Ẩn số từ giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ châu Âu luôn có nguy cơ bùng phát trở lại bất kỳ thời điểm nào, mà ứng cử viên tiếp theo vẫn là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Italia.

- Các chính sách của Chính phủ Mỹ luôn có quy mô rất lớn và ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách tiền tệ của các nền kinh tế toàn cầu. Chu kỳ nới lỏng hay thắt chặt chính sách tiền tệ của các khu vực và các nước lớn đều phụ thuộc chặt chẽ vào nền kinh tế Mỹ.

Những nhóm ngành có cơ hội tăng trưởng mạnh

Chúng tôi nhận định 3 nhóm ngành có khả năng tăng trưởng mạnh nhất năm 2011, bao gồm:

- Nhóm ngành có yếu tố cơ bản tốt hơn mặt bằng chung, đặc biệt là tăng trưởng lợi nhuận và thu nhập cơ bản trên 1 cổ phiếu (EPS). Đây là các nhóm ngành thường có tỷ lệ vay thấp, thị trường và tỷ suất lợi nhuận ổn định, tăng trưởng cao. Một số nhóm ngành cụ thể đáng chú ý là hàng tiêu dùng cơ bản (thực phẩm, đồ uống, bánh kẹo, …); dịch vụ tiêu dùng; cao su tự nhiên (phụ thuộc vào giá cao su thế giới, chỉ số cơ bản tốt nhưng khả năng tăng trưởng đột biến năm 2011 so với 2010 không cao); công nghệ thông tin, viễn thông; một số công ty dược phẩm đầu ngành.

- Nhóm ngành phục hồi do giảm quá "giá trị thực" so với tiềm năng trung và dài hạn. Kinh nghiệm từ nhóm ngành ngân hàng cuối năm 2010 cho thấy, cơ hội đầu tư có thể đến từ chính các mã cổ phiếu đã suy giảm mạnh so với mặt bằng chung của thị trường. Cơ hội đầu tư này thường xuất hiện ở các nhóm ngành có sự suy giảm mạnh nhất trong cùng một thời gian so với các nhóm ngành khác, do ảnh hưởng bởi các yếu tố ngắn hạn, nhưng vẫn được coi là các nhóm ngành tiềm năng trong trung và dài hạn. Một số nhóm ngành/cổ phiếu đáng chú ý là: 1) Nhóm ngành ngân hàng, tài chính. Hiện nay, mặt bằng giá vẫn khá thấp, so với mặt bằng chung vẫn suy giảm mạnh hơn. 2) Nhóm cổ phiếu chứng khoán. Nhóm này thường suy giảm mạnh hơn thị trường trong thời gian thị trường điều chỉnh sâu và tăng mạnh hơn thị trường khi thị trường hồi phục. 3) Nhóm ngành mang tính chất đầu cơ cao, bao gồm bất động sản, "họ" Vinaconex và điện lực, chứng khoán, khoáng sản.

Nhìn chung, đứng từ góc độ chu kỳ của chính sách tiền tệ, chúng tôi lạc quan hơn về khả năng tăng trưởng của VN-Index trong năm 2011 so với năm 2010, mặc dù các cơ hội có thể chưa xuất hiện ngay những tháng đầu năm. Mắt xích của TTCK năm 2011 nằm ở 2 vấn đề chính là tỷ giá và lạm phát. Chỉ cần tỷ giá ổn định (không nhất thiết phải đi xuống) và lạm phát ở mức 1 con số, VN-Index hoàn toàn có khả năng chinh phục lại mốc đỉnh của năm 2010 (xấp xỉ 550 điểm).

Khối Phân tích Đầu tư CTCK SME

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Năm 2011, cơ quan quản lý ưu tiên “trả nợ” thị trường (12/01/2011)

>   Thị trường ngày 13/01 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (12/01/2011)

>   KST phải giải trình việc cổ phiếu giảm sàn 5 phiên liên tiếp (12/01/2011)

>   Không lo vốn chảy sang Lào (12/01/2011)

>   "NĐT có cơ hội hưởng lợi kép từ CCQ dài hạn" (12/01/2011)

>   UPCoM-Index bất ngờ mất mốc 45 điểm (12/01/2011)

>   Ngày 12/01: Khối ngoại lập kỷ lục bán ròng trong 7 tháng (12/01/2011)

>   Cổ phiếu chứng khoán: Ẩn số lợi nhuận (12/01/2011)

>   UPCoM: “Khoảng hở” trong tính chỉ số (12/01/2011)

>   Thị trường chứng khoán 2011: Nhiều động lực phát triển (12/01/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật