Thị trường ngày 13/01 dưới góc nhìn công ty chứng khoán
(Vietstock) - Nhà đầu tư nên duy trì tỷ lệ tiền mặt cao và quan sát tình thế thị trường tại vùng hỗ trợ. Nếu lực cầu cải thiện dần khi VN-Index rơi về gần 470 điểm thì có thể xem xét giải ngân. Nhưng rủi ro cho lướt sóng vẫn khá cao với phần lớn các cổ phiếu, do vậy giải ngân vào giai đoạn này phù hợp với mục tiêu đầu tư trung hạn.
Thị trường cần thời gian tích lũy
CTCK Âu Việt (AVS) mặc dù VN-Index chỉ giảm nhẹ nhưng khá nhiều cổ phiếu đã giảm về ngưỡng 430 - 450 điểm, làm không ít nhà đầu tư đang cầm cổ phiếu tỏ ra mất kiên nhẫn và chấp nhận bán ra với giá thấp. Qua đó, làm khá nhiều cổ phiếu hiện tại đã rơi vào vùng giá tương đối hấp dẫn.
Với những diễn biến trong phiên giao dịch vừa qua, nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu không nên quá lo lắng trước diễn biến của thị trường. Những phiên giảm điểm vừa qua với khối lượng thấp cho thấy áp lực bán ra hiện tại không lớn.
Về phương diện kỹ thuật, chỉ báo Stochastic Oscillator đã đi vào vùng quá bán. Do đó thị trường có thể chững lại và bật lên trong một vài phiên sắp tới là hoàn toàn cố thể xảy ra.
Vietstock nhận định:
Giá cổ phiếu giảm quá đà trên HNX khiến bên bán không ngần ngại tiết cung và đặt lệnh bán cao hơn giá tham chiếu. Có thể chúng ta sẽ lại tiếp tục chứng kiến dòng tiền đầu cơ chảy mạnh trên HNX. Trên thực tế, quan điểm thận trọng của giới đầu tư chưa hoàn toàn bị xóa bỏ và chiến thuật đầu tư ngắn hạn còn được áp dụng phổ biến.
Chúng ta cũng chưa thể khẳng định chắc chắn rằng sự điều chỉnh đã kết thúc hay chưa. Nếu như trong những phiên cuối tuần sự phục hồi trên HoSE vẫn tiếp tục thì khả năng duy trì đà tăng điểm là rất cao (xem chi tiết). |
Theo AVS, thị trường đang trong xu hướng tăng trung và dài hạn. Tuy nhiên, thị trường cần một thời gian tích lũy trước khi tiếp tục đi tiếp. Do đó, xu hướng ngắn hạn là tiếp tục đi ngang và dao động trong ngưỡng 470 – 490 điểm.
Khả năng dao động hẹp vẫn tiếp diễn
CTCK Woori CBV thì cho rằng, việc thị trường tăng điểm phiên 12/01 chưa thực sự mạnh, dòng tiền vận động vẫn còn yếu do đó thị trường có lẽ chỉ đơn thuần là đợt phục hồi mang tính kỹ thuật sau một thời gian dài giao dịch lình xình.
Sự tăng điểm phiên này cũng thiếu bền vững đặc biệt chú ý tại những thời điểm hồi trong phiên, lực hồi mua giá cao vẫn chưa thực sự hứng khởi, tâm lý thận trọng vẫn tiếp tục duy trì. Một số công ty niêm yết đã bắt đầu công bố kết quả kinh doanh quý 4 nhưng khó tạo đột biến do đó kỳ vọng sóng nhờ kết quả kinh doanh là khó xảy ra.
Tuy nhiên, Woori CBV cho rằng, kỳ vọng của nhà đầu tư trước thềm Đại hội Đảng và tâm lý bắt đáy của một số nhà đầu tư có lẽ sẽ giúp thị trường vận động tích cực trong vài phiên tới chứ không chỉ là một phiên bulltrap đơn thuần.
Trên phương diện phân tích kỹ thuật, Woori CBV cho biết, VN-Index chưa có tín hiệu tích cực gì nhưng vẫn cố thủ trên mốc 470 điểm cùng với nhiều cổ phiếu đã trở lại vùng giá thấp sẽ tạo điểm tựa vững chắc cho VN-Index.
Cuối cùng, Woori nhận định khả năng thị trường dao động hẹp vẫn sẽ tiếp diễn khi thanh khoản chưa có chiều hướng cải thiện.
Nên quan sát tín hiệu dòng tiền
Đứng trên một góc nhìn khác, CTCK Sacombank (SBS) cho rằng kịch bản của thị trường trong những phiên gần đây có phần giống với kịch bản đi ngang như thời gian tháng 4 năm 2010. Khi đó, thị trường tiếp tục giao dịch chờ đợi và đi ngang. Mặc dù không có thông tin gì xấu được công bố, tuy nhiên lực cầu yếu đang khiến dòng tiền đổ vào thị trường chỉ nằm chờ đợi và không giải ngân vào mức giá quá cao. Vì vậy, vào thời gian này các nhà đầu tư nên tiếp tục quan sát các tín hiệu của dòng tiền trước khi giải ngân cho mục đích ngắn hạn.
Về trung hạn, SBS vẫn cho rằng tín hiệu MUA vẫn còn hiệu lực; do đó khuyến nghị các nhà đầu tư mua vào cho mục đích trung và dài hạn.
Cổ phiếu dẫn dắt đều rơi vào chu trình suy giảm
CTCK Dầu khí (PSI) nhận xét, với việc giá đóng cửa gần ở mức thấp nhất cho thấy lực cung vẫn áp đảo lực cầu bắt đáy.
Theo PSI, hiện tại VN-Index vẫn đang chuyển động trong kênh giao dịch 470-490 và mức hỗ trợ tại khu vực 468-470 là khá mạnh. Điểm số của chỉ số VN-Index bị tác động lớn bởi giao dịch của các mã có vốn hóa lớn cho nên chỉ báo Vnindex có thể không rơi khỏi khu vực hỗ trợ.
Phiên này vẫn chưa cho rõ dấu hiệu tích cực hay tiêu cực về thị trường. Nếu phiên ngày mai (13/01) thị trường giảm điểm thì cho thấy phiên 12/01 chỉ là phiên phục hồi giả tạo (dead-cat-bounce).
Quan sát thêm mã SSI là mã dẫn dắt trên sàn HOSE trong thời gian vừa qua cho thấy SSI đang trong chu trình suy giảm và có vẻ như rất khó để SSI có thể tăng lên vì vùng kháng cự 30-33,000 đ/cp của SSI khá mạnh, hội tụ nhiều cổ phiếu giao dịch đòi hỏi SSI phải tích lũy và có khối lượng giao dịch lớn mới vượt qua khu vực này.
Về mặt tích cực, VN-Index bật lên khi chạm vào mốc EMA(21) là tích cực. Đà giảm của VN-Index hiện tại khó giảm sâu ngắn hạn. Tuy nhiên cần chờ vài phiên tới nếu thị trường tiếp tục trụ vững trên 475 điểm hoặc tăng mạnh bật khỏi 487 điểm với khối lượng lớn thì nhà đầu tư ngắn hạn nên giải ngân. Nhà đầu tư trung dài hạn nên từ từ mua vào.
Tại thị trường Hà Nội, sau khi xác nhận mô hình vai đầu vai thuận, chỉ báo HNX-Index đã có những phiên giảm điểm mạnh với lực bán áp đảo đẩy giá đóng của luôn gần về mức thấp nhất. Phiên giao dịch ngày 11/12, chỉ báo HNX-Index xuyên thủng dải Bollinger.
Theo PSI, phiên tăng điểm ngày 12/01 của HNX-Index chưa hẳn là tích cực. Đây có thể là hiện tượng của thông thường để kéo chỉ báo HNX-Index trở vào trong dải Bollinger. Quan sát những mã những mã dẫn dắt sàn HNX trong thời gian vừa rồi như KLS, BVS, VCG có thể thấy những mã này đều rơi vào mô hình suy giảm khá xấu và không dễ tăng giá trở lại. Do đó, PSI cho rằng nhà đầu tư nên bán ra tiếp nếu HNX-Index giảm xuống dưới 104 điểm một cách thuyết phục. Ngược lại, nên mua vào nếu HNX-Index vượt khỏi 111 điểm với khối lượng khá.
Thị trường đi ngang không theo xu hướng
CTCK Phố Wall (WSS) thì cho rằng, trước hết, thị trường bật tăng ngay từ đầu phiên trong khi diễn biến những phiên vừa qua cho thấy cầu đang yếu không khỏi gây nghi ngờ về một bull-trap để thoát hàng. Nhìn chung, cầu có cải thiện trên diện rộng, đặc biệt là tại các mã penny và midcap đã liên tục giảm điểm trong thời gian qua.
Tuy nhiên, cầu vẫn chưa đủ mạnh để giữ giá cổ phiếu, vì vậy, mà thị trường đuối dần về cuối phiên và chỉ phục hồi yếu ớt trước thời điểm đóng cửa. Bên cạnh đó, khả năng tăng điểm luôn vấp phải áp lực bán tại giá cao. Từ góc độ người mua, tranh chấp mua giá cao tại thời điểm này vẫn rủi ro và không phải lựa chọn sáng suốt nhất.
Thứ hai, diễn biến 5 phiên giao dịch gần đây cho thấy thanh khoản đang tăng dần lên theo đà giảm của thị trường đang phản ánh trạng thái tâm lý xấu đi, cung tăng lên. Trong phiên 12/01, cung giảm đi đáng kể khi xuất hiện cầu giá cao ngay từ đầu phiên chứ thực chất không do kỳ vọng thay đổi. Khối lượng giao dịch tổng cộng trên hai sàn đều tăng. Tuy nhiên, xét riêng giao dịch khớp lệnh trên HOSE chỉ đạt trên 26 triệu CP, giảm 29% so với phiên trước. Trên HNX, thanh khoản cũng giảm 28.6% so với phiên trước.
Trên phương diện phân tích kỹ thuật, dải Bollinger band của VN-Index đã thu hẹp lại. Các chỉ báo kỹ thuật biến động tăng giảm đảo chiều liên tục, cho khả năng dự báo thấp, mang đặc điểm của giai đoạn thị trường đi ngang, không theo xu hướng rõ ràng.
Vì vậy, phiên tăng điểm ngày 12/01 nhiều khả năng chỉ nằm trong chuỗi tăng giảm nhẹ trong quá trình đi ngang ngắn hạn của thị trường.
Với những nhận định đó, WSS khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì tỷ lệ tiền mặt cao và quan sát tình thế thị trường tại vùng hỗ trợ. Nếu lực cầu cải thiện dần khi VN-Index rơi về gần 470 điểm thì có thể xem xét giải ngân. Nhưng rủi ro cho lướt sóng vẫn khá cao với phần lớn các cổ phiếu, do vậy giải ngân vào giai đoạn này phù hợp với mục tiêu đầu tư trung hạn.
Viết Vinh tổng họp
|