Năm 2011, cơ quan quản lý ưu tiên “trả nợ” thị trường
"Năm 2011 sẽ là năm trọng tâm xây dựng và ban hành nhiều chính sách quan trọng cho sự phát triển của TTCK", ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), cho biết.
Tái cấu trúc
Trước tiên, theo ông Sơn, thị trường sẽ được tái cấu trúc nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa niêm yết và tăng trách nhiệm công bố thông tin của công ty đại chúng. Thị trường được tái cấu trúc lại bằng việc phân định lại thị trường niêm yết, thị trường UPCoM và thị trường giao dịch thông qua các CTCK.
Cụ thể, một nghị định về chuẩn mực công ty niêm yết trên TTCK dự kiến sẽ được ban hành tập trung vào tiêu chí quy mô vốn hóa, vốn điều lệ tối thiểu của DN niêm yết tăng lên 120 tỷ đồng với sàn HOSE và 30 tỷ đồng với sàn Hà Nội. Quy định này nhằm nâng cao chất lượng công ty niêm yết trong bối cảnh số lượng cổ phiếu trên sàn tăng quá nhanh mà chất lượng không ổn định. Các điều kiện để một công ty lên giao dịch ở thị trường UPCoM cũng sẽ được cải thiện. Đặc biệt, Ủy ban đang nghiên cứu về thị trường thứ 4 là thị trường giao dịch qua CTCK và Trung tâm Lưu ký.
Thị trường trái phiếu chính phủ được sắp xếp lại theo hướng giảm số mã trái phiếu. Khoảng 40 mã trái phiếu có số lượng nhỏ, ít giao dịch sẽ được rút lại còn 5 mã bằng cách Nhà nước mua lại trái phiếu phát hành số lượng nhỏ hoặc trái phiếu gần đáo hạn. Hiện nay, trên thị trường có hơn 500 mã trái phiếu chính phủ, nhưng khoảng 100 mã không giao dịch, cá biệt có những mã số lượng chỉ khoảng 50 - 70 tỷ đồng mệnh giá.
Chính sách mới về phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) gắn với niêm yết cũng được quy định với việc các công ty đại chúng IPO sẽ phải tham gia TTCK trong vòng 1 năm. Chuẩn mực công bố thông tin sẽ được nâng cao theo cách tiếp cận mới là dựa trên quy mô và tính đại chúng của công ty đại chúng. Công ty có vốn điều lệ 150 tỷ đồng và 300 cổ đông trở lên là đối tượng có trách nhiệm cung cấp thông nặng nề nhất, không phân biệt là công ty niêm yết hay không.
Về chuẩn mực công bố báo cáo, ngoài các báo cáo phải công bố như hiện nay, DN còn phải công bố báo cáo về vốn chủ sở hữu.
Để hỗ trợ DN huy động vốn ở nước ngoài, Chính phủ dự kiến sẽ ban hành văn bản quy định về chào bán và niêm yết cổ phiếu của DN Việt Nam ở nước ngoài và công ty nước ngoài niêm yết ở thị trường Việt Nam. "Năm 2010, chúng tôi đã phải xử lý cho một số trường hợp chào bán cổ phiếu ở nước ngoài của DN như Vincom, Hoàng Anh Gia Lai… khi chưa có quy định cụ thể", ông Sơn cho biết.
Sẽ có "Thông tư 13" cho CTCK
Dự kiến, CTCK là đối tượng chịu điều chỉnh của nhiều quy định mới trong năm nay. Ông Sơn cho biết, sẽ có nhiều "điều kiện" chặt chẽ hơn đối với các CTCK tham gia thị trường, bởi những tiêu chuẩn mới nhằm nâng cao sức cạnh tranh của các định chế tài chính trung gian như CTCK sẽ được ban hành trong năm 2011 mà các nhà lập pháp coi những quy định này giống như "Thông tư 13" với các ngân hàng.
Một thông tư về phí chứng khoán sẽ cấu trúc lại các loại phí hiện nay. Thông tư này sẽ quy định phí phát hành, khống chế mức sàn phí giao dịch chứng khoán để tránh việc các CTCK cạnh tranh không lành mạnh bằng việc giảm phí để lôi kéo khách hàng.
Ngoài ra, do mỗi CTCK có thế mạnh khác nhau nên để xếp hạng, UBCK sẽ công bố thị phần phát hành, tư vấn tài chính bên cạnh thị phần môi giới mà hai Sở GDCK công bố định kỳ hiện nay.
Trả nợ thị trường
"Món nợ" lớn nhất của cơ quan quản lý với thị trường hiện nay là cơ chế giao dịch mới như cho phép nhà đầu tư mở nhiều tài khoản, được mua bán cùng loại cổ phiếu trong một ngày, margin, bán chứng khoán trước ngày T+4 vẫn chưa được áp dụng sau nhiều hứa hẹn. Sau 10 năm phát triển, TTCK Việt Nam là thị trường duy nhất ở châu Á áp dụng quy định giao dịch chặt chẽ như hiện nay. Bất cập này ngày càng lộ rõ nếu nhìn sang TTCK Lào. Ngày TTCK vừa mới khai sinh là thị trường Lào đã cho phép nhà đầu tư mở nhiều tài khoản, mua bán cùng loại chứng khoán cùng phiên, vay mua chứng khoán.
Theo ông Sơn, năm 2011 UBCK sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống đăng ký lưu ký trên thị trường. Trung tâm Lưu ký giám sát tài khoản khách hàng và giám sát sự lạm dụng tài khoản khách hàng của CTCK. Xây dựng hệ thống văn bản pháp lý điều tiết hoạt động vay và cho vay chứng khoán. Đây là cơ sở để triển khai một số sản phẩm dịch vụ nói trên trong thời gian sớm nhất để hỗ trợ thanh khoản thị trường.
Thành Nam
Đầu tư chứng khoán
|